UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 4851/QĐ-UBND ngày 6-9-2019 về việc công nhận điểm du lịch làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây).
Theo Quyết định này, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch.
Các sở, ngành của thành phố Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây phải có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch làng cổ Đường Lâm theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả.
Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội 50km. Đây là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006. Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có thể nói làng cổ Đường Lâm chỉ đứng sau phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội về quy mô cũng như giá trị nghệ thuật khiến cho nơi đây trở thành một điểm nhấn du lịch của Hà Nội.
Ngoài ra, làng cổ Đường Lâm còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền nên nơi đây còn gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa Nho học.
Làng cổ Đường Lâm có tổng cộng 956 ngôi nhà cổ, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu đời, từ những năm 1649, 1703, 1850… đều được xây dựng bằng loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài là đá ong, gỗ xoan, tre, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa,…
Ngoài ra, làng cổ Đường Lâm còn có một hệ thống các nhà thờ họ, miếu, quán đình, chùa, giếng cổ… nằm trong một môi trường cảnh quan sinh động và trù phú đã tạo thành một điểm nhấn thú vị cho vùng đất Sơn Tây và Hà Nội.
Theo nhipsonghanoi