52% lao động nghỉ hoặc chuyển việc do dịch tạo áp lực trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, theo chuyên gia Phạm Hải Quỳnh.
Báo cáo của Tổng cục Du lịch chỉ ra Việt Nam nằm trong top những nước ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất do đại dịch. Trong năm 2020, khoảng 52% lao động ngành du lịch đã nghỉ hoặc chuyển việc. Số nhân sự làm đủ thời gian chỉ chiếm 24%, trong khi lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng là 30%. Lực lượng lao động có thâm niên 5-10 năm đã chuyển là 44%, lao động sau đại học chuyển nghề tới 90%.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam đánh giá, đại dịch để lại một khoảng trống nhân sự lớn. "Để tuyển và đào tạo một nhân sự cứng, có thể đảm nhận được các yêu cầu theo các vị trí việc làm tại một khách sạn, doanh nghiệp lữ hành mất ít nhất 6 tháng - 1 năm, nên việc bổ sung lượng lớn lao động thất thoát do dịch không phải chuyện một sớm một chiều", ông Quỳnh nhận định.
Tổng cục Du lịch thống kê mỗi năm toàn ngành cần thêm khoảng 40.000 lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: Bùi Toàn
Một bất cập được chuyên gia này chỉ ra là lượng "cung" lao động chưa đủ so với lực "cầu", đặc biệt với lao động trình độ cao. Bởi theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm khoảng 40.000 lao động, trong khi lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Chưa kể, khi Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt hai, từ ngày 15/3, áp lực của việc tuyển dụng nhân lực càng đè nặng lên doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Thực tế, tình trạng tuyển dụng nhân sự ngành này cũng được chính các chuyên viên tuyển dụng hay khách sạn, doanh nghiệp lữ hành đánh giá "kém khả quan".
Hải Hà, chuyên viên tuyển dụng của chuỗi khách sạn tại Hà Nội hàng ngày vẫn duy trì thói quen đăng tải thông tin tuyển dụng lên mạng xã hội với mong muốn tìm được ứng viên phù hợp. Dù sau Tết, các vị trí buồng phòng, lễ tân, ẩm thực dễ tuyển hơn so với hồi trong năm nhưng lượng ứng viên không nhiều như lúc trước dịch. Do đó, bộ phận nhân sự của cô luôn đặt trong tình trạng "khát người".
Hải Hà cho biết, tỷ lệ ứng viên đạt yêu cầu của chuỗi khách sạn cô làm việc không nhiều. Các nhân sự ứng tuyển chủ yếu là lao động phổ thông, ít các hồ sơ là ứng viên được qua đào tạo các chuyên ngành liên quan đến du lịch.
Đại diện khách sạn một chuỗi khách sạn tại TP HCM cũng cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid khiến nhân sự ngành khách sạn mất dần niềm tin với nghề. Một số người chuyển việc hoặc về quê để tìm kiếm những nghề ổn định hơn, đáp ứng được các nhu cầu cân bằng cuộc sống. Những người khác có những sự lựa chọn tốt hơn, đãi ngộ cao hơn nên không còn mặn mà quay lại.
Bên cạnh đó, không phải tất cả các ứng viên được tuyển đều cam kết gắn bó lâu dài với công việc. Số liệu thống kê tại khách sạn này cho thấy, chỉ có khoảng 15% nhận sự làm trên 1 năm và thời gian gắn bó làm việc trung bình của nhân sự chỉ ở mức 6 tháng. Trong số nhân viên tuyển vào, 40% nhân sự đã nghỉ trên tổng số tuyển.
Một bất cập khác trong việc tuyển dụng được ông Quỳnh chỉ ra là sự "lệch pha" giữa nhu cầu việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng. Cụ thể, người lao động thường có mong muốn làm tại các thành phố lớn hoặc về quê để gần nhà. Với thành phố lớn, không phải ai cũng có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển chọn. Còn khi về quê, không phải địa phương nào cũng có thể tiếp nhận được số lượng lớn nhân sự.
"Điều này tạo ra thực tế, nhiều tỉnh thành, điểm du lịch thiếu nhân sự nhưng không ai đến để làm. Còn có những nơi thừa nhân sự dẫn đến thất nghiệp hoặc làm việc không đúng chuyên ngành", ông Quỳnh nhận định.
Để giải cơn khát lao động trong ngành du lịch, theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cần có kế hoạch tổng thể trong việc thu hút lao động lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới làm việc tại các cơ sở du lịch thông qua truyền thông, các chương trình đào tạo nghề, nâng cao khả năng nghề nghiệp...
Để phát triển nhân sự chất lượng cao cho TP HCM đòi hỏi có những chỉnh sách dài hơi. Ảnh: Quỳnh Trần
Ngoài ra, để đào tạo một vị trí nhân sự cao cấp, có chuyên môn trong môi trường doanh nghiệp cụ thể mất rất nhiều thời gian, do đó, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn có thể liên kết với các cơ sở đào tạo. Theo đó, cần đào tạo theo sát nhu cầu và thực tiễn với từng doanh nghiệp, khách sạn vì nhu cầu ở từng đơn vị là khác nhau. Nếu đào tạo không gắn với thực tiễn sẽ tạo ra sự lãng phí lớn, đồng thời, các bạn trẻ sẽ khó gắn bó, khẳng định mình trong môi trường việc làm.
"Cơ sở đào tạo có thể trở thành cầu nối để giúp các bạn trẻ mới ra trường có định hướng tốt và các đơn vị làm du lịch lựa chọn được nhân sự có tay nghề, chuyên môn phù hợp", ông Quỳnh nhận định.
Về phía khách sạn, giải pháp tình thế được đại diện doanh nghiệp đưa ra để giải cơn khát nhân sự hiện tại là mở rộng các kênh tuyển dụng online và offline để thu hút lượng người lao động có nhu cầu. Lâu dài, khách sạn cần xây dựng chính sách phúc lợi cạnh tranh, đồng thời, xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng cho nhân sự trong công ty.
Ở góc độ người lao động, những lao động đang làm việc trong ngành du lịch để khẳng định mình và thăng tiến trong sự nghiệp cần chủ động học hỏi, nâng cao tay nghề, chuyên môn. Lao động mới nên xác định được động cơ làm việc chính đáng, để tự rèn luyện và tìm kiếm các cơ hội phù hợp. Bởi với người lao động, cơ hội làm việc trong ngành du lịch với mức thu nhập cạnh tranh vẫn rất lớn.
Theo dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam, 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng. Đến năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu. "Tình trạng cung không đủ cầu lao động và thiếu hụt lao động chất lượng cao vẫn tiếp diễn, sẽ tạo sức ép lên sự phát triển của ngành du lịch", ông Quỳnh đánh giá.