Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại cồn Quy

Với diện tích khoảng 65ha, cồn Quy là một trong những cồn nhỏ nhất tại Bến Tre. Cùng với cồn Phụng và hai cồn khác thuộc tỉnh Tiền Giang, cồn Quy có mặt trong nhóm cồn tứ linh nổi tiếng tại miền Tây. Tại đây, hoạt động du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang được quan tâm khai thác phát triển.

Tài nguyên du lịch cộng đồng

Cồn Quy nằm dọc theo dòng sông Tiền, ở giữa xã Tân Thạch và Qưới Sơn, huyện Châu Thành, cách trung tâm TP. Bến Tre khoảng 23km. Cồn Quy được khai phá cách đây chỉ hơn 50 năm, vì thế được xem là một cồn “mới” so với các cồn khác tại miền Tây. Cồn Quy được phù sa bồi đắp, có địa hình tương đối bằng phẳng. Nhờ thiên nhiên ban tặng, vùng đất màu mỡ ở đây phần lớn dùng để trồng trái cây, chủ yếu là cây ăn quả lâu năm. Các loại trái cây được trồng nhiều nhất là bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... được người dân chăm sóc rất kỹ, quả đều và đẹp. Hiện tại, phần lớn người dân trên cồn đều làm nông nghiệp, thu nhập chính đến từ các vườn trái cây. Bên cạnh những vườn cây ăn trái, người dân còn phát triển nuôi ong lấy mật từ hoa nhãn nên có hương vị đặc trưng riêng. Ngoài ra, người dân cồn Quy đã tận dụng những lợi thế về tự nhiên để làm nên các sản phẩm thủ công như kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng, các đồ dùng thủ công mỹ nghệ...

Đến cồn Quy hiện nay, du khách được hóa trang thành người nông dân tham gia “tát mương bắt cá”, đi “mò cua, bắt ốc”, đi xe đạp, tắm sông,… trải nghiệm cuộc sống bình dị miền quê sông nước tại những homestay mang đậm chất miền Tây. Dưới những tán cây, du khách có thể nằm thư giãn trên những chiếc võng đu đưa cùng làn gió hay tổ chức cắm trại dã ngoại, chéo thuyền khám phá những con rạch nhỏ ngoằn ngèo, với hai bên là rặng dừa nước xanh um; tìm hiểu quy trình làm các sản phẩm được chế tác từ dừa, cách làm kẹo dừa và lựa chọn kẹo dừa hay các sản phẩm dễ thương làm quà lưu niệm… Ngoài các loại trái cây theo mùa, du khách cũng có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản, dân dã tại cồn Quy như tép rang dừa, cá bông lau nấu canh chua bần với rau muống đồng, cá điêu hồng hấp nấm mối với bông bí, lẩu cá kèo, cá lóc kho tộ,… cùng với những làn điệu đờn ca tài tử say đắm.

Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bến Tre quan tâm đầu tư lĩnh vực du lịch nông nghiệp, DLCĐ bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, DLCĐ có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Riêng đối với cồn Quy, Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã định hướng việc phát triển các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại đây. Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bến Tre quy định một số chính sách hỗ trợ kinh phí khuyến khích phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã góp phần khuyến khích tạo động lực để cộng đồng người dân nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Theo đó, TP. Bến Tre đã vận động 6 hộ gia đình Ba Danh, Mười Nở, Hạ Thảo, Nguyệt Quế, Xóm Dừa Nước và Thanh Xuân trên địa bàn cồn Quy nhận kinh phí hỗ trợ từ 30 - 50 triệu đồng/cơ sở để đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho DLCĐ. Đến nay, loại hình DLCĐ tại cồn Quy đã không chỉ tạo thêm một điểm đến cho ngành Du lịch Bến Tre mà còn góp phần cải thiện đ���i sống người dân trên chính mảnh đất quê hương.

Nhu cầu và mong muốn tham gia DLCĐ của người dân địa phương

Theo kết quả khảo sát, người dân cồn Quy có nhu cầu tham gia vào các hoạt động du lịch từ việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch, đón khách du lịch tham quan vườn trái cây, gìn giữ và duy trì các làng nghề truyền thống… Dựa trên kết quả giá trị trung bình của thang đo xếp hạng từ 1 (tương ứng với quan điểm hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (tương ứng với quan điểm hoàn toàn đồng ý), nhu cầu cao nhất của người dân địa phương là cung cấp dịch vụ du lịch (đạt 4.63) bao gồm ăn uống, đặc sản địa phương, hướng dẫn…; nhu cầu thấp nhất là tham gia vào lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng (3.96).

Với nhu cầu sẵn sàng tham gia vào hoạt động du lịch, người dân cồn Quy mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía chính quyền, các tổ chức bên ngoài cộng đồng và các doanh nghiệp du lịch để hình thành những sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời đem lại lợi ích cho cộng đồng. Người dân địa phương mong muốn được hỗ trợ từ khâu vốn, kỹ thuật, tài liệu đến khâu tập huấn, đào tạo và quảng bá du lịch địa phương cũng như điểm đến cồn Quy. Mong đợi lớn nhất của người dân địa phương là được thấy khách du lịch nhiều hơn ở cồn Quy (4,71), tiếp đến là mong muốn hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện (4,66), mong muốn được hỗ trợ tài liệu quản lý và kinh doanh du lịch ở mức thấp nhất (3,83). Phần lớn người dân được khảo sát ủng hộ việc phát triển DLCĐ tại cồn Quy (chiếm 94,7%) và mong muốn được quảng bá về DLCĐ, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch. Đây chính là điều kiện thuận lợi để đưa các kế hoạch phát triển DLCĐ nói riêng và du lịch nói chung vào thực tiễn tại cồn Quy.

Giải pháp phát triển DLCĐ tại cồn Quy

Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng tại cồn Quy hiện nay còn nhiều hạn chế khiến nhiều du khách e ngại khi đến tham quan. Do đó, cần mở rộng quy mô bến tàu, tăng số lượng các phương tiện đưa đón khách, nâng cấp đường giao thông trên cồn, tăng cường công tác quản lý dịch vụ vận chuyển...

Đặc trưng của DLCĐ là du khách được “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt” với người dân để trải nghiệm và tìm hiểu đời sống, văn hóa của địa phương. Thế nên việc xây dựng, nâng cấp các dịch vụ lưu trú là cần thiết. Chính quyền địa phương nên có những hướng dẫn, quy định cụ thể về việc cấp giấy phép kinh doanh cơ sở lưu trú, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân vay vốn nâng cấp cơ sở vật chất, nhà ở... Người dân cần chú trọng xây dựng cơ sở lưu trú đạt những tiêu chí cần thiết như vệ sinh, phòng ở, chất lượng phục vụ,...

Để tạo điểm nhấn, người dân cần tạo điều kiện cho khách du lịch tham gia vào quá trình chế biến các món ăn mang đặc trưng địa phương để tạo thêm nhiều trải nghiệm cho du khách được hòa vào không gian và đời sống của cộng đồng. Ngoài ra, xây dựng thực đơn với các món ăn đặc trưng của vùng; phối hợp với các cơ sở đào tạo để tập huấn cho người dân các bước cơ bản đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, tập huấn các kỹ năng về nghiệp vụ nhà hàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

Các nghề truyền thống như làm kẹo dừa, đồ thủ công, mỹ nghệ bằng nguyên vật liệu từ cây dừa tại địa phương cần được đẩy mạnh hơn bằng việc sáng tạo thêm các sản phẩm lưu niệm; có chính sách khuyến khích người dân tham gia từ quy mô hộ gia đình lên tập thể, và hướng đến phát triển thành làng nghề để tạo dấu ấn cho địa phương.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại cồn Quy cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về DLCĐ. Các hoạt động tuyên truyền sẽ là động lực để người dân chuyển từ mong muốn sang sẵn sàng và chủ động tham gia. Chính quyền và các tổ chức liên quan phối hợp tổ chức các lớp đào tạo dài hạn và ngắn hạn, chia theo những nhóm đối tượng khác nhau. Chẳng hạn những người dân bận công việc làm vườn, đồng áng,... sẽ tham gia các khóa học ngắn hạn, tập trung đào tạo kỹ năng và những nghiệp vụ cơ bản. Đối với những nhóm đối tượng trẻ, thanh thiếu niên, hoặc những người có điều kiện phù hợp sẽ tổ chức đào tạo theo hệ thống chuyên môn cao dài hạn, đảm bảo nắm vững đầy đủ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ...

Công tác quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch tại cồn Quy đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan như chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch... nhằm giúp cho người dân có thể tiếp cận khách du lịch một cách chủ động hơn. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh ứng dụng các kênh quảng bá phổ biến hiện nay như mạng xã hội, truyền hình, báo chí, các chương trình kết nối điểm đến với du khách… nhằm đưa hình ảnh, thương hiệu du lịch cồn Quy đến gần hơn với đa dạng các đối tượng khách du lịch.

DLCĐ tại cồn Quy hiện mới chủ yếu khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên và các giá trị văn hóa gắn liền với đời sống của người dân. Dựa vào điều kiện tự nhiên và bối cảnh còn khá hoang sơ, người dân cồn Quy có thể xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới, ví dụ như tour ngắm đom đóm quanh bờ cồn kết hợp với hoạt động giăng lưới bắt cá... nhằm không chỉ tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm hoạt động hằng ngày của người dân mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về nếp sống, sinh hoạt và văn hóa bản địa đặc trưng của người dân cồn Quy.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Văn An (2016), Sổ tay hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, NXB Thanh niên (Hà Nội).
2. Nguyễn Thanh Loan. (2020). Phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam. NXB Thể thao và Du lịch…

Chung Lê Khang
Huỳnh Thị Kim Loan
Phùng Thị Kiều Oanh
Lâm Đức Cường

(Tạp chí Du lịch tháng 6/2022)

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam