Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 14 của Tỉnh ủy, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ cơ cấu lại du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Khách du lịch thư giãn tại The Anam Resort
Du lịch thời trước dịch
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổng kết tình hình thực hiện Chương trình hành động số 14 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị ngày 26-1-2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (gọi tắt là Chương trình hành động số 14) giai đoạn 2017 - 2020.
Giai đoạn 2017 - 2019 (trước dịch Covid-19), các chỉ tiêu cơ bản như doanh thu, lượng khách, số lượng phòng lưu trú tăng 15 - 20%/năm. Đến năm 2019, toàn tỉnh đã đón hơn 7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch hơn 27.000 tỷ đồng. Khánh Hòa cũng là địa phương thu hút mạnh về đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch với hơn 50.000 phòng lưu trú; số lượng các resort, khách sạn hạng sang 4 - 5 sao thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế ngày càng nhiều. Bên cạnh các sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch Khánh Hòa cũng đã có thêm nhiều sản phẩm du lịch sinh thái núi rừng ở khu vực phía tây Nha Trang.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần tăng tỷ trọng dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế khác. Đặc biệt, sự phát triển của ngành Du lịch đã góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Tỉnh Khánh Hòa trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn, có đóng góp quan trọng cho du lịch Việt Nam. Việc định hướng mở rộng không gian phát triển du lịch tại khu vực vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong đang mở ra triển vọng mới trong phát triển du lịch; tạo nền tảng để đưa du lịch phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm mục tiêu đến năm 2025, Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.
Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa vẫn còn một số hạn chế. Đó là, cơ cấu thị trường khách du lịch quốc tế chưa hợp lý. Du lịch của tỉnh phát triển mạnh về lưu trú và nghỉ dưỡng nhưng chưa có những thiết chế văn hóa đặc sắc của địa phương để tạo điểm đến hấp dẫn du khách. Mặt khác, nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, thiếu lực lượng lao động lành nghề, quản lý chất lượng cao. Bên cạnh đó, chính sách phát triển du lịch chủ yếu tập trung vào thu hút dự án đầu tư, chưa có những chính sách dài hạn. Việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh doanh du lịch mất cân đối, các khách sạn chủ yếu tại trung tâm TP. Nha Trang…
Sẽ tập trung tái cơ cấu du lịch
Giai đoạn 2021 - 2025, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Khánh Hòa thực hiện chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng vừa từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cũng như nguồn khách để hướng đến sự bền vững.
Giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa đặt mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đạt 200.000 tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD); tạo việc làm cho hơn 160.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 70.000 phòng kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có khoảng 70% phòng đạt chuẩn chất lượng 3 - 5 sao; thu hút được 11 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đóng góp trực tiếp vào GRDP của tỉnh từ 15 đến 17%.
Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2030 và định hướng 2050 với nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại hoạt động du lịch của tỉnh bảo đảm 3 mục tiêu chính: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh; khai thác kinh doanh du lịch có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp. Đồng thời, tỉnh sẽ hoàn thiện cơ chế khuyến khích nhằm thu hút nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, các điểm vui chơi giải trí quy mô lớn, trung tâm biểu diễn nghệ thuật; khuyến khích phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù, sản phẩm dịch vụ mang tính chiến lược; chính sách phát triển chuỗi giá trị các ngành liên quan.
Khánh Hòa sẽ nghiên cứu cơ chế tạo Quỹ phát triển du lịch của tỉnh để ưu tiên sử dụng cho mục đích bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa; xúc tiến quảng bá phát triển thị trường khách du lịch; nâng cao ý thức cộng đồng trong xây dựng môi trường du lịch; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ hoạt động du lịch.
Thời gian tới tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển mở rộng, nâng cấp Sân bay quốc tế Cam Ranh và Cảng du lịch Nha Trang; đầu tư hạ tầng giao thông kết nối để tạo động lực thu hút đầu tư du lịch tại 3 vùng động lực phát triển của tỉnh, tạo điều kiện đến năm 2025, tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch lớn của quốc gia. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau trong Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam; kiến nghị với Bộ Ngoại giao xem xét việc miễn visa cho khách du lịch Nga từ 15 ngày lên 30 ngày đối với các nhóm khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, chữa bệnh, nhóm khách theo tour đặc biệt khi đến với Khánh Hòa…
Nguồn: Báo Khánh Hòa