Liên hoan Truyền thông và Thiết kế Việt Nam: Hà Nội 2019 đã chính thức khai mạc vào ngày 1/11 nhằm tôn vinh nét sáng tạo và văn hóa của nơi này.
(Từ trái sang) Ông Michael Croft (Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam), Tiến sĩ Phạm Lan Oanh (Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), ông Hoàng Quốc Việt (Trưởng phòng Văn hoá Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội), và Giáo sư Rick Bennett (Phó hiệu trưởng (Phụ trách Đào tạo) kiêm Trưởng khoa Truyền thông & Thiết kế RMIT Việt Nam) cắt băng khai mạc Liên hoan Truyền thông và Thiết kế Việt Nam: Hà Nội 2019
Liên hoan được Đại học RMIT - một trong những đơn vị giáo dục sáng tạo tiên phong tại Việt Nam – khởi xướng và kết hợp tổ chức cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), và Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS). Lễ khai mạc vinh dự chào đón các vị khách quý đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hà Nội, và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giáo sư Rick Bennett chia sẻ cam kết của RMIT Việt Nam trong việc hỗ trợ quá trình phát triển sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội,
trong đó có việc mở rộng cơ sở RMIT Hà Nội nhằm trở thành một trong những thành tố quan trọng góp phần vào việc kiến tạo nên thành phố này
Theo Giáo sư Rick Bennett, Phó hiệu trưởng (Phụ trách Đào tạo) kiêm Trưởng khoa Truyền thông & Thiết kế, RMIT Việt Nam, liên hoan diễn ra vào thời điểm tuyệt vời về nhiều mặt: Đại học RMIT kỷ niệm 20 năm hợp tác với Việt Nam; Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020; và Hà Nội được trao danh hiệu Thành phố Sáng tạo về Thiết kế và trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo UNESCO.
“RMIT toàn tâm toàn ý hỗ trợ quá trình phát triển sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội, trong đó có việc mở rộng cơ sở của chính chúng tôi tại đây,” Giáo sư Bennett nói. “Chúng tôi cam kết trở thành một trong những thành tố quan trọng góp phần vào việc kiến tạo nên thành phố Hà Nội và chúng tôi đã có vài ý tưởng để thực hiện điều đó”.
Tiến sĩ Phạm Lan Oanh (Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam – VICAS) cho biết Liên hoan Truyền thông và Thiết kế Việt Nam: Hà Nội 2019 là một sự kiện quan trọng VICAS đồng tổ chức nhằm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Lan Oanh nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành công nghiệp văn hoá đối với sự phát triển của ngành kinh tế-xã hội Việt Nam, và mối liên kết giữa liên hoan và chiến lược nâng cao nhận thực cộng đồng và xã hội về các hoạt động sáng tạo và giáo dục sáng tạo tại Việt Nam, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực trong ngành công nghiệp văn hóa.
Từ ngày 1 đến 17/11, người dân Hà Nội và du khách sẽ được khám phá, tham gia và tương tác trong chuỗi hoạt động sáng tạo diễn ra tại các triển lãm, các buổi học, hội thoại chia sẻ của chuyên gia trong ngành cũng như trên mạng xã hội, diễn ra xuyên suốt liên hoan. Liên hoan khai mạc với hai triển lãm sáng tạo tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại VICAS Studio gồm NEXUS và Tòhe・vo・lu・tion. Hai triển lãm này được tổ chức và giám tuyển bởi RMIT và câu lạc bộ sinh viên của trường - Current Media.
NEXUS là triển lãm hình ảnh thời trang và kiến trúc, do các giảng viên RMIT, kiến trúc sư và nhà thiết kế thời trang Việt Nam, cùng phối hợp thực hiện. Phó trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế - Giáo sư Julia Gaimster chia sẻ rằng hai trường phái thể hiện trong triển lãm gồm thời trang và kiến trúc, luôn song hành và không thể tách rời.
“NEXUS đưa thiết kế thời trang vào kiến trúc đương đại , và kết nối cả hai vào trong một bộ ảnh. Kiến trúc chính là bối cảnh của thời trang mới và người mẫu ảnh chính là những người cư dân sống động cho kiến trúc đó”, Giáo sư Gaimster nói.
Khách tham quan bày tỏ sự quan tâm đến lược sử tò he được thể hiện độc đáo qua đoàn diễu hành tò he thủ công dài 6 mét – được nhào nặn bởi nghệ nhân Đặng Văn Hậu và nhóm Toheviet
Trong khi đó, triển lãm Tòhe・vo・lu・tion truyền tải ý tưởng về nghệ thuật vượt thời gian và sức sáng tạo vô biên, được thể hiện một cách độc đáo qua biểu tượng tò he trên những thước phim, mô hình tò he 3D khổng lồ, bản đồ sáng tạo Hà Nội do khách tham quan cùng tạo nên, và đoàn diễu hành tò he thủ công dài 6 mét được tạo hình bởi nghệ nhân Đặng Văn Hậu và Toheviet.
Đại diện ban tổ chức từ Đại học RMIT, UNESCO và VICAS tại Lễ khai mạc
Liên hoan còn có nhiều lớp học khác nhau - nơi người yêu nghệ thuật có thể có khoảng thời gian vui vẻ và hóa thân thành nghệ sĩ trong một ngày.
Ngày Trải nghiệm Sáng tạo RMIT là sự kiện nổi bật trong Liên hoan, để học sinh phổ thông và phụ huynh có thể khám phá triển vọng nghề nghiệp trong ngành thiết kế và truyền thông. Tại đây, các bạn học sinh sẽ được lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia trong ngành và tham gia các lớp học thử miễn phí như thiết kế game, hoạt họa 3D, thiết kế thời trang, viết kịch bản và xây dựng thương hiệu.
Hãy tìm hiểu chuỗi các hoạt động và sự kiện của Liên hoan Truyền thông và Thiết kế Việt Nam: Hà Nội 2019 tại website hoặc Facebook của lễ hội.