Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia (KDLQG) Mộc Châu đã phối hợp với UBND huyện Vân Hồ tổ chức chương trình khảo sát và hội thảo “Tư vấn xây dựng một số khu, điểm du lịch huyện Vân Hồ” ngày 18/3. Huyện Vân Hồ đã triển khai một số dự án trong quy hoạch phát triển KDLQG Mộc Châu. Tuy nhiên, cần triển khai nhiều giải pháp để xây dựng điểm đến Vân Hồ hấp dẫn du khách.
Nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch
Vân Hồ được thành lập năm 2013, trên cơ sở chia tách địa giới hành chính huyện Mộc Châu, với 14 xã, 14.859 hộ, dân số trên 65.000 người gồm 6 dân tộc Thái, Mường, Kinh, Dao, Mông cùng sinh sống. Huyện Vân Hồ nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Mộc Châu, là một trong những điều kiện để phát huy những tiềm năng sẵn có về sự đa dạng, độc đáo trong văn hóa các dân tộc thiểu số, các khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn; có thể kết nối với nhau tạo thành các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Nổi bật như, rừng thông bản Bó Nhàng, Hua Tạt; những đồi chè trải dài bát ngát; khu trồng các loại hoa quả như đào mèo, mận hậu ở Vân Hồ; khu du lịch sinh thái Chiềng Yên; khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha; khu du lịch sinh thái rừng Pa Cốp; hồ sông Đà… Năm 2022, huyện Vân Hồ thu hút gần 410.000 lượt du khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu từ du lịch đạt hơn 34 tỷ đồng.
Đến nay, huyện Vân Hồ đã triển khai một số dự án trong quy hoạch như đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật danh lam thắng cảnh Hang mộ Tạng Mè, thác nước Chiềng Khoa, thác Nàng Tiên, thác Tạt Nàng, danh thắng Pa Cốp; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các bản du lịch cộng đồng; đầu tư, tôn tạo đền Hang Miếng và các khu di tích lịch sử. Huyện Vân Hồ cũng đang tập trung phát triển dịch vụ du lịch cao cấp và phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các dân tộc, đồng thời thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn. Trong định hướng phát triển du lịch Vân Hồ, dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên như khí hậu, cảnh quan, tài nguyên nhân văn để triển khai có hiệu quả Quy hoạch KDLQG Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là thế mạnh trong những năm tới.
Bên cạnh đó, trong phát triển du lịch, huyện Vân Hồ còn nổi lên một số tồn tại bất cập. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết. Vân Hồ chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng; sản phẩm du lịch cũng chưa có sự phong phú, đa dạng. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế; các điểm có tiềm năng du lịch cách xa nhau, chưa được đầu tư, xây dựng thành tuyến, điểm du lịch cụ thể...
Cần những giải pháp đồng bộ, tăng cường tính liên kết
Tại Hội thảo các đại biểu tham dự đánh giá cao những tiềm năng, thế mạnh của Vân Hồ trong Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Mộc Châu. Từ tiềm năng, lợi thế, huyện VânHồ đã khai thác, phát triển các loại hình du lịch, tạo nét riêng, độc đáo để thu hút du khách trong nước, quốc tế đến khám phá, trải nghiệm nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, nét ẩm thực độc đáo. Qua thực tế, nhiều mô hình du lịch cộng đồng, nhiều điểm đến đã thực sự là điểm nhấn cho du lịch Vân Hồ. Các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của du lịch Vân Hồ trong phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; các chính sách thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch bền vững; những kinh nghiệm trong kinh doanh dịch vụ du lịch của các công ty lữ hành. Các đại biểu cũng đồng thời chia sẻ quan điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; kinh nghiệm xây dựng các mô hình du lịch do người dân tự quản lý; đánh giá về phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc từ làm du lịch cộng đồng. Đặc biệt là đề xuất việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc thù; nâng cao chất lượng dịch vụ ở các cơ sở lưu trú; xây dựng điểm đến hấp dẫn, cách phòng ngừa các hệ lụy từ sự phát triển của du lịch, đào tạo nguồn nhân lực sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hồ Mùi Thị Thiệp, thời gian qua, Vân Hồ đã từng bước khai thác thế mạnh về du lịch để thu hút du khách, trong đó có việc xây dựng và phát triển chợ phiên. Bà Mùi Thị Thiệp cho biết, xã Vân Hồ đã phát triển chợ phiên vào những ngày cuối tuần, có các gian hàng được làm từ vật liệu tre nứa, thân thiện với môi trường. Đây là nơi để đồng bào các dân tộc giới thiệu, bán trang phục truyền thống, sản phẩm thủ công mây tre đan, những sản phẩm nông sản sạch cho du khách, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Chợ phiên cũng là nơi giới thiệu nét đẹp và các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. “Tuy nhiên, hiện nay chợ phiên vẫn còn vắng, chưa thu hút được đông bà con tham gia. Để chợ phiên hoạt động lâu dài, hiệu quả, cần có sự vào cuộc hỗ trợ từ phía huyện và các doanh nghiệp; đầu tư về cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân; tăng cường sự kết nối của các công ty lữ hành để thu hút du khách đến với chợ phiên” - bà Thiệp kiến nghị.
Để phát triển du lịch bền vững, thu hút đông du khách, theo TS. Vũ Nam - Khoa Du lịch Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Vân Hồ cần chú trọng việc xây dựng, định vị thương hiệu điểm ến. Tại vị trí cung đường chữ “S” rất đẹp, cần xây dựng các biển báo, biển chào đón du khách, biển nhận diện thương hiệu để du khách biết; nên trồng hoa hai bên trên cung đường tạo điểm nhấn; đẩy mạnh tổ chức công tác xúc tiến, quảng bá về cung đường chữ S; tăng cường kết nối với các công ty lữ hành nhằm cung cấp thông tin cho khách để khách có những trải nghiệm. Bên cạnh đó, Vân Hồ có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, cần quan tâm đến sản phẩm OCOP để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Lễ hội hoa ban xã Chiềng Khoa, (Vân Hồ) là nơi khởi điểm lễ hội hoa ban vùng Tây Bắc, nên khi tổ chức lễ hội cần quan tâm tới không gian, địa điểm tổ chức có nhiều hoa ban để du khách trải nghiệm.
Trao đổi tại Hội thảo, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Hoàng Hoa Quân cho biết, hiện nay Mộc Châu đang là điểm đến thu hút nhiều du khách, do vậy để khách đến với Vân Hồ cần tạo sự khác biệt, có những trải nghiệm về thiên nhiên, trải nghiệm về văn hóa truyền thống mà du khách quốc tế rất ưa thích. Vân Hồ cần có sự nghiên cứu, xác định rõ khu vực nào để đón khách quốc tế, chẳng hạn khai thác thế mạnh du lịch cộng đồng homestay A Chu; nghiên cứu, khai thác thế mạnh về cảnh quan, môi trường, nét đẹp hoang sơ của các thác nước. Ông Hoàng Hoa Quân cho rằng, trước mắt Vân Hồ cần khai thác, phát triển du lịch học đường, đây là một thị trường lớn. “Để thu hút đối tượng khách này cần quan tâm đến cơ sở lưu trú, việc đón tiếp, những dịch vụ và trải nghiệm liên quan tại Vân Hồ” - ông Hoàng Hoa Quân đề nghị.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hoàng Hoa Quân, Vân Hồ cần khai thác thế mạnh của văn hóa truyền thống, tăng cường liên kết, lồng ghép các hoạt động văn hóa, tạo sản phẩm bổ trợ, đặc trưng nhằm quảng bá, thu hút du khách thưởng thức các giá trị văn hóa. “Trong xu thế hội nhập hiện nay, vấn đề chuyển đổi số, liên kết là hết sức quan trọng: cách thức quảng bá cũng cần đổi mới. Để thu hút khách đến Vân Hồ cần nghiên cứu, tạo điểm nhấn của từng điểm đến, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các sự kiện đưa lên mạng xã hội, cần quản lý tốt về chất lượng thông tin” - ông Hoàng Hoa Quân nhấn mạnh.
Tuấn Sơn