Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch về tình hình hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/01– 06/02), ngành Du lịch đã phục vụ 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú; Tổng thu từ du lịch đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng. Khách du lịch quốc tế đến theo chương trình thí điểm hộ chiếu vắc-xin đạt 467 khách. Tổng số khách quốc tế kể từ khi bắt đầu triển khai Chương trình (từ tháng 11/2021 đến ngày 07/02/2022) đạt 8.967 khách.
Hoạt động du lịch trong kì nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã sôi động trở lại tại một số trung tâm du lịch lớn trên cả nước, tạo đà phục hồi cho ngành du lịch năm 2022. Nhiều địa phương đã xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang, trang hoàng không gian tại các cơ sở lưu trú và khu điểm du lịch để phục vụ khách du lịch, đồng thời đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch. Một số địa phương như Khánh Hoà, Đà Nẵng, Kiên Giang,... đã phối hợp cùng các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Bamboo Airways) và doanh nghiệp du lịch (Saigontourist, TTC Travel...) tổ chức buổi lễ phục vụ và lì xì du khách “xông đất” đầu năm, nhằm gìn giữ tục lệ đẹp của dân tộc, đồng thời bày tỏ hy vọng, hào hứng về một năm mới phát triển hơn của Du lịch Việt Nam.
Trong 9 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các địa phương đón nhiều khách đứng đầu cả nước như Tây Ninh phục vụ 595.000 lượt khách, công suất phòng lưu trú khoảng 65%; Bà Rịa-Vũng Tàu phục vụ 419.735 lượt khách, doanh thu đạt 358 tỷ đồng. Lâm Đồng phục vụ 300.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có hơn 120.000 lượt khách có lưu trú qua đêm, tăng trên 128,9% lượt khách so với cùng kỳ năm ngoái. Thanh Hóa phục vụ 290.000 lượt khách, tăng 11,9% so với năm ngoái. Quảng Ninh phục vụ 289.661 lượt khách, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, một số địa phương trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh đón 300.000 lượt khách đến các điểm tham quan, tổng thu từ du lịch đạt 3.100 tỷ đồng. Hà Nội phục vụ trên 105.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng đạt 22,4%. Quảng Nam phục vụ 44.800 lượt, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021; Khách lưu trú du lịch ước đạt 17.600 lượt, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đà Nẵng: phục vụ 35.939 lượt, tăng 16,71% so với 2021. Tổng số chuyến bay nội địa đến Đà Nẵng đạt 404 chuyến. Tổng số chuyến bay quốc tế đạt 27 lượt (tăng 200% so với cùng kỳ).
Thừa Thiên Huế phục vụ 58.300 lượt khách đến và tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tăng 286% so với cùng kỳ năm ngoái. Quảng Trị: phục vụ 21.388 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 9 tỷ đồng. Khánh Hoà phục vụ 98.610 lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kiên Giang phục vụ 98.000 lượt khách; công suất sử dụng phòng khoảng 56,3%; Riêng Phú Quốc có 79.000 lượt khách; công suất sử dụng phòng đạt 71,3%.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đều kì vọng vào những tín hiệu tốt sẽ sớm hồi sinh hoạt động kinh doanh. Một số doanh nghiệp lữ hành như Vietravel, Saigontourist, Fiditour,... ghi nhận nhiều thông tin tích cực khi lượng khách hàng đặt mua tour du lịch với xu hướng gần với thời gian từ 2 đến 4 ngày là khá lớn...
Theo đánh giá về kết quả bước đầu, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, được các địa phương và nhân dân đồng lòng ủng hộ, thực hiện nghiêm túc; công tác đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin được thực hiện quyết liệt; hoạt động phục hồi du lịch được Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm hỗ trợ; doanh nghiệp du lịch quyết tâm hành động và thích ứng linh hoạt; nhu cầu du lịch của nhân dân dồn nén ở mức cao và người dân tin tưởng vào khả năng phòng, chống dịch và thực hiện tốt quy định 5K.
Tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hệ thống doanh nghiệp du lịch chưa kịp củng cố do nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chuyển ngành nghề; nguồn nhân lực cũng chưa kịp phục hồi do nhiều lao động đã chuyển nghề khác; một phần cơ sở lưu trú du lịch chưa kịp khôi phục 100% công suất do thiếu lao động; lượng lớn khách du lịch đến các điểm đến gần theo phương thức tự đi, không đặt trước... nên tại một số điểm đến du lịch đã có tình trạng ách tắc giao thông, tăng giá dịch vụ, thiếu phòng nghỉ...
Thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch; Triển khai xây dựng 02 Thông tư: (1) Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực du lịch thuộc Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; (2) Thông tư quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức hướng dẫn viên du lịch theo Kế hoạch đã được ban hành. Triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Triển khai Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021 – 2025; Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Triển khai Chiến dịch xúc tiến, quảng bá Việt Nam “Live fully in Vietnam, Chương trình du lịch nội địa “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”.
Đồng thời phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia – Quảng Nam năm 2022; Tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu của du khách trong điều kiện thích ứng linh hoạt, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.