Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức

 Du lịch Cao Bằng có cơ hội mới phát triển nhưng đứng trước sự phát triển du lịch mạnh mẽ của cả nước và các tỉnh miền núi phía Bắc, đặt ra nhiều thách thức về cạnh tranh; thu hút khách trở lại là bài toán đặt ra cho các ngành chức năng và doanh nghiệp.

Không gian kiến trúc nhà sàn cổ Homestay Mộc gần điểm di sản Mắt Thần núi (Trùng Khánh) được nhiều du khách lựa chọn đến trải nghiệm.

CHƯA ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ ĐỂ CÓ SẢN PHẨM DU LỊCH HẤP DẪN

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng (DLCĐ) Việt Nam, Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch (SPDL) đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn đủ sức cạnh tranh. Tuy nhiên những tiềm năng, thế mạnh trên chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm, đồng bộ, liên kết chặt chẽ để xây dựng SPDL hấp dẫn, khác biệt. Qua những lần lên Cao Bằng khảo sát, tôi thấy Cao Bằng chưa kết nối chặt chẽ du lịch với nông nghiệp. Trong đó DLCĐ gắn với trải nghiệm về sản xuất nông nghiệp, sản phẩm OCOP chưa có. Chỉ có làng DLCĐ xã Phúc Sen (Quảng Hòa) gắn kết DLCĐ với làng nghề và sản xuất nông nghiệp. Điểm DLCĐ làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), DLCĐ Khuổi Khon dân tộc Lô Lô, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) và một số homestay khác hoạt động còn đơn lẻ, tuy có không gian kiến trúc dân tộc thiểu số nhưng vẫn thiên về dịch vụ lưu trú. Không gian kiến trúc, nếp sinh hoạt các điểm DLCĐ Cao Bằng chất lượng dịch vụ hạn chế, chưa tự phô diễn văn hóa bản địa đặc sắc kết hợp với hoạt động trải nghiệm độc đáo sẽ làm cho du khách dễ nhàm chán, không lưu trú dài ngày và quay trở lại.

Tại các khu du lịch trọng điểm, các Khu di tích Quốc gia đặc biệt: Pác Bó (Hà Quảng), rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An), Khu du lịch thác Bản Giốc có nhiều cảnh đẹp, văn hóa bản địa độc đáo nhưng vẫn chưa có đầu tư, kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp có cây hạt dẻ, mác púp, thạch đen, làng nghề khẩu sli… để giữ chân khách du lịch lưu trú, trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp đặc hữu với thắng cảnh đẹp khác. Cao Bằng có nhiều thẳng cảnh đẹp với khí hậu á nhiệt đới là tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe để thu hút khách nghỉ dưỡng dài ngày và thường niên nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư nào quan tâm phát triển SPDL mới này. Hiện nay, du lịch Cao Bằng phần lớn là khách du lịch đại trà, chưa thu hút khách nghỉ dài ngày và quay trở lại - ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng du lịch dịch vụ tạo nhiều SPDL mới hấp dẫn, tỉnh chưa có nhiều nguồn lực để đầu tư đồng bộ. Từ năm 2015 đến nay, Cao Bằng huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, tháo gỡ “điểm nghẽn” để nối các điểm du lịch trong tỉnh và kết nối Cao Bằng với các tỉnh, thành phố lớn trong nước. Tỉnh thiếu kinh phí để triển khai một số nhiệm vụ trong Kế hoạch số 1792/KH-TBDLDV ngày 11/7/2022 về thực hiện nội dung đột phá và phát triển du lịch bền vững. Cao Bằng chưa mời gọi được nhà đầu tư chiến lược để phát triển có quy mô lớn; quy hoạch và triển khai quy hoạch các khu du lịch trọng điểm còn chậm, thiếu nhiều về nguồn đầu tư; du lịch địa phương hạn chế về mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch (DVDL).

Đa số các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng quy mô vừa và nhỏ. Vốn đầu tư phát triển du lịch của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh DVDL, nhất là đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ còn hạn chế. Vì vậy, năm 2022, tuy Cao Bằng thu hút hơn 1,1 triệu lượt du khách, tăng 165% so với cùng kỳ nhưng công suất sử dụng phòng lưu trú mới chỉ trên 44%.

GỠ VƯỚNG MẮC ĐỂ CỞI NÚT HẠN CHẾ

Để phát triển du lịch tích hợp rất nhiều lĩnh vực cơ chế, chính sách, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh… mới có thể làm ra SPDL hấp dẫn, đặc sắc riêng đủ sức cạnh tranh. Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch tỉnh còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng, một số dự án du lịch chưa được cấp vốn đầu tư. Cao Bằng chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án quy mô lớn để tạo động lực cho phát triển du lịch xứng tầm, bền vững.
Cộng đồng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh DVDL cho rằng một trong những hạn chế phát triển du lịch Cao Bằng là cơ chế, chính sách của tỉnh chưa thật sự thông thoáng, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư chiến lược và doanh nghiệp trong tỉnh, hộ kinh doanh cá thể tham gia. Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh nhận định: Phần lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể DVDL của tỉnh chỉ ở quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. UBND tỉnh xem xét có quy hoạch vùng du lịch cho từng loại hình SPDL, đặc thù từng huyện, Thành phố sau đó có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong tỉnh lựa chọn đầu tư vào từng lĩnh vực, SPDL phù hợp.

Đối với vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất trong vùng du lịch, bà Trương Thị Minh Hậu, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) cho biết: Hiện nay, diện tích đất Công ty đang sử dụng nằm trong quy hoạch thuộc Quyết định số 485/QĐ-TTg, ngày 13/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng từ năm 2017 đến nay chưa thấy các cấp, ngành triển khai quy hoạch nên Công ty chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong mở rộng và phát triển, làm mới các SPDL.

Bên cạnh đó nguồn lực đầu tư du lịch cần nhiều vốn và đầu tư lâu dài mới có thể lãi, nếu không có cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn vốn sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đầu tư phát triển du lịch. Chị Nguyễn Kim Phương, chủ Homestay Tày, làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) cho biết: Năm 2020, tôi vay mượn hơn 1 tỷ đồng để đầu tư làm dịch vụ homestay Tày, sau đó ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài không hoạt động được. Năm 2022 đến nay, du lịch hoạt động trở lại, homestay của tôi có khách khá thường xuyên nhưng vẫn chưa đủ tiền trả vay ngân hàng. Nếu tôi tiếp cận được nguồn vốn Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 cũng chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ không đáng kể. Chúng tôi rất mong UBND tỉnh, huyện xem xét có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho phát triển du lịch.

Cùng với đó, nguồn nhân lực cho phát triển du lịch tỉnh còn hạn chế. Đội ngũ quản lý du lịch các cấp còn thiếu, đặc biệt ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, đa số chưa qua đào tạo nghiệp vụ nên tham mưu chuyên môn chưa sâu và hiệu quả, công tác phối hợp chưa thường xuyên nên UBND huyện, xã còn thiếu sự định hướng, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân địa phương đầu tư phát triển du lịch. Các sản phẩm địa phương chưa gắn với hoạt động du lịch nên chưa tạo sự đa dạng và tạo sự khác biệt giữa các địa phương trong một vùng. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự vào cuộc quyết liệt để chỉ đạo, định hướng phát triển DVDL bền vững, có nơi còn buông lỏng quản lý, chưa nêu cao trách nhiệm phát triển du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp…

Với những vướng mắc trên, các cấp, ngành, cơ quan hữu quan cần thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hộ cá thể làm DVDL để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp “cởi nút hạn chế”, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh DVDL đầu tư, làm mới SPDL chất lượng, hấp dẫn riêng đủ sức cạnh tranh.

 
Trường Hà

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam