Dự báo cần nhiều thời gian để ngành du lịch phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ngành du lịch sẽ “khởi động lại” sau thời gian gần như hoàn toàn ngừng trệ do ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn dịch. Vậy thị trường du lịch sẽ phục hồi lại sau dịch Covid-19 như thế nào? Bài viết này tổng hợp, phân tích một số nhận định dựa trên những thảo luận rộng rãi trong thời gian vừa qua.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
1. Du lịch nội địa dự báo sẽ hồi phục sớm
Dự báo quá trình hồi phục sẽ diễn ra theo các giai đoạn như sau: (1) Nới lỏng hạn chế đi lại; (2) Du lịch nội địa hồi phục; (3) Các đường bay được khôi phục; (4) Thị trường khách đi lẻ hồi phục; (5) Thị trường khách đoàn đi số lượng lớn hồi phục.
Đây là mô hình các giai đoạn được các chuyên gia Greg Klassen (từ Twenty31) và Damian Cook (từ E-tourism frontiers) đưa ra tại Hội thảo Hành động và tư duy lại ngành du lịch toàn cầu để phục hồi sau Covid-19 do Hiệp hội Lữ hành châu Á Thái Bình Dương (PATA) tổ chức như tổng hợp tại Biểu đồ dưới đây.
Biểu đồ. Dự báo quá trình phục hồi của ngành du lịch sau dịch Covid-19
Nguồn: Tổng hợp từ Klassen và Cook (2020)
Trong thực tế, ở Việt Nam và một số nước khác, khi có dấu hiệu các hạn chế có thể được nới lỏng, các hãng hàng không đã mong muốn và có kế hoạch khôi phục đường bay và tăng tần suất các chuyến bay. Trước đó, nhu cầu đi lại tại địa phương đã tăng cao nhưng cũng mới chỉ trong phạm vi từng địa phương. Việc đi du lịch theo đoàn với số lượng lớn sẽ chậm hơn, khi tình hình dịch bệnh đã được khống chế hoàn toàn.
Theo Giáo sư Dimitrios Buhalis, Chuyên gia về du lịch, Đại học Bournemouth tại Hội thảo trực tuyến do Tổ chức Du lịch thế giới tổ chức ngày 21/4/2020, thị trường du lịch nội địa sẽ hồi phục trước nhưng cũng từng bước một, trước hết đối với nhóm khách công vụ và khách thăm họ hàng và bạn bè do nhu cầu kết nối lại công việc và các mối quan hệ mật thiết. Đối với các cơ sở dịch vụ, việc thiết kế sản phẩm để bảo đảm an toàn về y tế khi dịch bệnh chưa hoàn toàn được khống chế cũng sẽ là yêu cầu quan trọng đặt ra, nhất là đối với vấn đề vệ sinh và giữ khoảng cách tối thiểu.
2. Một số đặc điểm sau khủng hoảng
Sau dịch Covid-19, khó khăn được dự báo sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đón khách du lịch đại trà, các hãng tàu biển du lịch, các hãng lữ hành quy mô nhỏ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam đã dừng hoạt động sau dịch Covid-19.
Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng.
Theo Ông Jens Thraenhart, Giám đốc điều hành Văn phòng điều phối du lịch Mekong (MTCO), đặc điểm hấp dẫn, nổi bật của các sản phẩm du lịch khu vực Tiểu vùng Mekong là các điểm đến, trải nghiệm địa phương đặc sắc. Dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến các doanh nghiệp nhỏ địa phương và đời sống của người dân trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp và mô hình kinh doanh có thể không thể vượt qua được những khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ban hành lệnh cấm đối với các hãng tàu biển du lịch từ ngày 14/3/2020, gia hạn thêm 100 ngày từ ngày 9/4/2020 để ngăn chặn Covid-19.
Chính sách giá ưu đãi, nhất là đối với các doanh nghiệp khách sạn cũng khó phát huy hiệu quả cao trong ngắn hạn do nguồn cung lớn, đa dạng trong khi ưu tiên trước mắt của thị trường mong muốn và sẵn sàng đi du lịch chú trọng đến các yếu tố khác ngoài giá như an ninh, an toàn, nhất là về vệ sinh, y tế, giá trị trải nghiệm, chất lượng dịch vụ…
Sau giai đoạn cách ly, đặc điểm của thị trường du lịch tiếp cận môi trường số sẽ có nhiều yếu tố mới theo hướng năng động, tích cực hơn. Hiện diện trên môi trường số có ý nghĩa ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng.
Vấn đề về quá tải sức chứa ở một số điểm đến trước mắt sẽ không còn, thay vào đó là khủng khoảng về cung lớn hơn cầu. Tuy nhiên, thực tế đặt ra yêu cầu đồng thời là cơ hội để định hướng phát triển bền vững cho các điểm đến./.
Nguồn: Tổng cục Du lịch