Quảng Trị được thiên nhiên ưu đãi bờ biển dài khoảng 75km với nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Triệu Lăng, Hải Khê, Vĩnh Kim, Vĩnh Thái… Đặc biệt, Cửa Tùng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi tắm”, là “Hòn ngọc của biển Thừa Lương”; Cửa Việt với nhiều lợi thế đang hình thành khu du lịch – dịch vụ có quy mô và chất lượng cao; cách đất liền khoảng 17 hải lý là đảo Cồn Cỏ - hòn ngọc giữa biển Đông; cảng Cửa Việt, Cửa Tùng, Mỹ Thủy… cũng là những địa chỉ lý tưởng để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Biển Cửa Việt
Quảng Trị ưu tiên, tập trung phát triển du lịch biển Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU ngày 24/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế biển phát triển mạnh, trong đó du lịch được xác định là ngành kinh tế chủ lực, là khâu đột phá của kinh tế biển. Kế hoạch số 3573/KH-UBND ngày 6/8/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị cũng chỉ rõ: “Xây dựng vùng biển ven bờ của tỉnh thành các vùng có du lịch phát triển, kinh tế năng động”. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII chỉ rõ du lịch biển đảo là một trong những sản phẩm ưu tiên tập trung phát triển để góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Những năm qua, Quảng Trị đã tích cực tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn của tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các khu du lịch - dịch vụ ven biển, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch vùng biển, hải đảo. Đồng thời, kết hợp với các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng hạ tầng như: cầu Cửa Tùng, Cửa Việt; các tuyến đường trung tâm Khu dịch vụ - du lịch tổng hợp Cang Gián, Khu du lịch sinh thái cao cấp Giang Hải, Khu dịch vụ - du lịch tổng hợp Gio Hải; hệ thống giao thông ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt, Hải An - Hải Khê, hệ thống giao thông nối quốc lộ 1A với toàn vùng; hệ thống điện, nước..., đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch vùng ven biển của tỉnh.
Để khai thác và phát triển du lịch biển một cách căn cơ, bài bản, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng dịch vụ - du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt (746,17ha); quy hoạch chung xây dựng dịch vụ - du lịch dọc tuyến Cửa Tùng - Vịnh Mốc (174,48ha); quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch huyện đảo Cồn Cỏ (45,49ha); quy hoạch Khu du lịch - dịch vụ Cửa Việt (191,17ha); Khu du lịch Cửa Tùng (135ha); Khu dịch vụ - du lịch Vĩnh Thái (518ha); Khu dịch vụ du lịch Triệu An - Triệu Vân (300ha)… Hiện nay, đã khai trương và đưa tuyến du lịch đảo Cồn Cỏ vào hoạt động, thu hút số lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, mở ra hướng phát triển mới của du lịch biển đảo với rất nhiều tiềm năng.
Nhận thấy tiềm năng du lịch biển Quảng Trị, những năm gần đây nhiều tập đoàn, công ty du lịch đã đến khảo sát và xây dựng kế hoạch đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư chiến lược với số vốn đăng ký hàng ngàn tỷ đồng như: Tập đoàn T&T (Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải, 4.470 tỷ đồng); Tập đoàn FLC (Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Gio Linh, 1.303,9 tỷ đồng); Công ty AE (Khu đô thị sinh thái biển AE resort - Cửa Tùng, 442,6 tỷ đồng); Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo (1.966,5 tỷ đồng); Khu Thương mại - Dịch vụ và nghỉ dưỡng cao cấp nữ hoàng bãi dài Cửa Tùng 2 (320 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái biển Cửa Việt (200 tỷ đồng); Khu Aquatica - Cua Viet beach and resort (342 tỷ đồng)... Khi các dự án du lịch này đi vào hoạt động sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng biển hấp dẫn, hình thành nên những đô thị ven biển đẳng cấp quốc tế, kết hợp với cảng Cửa Việt, cảng nước sâu Mỹ Thủy và sân bay Quảng Trị, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân địa phương, đồng thời tạo nên diện mạo, động lực phát triển mới cho hoạt động du lịch, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, du lịch biển ở Quảng Trị thời gian qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; vẫn chưa hình thành được những sản phẩm du lịch và không gian du lịch biển một cách rõ nét. Hoạt động du lịch biển có sự mất cân đối về không gian lãnh thổ. Khách du lịch tập trung chủ yếu quanh trục Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ, các khu vực còn lại chủ yếu là khách nội tỉnh như ở Mỹ Thủy, Triệu Lăng, Vĩnh Thái... Nguyên nhân của sự mất cân đối đó là do thiếu sự đầu tư về kết cấu hạ tầng du lịch và dịch vụ; thiếu một chiến lược thống nhất về tổ chức lãnh thổ và phát triển hệ thống đô thị du lịch biển; thiếu những định hướng phát triển, và quản lý kiến trúc - cảnh quan, môi trường, khai thác tài nguyên biển dẫn đến diện mạo kiến trúc thiếu bản sắc, sự phát triển không gian tùy tiện về xây dựng và sử dụng đất dọc theo khu vực ven biển; chính sách đất đai của Nhà nước còn nhiều bất cập nhất là giải quyết mối quan hệ giữa đầu tư phát triển du lịch với kinh doanh bất động sản; chuyển đổi đất đai nông nghiệp sang phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch, nhất là vấn đề rừng phòng hộ ven biển, công tác quốc phòng, an ninh. Mặt khác, công tác quản lý không gian vùng ven biển còn theo cách truyền thống, nghĩa là mỗi ngành một quy hoạch, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các loại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch môi trường với quy hoạch đô thị... Điều này dẫn tới hiệu quả phát triển du lịch và kinh tế - xã hội khu vực ven biển không cao, thiếu đồng bộ, thống nhất.
Biển Cửa Tùng
Định hướng, chiến lược phát triển không gian du lịch biển. Vì vậy, Quảng Trị cần có định hướng, chiến lược phát triển không gian du lịch biển cụ thể, rõ ràng, phát triển du lịch phải gắn với hình thành trục đô thị ven biển. Chúng tôi đề xuất một số định hướng như sau:
Một là, cần chú trọng tính bền vững trong quy hoạch du lịch ven biển, bảo đảm nhất quán chủ trương, chiến lược phát triển dài hạn mà nguyên tắc chính là phát triển một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn liền với mục tiêu bảo vệ quốc phòng - an ninh. Quy hoạch du lịch ven biển đòi hỏi phải xác lập một cơ chế quản lý, phối hợp liên ngành trong quản lý và giải quyết các quan hệ khác nhau.
Hai là, quy hoạch du lịch ven biển phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương và quốc gia; tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị, pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan; phải có tính dự báo, nắm bắt và tháo gỡ được các xung đột có thể xảy ra trong quá trình phát triển tại từng khu vực.
Dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phân chia khu vực ven biển thành 3 vùng phát triển du lịch chính: Khu vực ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ (thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, huyện đảo Cồn Cỏ) hình thành mô hình đô thị biển đảo với các sản phẩm du lịch gắn liền với các di tích lịch sử cấp quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc và khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ như tham quan, nghiên cứu lịch sử cách mạng, nghỉ dưỡng, thể thao biển (lặn biển, đua thuyền, bóng chuyền bãi biển,…). Khu vực này sẽ phát triển du lịch cao cấp kết hợp với du lịch cộng đồng; Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ chủ yếu phát triển thành các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp. Phấn đấu xây dựng Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ trở thành vùng động lực du lịch của tỉnh, trong tương lai sẽ trở thành khu du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới. Vì vậy, trong không gian du lịch khu vực này cần chú ý hình thành các công viên biển, hành lang biển với những không gian công cộng đủ lớn để có thể tổ chức các sự kiện, có tầm quốc tế.
Khu vực ven biển phía Nam (thuộc địa bàn hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng): khu vực này nằm trong Khu kinh tế Đông Nam nên sẽ hình thành không gian đô thị - khu công nghiệp - khu du lịch biển (Hải Khê, Mỹ Thủy, Triệu Vân, Triệu An, Triệu Lăng). Sản phẩm du lịch của khu vực này là du lịch nghỉ dưỡng, giải trí... Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách du lịch công vụ của Khu kinh tế Đông Nam. Khu vực ven biển phía Bắc (thuộc địa bàn các xã Kim Thạch, Vĩnh Thái của huyện Vĩnh Linh): Định hướng sản phẩm du lịch là phát triển hệ thống các đô thị du lịch biển, du lịch sinh thái, các khu nghỉ dưỡng. Khu vực này sẽ phát triển du lịch cao cấp kết hợp với du lịch cộng đồng, trong đó xây dựng một số khu, điểm du lịch trọng điểm như: Vĩnh Thái, Rú Bàu - Mũi Trèo, Rú Đưng, Địa đạo Vịnh Mốc…
Ba là, trên cơ sở định hướng quy hoạch không gian và sản phẩm du lịch biển, yếu tố đi kèm và quyết định là hệ thống hạ tầng du lịch. Do đó, cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, thống nhất; mạng lưới giao thông kết nối các khu kinh tế của tỉnh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế - xã hội và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong tỉnh với cả nước và quốc tế.
Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng môi trường sống. Khu vực ven biển phát triển đồng nghĩa với sự gia tăng dân số và khách du lịch, cũng như sự phát triển của các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quy hoạch và phát triển du lịch khu vực ven biển cần đảm bảo xác định đủ quy mô và hình thái phát triển, tạo lập các không gian hợp lý không làm ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường nước, không khí; đảm bảo các không gian sống của dân cư ven biển và khách du lịch trong sạch, lành mạnh và có điều kiện tiếp cận các không gian mở ven biển một cách tối đa nhất.
Năm là, bảo vệ môi trường tự nhiên và ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu. Môi trường ven biển ngày càng bị biến đổi theo chiều hướng xấu do các hoạt động sản xuất, kinh doanh của con người, đồng thời thường xuyên chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, các cơ sở kinh tế ven biển, nhất là du lịch cần được quy hoạch với quy mô thích hợp đảm bảo hiệu quả khai thác nhưng không làm phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên.
Nguyễn Tiến Lực
Trần Thị Đào