Báo Khánh Hòa điện tử - baokhanhhoa.vn - Đăng ngày 11/4/2023
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, du lịch Khánh Hòa chỉ mạnh về dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng; sản phẩm du lịch chủ yếu khai thác lợi thế sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, thiếu đầu tư chiều sâu, thiếu các điểm vui chơi, giải trí về đêm. Chính vì vậy, khách du lịch đến Khánh Hòa có mức chi tiêu chưa cao.
Mức chi tiêu của khách chưa cao
Tạp chí du lịch quốc tế nổi tiếng Condé Nast Traveler (Mỹ) đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 điểm đến du lịch rẻ nhất châu Á trong năm 2023. Điều này không có gì ngạc nhiên, bởi từ lâu nay, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thu hút khách quốc tế có mức chi tiêu cao. Trong bối cảnh đó, du lịch Khánh Hòa cũng không khá hơn. Theo báo cáo của Sở Du lịch, quý I/2023, Khánh Hòa đón khoảng 784.650 lượt khách lưu trú qua đêm, tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 4.559,4 tỷ đồng (xếp thứ 9 cả nước về tổng thu du lịch quý I). Tính trung bình mỗi khách du lịch đến Khánh Hòa chi tiêu khoảng 5,8 triệu đồng.
Trước đó, năm 2019, Sở Du lịch đã khảo sát và đưa ra con số chi tiêu của khách quốc tế đến Khánh Hòa. Dẫn đầu là khách Nga chi tiêu bình quân hơn 1.500 USD (bình quân hơn 110 USD/ngày/khách), trong đó: tiền thuê phòng chiếm 30%, ăn uống 22%, mua hàng hóa, quà lưu niệm 15%, tham quan chiếm 11%, còn lại là chi tiêu khác. Khách Hàn Quốc chi tiêu chuyến đi bình quân hơn 739 USD (bình quân hơn 216 USD/ngày/khách), với tiền thuê phòng chiếm 37%, ăn uống 20%, mua hàng hóa, quà lưu niệm 9%, tham quan chiếm 8%, còn lại là chi tiêu khác. Khách Trung Quốc chi tiêu bình quân chuyến đi hơn 583 USD (bình quân hơn 117 USD/ngày/khách), trong đó: tiền thuê phòng chiếm 20%, ăn uống 14%, mua hàng hóa, quà lưu niệm 19%, tham quan chiếm 16%, còn lại là chi tiêu khác.
Thực tế trên cho thấy, đến nay, du lịch Khánh Hòa chưa thu hút được khách hạng sang có mức chi tiêu cao; chưa có những sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn để có thể “buộc” du khách quốc tế phải “rút hầu bao”, nhất là dịch vụ vui chơi giải trí về đêm. Mới nhất, Công ty Cổ phần Vega City khánh thành Nhà hát Đó (khu vực Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) và ra mắt vở diễn Rối mơ - Life Puppets… Tuy nhiên, chừng đó vẫn còn quá ít với nhu cầu ngày càng cao của du khách. Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Giải pháp kinh doanh Corex, các sản phẩm, dịch vụ ban đêm của Khánh Hòa chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là ăn uống, các hoạt động văn hóa nghệ thuật chưa nhiều; các chợ đêm hay khu phố đêm chưa thực sự ấn tượng. Bên cạnh đó, thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn quá ngắn; đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ ban đêm đóng cửa lúc 23 - 24 giờ.
Hiện tại, mức chi tiêu của khách du lịch nói chung và khách quốc tế nói riêng đến Khánh Hòa còn thấp hơn trước dịch Covid-19. Ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch lý giải, sau đại dịch, nền kinh tế bị suy thoái, ngành Du lịch bị ảnh hưởng đáng kể. Người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, kể cả trong khi đi du lịch. Nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ cao cấp chưa mở cửa trở lại nên sản phẩm và dịch vụ phục vụ khách du lịch chưa đa dạng, khách chưa có chỗ để chi tiêu... Dù các doanh nghiệp du lịch có nhiều nỗ lực hình thành sản phẩm mới sau dịch nhưng vẫn chưa thật sự hấp dẫn để thu hút du khách...
Khách Hàn Quốc đến Khánh Hòa đầu tháng 3/2023
Cần thêm nhiều dịch vụ đẳng cấp
Trong cuộc họp mới đây về Đề án Kinh tế đêm, Công ty Cổ phần Giải pháp kinh doanh Corex (đơn vị tư vấn xây dựng Đề án Kinh tế đêm của tỉnh) đề xuất nên tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí về đêm tại khu vực bãi biển Nha Trang, khu vực Bãi Dài Cam Ranh, tổ chức các tuyến phố đi bộ và chợ đêm, các khu giải trí, ẩm thực, mua sắm, nghệ thuật đường phố. Đơn vị tư vấn cũng đề xuất cần nghiên cứu có các giải pháp chiếu sáng mỹ thuật cầu Trần Phú, cầu Xóm Bóng kết hợp với Tháp Bà Ponagar, Nhà thờ Chánh Tòa, công viên bờ biển… Nhiều người làm du lịch cũng cho rằng, du lịch Khánh Hòa cần sự đổi thay về “chất” để thu nhiều hơn. “Để khách phải chi tiêu, du lịch Khánh Hòa cần thu hút đầu tư, phát triển các hoạt động văn hóa - vui chơi giải trí, mua sắm; dịch vụ du lịch về đêm, như: Tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc, tour ngủ đêm trên biển…”, ông Nguyễn Đức Tấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam chia sẻ.
Theo các chuyên gia du lịch, Khánh Hòa có lợi thế về thời tiết, dịch vụ nghỉ dưỡng nên cần đẩy mạnh du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển mô hình trung tâm mua sắm miễn thuế (outlet) để kích thích khách tiêu tiền. Năm 2019, Khánh Hòa đã đón 7 triệu lượt khách, trong đó có hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng cả TP. Nha Trang không có trung tâm mua sắm hàng miễn thuế là điều đáng tiếc; chỉ một vài quầy hàng tại khu mua sắm miễn thuế của Nhà ga quốc tế Cam Ranh dành cho khách quốc tế không đủ hấp dẫn để khách chi tiền. “Làm sao để du khách quốc tế đến Khánh Hòa phải được cung cấp một combo trọn gói (du lịch, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, mua sắm…). Đừng để khách mang tiền đến lại phải mang về”, ông Phạm Hà - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Lữ hành Luxury Travel bày tỏ.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trong Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 đang xây dựng đều có định hướng mở rộng không gian du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao. Hiện nay, tỉnh nỗ lực thu hút các nhà đầu tư để triển khai; đồng thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bổ sung Khánh Hòa vào danh sách các địa phương được thí điểm về kinh tế, xin phép xây dựng casino trên đảo Hòn Tre (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang)… để nâng tầm sản phẩm du lịch Khánh Hòa. |
Xuân Thành
Báo Khánh Hòa điện tử - baokhanhhoa.vn - Đăng ngày 11/4/2023