Nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng giữa các nền kinh tế APEC, nguyên tắc, giải pháp phát triển du lịch cộng đồng, sáng ngày 23/11, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức “Đối thoại về du lịch cộng đồng APEC” kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu ở trong nước và quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh TITC
Tham dự sự kiện có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, đại diện các Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch; lãnh đạo các Sở quản lý du lịch; các cơ quan du lịch của các nền kinh tế APEC; các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và các làng cộng đồng du lịch của Việt Nam và các nền kinh tế APEC.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhận định đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ hoạt động ngành du lịch trong khoảng thời gian hơn hai năm qua. Vấn đề đặt ra cho mỗi điểm đến, các đơn vị, cá nhân làm du lịch, nhà quản lý… phải làm sao vừa ứng phó với thực trạng trên, vừa phục hồi và nâng cao chất lượng điểm đến đảm bảo sự an toàn, thỏa mãn được nhu cầu du lịch cho du khách.
Phó Tổng cục trưởng cho biết theo UNWTO, du lịch là ngành kinh tế đóng góp trực tiếp vào thực hiện 3 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững; du lịch là ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ. Du lịch cũng là ngành kinh tế mà các doanh nghiệp du lịch siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm đa số, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Trong khi nhiều vùng nông thôn có tài nguyên thiên nhiên trù phú và giàu bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại đây gặp khó khăn về tiếp cận với đối tác, thu hút khách đến tham quan và quảng bá giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tới các đối tác và du khách.
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có sáng kiến đề xuất và được Ban Thư ký APEC thông qua dự án “Gia tăng triển vọng kết nối doanh nghiệp du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng và quảng bá mạng lưới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa về du lịch cộng đồng tại khu vực nông thôn APEC’’.
Toàn cảnh đối thoại. Ảnh TITC
Theo đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hưởng lợi từ dự án bao gồm các chủ nhà nghỉ có phòng cung cấp cho khách, các hộ gia đình và nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách, các cá nhân làm hướng dẫn, thuyết minh viên, người dẫn đường, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, các trung tâm văn hóa tại cộng đồng có sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách… trong đó bao gồm cả đối tượng lao động là nữ. Sản phẩm của dự án là trang web vệ tinh của website APEC nhằm giới thiệu thông tin, kết nối các cộng đồng làm du lịch ở khu vực nông thôn, từ đó hình thành mạng lưới về du lịch cộng đồng khu vực APEC.
Phó Tổng cục trưởng tin rằng trong thời gian không xa, với lợi thế về đa dạng văn hóa, hấp dẫn tài nguyên du lịch, ngành du lịch của 21 nền kinh tế APEC sẽ phục hồi mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một điểm đến chung hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Tiến sỹ Jutamas Wisansing - Người sáng lập, Giám đốc điều hành tập đoàn tư vấn Perfect Link, Cơ quan đổi mới cộng đồng, Thái Lan chia sẻ thực trạng phát triển du lịch cộng đồng khu vực APEC. Ảnh TITC
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trao đổi về xu hướng du lịch sau COVID-19, thực trạng phát triển du lịch cộng đồng và điển hình thành công khu vực APEC, những nguyên tắc và tiêu chuẩn du lịch cộng đồng và các giải pháp để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Trước đó, ngày 22/11, các chuyên gia của APEC đã có buổi hướng dẫn cập nhật dữ liệu trang web du lịch cộng đồng APEC cũng như hướng dẫn sử dụng ảnh, sử dụng phương thức “kể chuyện” để quảng bá du lịch.
Trung tâm Thông tin du lịch