Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An - longan.gov.vn - Đăng ngày 06/4/2023
UBND tỉnh Long An vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030.
Mục tiêu kế hoạch phát triển Làng nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư, ổn định sản xuất, phát triển làng nghề bền vững, xây dựng được tổ chức kinh tếtập thể gắn với hoạt động.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 phát triển diện tích sản xuất tăng lên tối thiểu là 15% so với năm 2020, cụ thể là 460 ha và số hộ dân tham gia trồng mai tăng lên tối thiểu là 605 hộ dân trồng mai. Củng cố 01 hợp tác xã đạt các tiêu chí là hợp tác xã điểm của huyện và hoạt động có hiệu quả.
Phấn đấu xây dựng điểm du lịch nông thôn (có ít nhất 20 hộ tham gia chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch tại làng nghề trồng mai Tân Tây như: dịch vụ lưu trú, câu cá, làm mai kiểng, đờn ca tài tử, ăn uống, xe, ca nô chở khách, chụp hình,…). Hoàn thiện hệ thống giao thông làng nghề đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch nông thôn.
Làng nghề trồng mai xã Tân Tây
Bên cạnh đó, 100% số hộ dân tại Làng nghề trồng mai Tân Tây tham gia xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp phục vụ phát triển du lịch. Phấn đấu 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản. Có ít nhất 02 sản phẩm của làng nghề được công nhận 3 sao trở lên theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2021. Có 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Về nhiệm vụ thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường tổ chức tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề; phát triển hạ tầng, cảnh quan sinh thái làng nghề; liên kết tour, tuyến, vùng, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Long An, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ. Phát triển các hoạt động kết nối với du lịch từ làng nghề như Tổ chức Lễ hội Mai Vàng Phương Nam, Trải nghiệm thực tế "Một Ngày Làm Người Chăm Mai", Tổ chức cuộc thi "Vườn mai đẹp" và Hội thi mai vàng bonsai tỉnh Long An,…
Qua đó, mang lại giá trị tăng cao cho du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp, xây dựng các sản phẩm trải nghiệm gắn với khai thác các giá trị tự nhiên, văn hóa cộng đồng, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương./.
T.H
Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An - longan.gov.vn - Đăng ngày 06/4/2023