Đầu tuần, mấy anh chị em rủ nhau đi Mộc Châu (Sơn La). Đi chớp nhoáng thôi, đang có dịch mà. Nhiều người thích ngắm mây Pha Luông, mơ màng với rừng thông bản Áng… Còn với chúng tôi, cứ rong ruổi tình tự miên man theo đất trời cao nguyên Mộc Châu.
Mấy anh em trong đoàn đi công tác qua Mộc Châu bao bận, nhưng để có cơ hội hòa mình vào cảnh sắc vạn vật nơi cao nguyên đẹp đến mê hồn này thì đây mới là lần đầu. Thế nên, ai nấy đều có cảm tình với cao nguyên có độ cao trung bình hơn 1.000m so với mặt nước biển. Đồ ăn ngon mà giá lại hợp lý; chỗ ngủ nên thơ, có vườn hồng đêm đông vẫn chờ khách, giúp du khách một sớm mai thức dậy ở cao nguyên Mộc Châu thấy đời đến là tình. Tiếng chim bồ câu đuổi nhau trên mái nhà. Những nụ đào nở muộn kiêu hãnh khoe sắc trong sương giá. Trời càng lạnh, đào càng có hồn. Mà chẳng riêng gì đào, hoa mơ, hoa mận, cải vàng cũng mộc mạc, kiêu sa.
Những vườn mận ở Cao nguyên Mộc Châu luôn là điểm đến yêu thích của du khách
Những vườn mận ẩn hiện trong sương mù hóa ra lại có sức hút ghê người. Mộng mị, u u minh minh với những lớp sương mù dày đặc, cuộn đến cuộn đi lúc nào chẳng ai hay, len lỏi qua những chiếc khẩu trang ba lớp mang đến mùi của đất đồi cao nguyên thay cho lời chào. Trời cũng chiều lòng lữ khách phương xa, khi mây mù chơi trò trốn tìm, để vườn mận hiện ra như thể trong thế giới của vợ chồng A Phủ. Vàng Thị Seo, người dân tộc Mông, đứng dưới mái hiên nhà có ánh mắt như biết nói. Chẳng thế mà chúng tôi chủ động lấy tiền ra gửi, 10 nghìn đồng/người, để cả nhóm nghiêng ngả cùng mận.
Vàng Thị Seo kéo khăn che mặt, ngượng nghịu: “Tao xấu lắm, không chụp ảnh cùng mày đâu”. Nhưng thực lòng mà nói, gái dưới xuôi, gái Kinh thấy vườn mận, vườn đào tạo dáng đến là ăn ảnh nhưng “đào xuôi” khó so với “đào rừng”. Vàng Thị Seo trú mưa dưới mái hiên nhà, lại rất ra cái chất mộc mạc mà nên thơ, khí phách của Mộc Châu. Lặng lẽ ngắm nhìn Vàng Thị Seo, tôi lại nghĩ về thác Dải Yếm, tự nhủ không biết chàng trai người Mông nào may mắn thế, được người con gái 28 tuổi này ngày trước “bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”.
Mọi người trong đoàn hỏi nhau, liệu có sống được ở trên này không? Người bảo có, người bảo không. Mộc Châu có nhiều cảnh đẹp hữu tình. Nhưng thường thì cảnh càng đẹp, đời sống người dân lại có nhiều khó khăn, vất vả. Mộc Châu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, hút khách hơn nữa nhưng có lẽ chính những du khách đến với cao nguyên này muốn được trải nghiệm sống chậm. Không ti vi, không quan tâm đến internet, ngó lơ “phây”… Sáng ra nghe nhạc Trịnh bên ly cà phê nóng thơm mùi sữa, thấy đời chậm hẳn dù ở góc vườn, hoa mười giờ đương bung sắc.
Nhà Vàng Thị Seo có thể làm du lịch với quy mô hoành tráng, có thể mở rộng diện tích trồng mơ, mận, đào để thu thêm tiền của du khách, nhưng người con gái Mông này nhớ lại: “Từ ngày tao về làm dâu nhà này hơn mười năm nay, cảnh vật khu vườn vẫn thế. Không ai nghĩ đến chuyện làm du lịch to hơn đâu. Chồng tao có làm thêm cái xích đu để khách chụp ảnh. Thế thôi!”.
Hình như nhà Vàng Thị Seo và người dân Mộc Châu rất biết cách sống chậm. Đó cũng là vẻ đẹp vô hình có sức hút du khách đến với cao nguyên xanh mướt mát quanh năm này!
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân