Nụ cười tỏa nắng là cách quảng bá, phát triển du lịch hiệu quả nhất

Tối 10/12, tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên bản đồ, Cà Mau nằm ở Cực Nam của đất nước: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”. Đến với Cà Mau là đến với vùng đất ẩn chứa biết bao nhiêu giai thoại, câu chuyện hào hùng về những con người đất mũi, đã làm nên những chiến công oanh liệt, với những trang sử hào hùng và lưu dấu ấn di tích. Bến Vàm Lũng, điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển; Di tích Hòn đá bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12; Di tích đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phan Ngọc Hiển..., mỗi di tích đã chạm khắc tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông trong lịch sử đấu tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên.

“Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước đoàn kết chống giặc ngoại xâm ngày càng được củng cố bền chặt hơn, tinh thần yêu nước của người dân Cà Mau được thể hiện ngay từ buổi khai hoang mở mang vùng đất mới, đã bao đời anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược giữ gìn xóm làng quê hương, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng” - Thủ tướng nói.

Trong quan hệ xã hội người dân Cà Mau thể hiện đức tính quý trọng, nhân nghĩa, thẳng thắn, bộc trực, sống hào phóng, giản dị, tình cảm mộc mạc, chân thành. Những khí chất Nam Bộ miền sông nước Cửu Long gắn với những tiếng ca, câu hò điệu lý với những khung cảnh thiên nhiên êm đềm, tươi đẹp hoang sơ, cho con người nơi đây sự hào sảng, tự do nhưng gắn bó, chung thủy, sắt son.

Là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong hành trình mở cõi, Cà Mau chất chứa trong lòng cả một di sản văn hóa sông nước đậm chất bản địa, những lễ hội như Lễ hội nghinh Ông, Lễ hội vía Bà Thiên hậu, lễ hội mừng năm mới của người Khmer, tất cả toát lên nét tín ngưỡng văn hóa đặc trưng, vừa thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer. Sự tài hoa và khéo léo của người Cà Mau được thể hiện qua những sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng, như chiếu Tân Thành, tôm khô Rạch Gốc, hầm than đước Ngọc Hiển, mắm Ba Khía Rạch Gốc... đã góp phần đa dạng hóa nét văn hóa, từ đó làm giàu cho các sản phẩm du lịch Mũi Cà Mau.

Khác biệt hơn tất cả các mảnh đất khác, đất mũi Cà Mau còn nổi tiếng là nơi "đất biết nở, rừng biết đi, bờ biển sinh sôi". Đó là bờ biển dài 250 km từ Đông sang Tây trong vùng biển thềm lục địa thuộc chủ quyền 71.000 km2. Đó là dẫy rừng ven biển ngập mặn, ngập lợ, cả rừng tràm nằm sâu trong đất liền, tạo nên hệ sinh thái động thực vật phong phú. Đó là khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ. Đan xen những rừng cây là những dòng sông uốn lượn dưới tán rừng, những đầm tôm, ruộng lúa cùng các vườn cây ăn trái, sân chim tự nhiên với nhiều loài chim quý hiếm... đã tạo nên các tuyến du lịch sinh thái vô cùng độc đáo và hấp dẫn. Với tài nguyên du lịch phong phú và bản sắc, năm 2018 Cà Mau đón hơn 1,24 triệu lượt khách tăng hơn 16% so với năm 2017, doanh thu du lịch đạt trên 2.200 tỷ đồng. Đây là kết quả khá tích cực và rất ý nghĩa trong bối cảnh điểm yếu về giao thông kết nối cơ sở hạ tầng và nhiều nút thắt khác đặt ra cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng Cà Mau nói riêng.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ là một trong những hướng đi bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu diễn biến rất phức tạp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau.

Theo Thủ tướng, Tuần văn hóa du lịch Mũi Cà Mau là một cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Cà Mau giàu tiềm năng, năng động, cởi mở, một mũi Cà Mau khát vọng rẽ sóng ra khơi xa, đặc biệt nhân sự kiện quảng bá du lịch quan trọng này chúng ta long trọng tổ chức khánh thành Cột cờ mũi Cà Mau do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng cho Cà Mau.

Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau tạo thêm một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn gấm vóc, chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Du lịch là tiềm năng lợi thế so sánh nổi bật ở Cà Mau, cả về điều kiện tự nhiên, thắng cảnh và kho tàng văn hóa giàu có đậm đà bản sắc. Ngành du lịch toàn cầu đang trong tiến trình chuyển đổi mạnh mẽ theo những nhu cầu thị hiếu mới của du khách. Đó là phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và cộng đồng. Xu hướng phát triển này rất phù hợp với tiềm năng lợi thế của Cà Mau. Vì thế, Thủ tướng kỳ vọng rằng Tuần văn hóa - du lịch Mũi Cà Mau sẽ là sự khởi đầu cho những thảo luận trao đổi, khơi dậy niềm cảm hứng mới, quyết tâm mới, có nhiều ý tưởng mới, hợp tác mới giúp du lịch Cà Mau tăng tốc thời gian tới.

Trong quá trình phát triển, cần quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị hệ sinh thái đặc thù của vùng đất ngập nước, khai thác có hiệu quả lợi thế của khu sinh quyển thế giới trong việc phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, thắng cảnh và kho tàng văn hóa giàu có đậm đà bản sắc. Đó là những tiềm năng du lịch và lợi thế so sánh lớn của Cà Mau nên không để mất, không để suy giảm. Cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội cùng quan tâm hơn, cùng vào cuộc để khắc phục những hạn chế, yếu kém của ngành du lịch, những khó khăn về hạ tầng kết nối, đổi mới tư duy kinh doanh, thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân để xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, văn hóa, thân thiện.

“Nụ cười tỏa nắng của đại sứ du lịch là hình ảnh thu hút quảng bá, hình ảnh của một quốc gia, một vùng đất. Trong thời đại số, trong kỷ nguyên du lịch thông minh ngày nay, nụ cười tỏa nắng của mỗi người dân Cà Mau đại diện cho sự thân thiện, hồn hậu, tận tâm với du khách, là cách quảng bá và phát triển du lịch hiệu quả nhất, bền vững nhất và chi phí thấp nhất” - Thủ tướng nêu rõ. Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo với niềm tin sâu sắc vào tương lai, chúng ta cần nỗ lực cải cách, truyền cảm hứng phát triển và khát vọng vươn lên, làm giàu cho người dân, khơi dậy phát huy những tiềm năng to lớn, tạo đà cho Cà Mau bước vào một thời kỳ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Được khởi công từ tháng 1/2016, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau mô phỏng theo kiến trúc cột cờ tại Thủ đô Hà Nội, được xây dựng kiên cố, gồm 3 tầng đế và thân cột cờ. Tổng chiều cao công trình, tính cả cán cờ, là hơn 41 mét.

Tháp Cột cờ cao 24,5m, hình bát giác côn (thu lại phía trên), trên đỉnh là lầu bát giác cao 3,9m, tầng mái lầu bát giác cao 1,5m. Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau nằm trong Khu du lịch Mũi Cà Mau, gần với các công trình quan trọng như Cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh…

Diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 10 đến 15/12, “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũ Cà Mau năm 2019” có các hoạt động chính gồm Hội chợ Thương mại và Du lịch Cà Mau - 2019; Liên hoan ẩm thực; Liên hoan giao lưu nghệ thuật của các Đoàn nghệ thuật của nhiều địa phương trong cả nước; Hội thi sân khấu cải lương không chuyên “Hương sắc Cửu Long” lần thứ I - 2019; quy mô cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

Cùng với đó, Tọa đàm kết nối du lịch nhằm trao đổi kinh nghiệm, giải pháp kết nối tour, tuyến, liên kết phát triển du lịch Cà Mau với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động du lịch của Thái Lan, Lào, Campuchia.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Thủ tướng vui mừng cùng nhân dân Cà Mau nhân chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam tại SEA Games.

 Thủ tướng dâng hương đền thờ Lạc Long Quân tại Mũi Cà Mau.

 Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam