Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực du lịch

Chiều ngày 10/4, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã có buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực du lịch.

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; cùng các Phó Tổng cục trưởng và lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch. Về phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tham dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng; Ủy viên Thường trực Bùi Hoài Sơn; Ủy viên chuyên trách Trần Việt Anh; cùng các chuyên gia, chuyên viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đã đề nghị Tổng cục Du lịch báo cáo kết quả tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực du lịch cũng như hoạt động phát triển du lịch, những khó khăn, đề xuất.

Du lịch Việt Nam hồi phục mạnh mẽ

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khái quát hoạt động du lịch từ khi thực hiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới (ngày 15/3/2022) tới nay. Theo đó, từ khi mở cửa lại toàn diện hoạt động du lịch, thị trường nội địa có tốc độ phục hồi nhanh và tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (vẫn giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh báo cáo tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực du lịch

Việc mở cửa du lịch quốc tế đã thể hiện ý chí, nỗ lực của toàn ngành nhằm “phá băng” sau gần 2 năm đóng cửa. Việt Nam đã được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực. Ngay sau khi mở cửa, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường toàn cầu của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Những nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt của Du lịch Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, Du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á, tiếp tục khẳng định thương hiệu, vai trò và vị thế của Du lịch Việt Nam trong khu vực và trên toàn thế giới.

Quý I/2023, tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 27,7 triệu lượt khách, trong đó riêng tháng 3 ước đạt 7,5 triệu lượt khách; có khoảng 5 triệu lượt khách có lưu trú. Trong quý I/2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,7 triệu lượt. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapo, Campuchia, Úc. Tổng thu từ khách du lịch 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục hồi và thích ứng trong trạng thái “bình thường mới”. Các địa phương đã tập trung triển khai phương án mở cửa lại hoạt động du lịch; chủ động tổ chức chương trình quảng bá điểm đến thông qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch thu hút du khách. Các địa phương cũng cùng với doanh nghiệp chủ động hoàn thiện, làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Hoạt động du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm có nhiều tín hiệu khởi sắc nhất là trong dịp nghỉ lễ; nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vượt bậc so với năm trước. Các địa phương đồng thời triển khai nhiều hoạt động liên kết du lịch liên tỉnh, liên vùng và bước đầu ghi nhận kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú đã chủ động trong việc mở cửa đón khách trở lại, chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ khách; xây dựng các chương trình giảm giá kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; chú trọng chất lượng dịch vụ… Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới kết nối với các thị trường nguồn của Du lịch Việt Nam như Ấn Độ, Frankfurt (Đức), London (Anh), San Francisco (Mỹ). Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến…

Tham mưu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ du lịch

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, giai đoạn 2021-2023, Tổng cục Du lịch đã tham mưu ban hành Nghị định số 129/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định số 30/2022/NĐ-CP quy định mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia; Thông tư số 15/2022/TT-BVHTTDL hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Văn bản hợp nhất số 4634/VBHN-BVHTTDL về Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đã tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch chịu tác động của dịch COVID-19 như Nghị định số 94/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 18.243 hướng dẫn viên được hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 trên tổng số 19.567 hồ sơ đề nghị, chiếm 61,8% số lượng hướng dẫn viên cả nước; tổng số tiền đã hỗ trợ là 67.663.530.000 đồng. Các doanh nghiệp cũng được gia hạn nôp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021 (Nghị định 52/2021/NĐ-CP); được giảm 15% tiền thuê đất năm 2020 (Nghị quyết số 84/NQ-CP và Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg), giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 (Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg); giảm 30% mức thuế suất thuế VAT hoặc giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với hàng hóa, dịch vụ: (i) dịch vụ vận tải, (ii) dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch… (Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 (Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15); giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất trong 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến tháng 12/2021 (Nghị quyết số 55/NQ-CP); giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành (Thông tư số 35/2020/TT-BTC và Thông tư số 112/2020/TT-BTC), kéo dài đến hết năm 2021 (Thông tư số 47/TT-BTC), tiếp tục kéo dài đến hết 30/6/2022 (Thông tư số 120/2021/TT-BTC); giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023 (Nghị định số 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành); lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021 (Công văn số 2059/TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19); các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (Nghị định 44/2021/NĐ-CP).

Triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Tổng cục Du lịch đã hướng dẫn các địa phương trong công tác thẩm định và công nhận khu, điểm du lịch. Đến nay, cả nước có 426 điểm du lịch, 44 khu du lịch cấp tỉnh. Hầu hết tỉnh/thành phố đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; đã có 23/49 quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đã được phê duyệt, triển khai, tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế xã hội các địa phương trên cả nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Về sản phẩm du lịch, toàn ngành Du lịch đang tập trung xây dựng, quảng bá 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, truyền thống gồm: Du lịch biển đảo; Du lịch văn hóa; Du lịch sinh thái; Du lịch đô thị. Sau đại dịch COVID-19, xu hướng và nhu cầu du lịch của du khách đã thay đổi, Tổng cục Du lịch đã nghiên cứu, làm mới sản phẩm du lịch, đáp ứng xu hướng mới của du khách. Củng cố cơ sở vật chất phục vụ các yêu cầu chuyên biệt của một số nhóm khách đang là thị trường tiềm năng như khách đạo Hồi, đạo Hindu… Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; kết nối tour, mở rộng tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng nhằm đa dạng sản phẩm du lịch; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực du lịch vùng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Về việc tạo thuận lợi cho khách du lịch, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao báo cáo Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, bổ sung, nâng tổng số quốc gia được áp dụng thị thực điện tử lên 80 nước; áp dụng cấp thị thực điện tử tại 38 cửa khẩu. Khôi phục chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Liên Bang Nga, Bê-la-rút, Vương Quốc Anh và Bắc Ireland, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha; bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày. Áp dụng chính sách cấp thị thực theo đoàn đối với khách du lịch tàu biển; miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển. Tham mưu Lãnh đạo Bộ góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc miễn thị thực đơn phương 5 năm cho công dân của 23 nước thuộc châu Âu dự kiến có hiệu lực từ tháng 5/2023. Tham gia vào quy trình xây dựng Luật sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam dự kiến trình Quốc hội vào phiên họp tháng 5/2023: nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày…

Về phục hồi, phát triển nguồn nhân lực du lịch phục vụ hoạt động du lịch, giai đoạn 2020 -2022, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Chính phủ, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người lao động. Tại một số địa phương, lao động du lịch được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm. Nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Khánh Hòa… đã hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực du lịch để khắc phục tình trạng nhân lực du lịch chưa đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; liên kết với các địa phương để đào tạo và tuyển dụng lao động ở các tỉnh lân cận có khả năng cung ứng lao động.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến nhằm thu hút khách du lịch. Cụ thể như đề xuất và triển khai Chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; phối hợp với các địa phương tổ chức thành công Lễ khai mạc và chuỗi các sự kiện du lịch thuộc Năm Du lịch Quốc gia 2022, 2023;  thực hiện xúc tiến du lịch tại chỗ khi Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31. Phối hợp tổ chức thành công và tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022; Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF và quảng bá tại Hội chợ Travex 2022 – Campuchia; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCM 2022; Hội chợ WTM Anh; Lễ hội giới thiệu văn hóa, du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc; Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản... Triển khai Chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch “Live fully in Vietnam” hướng tới thị trường du lịch trọng điểm; đẩy mạnh cập nhật, phát triển hệ thống các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… nhằm lan tỏa mạnh mẽ thông tin du lịch Việt Nam cũng đã đạt hiệu quả tích cực.

Tổng cục Du lịch đồng thời tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Du lịch, mục tiêu hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc. Tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”; “Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025”; “Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”… Xây dựng các nền tảng số hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch: Hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Hệ thống Báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; Hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch; Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Nền tảng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”: hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, mua sắm trực tuyến;”; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh; Hệ thống vé điện tử… Xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số trong ngành Du lịch làm khung hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ trong ngành Du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành. Tập huấn hướng dẫn về chuyển đổi số tại nhiều địa phương như: Mường La (Sơn La), Hà Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Cần Thơ…

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, ngành Du lịch vẫn còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư năm 2020. Việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động. Tình trạng đứt gãy nguồn nhân lực, đứt gãy liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành đối tác ở nước ngoài sau 2 năm đóng băng do dịch bệnh; sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, lưu trú còn nhiều bất cập. Chính sách thị thực có nhiều đổi mới, song trong triển khai chưa thực sự sát thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.

Tại buổi làm việc, các Phó Tổng cục trưởng, lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch cũng đã trình bày nhiều ý kiến làm rõ thêm các nội dung về đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, liên kết xây dựng sản phẩm, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp… Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng đề kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo thẩm quyền chỉ đạo xây dựng khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho du lịch phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị điều chỉnh Luật Du lịch 2017, sửa đổi tên gọi từ “Tổng cục Du lịch” thành “Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam” để phù hợp với thực tế. Xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư cũng như là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư; xem xét sửa đổi Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (2017) và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài; xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai được Đề án phát triển kinh tế đêm. Sớm ban hành Nghị quyết về các chính sách nới lỏng thị thực đối với khách quốc tế; xem xét, ban hành Nghị quyết về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; xem xét, ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch và nhân lực chất lượng cao phù hợp với các thoả thuận của Việt Nam và quốc tế về nhân lực ngành Du lịch. Tăng cường hơn nữa công tác giám sát thực hiện các quy định của Luật Du lịch 2017.

 
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại buổi làm việc

Cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đánh giá cao trách nhiệm của Tổng cục Du lịch trong công tác chuẩn bị cho buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Các ý kiến của Tổng cục Du lịch tại buổi làm việc đã phản ánh tâm tư, thể hiện trách nhiệm làm việc cao độ trước công việc được giao và tinh thần sắp xếp lại Tổng cục Du lịch tại Nghị định số 01/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Thứ trưởng đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch là không chạy theo số lượng khách, mà chú ý đến chất lượng, mức chi tiêu của khách, dòng khách; phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và Hội nghị toàn quốc về du lịch, tạo ra sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ, sự phát triển của ngảnh Du lịch thời gian tới. Bên cạnh đó là việc tổ chức nhiều Hội thảo, hoạt động khác thể hiện sự chủ động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, trong đó có Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; tuy nhiên, vì một số lý do khách quan mà kết quả không được như mong đợi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang nghiên cứu, đề xuất việc đánh giá công tác triển khai Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, trên cơ sở đó rà soát lại những bất cập của Luật Du lịch với xu thế phát triển trong tình hình mới hiện nay; từ đó, đưa ra những đề xuất cụ thể có liên quan… Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng chia sẻ việc triển khai chuyển đổi số đang gặp trở ngại ở tất cả các đơn vị, bởi hội đồng tư vấn không đánh giá được giá trị các phần mềm triển khai.

 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng phát biểu tại buổi làm việc

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng ghi nhận báo cáo của Tổng cục Du lịch và cho biết sẽ nghiên cứu sâu hơn các vấn đề để có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng cũng đánh giá cao báo cáo của Tổng cục Du lịch cung cấp nhiều thông tin trước, trong và sau dịch COVID-19; đặc biệt là vấn đề cốt lõi liên quan đến việc đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch, thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng đề nghị Tổng cục Du lịch bổ sung báo cáo, đánh giá tồn tai, hạn chế và nguyên nhân, thông qua đó đưa ra đề xuất kiến nghị nhằm giúp đại biểu Quốc hội trong việc thảo luận các chính sách sát thực và phù hợp hơn. “Tổng cục Du lịch cần phân tích cụ thể những kiến nghị đề xuất, để thấy rõ mức độ hạn chế; chỉ ra nguyên nhân chủ quan, khách quan; giải pháp xử lý những khó khăn vướng mắc” - Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng đồng thời đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn vừa qua; triển khai nhiều công việc quyết liệt, kịp thời, đem lại kết quả nhất định trong ngành; thúc đẩy, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành nhằm tìm ra giải pháp phục hồi hoạt động du lịch. Dù vậy, Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cần tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư, về điều chỉnh giá điện, chính sách hướng dẫn địa phương về phương thức quản lý, vận hành khai thác điểm du lịch…; đồng thời, đưa ra những báo cáo hết sức cụ thể để kỳ họp Quốc hội tới đây, Quốc hội sẽ đưa ra ý kiến.

Phước Hà

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam