Phát triển nguồn nhân lực du lịch Mai Châu

Mai Châu là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh Hòa Bình với cảnh quan hùng vĩ, khí hậu trong lành, nhiều bản làng vẫn giữ được nét nguyên sơ, mái nhà sàn độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa. Trong quá trình phát triển du lịch, Mai Châu phải đối mặt với nhiều thách thức, một trong những nguyên nhân là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết phát triển du lịch trong thời gian tới, Mai Châu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch địa phương.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định số 1728/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”. Kế hoạch xác định, Mai Châu đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng người Thái gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch… với mục tiêu đến năm 2025 đón 770 nghìn lượt khách (trong đó có 257 nghìn lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch đạt 570 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.800 lao động (trong đó 1.600 lao động trực tiếp); đến năm 2030 đón 1,1 triệu lượt khách (trong đó có 400 nghìn lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch đạt 1.340 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6.900 lao động (trong đó 2.300 lao động trực tiếp). Thời gian qua, huyện luôn chú trọng thu hút đầu tư và triển khai các dự án du lịch nhằm phấn đấu đưa huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới; khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng huyện thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Đến nay trên địa bàn huyện Mai Châu có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã và đang được triển khai như Mai Châu Ecolodge, Mai Châu Villas Mai, Châu Hideaway Resort, Khu du lịch làng Bích Họa, Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Tà Xông A, Khu du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp thương mại du lịch Bản Lác 3, Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng tại xã Sơn Thủy, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Tà A Sông, Khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp - Dưỡng lão quốc tế Bao La - Đồng Tân…

Cùng với việc thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, Mai Châu đã thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn diện ngành kinh tế du lịch, trong đó đầu tư cho nguồn nhân lực du lịch được xem là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mai Châu. Nguồn nhân lực du lịch của Mai Châu chủ yếu là người dân địa phương, đã được cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn và đào tạo để chuyển sang kinh doanh du lịch (chủ yếu là du lịch cộng đồng); trình độ nhân lực chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo bài bản về du lịch…

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, huyện Mai Châu đã chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực làm việc tại các cơ sở kinh doanh du lịch trong vùng quy hoạch phát triển du lịch quốc gia Mai Châu; phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ du lịch: lớp tiếng Anh giao tiếp du lịch, nghiệp vụ bàn, bar, buồng, nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ hướng dẫn, tập huấn du lịch cộng đồng…; tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức rõ vai trò, lợi ích quan trọng của hoạt động du lịch, từ đó có những đóng góp tích cực cho du lịch địa phương. Hàng năm, trên 90% đơn vị, cá nhân làm việc trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch do UBND huyện Mai Châu, Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Hòa Bình… tổ chức. Thông qua các lớp tập huấn, học viên được trang bị các kiến thức tổng quan về du lịch; phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; đặc điểm, lợi thế và triển vọng của du lịch cộng đồng; tâm lý và kỹ năng giao tiếp với khách du lịch; các nghiệp vụ lễ tân, buồng và bếp… Nhờ đó đến nay, số lượng lao động du lịch trực tiếp tại huyện Mai Châu gia tăng đều đặn trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021 (trừ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19) nhưng số lượng tuyệt đối chưa nhiều và lao động có trình độ tay nghề cao còn ít.

Với hiện trạng nguồn nhânlực du lịch và một loạt các dự án đầu tư vào du lịch đang được hoàn thiện trên địa bàn huyện Mai Châu, nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động có tay nghề cao trong thời gian tới là rất lớn. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển du lịch Mai Châu trong thời gian tới.

Huyện Mai Châu cần thực hiện rà soát, thống kê và đánh giá lại thực trạng nguồn lao động du lịch của địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng du lịch phù hợp với nhu cầu thực tế.

Để hình thành được nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi Mai Châu cần liên tục triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng liên quan đến lĩnh vực du lịch. Trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, điểm du lịch, lao động trong các đơn vị kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nhà hàng, phương tiện vận chuyển khách du lịch và đặc biệt là cộng đồng người dân làm du lịch. Đối với mỗi đối tượng lại cần có hình thức, nội dung đào tạo những kỹ năng, kỹ thuật, nghiệp vụ nghề khác nhau như quản trị doanh nghiệp, giao tiếp, thuyết minh, ngoại ngữ, lễ tân, nấu ăn, an toàn thực phẩm, đạo đức nghề nghiệp... Trong đó đặc biệt lưu ý khai thác những đặc tính nổi trội như kỹ thuật chế biến món ăn đặc sản, nghề dệt thổ cẩm, nét đẹp văn hóa truyền thống, tính mộc mạc, hiếu khách của người vùng cao… để góp phần hình thành nên những sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ hấp dẫn du khách.

Một giải pháp khác để bù đắp sự thiết hụt là thu hút nhân lực chất lượng cao từ các địa phương khác về Mai Châu làm việc. Nguồn nhân lực này không chỉ đáp ứng yêu cầu tức thời mà còn hỗ trợ hình thành cơ chế quản lý, kỹ năng chuyên nghiệp ngay trên môi trường thực tế cho nguồn nhân lực địa phương.

Trong quá trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, Mai Châu cần nghiên cứu triển khai các chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực tại chỗ khi chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang khu vực dịch vụ, du lịch. Đồng thời lưu ý đến sinh kế lâu dài cho người dân khi chuyển đổi bởi tính thời vụ của du lịch trên địa bàn chưa thể khắc phục ngay được. Việc xây dựng các chiến lược phù hợp về nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp cùng du lịch để tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương sẽ góp phần nâng cao đời sống, giúp người dân yên tâm phát triển du lịch.

Tài liệu tham khảo:
1. Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình, Báo cáo tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao, Gia đình, Thông tin và truyền thông năm 2020. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
2. Báo Điện tử Tổ quốc, Hòa Bình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, https://toquoc.vn/hoa-binh-boi-duong-dao-tao-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-nganh-du-lich-20190719155456065. htm
3. UBND huyện Mai Châu (2020), Báo cáo tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao, Gia đình, Thông tin và truyền thông năm 2020. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2021

TS. Hà Anh Tuấn
ThS. Cao Thị Thu Trà

(Tạp chí Du lịch tháng 12/2022)

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam