Chiều 9/10, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) đã tổ chức chương trình Talkshow, hình thức họp online trên Zoom với chủ đề: “Dìu nhau vượt khó - Khởi đà khôi phục”, nhằm mục đích chia sẻ thông tin, giải đáp thắc mắc, tìm cách tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch gặp phải, nhờ chuyên gia hướng dẫn cách tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam, ông Hoàng Văn Hoàn - Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo của hơn 30 hiệp hội du lịch, các hội viên Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam trên cả nước đã tham dự.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 tái bùng phát đã có những tác động, ảnh hưởng đều nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Thấu hiểu những vất vả mà doanh nghiệp du lịch phải gánh chịu trong suốt thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp khó khăn về vốn, nhân lực..., Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã tổ chức chương trình để các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chia sẻ kinh nghiệm vượt khó; đồng thời, được tiếp cận thông tin với chuyên gia về các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp du lịch, tìm hiểu những nội dung về các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ, qua đó hướng dẫn doanh nghiệp du lịch về lộ trình, những thủ tục cần thiết để tiếp cận được nguồn hỗ trợ. Bên cạnh đó, chương trình cũng lắng nghe, giải đáp thắc mắc giúp doanh nghiệp du lịch vượt khó, khởi đà khôi phục du lịch trong thời gian tới.
Trao đổi tại chương trình, ông Hoàng Văn Hoàn, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cung cấp cho các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch về góc nhìn đầu tư cũng như những văn bản pháp luật mới, các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch; chia sẻ những khó khăn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về cách tiếp cận các nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp do tác động bởi đại dịch COVID-19. Theo ông Hoàn, các Hiệp hội, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch cần cập nhật kịp thời các thông tin, nội dung được đề cập trong các Nghị định, Nghị quyết, Quyết định mới nhất của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, sử dụng người lao động bị tác động, ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Chính sách hỗ trợ áp dụng cho toàn cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp du lịch. Mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu các văn bản để tìm ra các nội dung sát với hoạt động, khó khăn của mình. Các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch nên phân công cán bộ chuyên trách để nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, khảo sát, cùng tháo gỡ khó khăn với các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch cũng như hỗ trợ trong đào tạo nhân lực. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng Nghị định hỗ trợ tư vấn viên. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp cần có bộ phận tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp, để khai thác kịp thời nguồn thông tin chính thống, đầy đủ, giúp cho hoạt động, tháo gỡ những khó khăn của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Trao đổi trong chương trình, các ý kiến phát biểu đánh giá sự nỗ lực, sát sao, kịp thời của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cùng các Bộ, ngành nắm bắt kịp thời thông tin về doanh nghiệp du lịch, chia sẻ khó khăn, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về du lịch xanh, du lịch an toàn, cung cấp thông tin, mời chuyên gia tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong tiếp cận các gói hỗ trợ và các chính sách của Chính phủ đối với doanh nghiệp do tác động bởi đại dịch COVID-19, qua đó tăng cường sự liên kết giữa các Hiệp hội, doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt khó. Các ý kiến phát biểu cũng đề cập đến những khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ, khó khăn về kinh phí trong hỗ trợ đào tạo nguồn lực, đề nghị xem xét rút ngắn thời gian nhận 80% số tiền ký quỹ trong Ngân hàng để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi hoạt động sau gần hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo Phó Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tấn, qua thực tế, có nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh khi triển khai nhiều chương trình, cũng như triển khai nội dung liên quan về các gói hỗ trợ, hồ sơ làm chưa đúng yêu cầu, quy trình, mất nhiều thời gian. Thời gian tới, rất mong Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam có sự phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thống nhất, cụ thể hóa nội dung trong Nghị định, Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ về chính sách, quy trình, thủ tục hỗ trợ người lao động, sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, thành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, thống nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, địa phương triển khai, thực hiện đạt hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh: Chương trình hôm nay cung cấp nhiều thông tin, nội dung kịp thời về chính sách hỗ trợ cùng các văn bản liên quan cho các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch. Thời gian tới, đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp cần quan tâm cập nhật kịp thời những thông tin, kết nối, hợp tác, các văn bản về chính sách mới, cũng như những nội dung đề cập đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; nắm bắt, kiến nghị, đề xuất trong việc tháo gỡ khó khăn, bất cập, trong hoạt động của doanh nghiệp, cũng như triển khai thực hiện các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn bởi đại dịch. Các doanh nghiệp du lịch các địa phương cần nghiên cứu thành lập đội ngũ tư vấn để cập nhật, tư vấn các chính sách, văn bản pháp luật, các quy định mới nhất của Chính phủ liên quan đến doanh nghiệp du lịch giúp cho hoạt động của địa phương, doanh nghiệp đạt hiệu quả, góp sức giúp ngành Du lịch vượt bão COVID-19 trong thời gian tới.
Nguồn: Tuấn Sơn, vtr.org.vn