Chiều 9/12/2019, Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2019 tiếp tục diễn ra phiên toàn thể với chủ đề "để Du lịch Việt Nam thực sự cất cánh", bàn thảo nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lê Quang Tùng cho biết: Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành Du lịch đến 2025 với tổng thu dự kiến là 45 tỷ USD, đóng góp trên 10% GDP cả nước, đảm bảo phát triển bền vững, cần phải gia tăng mạnh mẽ về chất lượng thì mới có khả năng tạo bứt phá cho ngành Du lịch, mới có thể tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ VHTTDL kì vọng các sáng kiến, đóng góp của các chuyên gia, các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp trong và ngoài nước qua các tham luận tại Diễn đàn ngày hôm nay sẽ tạo ra sức sống mới cho ngành du lịch, tìm ra những hướng đi, cách làm hiệu quả, thiết thực để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam.
Phiên toàn thể đã nghe ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban IV, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) tổng kết những kết quả thảo luận các hội nghị chuyên đề trước đó. Chuyên đề đầu tiên "Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách". Chuyên đề hai "Cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách". Chuyên đề ba "Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến". Chuyên đề bốn "Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch". Trên cơ sở đó, Phiên toàn thể tiếp tục tập trung thảo luận mở rộng về 02 chủ đề gồm: Giải pháp "Vì một Việt Nam đẹp – yêu chuộng hòa bình – văn hóa đặc sắc trong lòng du khách" và “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không – chắp cánh cho du lịch”.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng giải đáp một số vấn đề tại diễn đàn
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra một số kiến nghị: Các tiêu chí về ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng, vệ sinh môi trường cần được đưa thành tiêu chí khi công nhận hoặc trao quyền đầu tư cho một điểm đến du lịch, chỉ khi doanh nghiệp hoặc địa phương cam kết đầy đủ thì mới được gọi là một điểm đến của Du lịch Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu cho từng điểm đến cũng vô cùng quan trọng và phải dựa trên nền tảng tài nguyên độc đáo của mỗi điểm du lịch. Về công tác xúc tiến quảng bá du lịch thì phải lấy kỹ thuật số và công nghệ là cốt lõi, ngoài ra tăng cường các văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài, do cơ quan quản lý du lịch triển khai và phải có những người có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch.
Về lĩnh vực hàng không, ông Chu Việt Cường, đại diện HĐQT Vietjet Air đưa ra một số nút thắt và kiến nghị để nhà nước và khối tư nhân có thể cùng tháo gỡ. Thứ nhất là về hạ tầng cơ sở, hiện nay Việt Nam có 22 sân bay thương mại, 4 sân bay lớn nhưng hiện tại đều rất quá tải. Vì vậy, xã hội hóa nguồn vốn là một giải pháp quan trọng. Nút thắt thứ hai là bổ sung nguồn nhân lực cho ngành hàng không từ phi công, nhân viên dịch vụ mặt đất, kỹ sư sửa chữa máy bay. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ phải có một kế hoạch tổng thể để đảm bảo khi du lịch và hàng không phát triển nhanh chóng, chúng ta phải có đủ nguồn nhân lực, đặc biệt là phi công và các kỹ sư bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Thứ ba là vấn đề mô hình hợp tác công tư không có nghĩa là phân bổ đâu là việc của Nhà nước, đâu là việc của tư mà nên tận dụng thế mạnh của cả hai phía cùng sử dụng.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2019 thu hút sự tham gia của khoảng 2.000 đại biểu
Tổng kết phiên thảo luận, ông Trần Trọng Kiên cho hay, trong năm thứ hai tổ chức, Diễn đàn đã hoàn thành các mục tiêu như đáp ứng mục tiêu thông tin đến các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch, phục vụ công tác nghiên cứu chính sách và đáp ứng vai trò kết nối, đối thoại công tư hiệu quả, chất lượng trong ngành Du lịch và với các ngành liên quan chặt chẽ với ngành du lịch. Diễn đàn đã thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với nhau và doanh nghiệp với các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều sự hợp tác đã diễn ra trong và ngoài diễn đàn, được dự báo sẽ đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng khẳng định Bộ VHTTDL lắng nghe và tiếp thu những sáng kiến đóng góp tại diễn đàn, cùng rà soát các nội dung, xin ý kiến các Bộ, ngành và báo cáo Chính phủ; tìm ra giải pháp có thể thực hiện được để kết quả của Diễn đàn thực sự có ý nghĩa và thực sự triển khai có hiệu quả.
Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) và VISA sẽ ký kết hợp tác về hỗ trợ quảng bá điểm đến của Du lịch Việt Nam, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các Bộ VHTTDL, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Hiệp hội Du lịch Việt Nam
HN