Từ ngày 01 - 28/02/2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), sẽ diễn ra chương trình Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc với các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão (2023), nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam và góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mang đến nét đặc trưng Tết truyền thống dân tộc cho du khách những ngày đầu Xuân.
Trong khuôn khổ hoạt động tháng 2 "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" giới thiệu, tổ chức các hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc, đan xen là hoạt động biểu diễn các dân ca, dân vũ phong phú, hấp dẫn do chủ thể văn hóa thực hiện.
Khoảng hơn 200 người của 25 cộng đồng dân tộc, của 14 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền tham gia Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc
Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2023 có sự tham gia của khoảng hơn 200 người của 25 cộng đồng dân tộc, của 14 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền tham gia. Hoạt động chủ đề tháng 02 có khoảng gần 100 đồng bào của 15 dân tộc (Tày, Dao, Nùng, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 13 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng).
Chương trình tháng 2 "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" gồm hoạt động điểm nhấn gồm: Chương trình Bài ca Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân đất nước Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc; Hưởng ứng Tết trồng cây - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ và các lễ hội mùa Xuân như: tái hiện Lễ hội đền tháp (Lễ Katê) của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận; nghi thức "Chậm đò ho" của đồng bào Thổ tỉnh Thanh Hoá; giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Xòe Thái" của tỉnh Sơn La được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của dân tộc Thái tỉnh Sơn La.
Bên cạnh đó là các hoạt động theo chủ đề tháng như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật "Ném pao vui Xuân"; tái hiện Lễ cúng bến nước dân tộc Ba Na; trưng bày ảnh với chủ đề "Lễ hội truyền thống tại Ngôi nhà chung".
Nhiều hoạt động diễn ra trong chương trình tháng 2: Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc
Bên cạnh đó, trong tháng 2 vẫn diễn ra các hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày và cuối tuần tại Làng như: không gian các làng dân tộc đồng bào thể hiện các phong tục chúc Tết theo truyền thống và mang đậm sắc màu dân tộc vùng miền nhất là thời gian đến 15 tháng Giêng); giới thiệu các nghi thức đón Tết của đồng bào các dân tộc theo truyền thống vùng, miền; các hoạt động lễ hội, âm nhạc đầu năm mới; giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân: múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như: ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến... ; tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam...
Bên cạnh đó là các chương trình du lịch để du khách trải nghiệm các phong tục đón Tết truyền thống, trò chơi dân gian ngày Xuân; Hoạt động đón tiếp khách đầu Xuân năm mới theo phong tục của đồng bào, giao lưu đầu năm mới giữa các làng và khách du lịch; các trò chơi dân gian truyền thống được đẩy mạnh giới thiệu cho du khách như trò ném pao, đi cà kheo, kéo co, bắn nỏ, bập bênh, đánh đu được liên tục kiểm tra, sửa sang trang trí để thu hút khách; đồng bào cùng hướng dẫn du khách trải nghiệm để hòa cùng với không khí vui tươi ngày xuân....
Các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại "ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam./.
Hà An
Cổng TTĐT Bộ VHTTDL - bvhttdl.gov.vn - Đăng ngày 31/01/2023