Sáng ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bạc Liêu do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều dẫn đầu về công tác chuẩn bị tổ chức Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu, Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 và một số nội dung liên quan đến định hướng, quy hoạch phát triển du lịch Bạc Liêu. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL.
Tôn vinh các giá trị văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, kế hoạch tổ chức Ngày hội Văn hoá - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 được tỉnh ban hành từ sớm và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự kiện này diễn ra từ ngày 27 - 29/11 với 10 hoạt động chính như: Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu 2022; tổ chức đoàn khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch mới của tỉnh Bạc Liêu; liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu năm 2022; tổ chức không gian “Hội tụ tinh hoa di sản văn hoá phi vật thể đại diện các vùng, miền”; lễ khai mạc Ngày hội Văn hoá - Du lịch; hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2022; tổ chức Ngày hội Tôm và muối Bạc Liêu; tổ chức khởi công, khánh thành một số dự án, công trình; tổ chức hội thảo góp ý Đề án xây dựng sản phẩm OCOP “Khu du lịch cộng đồng Vườn nhãn Bạc Liêu” và tổ chức công nhận chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); bế mạc Ngày hội Văn hoá - Du lịch và chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh với chủ đề “Âm vang dạ cổ”.
Trước đó, từ ngày 22/11, nhiều hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội cũng sẽ được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Dự kiến có khoảng 1.500 khách mời tham dự lễ khai mạc.
Hoan nghênh ý nghĩa và sự chuẩn bị tích cực của tỉnh Bạc Liêu trong tổ chức hai sự kiện nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng Bạc Liêu muốn tổ chức một sự kiện mang dấu ấn riêng, nổi bật trong khu vực thì phải có sự chuẩn bị kỹ càng, đầu tư về kịch bản văn học, kịch bản nghệ thuật, tạo không gian kết nối các di sản 3 miền; thể hiện các giá trị văn hoá, lịch sử, vẻ đẹp của vùng đất Bạc Liêu, những tiềm năng, thế mạnh mà Bạc Liêu có, sự cởi mở trong chính sách đầu tư, phát triển, hội nhập. Đặc biệt các sự kiện phải tôn vinh được các giá trị văn hoá, đặc biệt là đờn ca tài tử, công tử Bạc Liêu…
Với hoạt động tổ chức đoàn khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch du lịch mới của tỉnh, Bộ trưởng khẳng định, trong phát triển du lịch, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng vì họ chính là người xây dựng ra các sản phẩm cụ thể, đưa khách đến, tạo ra nguồn thu… Vì thế, việc mời 200 doanh nghiệp tới khảo sát là rất cần thiết nhưng sau khảo sát cần tạo ra sản phẩm, công bố các sản phẩm đó, quảng bá sản phẩm thế nào, phục vụ đối tượng khách nào.
Cần định hướng rõ ràng trong quy hoạch du lịch Bạc Liêu
Thời gian qua, du lịch Bạc Liêu có bước phát triển đáng kể, các chỉ tiêu về du lịch tiếp tục tăng trưởng, vị thế của du lịch Bạc Liêu từng bước được khẳng định trong khu vực. Năm 2022, Bạc Liêu tiếp tục nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tổng thu dịch vụ du lịch và lượng khách du lịch nhiều nhất vùng ĐBSCL.
Tại cuộc họp, tỉnh Bạc Liêu cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến Quy hoạch hệ thống du lịch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Bộ VHTTDL xem xét đề xuất bổ sung vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia đối với Khu du lịch Nhà Mát.
Kiến nghị Bộ xem xét trong quá trình lập quy hoạch quan tâm đến việc định hướng phát triển đô thị du lịch thành phố Bạc Liêu. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch chỉ đạo các đơn vị có liên quan hỗ trợ, tư vấn thành phố Bạc Liêu xây dựng Đề án tổng thể phát triển sản phẩm du lịch để có định hướng đầu tư và kêu gọi đầu tư thời gian tới.
Trao đổi ý kiến tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Đề án phát triển du lịch thành phố Bạc Liêu cần có điểm nhấn về sản phẩm chính. “Trên cơ sở những ưu điểm và tiềm năng, sản phẩm du lịch của Bạc Liêu là văn hóa và ẩm thực, từ đó cần xây dựng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển hai dòng sản phẩm chính này. Để xây dựng được Đề án, tỉnh cũng cần quan tâm đến quy hoạch phân khu cũng như vùng phát triển của thành phố Bạc Liêu để có định hướng lâu dài, đồng thời có các chuyên gia tư vấn trong quá trình xây dựng Đề án”. Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Về giải pháp phát triển thành phố Bạc Liêu trở thành trung tâm dịch vụ của vùng ĐBSCL, Tổng cục trưởng cho biết, trong dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam mà Bộ VHTTDL đang xây dựng, nội dung này đã được đưa vào trong phương án phát triển. Để trở thành trung tâm du lịch của vùng, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, bên cạnh điểm nhấn là Khu du lịch Nhà Mát, cần quan tâm phát huy tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa; hoàn thiện hệ thống dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, đầu tư hạ tầng giao thông để thuận tiện liên kết với các địa phương.
Tổng cục trưởng cũng cho rằng để đưa Khu Du lịch Nhà Mát trở thành Khu Du lịch quốc gia, tỉnh Bạc Liêu cần có quan điểm, quy định phát triển các hoạt động vui chơi giải trí nhưng vẫn bảo tồn được vẻ đẹp thiên nhiên của khu du lịch này, bổ sung các điểm tài nguyên như chùa chiền, thiền viện đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh. Đồng thời cần có quy hoạch, quy định cụ thể, là công cụ đánh giá, kiểm tra, giám sát để phát triển khu du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế. Khẳng định, văn hóa, thể thao và du lịch là lĩnh vực luôn được tỉnh dành sự quan tâm, đầu tư nhất định, ông Phạm Văn Thiều bày tỏ mong muốn lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn của Bộ tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ để tỉnh Bạc Liêu có thể thực hiện được các định hướng phát triển của địa phương nhất là du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, dù tỉnh đã có sự quan tâm nhưng việc khai thác, đầu tư của điểm du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng thông qua hai sự kiện này sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL để có định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo ở các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong nhiệm kỳ lãnh đạo này, Bộ VHTTDL chuyển từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hóa. Bộ sẽ cùng tỉnh Bạc Liêu nghiên cứu và thực hiện công tác quản lý vì mục tiêu phát triển chung, phát triển ngành lớn mạnh. Thời gian qua, Bạc Liêu đã cố gắng phát triển và thu được những kết quả nhất định. Tỉnh cũng đã xây dựng các Nghị quyết chuyên đề để thể chế hoá các quan điểm của Đảng, nắm bắt các cơ hội phát triển mới.
Bộ trưởng hoan nghênh ý tưởng cũng như sự quan tâm đầu tư của tỉnh khi tổ chức Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022. Để Ngày hội diễn ra thành công theo đúng mục tiêu mà tỉnh mong muốn, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần tổng rà soát lại.
"Ngày hội diễn ra 1 tuần và có nhiều không gian với chuỗi sự kiện nổi bật nhưng điểm nhấn là cái gì?" Bộ trưởng đặt vấn đề, đồng thời gợi mở, tỉnh phải xác định đêm khai mạc chính là điểm nhấn của Ngày hội, phải tạo không gian kết nối di sản, chương trình nghệ thuật tổng thể trong đêm để toát lên được ý nghĩa, khát vọng của địa phương thông qua Ngày hội lần này.
Về lĩnh vực di tích, di sản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị địa phương cần bình tĩnh làm từng bước từ khảo sát, kiểm đếm, đánh giá rồi cuối cùng mới đến khâu xếp hạng, tinh thần chung là di tích nào xứng tầm thì mới lựa chọn để đề xuất đến các cấp có thẩm quyền.
Đối với lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần xác định rõ định hướng, mục tiêu chính trong quy hoạch, phát triển là gì. "Nếu địa phương có nhu cầu, tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ cử đội chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển du lịch để khảo sát, khuyến nghị cho tỉnh một định hướng cụ thể. Về vấn đề đào tạo, để giữ chân du khách tỉnh cần đầu tư để hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ thuộc Bộ sẽ hỗ trợ đào tạo khi tỉnh Bạc Liêu có nhu cầu cụ thể" - Bộ trưởng chia sẻ.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thống nhất trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn giữa hai bên sẽ tăng cường hơn nữa việc phối hợp, trao đổi để đồng hành cùng tỉnh Bạc Liêu tìm ra những ưu thế trong lĩnh vực VHTTDL để đầu tư, phát triển.
Trung tâm Thông tin du lịch