Ngày 16/4/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc” năm 2023 ngay sau chuyến khảo sát do Trung tâm Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành Unesco tổ chức tại các khu, điểm du lịch: Flamingo Đại Lải, Sân golf Thanh Lanh, khu di tích danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Tam Đảo... Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc năm 2023 và hưởng ứng Năm du lịch quốc gia.
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc Trần Thị Minh Lợi cho biết, để phát triển sản phẩm du lịch địa phương, tỉnh đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương nhằm khai thác tốt giá trị nổi bật của các di sản văn hóa, danh thắng thiên nhiên, di tích lịch sử - cách mạng, trước mắt là các loại hình du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật... để thu hút khách; tăng cường kết nối điểm đến và chuỗi cung ứng dịch vụ của tỉnh thành các sản phẩm du lịch an toàn, có chất lượng, giá cả hợp lý. Hiện tỉnh đang tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, bao gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, du lịch MICE, du lịch thể thao golf, hình thành các khu du lịch trọng điểm có tính độc đáo, tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh cao, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng.
Đóng góp cho sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc, Giám đốc Công ty Sun CT Travel Chử Quỳnh Trang cho rằng, du lịch Vĩnh Phúc thực sự hấp dẫn đặc biệt là các điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử vì vậy tour 2 ngày 1 đêm sẽ không đủ thời gian để du khách trải nghiệm hết. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống nhà hàng có phân khúc trung bình vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu các đoàn khách học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, để gia tăng trải nghiệm cho khách, Vĩnh Phúc cần bổ sung thêm các dịch vụ du lịch buổi tối cho khách như biểu diễn văn nghệ, chợ đêm...
Theo Giám đốc Công ty Sun Smile Việt Nam Dương Thanh Hằng, hiện tại các tuyến điểm du lịch Vĩnh Phúc chưa có gì mới trong khi Vĩnh Phúc vẫn còn những dư địa chưa được khai thác như: làng nghề gốm Hương Canh, các cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nuôi ong... Đây hoàn toàn là những sản phẩm du lịch mới mang những nét độc đáo riêng có của Vĩnh Phúc. Riêng với Tam Đảo, huyện cần có quy hoạch bài bản hơn đối với các khu vực bán hàng lưu niệm, quà vặt, giải khát, tránh tình trạng bày bán hàng tràn lan tại các điểm tham quan gây mất mỹ quan và bảo tồn các di sản, khu vực nhà thờ Đá là một ví dụ.
Là một đơn vị lữ hành từng đưa nhiều đoàn khách đến Vĩnh Phúc, Giám đốc Đào Hồng Thương đến từ Vietsky Travel đánh giá cao các sản phẩm truyền thống của Vĩnh Phúc như du lịch tâm linh, golf hiện đang thu hút lượng lớn du khách... Tuy nhiên, theo ông Thương, địa phương cần tận dụng những lợi thế cảnh quan như những con đường đẹp, vựa cây cảnh... để du khách được tận hưởng thiên nhiên trọn vẹn hơn. Bên cạnh đó, việc chuyên nghiệp hóa trong ứng xử du lịch và dịch vụ sẽ kéo lượng khách đến với Vĩnh Phúc đông hơn nữa trong thời gian tới.
Tựu chung lại, doanh nghiệp lữ hành 3 miền đánh giá cao tiềm năng và lợi thế du lịch Vĩnh Phúc song vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục, bổ sung như: các điểm check-in, điểm dừng nghỉ có mái che, nhà vệ sinh công cộng, điểm bán hàng lưu niệm quà tặng, tận dụng không gian trống của các nhà hàng tại các sân golf để tổ chức sự kiện, tiệc chiêu đãi...
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Unesco Trương Quốc Hùng bày tỏ mong muốn các đơn vị lữ hành kết nối để du khách miền Nam và miền Trung biết đến du lịch Vĩnh Phúc nhiều hơn thay vì nguồn khách truyền thống của Hà Nội và các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để có những hình thức giám sát, quản lý chặt chẽ hơn chất lượng, giá cả dịch vụ tránh nảy sinh những vấn đề bất cập khi lượng khách quá đông vào những dịp cao điểm.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương cho rằng, mặc dù hiện tại các điểm du lịch Vĩnh Phúc không mới nhưng đã tập trung đẩy mạnh 5 dòng sản phẩm chất lượng cao đặc biệt là du lịch golf. Để phát triển và tận dụng tốt hơn nữa tài nguyên du lịch địa phương, Vĩnh Phúc nên đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch sức khỏe, du lịch đêm trong đó điểm nhấn là 2 đêm cuối tuần để du khách gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và mức chi tiêu.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc Trần Thị Minh Lợi khẳng định, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện và xây dựng một môi trường đầu tư hợp tác kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng. Lãnh đạo ngành Văn hóa, thể thao du lịch Vĩnh Phúc luôn lắng nghe, trao đổi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Để góp phần triển khai hiệu quả các hoạt động kích cầu du lịch, Vĩnh Phúc cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu về điểm đến du lịch Vĩnh Phúc an toàn, thân thiện trên các phương tiện truyền thông, tại các hội chợ, triển lãm du lịch; thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút khách.
Phương Nhi