(Tạp chí Du lịch) - Sáng 23/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam phối hợp với Trung tâm Unesco Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ thuật Việt Nam và Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 4. Chương trình nhằm hướng đến việc xúc tiến các hoạt động liên kết giữa văn hóa và doanh nghiệp, đồng hành chung tay cùng doanh nhân, doanh nghiệp góp phần bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa Việt Nam.
Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ 4 có nhiều nét thay đổi sáng tạo mới là sự kiện nhằm tôn vinh giá trị các di sản văn hóa mang bản sắc Việt Nam, đặc biệt tôn vinh các Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận. Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 4 diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi: Lễ Dâng hương 52 vị Vua tại Hoàng thành Thăng Long; Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp với trách nhiệm bảo tồn và gìn giữ Di sản Văn hóa”; Trình diễn các làn điệu dân ca được UNESCO công nhận; Trình diễn võ thuật UNESCO; Festival Văn hóa nghệ thuật Thiếu niên, Nhi đồng UNESCO; Triển lãm ảnh, Trình diễn áo dài.
Ban Tổ chức lựa chọn những loại hình văn hóa, nghệ thuật, thể thao, võ thuật đặc sắc, điển hình có tính truyền thống, nhằm giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ tới công chúng. Đồng thời, tạo nên một dấu ấn trong bạn bè quốc tế về góc nhìn ấn tượng “Di sản văn hóa Việt Nam”. Qua đó, để nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước được thưởng lãm, trải nghiệm những loại hình văn hoá nghệ thuật, thể thao độc đáo của Việt Nam như: Thư pháp Việt, hát Then, hát Văn, Bài chòi, Quan họ, Chèo, Ví dặm, Ca trù, Hát xẩm, và các thể thức trống hội. Đặc biệt, Áo dài Việt sẽ được trình diễn như một điểm nhấn của sự kiện, góp phần tôn vinh và tạo dấu ấn cho hồ sơ trình UNESCO công nhận và tại Danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.
Trong khuôn khổ ngày hội, Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp với trách nhiệm bảo tồn và gìn giữ Di sản Văn hóa” đã nhấn mạnh việc huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội nhằm sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hoá. Diễn đàn cũng đã nêu bật vai trò quan trọng của cộng đồng, các doanh nhân, doanh nghiệp trong việc tham gia bảo tồn di sản. Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách; còn cộng đồng, doanh nhân, doanh nghiệp thực thi bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản. Diễn đàn khẳng định việc bảo vệ, bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa đã góp phần làm đa dạng, phong phú nền văn hóa của các dân tộc, vùng miền và đất nước, làm dày dặn hơn kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Từ đó tạo nên nền tảng tinh thần, động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển, đưa giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người sở hữu di sản đến với bạn bè quốc tế.
Thanh Minh