Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã chứng minh được sức chống chịu trước đại dịch Covid-19 bằng sự phục hồi tích cực khi tổng thu từ du lịch vượt 23% kế hoạch năm. Dù vậy, vẫn còn nhiều lực cản với đà bật tăng của ngành so với khu vực và thế giới. Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân nhân dịp năm mới 2023, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn bên cạnh thành tích đã đạt được của ngành. Phân tích thực tiễn du lịch trong nước và quốc tế, người đứng đầu Tổng cục Du lịch nhận định, năm 2023 được dự báo sẽ là một năm sôi động của thị trường du lịch Việt Nam.
Du lịch Việt Nam 2022: Nỗ lực bền bỉ để trở lại đường đua
Sau hơn 2 năm gần như “đóng băng” vì đại dịch, năm 2022 du lịch Việt Nam đã nỗ lực trở lại với dấu mốc mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2022. Xin ông đánh giá về du lịch Việt Nam năm 2022?
Với việc Chính phủ cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19. Sau khi mở cửa, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Về du lịch quốc tế, dù gặp khó khăn ở những thị trường truyền thống, du lịch Việt Nam đã linh hoạt chuyển hướng mở rộng sang các thị trường khách tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông,…
Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là 1 trong 3 nước có mức tăng trưởng cao nhất. Du lịch Việt Nam nhận 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam.
Sự phục hồi này của ngành du lịch sau đại dịch không chỉ đến từ nhu cầu đi du lịch được đẩy lên cao của người dân sau hai năm dịch bệnh, mà còn đến từ nỗ lực của ngành du lịch trong việc phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh liên kết để đem đến những chương trình du lịch hấp dẫn, giá thành hợp lý cho khách du lịch. Thêm vào đó, nhiều chính sách linh hoạt, phù hợp của Chính phủ đã và đang hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn do các nguyên nhân chủ quan và khách quan đưa lại.
Khách du lịch nội địa theo tháng năm 2022
Vâng, ông có nói đến những khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan đưa lại. Những khó khăn đó là gì?
Thẳng thắn nhìn nhận vào du lịch Việt Nam năm qua, chúng tôi nhận thấy có 4 vấn đề có thể coi là những “mảng xám” của ngành như:
Thứ nhất, lượng khách quốc tế vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt mới bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022.
Thứ hai, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Thứ ba, liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp. Nhiều hoạt động liên kết còn hình thức, mới chỉ dưới dạng tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, hiệu quả mang lại chưa cao. Hoạt động liên kết xúc tiến quảng bá du lịch, hợp tác phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế.
Thứ tư, các doanh nghiệp du lịch do bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch nên khả năng cạnh tranh thấp, mất nhiều thời gian để phục hồi.
Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi xác định rằng toàn ngành du lịch phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tập trung khắc phục những khó khăn, hạn chế để có thể phục hồi mạnh mẽ, phát triển một cách bền vững.
Khách quốc tế đến theo tháng năm 2022
Đoàn khách quốc tế lớn nhất đến TP Hồ Chí Minh kể từ sau khi mở cửa trở lại hồi tháng 4/2022 (Ảnh: TTXVN)
Du thuyền cao cấp Le Lapérouse của hãng Ponant (Pháp) đã đưa gần 100 du khách đến từ các quốc gia: Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ… tới Quảng Bình vào tháng 10/2022
Đoàn khách quốc tế tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tháng 10/2022 (Ảnh: BND)
Như ông đã nói, hết năm 2022 chúng ta mới đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% kế hoạch đón 5 triệu lượt khách dù là một trong những quốc gia mở cửa trở lại sớm nhất. Vậy đâu là nguyên nhân không thể biến kế hoạch thành hiện thực?
Trước hết, phải khẳng định rằng ngành du lịch Việt Nam đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế. Sau hơn 2 năm gần như “tê liệt” vì đại dịch, với quyết tâm của toàn ngành, khi mở cửa trở lại, chúng ta đã đón được 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Nỗ lực là vậy nhưng lượng khách không được như kỳ vọng. Đánh giá lại những tồn tại, chúng tôi nhận thấy có một số nguyên nhân chính:
Thứ nhất, thời gian mở cửa chưa phải mùa du lịch quốc tế (cao điểm đón khách du lịch quốc tế thường từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm); cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam-Nga gây ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại với biến chủng mới khiến một số thị trường lớn chững lại.
Các thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam
Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc trong thời gian vừa qua vẫn theo đuổi chính sách ‘‘không Covid” và vừa mới mở cửa vào 8/1. Mặt khác, một số doanh nghiệp du lịch nhận định xu hướng chọn điểm đến của khách Âu có thay đổi, sau 2 năm dịch Covid-19, chọn những điểm đến gần thay vì tới thị trường xa như Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, chính sách thị thực mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa thực sự có sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến đối với khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam. Thời hạn miễn thị thực 15 ngày là ngắn, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, thường đi du lịch 3-4 tuần, giảm sự hấp dẫn của điểm đến.
Thứ ba, nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Do tuyển gấp và một phần lấy từ dân địa phương chưa qua đào tạo, chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vì vậy, qua mạng xã hội, truyền thông, đã có một số phản ánh của người dân, du khách về chất lượng dịch vụ phục vụ khách.
Thứ tư, sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.
Năm 2023: Năm sôi động của du lịch Việt Nam
Đoàn khách Trung Quốc đầu tiên trở lại Khánh Hòa sau gần 3 năm vắng bóng vì dịch Covid-19 hôm 19/1/2023 (Ảnh: Tổng cục Du lịch)
Ông nhận định thế nào về du lịch Việt Nam năm 2023, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã mở cửa lại biên giới từ ngày 8/1?
Các chuyên gia du lịch trên thế giới đã dự báo năm 2023 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế. Du lịch Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu thế này. Do vậy chúng tôi cho rằng năm nay hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá cả về số lượng khách và doanh thu. Cùng với đó, ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố mở cửa biên giới và du lịch. Đây là một thị trường lớn đối với du lịch Việt Nam. Vì thế việc nới lỏng các biện pháp giãn cách này là tín hiệu tốt trong việc thúc đẩy các hoạt động đón khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, góp phần ổn định dòng khách quốc tế, gia tăng doanh thu du lịch từ thị trường này.
Hiện nay, các đường bay nước ngoài tới các châu lục và các dịch vụ du lịch quốc tế đường biển gần như đã mở bình thường như thời điểm trước dịch. Các hãng lữ hành tập trung đẩy mạnh xúc tiến cho mảng du lịch quốc tế bằng nhiều hình thức như tham gia các hội chợ quốc tế, gặp gỡ và ký kết hợp tác với nhiều bên nhằm tìm hiểu khách hàng, mở rộng hợp tác và định hướng phát triển thị trường.
Đồng thời, trong năm 2023 công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành tích cực trong cả năm như tham gia các sự kiện quốc tế về du lịch ASEAN, hội chợ quốc tế tại London (Anh), Berlin (Đức)…truyền thông, quảng bá trên các kênh truyền thông lớn… Ngoài ra, năm 2023, Tổng cục Du lịch cũng phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.
Vì thế, tôi cho rằng năm 2023 hứa hẹn là một năm sôi động của thị trường du lịch Việt Nam cả về nội địa và quốc tế.
Đoàn du khách Ấn Độ tham quan phố cổ Hà Nội đầu tháng 1/2023 (Ảnh: N.T)
Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế. Du lịch Việt Nam cần có hành động cụ thể gì để đạt được mục tiêu trên, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam như ông đã đề cập?
Dựa trên kinh nghiệm thực tế thời gian mở cửa đón khách du lịch quốc tế thời gian qua cùng những kinh nghiệm quốc tế, ngành du lịch Việt Nam xác định cần áp dụng mạnh mẽ hơn các nhóm biện pháp chính sau đây nhằm đạt được mục tiêu năm 2023:
Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách visa nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Thứ hai, tăng cường năng lực vận tải hàng không thông qua việc khai thác thêm các đường bay mới, khôi phục đường bay đã có, tăng tần suất chuyến bay tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không.
Thứ ba, tăng cường chương trình hợp tác nhằm đào tạo nguồn nhân lực quản lý du lịch để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng.
Thứ tư, tập trung đầu tư cho điểm đến du lịch để đáp ứng mục tiêu mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch đặc trưng. Ở đó, chúng tôi luôn nhấn mạnh tới yếu tố liên kết giữa các điểm đến, doanh nghiệp, hàng không tạo các sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm du lịch phù hợp thị trường, đẩy mạnh phát triển và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau Covid-19, sử dụng các dược liệu và các liệu pháp điều trị theo y học cổ truyền dân tộc.
Thứ năm, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch: Tập trung củng cố chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch như tại thời điểm trước đại dịch, bảo đảm năng lực đón tiếp phục vụ du khách của các doanh nghiệp du lịch. Đầu tư điểm đến bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ…với mục tiêu làm sao mỗi địa phương đều có điểm nhấn riêng, tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch hấp dẫn. Phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan như giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, thương mại dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hàng hóa đáp ứng nhu cầu về vận chuyển, mua sắm, giải trí…của du khách.
Tour đêm Hoàng Thành Thăng Long là sản phẩm độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Một sản phẩm du lịch thiên nhiên được đưa vào hoạt động tại Phong Nha, Quảng Bình từ giữa năm 2022 (Ảnh: Oxalis Adventure)
Năm du lịch quốc gia 2022 là “Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh”. Năm nay chúng ta có “Bình Thuận-Hội tụ xanh”. Du lịch Việt Nam muốn gửi gắm điều gì trong slogan này, thưa ông?
Năm Du lịch quốc gia là sự kiện văn hóa-kinh tế-xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của nhân dân về sự phát triển du lịch bền vững. Năm 2022 ở Quảng Nam, chúng ta có “Điểm đến du lịch xanh”, năm 2023, Bình Thuận vinh dự là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận-Hội tụ xanh”.
Thông qua thông điệp này, Du lịch Việt Nam nhấn mạnh mong muốn hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển du lịch bền vững gắn với các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, tạo môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng tới liên kết các ngành, địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, bền vững, du lịch an toàn và có lợi cho sức khỏe.
Mũi Kê Gà-một thắng cảnh của Bình Thuận (Ảnh: Tổng cục Du lịch)
Để tạo đà cho sự phát triển của du lịch Việt trong thời đại chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Tổng cục Du lịch có chiến lược gì?
Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chuyển đổi số là một nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đối với ngành du lịch, chuyển đổi số được coi là một giải pháp đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng linh hoạt và bền vững hơn trong thời kỳ mới.
Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh, ngành du lịch đã rất nỗ lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng linh hoạt và duy trì hoạt động. Nhiều sản phẩm du lịch thông minh đã ra đời, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Du khách quét mã QR để trải nghiệm các dịch vụ, tiện ích tại khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Tuy nhiên, chúng ta cũng đã chứng kiến các hoạt động chuyển đổi số theo xu hướng “trăm hoa đua nở” hay “mạnh ai người đấy làm”. Sự manh mún và thiếu liên kết là rào cản đối với sự hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh theo định hướng mà các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã đặt ra.
Thời gian qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Tổng cục Du lịch đã tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, mục tiêu hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc. Tổng cục Du lịch đã thực hiện đồng bộ các công việc xây dựng cơ chế chính sách cho chuyển đổi số; Xây dựng các nền tảng số hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch; Phát triển các kênh truyền thông số hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; Xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số trong ngành du lịch; Hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch.
Ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” của Tổng cục Du lịch. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)
Đáng chú ý, Chương trình truyền thông “Việt Nam: Đi Để Yêu!” vinh dự nhận Giải Nhì - Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII năm 2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức.
Tháng 10/2022, website https://vietnam.travel/ của Tổng cục Du lịch xếp hạng #152 nghìn trên toàn cầu, đã gần bằng website du lịch của Thái Lan (hạng #146 nghìn). Mức tăng hạng là 423 nghìn bậc sau 1 năm (từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022).
Nhìn chung, thời gian qua hoạt động chuyển đổi số đã được triển khai khẩn trương trong ngành du lịch, đã cơ bản hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh với các nền tảng số cốt lõi của Tổng cục Du lịch, có sự hưởng ứng và vào cuộc tích cực của các địa phương, doanh nghiệp. Mặc dù vậy, chúng ta cũng nhận thấy vẫn còn những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số, liên quan đến những vấn đề về nhân lực, liên kết hợp tác, chuyển đổi nhận thức, thiếu đồng bộ trong triển khai...
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển, năm 2023, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn các nhóm giải pháp trên.
Theo Báo Nhân Dân