Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành Du lịch, trong đó có nguồn nhân lực. Sự hao hụt nhân sự do lao động phải nghỉ việc hoặc chuyển nghề, buộc các đơn vị sử dụng lao động và cơ sở đào tạo phải thay đổi mạnh mẽ về tư duy, phương pháp quản lý; trong đó có việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. Diễn đàn khoa học “Định hướng, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề du lịch nhằm thích ứng thời kỳ hậu COVID-19” do Trường Cao đẳng Cần Thơ (CĐCT) vừa tổ chức, nhằm tìm lời giải cho bài toán này.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, tổng doanh thu ngành Du lịch năm 2020 đạt 3.169 tỉ đồng, chỉ đạt 62,1% kế hoạch; trong đó doanh thu từ khách quốc tế chỉ đạt 25,3% kế hoạch. Nhiều công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài thành phố rơi vào khó khăn chung. Ðơn cử như Vietravel năm qua đã thiệt hại khoảng 300 tỉ đồng. Ðáng quan ngại hơn là lực lượng lao động: trong hơn 2.000 nhân sự của Vietravel, có 65% đang chờ việc hoặc tạm nghỉ. Theo đại diện Vietravel, tuy bị ảnh hưởng lớn nhưng ngành Du lịch Việt Nam được đánh giá sẽ sớm hồi phục so với các nước trong khu vực Ðông Nam Á; bởi du lịch Việt Nam có nhiều loại hình, trong đó phát triển mạnh du lịch nội địa, với các công ty lữ hành trong nước hoạt động sáng tạo. Ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Ðiều hành Hướng dẫn viên Việt Nam, cho biết: “Sự thay đổi của thị trường, du khách, kéo theo sản phẩm du lịch phải đáp ứng các yêu cầu mới, đồng thời đòi hỏi nhân sự phục vụ cho ngành này phải đổi mới. Từ đó Vietravel đã gắn kết với các cơ sở đào tạo để có sự liên kết trong định hướng chương trình giảng dạy sinh viên ngành Du lịch, nhằm đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tế”.
Ðại diện Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Du lịch
Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực Giáo dục, Du lịch... tham dự diễn đàn đã kiến nghị một số giải pháp hữu hiệu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp không khói trong tình hình mới. Ông Trần Văn Kiệt, nguyên Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo TP Cần Thơ đã đề xuất một số giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Du lịch của thành phố. Chẳng hạn đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này phải thuộc tổng thể chiến lược xây dựng nguồn nhân lực xã hội của TP Cần Thơ; quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo, dạy nghề và cơ sở nghiên cứu phù hợp với yêu cầu phát triển ngành Du lịch của thành phố; để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần xây dựng hệ thống giáo dục mở, có tính xã hội hóa cao, gắn kết chặt với thực tế kinh doanh, đời sống xã hội, lịch sử, bản sắc văn hóa của vùng miền… Ông Trần Văn Kiệt nhấn mạnh: “Các ngành hữu quan nghiên cứu để có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo cơ hội phát triển tài năng trẻ, phát huy sự đóng góp của toàn xã hội, thu hút sự tham gia của đội ngũ trí thức trong bồi dưỡng nguồn nhân lực. Ðây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực Du lịch nói riêng”.
Ðối với Trường CÐCT, từ năm 2006, sau 30 năm chuyên đào tạo Sư phạm, trường chính thức được phép đào tạo đa ngành. Ðào tạo nhân lực cho ngành Du lịch là 1 trong 3 trọng điểm được nhà trường xác định ngay từ giai đoạn đầu tiên. Trong hơn 14 năm kể từ khi thực hiện đào tạo nhóm ngành Du lịch, trường luôn xây dựng sự ổn định trong định hướng phát triển và mở rộng đội ngũ giảng viên, sinh viên; chương trình đào tạo được cập nhật sau từng khóa học và nội dung giảng dạy luôn đổi mới đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp. Từ những năm đầu, nhóm ngành học Du lịch chỉ có 1 lớp với 52 sinh viên, đến nay có hơn 800 sinh viên; với tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm luôn cao. Bên cạnh đó, nhiều năm qua trường luôn có kế hoạch chiến lược xây dựng Bộ môn Du lịch là mũi nhọn trong đào tạo của trường, nhóm ngành Du lịch của trường hiện nay đã trở thành một trong số ít cơ sở đào tạo bậc cao đẳng tại TP Cần Thơ có thương hiệu và được các đơn vị doanh nghiệp du lịch tin tưởng. Năm 2019, Trường CÐCT được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt 3 ngành đào tạo trọng điểm quốc gia, trong đó có ngành Du lịch. Vì vậy, chiến lược phát triển nhà trường phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, tiếp cận, công bằng và bền vững. Trường phấn đấu đạt chuẩn kiểm định ngoài trước năm 2025, định hướng năm 2030 đạt chuẩn trường chất lượng cao, trong đó có ngành Du lịch.
Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CÐCT, bên cạnh đầu tư nguồn lực, trường đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp ở tất cả các ngành nghề đào tạo, trong đó có ngành Du lịch. Trường xây dựng và thực hiện linh hoạt chính sách hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia toàn diện của doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo nghề nghiệp; triển khai mô hình gắn kết doanh nghiệp vào trong nhà trường, xem doanh nghiệp là ngôi trường thứ hai của người học. Ðồng thời, đa dạng hóa các mô hình, hình thức, loại hình, trình độ đào tạo; thực hiện phương châm vừa đảm bảo chất lượng, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động… Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm cho biết thêm: “Trường phát triển chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt với sự tham gia chặt chẽ của doanh nghiệp trên cơ sở chuẩn đầu ra. Doanh nghiệp là một phần không thể tách rời với nhà trường trong quá trình đào tạo nguồn lao động cho thị trường”.
Ðể đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành Du lịch, cần có nhiều yếu tố, như đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo của trường, sinh viên phải tự nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm... Ông Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường CÐCT, nhấn mạnh: Với sự thay đổi mạnh mẽ của Du lịch hiện nay, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định công nghệ thông tin và mạng xã hội sẽ là tương lai của ngành này. Những cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung, Trường CÐCT nói riêng phải đổi mới đào tạo, quản lý theo xu thế mới. Ðào tạo nghề không còn là việc cung cấp cho người học những gì nhà trường có, mà phải trang bị cho người học những gì mà xã hội cần, nhất là nhu cầu của doanh nghiệp. Tại diễn đàn lần này, trường mong muốn có nhiều cơ hội hợp tác, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo.
Nguồn: https://baocantho.com.vn/giai-phap-dao-tao-nguon-nhan-luc-du-lich-a129527.html