Lạc lõng giữa lòng thành phố xa hoa, chùa Ngọc Hoàng vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, linh thiêng, bao trùm bởi không gian tĩnh lặng đầy trang nghiêm. Đến đây, lòng người bổng bình yên đến lạ.
Tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là Điện Ngọc Hoàng, chùa Phước Hải, có tên chữ là Phước Hải Tự (người Pháp gọi là chùa Đa Kao) là một trong những ngôi chùa lâu đời rất nổi tiếng chỉ cần nhắc tên ai ai cũng biết.
Quang cảnh cổ kính của chùa Ngọc Hoàng (Nguồn: Internet)
Mang sắc màu cổ kính theo dáng dấp chùa Trung Hoa, những tượng thờ và cách bày trí trong chùa vừa rực rỡ lại đầy bí ẩn. Chẳng những có cảnh quan khiến lòng người thanh thản, chùa Ngọc Hoàng còn rất linh thiêng về cầu con cái và tình duyên.
Thuở khai sơ, chùa Ngọc Hoàng được người tên Lưu Minh dựng nên, không chỉ làm điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế người này xây chùa còn để làm nơi “hội kín” với mục đích lật đổ nhà Mãn Thanh. Lưu Minh có pháp danh là Lưu Đạo Nguyên, người Quảng Đông, Trung Quốc, ông ăn chay ròng và luôn giữ đạo Minh Sư.
Có rất nhiều nguồn tin khác nhau về năm khởi công xây dựng chùa Ngọc Hoàng. Theo Võ Văn Tường thì chùa tạo dựng vào năm 1900 (Trích “Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1994, tr.488) còn theo Vương Hồng Sển thì chùa tạo lập năm 1905 và hoàn thành vào năm 1906 (Trích “Sài Gòn năm xưa”, Nhà xuất bản TP. HCM, 1911, tr.211).
Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ, từ đó chùa thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1984, Điện Ngọc Hoàng được đổi tên thành Phước Hải Tự nhưng cho đến nay người dân vẫn quen gọi với cái tên “Ngọc Hoàng” thân thuộc.
Năm 1994, chùa được ghi nhận là Di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, đây là một dấu ấn lịch sử đáng nhớ.
Sau hơn 100 năm, trừ phần sân đã được lát gạch cho sạch sẽ hơn, không gian và lối kiến trúc của chùa Ngọc Hoàng hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn như lúc ban đầu.
Nằm trong lòng thành phố, chùa Ngọc Hoàng có diện tích 2.300m2, tuy không lớn nhưng lại ấm cúng và luôn nghi ngút khói nhang, hằng ngày đều đông đúc người về cúng kiếng, khẩn cầu.
Cổng chùa Ngọc Hoàng vô cùng đơn sơ (Nguồn: Internet)
Được xây dựng từ xa xưa, chùa Ngọc Hoàng làm bằng gạch đá, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu, tượng thờ, tranh nghệ thuật, bao lam, liễn đối, hương án,… hầu hết được làm bằng gỗ, gốm, giấy bồi.
"Đất lành chim đậu" sân chùa Ngọc Hoàng là nơi mà những đàn chim bồ câu thường xuyên ghé thăm (Nguồn: Internet)
Phía trước là khoảng sân rộng lớn, một góc sân làm chỗ giữ xe, nuôi rùa, nuôi cá (các loại cá trong hồ hầu hết đều có màu trắng rất hiếm thấy, kích thước to lớn, bơi san sát nhau) và một lư hương lớn đặt ở giữa sân, lâu lâu còn có những đàn chim bồ câu bay sà xuống.
Chính điện chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Huyền Thiên Bắc Đế cùng với thiên binh, thiên tướng,… Khi bước vào chính điện sẽ có người bán dầu và đồ cúng, dầu có giá 10.000VNĐ, mua dầu xong bạn đến tượng Ngọc Hoàng để đốt dầu, đọc tên tuổi bản thân, người thân để cầu bình an, gia đạo hay những ước nguyện khác.
Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế (Nguồn: Internet)
Bên trái chính điện là đền thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ, là nơi cầu tự con cái, vô cùng linh thiêng. Theo tín ngưỡng, 12 bà mụ là người nặn nên hình hài những đứa trẻ, người nặn đầu, người nặn mắt, mũi, miệng, người nặn tay, chân, người dạy trẻ tập đi, tập nói,…
Để có những đứa con ngoan, xinh đẹp các bậc cha mẹ, hoặc cặp vợ chồng son, người hiếm muộn đều quy tụ về đây nguyện cầu. Nếu cầu con trai thì sau khi khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào tượng bên phải, nữ thì bên trái, sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái, tiếp đến là xoa vào bụng đứa bé dưới chân bà mụ 3 cái rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa.
Điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ (Nguồn: Internet)
Ngoài thờ Thánh Mẫu, 12 bà mụ, tại điện còn thờ Ông Tơ, Bà Nguyệt nên càng thu hút những đôi trai gái và người độc thân đến khấn vái, cầu xin mối lương duyên tốt đẹp. Sự linh thiêng về cầu duyên của chùa cũng nổi tiếng không kém cạnh cầu tự con cái.
Để lên tầng trên của điện thờ, bạn qua bên phải chính điện, lên cầu thang bằng gỗ, bỏ dép bên ngoài trước khi bước vào nơi thờ tự. Ngoài điện thờ, phía trước tầng trên này còn có một khoảng sân nhỏ, đứng trên đây bạn sẽ nhìn bao quát được xung quanh sân chùa, rất bình yên và thanh tịnh.
Chính nhờ những điều linh thiêng, sự lâu đời mà trong một lần viếng thăm Việt Nam vào chiều ngày 24/05/2016, vị chủ nhân Nhà Trắng đương thời - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chọn chùa Ngọc Hoàng là nơi dừng chân, khám phá, chiêm ngưỡng lối kiến trúc, văn hóa chùa chiền Việt Nam.
Chùa Ngọc Hoàng là điểm dừng chân của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một lần viếng thăm Việt Nam (Nguồn: Internet)
Sau sự kiện này, chùa Ngọc Hoàng càng trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến, khiến cho không chỉ người Việt mà còn vô vàng khách du lịch khắp nơi trên thế giới ghé thăm thường xuyên.
Nguồn: voh.com.vn