Du lịch nỗ lực vượt khủng hoảng…

Du lịch Việt Nam (DLVN) đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có do dịch Corona (Covid -19) gây ra. Không chỉ giảm tốc độ tăng trưởng, DLVN còn thiệt hại rất nặng nề về kinh tế. Ảnh hưởng đối với toàn ngành khó có thể đong đếm bởi sự hồi phục tăng trưởng đòi hỏi thời gian lâu dài. Tích cực tìm các giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh đối với DLVN trước mắt cũng như phục hồi sau khi dịch Covid 19 được khống chế đang là nỗ lực của toàn ngành Du lịch.

Tạp chí Du lịch lược ghi một số ý kiến xung quanh vấn đề trên.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng: “Cần ứng xử văn minh với du khách, tạo hiệu ứng tốt, cảm tình về Du lịch Việt Nam…”

Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định không điều chỉnh các mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng. Điều này có nghĩa là ngành Du lịch vẫn phải tiếp tục hướng đến những mục tiêu tăng trưởng, dù bị ảnh hưởng nặng nề và chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh Corona gây ra.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, sự can thiệp không cần thiết vào các hoạt động du lịch và thương mại quốc tế không phải là giải pháp. Ngành Du lịch cần đưa ra những kế hoạch cụ thể, tập trung trong cả thời điểm dịch đang diễn ra và sau khi khống chế được dịch nhằm ứng phó và phục hồi tăng trưởng. Toàn ngành Du lịch cần bình tĩnh, đoàn kết, đồng hành, hợp tác cùng nhau vượt qua khó khăn, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp du lịch. Cần ứng xử văn minh với du khách, tạo hiệu ứng tốt, cảm tình về DLVN không chỉ trong thời điểm này mà còn trong tương lai. Những kế hoạch, giải pháp cần triển khai sớm, trong đó các đề xuất với Chính phủ cần gấp rút hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành để phát huy hiệu quả, kịp thời.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DLVN Vũ Thế Bình: “Kiến nghị miễn visa hàng loạt thị trường để kích cầu du lịch…”

Tại thời điểm này các doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh. Cần tập trung để “xốc” lại doanh nghiệp của mình, cụ thể là quan tâm đào tạo nâng cao trình độ nhân lực, đây là vấn đề quan trọng mà lâu nay nhiều doanh nghiệp xem nhẹ, bỏ trống mảng đào tạo nguồn nhân lực, đây là lúc nên tranh thủ.

Thứ hai là quan tâm sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất các điểm du lịch. Thời gian qua rất nhiều nơi xuống cấp từ điểm tham quan đến các cơ sở đón khách… nhưng chưa được quan tâm sửa chữa, có thể do thời kỳ cao điểm đông khách nên chưa có thời gian, thì thời điểm này nên chú trọng.

Tiếp đó là công tác nghiên cứu thị trường, thời gian qua công tác nghiên cứu thị trường cũng đã bị “bỏ quên” khá nhiều, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung khai thác thị trường sẵn có. Chúng ta phải hài hòa, phải có nhiều thị trường khách cùng lúc thì mới đảm bảo sự phát triển bền vững được, đây là lúc thích hợp để tập trung vào nghiên cứu thị trường. Trong thời gian khủng hoảng thì việc đầu tư nghiên cứu là rất quan trọng, bởi có thể tập trung trí tuệ tập thể, rút kinh nghiệm từ thực tế những thị trường đã làm từ trước, từ đó có những kế hoạch cụ thể, để đến khi dịch virus kết thúc có thể bắt tay triển khai ngay.

Song song với những thị trường gần Đông Nam Á, cần phải mở rộng những thị trường tiềm năng khác như Mỹ, Úc, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản…để đa dạng hóa thị trường. Chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ miễn lệ phí visa cho một loạt thị trường để kích cầu du lịch, thu hút khách đến… tất cả những việc đó phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để khi dịch được khống chế, kết thúc thì những quyết định của Chính phủ sẽ hỗ trợ ngay tập tức cho ngành Du lịch khôi phục các hoạt động.

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN): “Kích cầu du lịch nội địa là "liều thuốc" quan trọng…”

Thời điểm này, để có một giải pháp triệt để giúp khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra là không thể. Tuy nhiên, kích cầu du lịch nội địa có thể là “liều thuốc” giúp du lịch giảm thiệt hại cũng như “tăng sức đề kháng” để nhanh chóng vượt lên.

Kinh nghiệm vượt khủng hoảng do dịch SARS trước đây và kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy nhu cầu du lịch nội địa rất cao. Nếu các doanh nghiệp đồng loạt bắt tay nhau giảm giá tour, làm phong phú các tour nội địa, các doanh nghiệp lưu trú cùng giảm giá phòng… thì việc phục hồi dễ dàng hơn rất nhiều, do thị trường trong nước dễ làm và khôi phục nhanh hơn so với thị trường quốc tế.

Phó Tổng giám đốc Hanoi Redtour Nguyễn Công Hoan: “Nên có những khuyến cáo cụ thể hơn…”

Tình hình dịch bệnh Corona ở Việt Nam được kiểm soát rất tốt. Tuy nhiên, cần phải có những chính sách, văn bản cụ thể thay vì những khuyến cáo chung chung, gây “rối” và hoang mang cho cả doanh nghiệp lẫn khách du lịch. Ví dụ, Hà Nội đột ngột dừng đón khách tại nhiều điểm di tích, văn hóa lịch sử mà thông báo rất chung chung khiến cho nhiều doanh nghiệp lữ hành rất khó giải thích với du khách. Vậy chúng ta nên có những khuyến cáo cụ thể hơn, ngoài ra đối với du khách đi du lịch nước ngoài cần khoanh vùng, khuyến cáo người dân, du khách không nên đến vùng nào, để họ có chọn lựa. Ngay tại các điểm du lịch của Việt Nam cũng cần phải có những khuyến cáo cụ thể như vậy.
 
Phó Tổng giám đốc VietnamAirlines Lê Hồng Hà: “Du lịch sẽ bùng nổ sau giai đoạn dịch bệnh…”

 

VietnamAirrlines đã dừng toàn bộ hơn 30 chuyến bay thẳng đến Trung Quốc hàng ngày, đồng thời điều chỉnh lại kế hoạch khai thác đến Hong Kong, Macau, Đài Loan. Các vấn đề về hoàn tiền, bồi thường chi phí do ảnh hưởng của dịch bệnh đang được hãng triển khai với các đại lý, đối tác.

Sau dịch SARS năm 2003, cả thị trường nội địa và quốc tế đều tăng mạnh. Vì vậy chúng ta cần xây dựng ngay kịch bản chi tiết để hồi phục tăng trưởng sau giai đoạn dịch bệnh.

Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng: “Tìm biện pháp kích cầu du lịch nội địa…”

Có thể nói du lịch đang khủng hoảng nặng nề mà nguyên nhân trực tiếp là dịch bệnh do virus Corona. Tình trạng hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch… diễn ra phổ biến. Nhiều đường bay của các hãng hàng không không thể tiếp tục duy trì. Các doanh nghiệp đang phải “gồng mình”  vừa phòng chống dịch, vừa giải quyết các tình huống phát sinh.

Ngay lúc này ngành Du lịch cần có các biện pháp cụ thể để kích cầu du lịch nội địa, tìm kiếm các thị trường khách mới để doanh nghiệp có các giải pháp đối phó, sớm vượt qua khó khăn…

Viễn Nguyệt 

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam