Bình Thuận - Điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam

Bình Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội giữa khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Với hệ thống quốc lộ 1A, 28, 55, nơi đây trở thành giao điểm nối liền các trung tâm du lịch lớn của khu vực và cả nước như Nha Trang, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến với vùng đất này, du khách sẽ được khám phá những bãi biển trảI dài, những danh lam thắng cảnh thơ mộng, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc độc đáo... Với lợi thế sẵn có, Bình Thuận đã và đang là điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước, một diện mạo Du lịch Bình Thuận mới mẻ, đa dạng và phát triển bền vững đang dần hiện hữu.

Danh lam thắng cảnh

Thiên nhiên ưu đãi cho Bình Thuận nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng để phát triển ngành kinh tế biển, nông - lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, đặc biệt là phát triển ngành Du lịch. Đến với vùng đất này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đồi cát Mũi Né - nguồn cảm hứng vô tận của các nhà nhiếp ảnh; tìm hiểu vẻ đẹp thơ mộng với những bãi tắm cát mịn ở trung tâm thành phố hay khám phá vẻ đẹp của những hòn đảo nổi tiếng.

Đảo Phú Quý

Đảo Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu) là quần thể gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó chỉ đảo chính Phú Quý có người dân cư trú. Nơi đây có khí hậu trong lành, biển bao bọc xung quanh với làn nước trong xanh cùng một thảm thực vật và rạn san hô đa dạng, phong phú. Phú Quý có nhiều bãi tắm hoang sơ như vịnh Triều Dương, bãi doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang, bãi dọc doi mộ Thầy Nại… Bên cạnh đó đảo còn có nhiều danh thắng nổi tiếng như Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh; hay mộ Thầy Nại, miếu Bà Chúa Chăm, núi Cao Cát với cảnh quan hùng vĩ được tạo nên bởi các tầng núi đá dựng đứng. Ngoài ra đảo còn ẩn chứa nhiều di tích khảo cổ cùng những ngôi mộ cổ kỳ lạ.

Trong xanh đảo Phú Qúy

Cù lao Câu

Cù lao Câu là một hòn đảo trẻ nổi lên giữa biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách bờ biển khoảng 9km, cách thành phố Phan Thiết khoảng 110km về hướng Đông Bắc. Cù lao Câu có chiều dài trên 1.500m, nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất hơn 7m so với mặt nước biển. Toàn đảo được bao quanh bởi hàng vạn khối đá có nhiều màu sắc và hình thù khác nhau. Nước biển ở đây rất xanh và sạch, khi thủy triều xuống bờ biển lộ ra vô vàn vỏ ốc, vỏ sò, rạn san hô. Cù lao Câu còn là một trong những nơi có môi trường sinh thái biển tốt nhất Việt Nam với nhiều bãi tắm sạch đẹp còn hoang sơ. Hiện nay, cù lao Câu được quy hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển, hứa hẹn là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong tương lai.

Cù lao Câu

Đồi cát Mũi Né

Đồi cát Mũi Né là một món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho miền đất Bình Thuận. Đồi cát Mũi Né còn được gọi là đồi cát bay vì nó thường xuyên thay đổi hình dạng tạo nên những hình thái hấp dẫn, thu hút và để lại những ấn tượng khó quên đối với du khách. Từ bao năm qua, đồi cát được lựa chọn là nơi để sáng tác những tác phẩm nhiếp ảnh đặc sắc, hút hồn người xem. Với những nét đẹp và sự độc đáo riêng có, đồi cát Mũi Né ngày nay đã trở thành điểm du lịch thân quen của du khách khi đến Bình Thuận.

Bãi Rạng

Bãi Rạng (hay còn gọi là biển Rạng) là bãi tắm đẹp nhất của Phan Thiết, cách thành phố Phan Thiết khoảng 15km về hướng Đông Bắc. Bao trùm dọc bãi Rạng là rặng dừa nghiêng mình in bóng dưới nền cát vàng. Còn gì thích thú hơn khi tận hưởng cảm giác nằm yên trên chiếc ghế dài, nghe tiếng sóng vỗ nhẹ vào bờ, cảm nhận hương vị của biển dưới bầu trời bao la và được “bàn tay” của tán lá dừa cao vút che chắn khỏi ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, còn có địa danh nổi tiếng khác nằm trên đường đến bãi Rạng là đá Ông Địa với một tảng đá lớn nằm sát bờ biển, ngày ngày được sóng biển vỗ lên thành những hình dạng kỳ thú.

Bàu Trắng - Đồi trinh nữ

Từ thành phố Phan Thiết đi về hướng Đông Bắc khoảng 60km du khách sẽ đặt chân đến Bàu Trắng. Đây là một hồ nước ngọt duy nhất thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Bàu Trắng được ngăn cách thành 2 phần bởi một đồi cát vắt ngang qua, người dân quen gọi là Bàu Ông và Bàu Bà. Diện tích tại Bàu Bà rộng 70ha, độ sâu khoảng 19m, nơi rộng nhất là 500m, xung quanh hồ trồng nhiều sen. Bàu Ông nhỏ nhưng dài hơn. Bàu Trắng có hệ thực vật khá phong phú với nhiều loại cá nước ngọt, đặc biệt hồ được phủ kín hoa sen quanh năm tỏa hương thơm ngát. Du khách đến Bàu Trắng có thể cảm nhận vẻ đẹp của đồi cát tinh khôi, ngắm mặt hồ lăn tăn theo làn gió thoảng để tạm quên đi những mệt mỏi đời thường.

Di tích Lịch sử - Văn hóa

Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Bình Thuận còn có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Nơi đây lưu giữ nhiều kiến trúc phong phú của người Chăm với những tháp cao bằng đất nung vừa thanh thoát vừa bền vững, với những tác phẩm điêu khắc Chăm như tượng thần, các vị vua, hoàng hậu, vũ nữ…

Hải đăng Kê Gà

Hải đăng Kê Gà hay còn gọi là hải đăng Khe Gà nằm tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết khoảng 30km về phía Nam. Sở dĩ có tên gọi này bởi ngọn hải đăng nằm trên một mũi đất nhô ra bờ biển khoảng 500m có hình giống đầu con gà. Hải đăng Khe Gà được xây dựng từ năm 1897 đến năm 1899, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Ngọn đèn biển này được làm hoàn toàn bằng chấtliệu đá hoa cương với chiều cao 65m so với mặt nước biển, được xem là một trong những ngọn đèn biển cao và xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Trên ngọn tháp có bóng đèn làm tín hiệu hướng dẫn tàu bè qua lại. Ban đêm ánh đèn chiếu sáng đến 22 hải lý. Bên dưới là căn nhà vuông mỗi cạnh 40m, có hầm chứa nước sâu 3m để phục vụ những người canh tháp. Trong tháp có 184 bậc thoang xoắn ốc bằng thép để lên ngọn hải đăng. Ngày nay, hải đăng không chỉ là một di tích kiến trúc độc đáo mà nó còn kết hợp với hòn đảo Khe Gà tạo thành một danh thắng tuyệt đẹp dành cho du khách đến tham quan. Từ trên đỉnh tháp hải đăng có thể nhìn toàn cảnh núi rừng Tà Cú trùng điệp hòa cùng với mặt biển xanh ngắt mênh mông. Tất cả tạo cho du khách cảm giác bình yên, nhẹ nhàng.

Bình yên hải đăng Kê Gà

Tháp Chăm Pô Sah Inư

Tháp Chăm Pô Sah Inư là một quần thể di tích đền tháp Chăm quý hiếm còn sót lại của vương quốc Chămpa xưa, nằm trên đồ Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7km về hướng Đông Bắc. Hệ thống tháp cổ này được xây dựng vào khoảng thế kỷ 8 theo phong cách Hòa Lai (một trong những kiểu kiến trúc chùa tháp cổ của vương quốc Chămpa). Bên trong tháp thờ thần Shiva, vị thần mà người Chăm rất tôn sùng. Trong lòng ngôi tháp chính còn có bệ thờ Linga và Yoni, một biểu tượng sinh tồn của thần Shiva. Tháp Chăm Pô Sah Inư không đồ sộ mà có kích thước vừa phải, nhưng những họa tiết trên bề mặt tháp được chắt lọc khá tinh tế, mang đậm dấu ấn một thời thịnh vượng của vương quốc Chăm Pa tạo nên vẻ đẹp uy nghiêm và huyền bí cho ngôi tháp cổ. Bên cạnh tháp là hệ thống đền đài cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15, thờ công chúa Chăm Pô Sah Inư.

Tháp Chăm Pô Sah Inư

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận

Bên cạnh khu di tích trường Dục Thanh, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh, công viên cùng nhóm tượng đài “Bác Hồ với các cháu thiếu nhi”. Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận là nơi trưng bày các hiện vật giới thiệu về cuộc đời và hoạt động của Bác được khánh thành vào ngày 19/5/1986. Đây là một trong những nơi được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh chọn làm địa điểm dâng hương tưởng niệm Bác, tổ chức lễ kết nạp Đảng, Đoàn, tham quan, nghiên cứu học tập theo tư tưởng của Bác.

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận

Chùa núi Tà Cú

Chùa núi Tà Cú tọa lạc tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, nằm ở độ cao 457m so với mặt biển. Chùa được xây dựng năm 1890, là tên gọi chung cho 2 ngôi chùa Linh sơn Long Đoàn và Linh Sơn Trường Thọ. Hành hương tới chùa núi Tà Cú ngoài được ngắm nhìn vẻ đẹp của núi rừng, vào chùa lễ phật, du khách còn được chiêm bái pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn đồ sộ có chiều dài 49m, chiều cao 6m đã được xác lập kỷ lục Việt Nam. Cách đó 50m là bộ tượng Tam Thế Phật cao khoảng 7m với ánh mắt nhân từ, đôn hậu… nhìn xuống trần gian như mở rộng vòng tay cứu nhân độ thế. Chùa núi Tà Cú mang vẻ đẹp trầm mặc trong cảnh sắc thiên nhiên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến hành hương chiêm bái.

Dinh Thầy Thím

Dinh Thầy Thím tọa lạc giữa khu rừng dầu tĩnh mịch trên một khu đất cát trắng, thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Dinh được nhân dân địa phương xây dựng để thờ Thầy Thím - nhân vật mà theo truyền thuyết tại địa phương là người hiền lành, đức độ, chữa bệnh cứu giúp người nghèo. Dinh được xây dựng vào ngày 25/12/1879, kiến trúc theo kiểu đìnhlàng bao gồm: chính điện, nhà thờ tiền hiền, võ ca… Cách dinh khoảng 4km là ngôi mộ Thầy Thím được đắp bằng cát trắng và ngôi mộ của Bạch Hổ, Hắc Hổ, đệ tử trung thành luôn gần gũi bên Thầy Thím. Hằng năm, dinh Thầy Thím tổ chức 2 kỳ lễ lớn: Lễ tảo mộ và Lễ tế thu. Lễ hội dinh Thầy Thím thực sự là ngày hội đông vui, nhộn nhịp của nhân dân các tỉnh miền Nam. Di tích đinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 27/9/1997.

Lễ hội Bình Thuận

Mỗi vùng miền, địa phương đều có những lễ hội truyền thống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa của mình. Là vùng đất có nền văn hóa đa dạng và phong phú, Bình Thuận sở hữu nhiều lễ hội truyền thống độc đáo.

Lễ hội Katê

Lễ hội Katê được tổ chức đúng ngày 1/7 Chăm lịch (khoảng tháng 10 dương lịch), diễn ra trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền, tháp đến làng rồi đến gia đình tạo thành một dòng chảy lễ hội liên tục, đa dạng và đặc sắc. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước hương án và lễ phục Nữ thần Pô Sah Inư đến khuôn viên tháp Pô Sah Inư Phan Thiết. Đại lễ chính thức diễn ra vào sáng ngày hôm sau bao gồm các nghi thức truyền thống. Ngoài phần lễ diễn ra trong không khí linh thiêng, thành kính thì phần hội vô cùng sôi động với các cuộc thi, trò chơi dân gian truyền thống thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ hội đua thuyền truyền thống

Lễ hội đua thuyền truyền thống diễn ra với 2 loại hình đua thuyền và đua thúng. Trong ánh nắng ấm áp của mùa xuân, dòng Cà Ty trở nên lộng lẫy, náo nhiệt bởi tiếng reo hò cổ vũ của hàng vạn khán giả xem hội. Dòng sông dậy sóng bởi hàng trăm tay chèo khỏe khắn của các đội đua là những ngư dân vùng biển vốn thạo nghề trên sông nước. Lễ hội đua thuyền mừng xuân như những nốt nhạc vui, khiến cho thành phố Phan Thiết - Bình Thuận thêm giàu sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty

Lễ hội Cầu ngư

Ở Bình Thuận, Lễ hội Cầu ngư có ở hầu hết các dinh vạn thờ cá Ông (cá Voi) trong tỉnh. Lễ hội Cầu ngư tái hiện một cách sinh động phong tục truyền thống cúng cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian. Lễ hội Cầu Ngư ở dinh Vạn Thủy Tú, thành phố Phan Thiết thường diễn ra vào ngày 20/6 âm lịch hằng năm và đã trở thành một lễ hội truyền thống của nhân dân ở đây. Ở mỗi kỳ lễ hội, bà con tổ chức các nghi thức cúng tế trang trọng. Bên cạnh đó là phần hội với chèo bả trạo, hát bội đan xen trong lễ.

Làng nghề truyền thống

Từ lâu đời, Bình Thuận đã hình thành nhiều làng nghề truyền thống với các sản phẩm độc đáo, nổi tiếng gần xa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 30 làng nghề, trong đó có nhiều làng đã được công nhận hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản, nước mắm, sản xuất gạch ngói, mía đường, bánh tráng…

Làng dệt thổ cẩm Chăm

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Chăm tập trung ở xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình. Theo truyền thuyết, mẹ xứ sở Pôlnư NaGar dạy phụ nữ Chăm nghề dệt vải để mặc và tôn vinh sắc đẹp. Hiện nay, ở làng dệt thổ cẩm Phan Hòa vẫn còn những chiếc khung dệt cổ truyền bằng gỗ gõ, gỗ trắc được đóng cách đây hàng trăm năm. Các giàn cán bông, cung bắn bông, xa quay kéo sợi vẫn còn thông dụng. Muốn sợi chắc, không bị đứt, bị xù lông, khi dệt đem ngâm nước cơm, sau đó chải sợi, phơi khô, đánh óng. Muốn sợi có màu lục thì nhuộm với cây tràm, màu đỏ nhuộm với lá trâm bầu, màu đen lấy từ cây buông, màu vàng lấy từ cây trừng… Khi dệt người thợ mắc sợi trên khung đưa tay luồn con thoi qua lại. Từ 4 hoa văn cổ truyền: xanh két, vàng cúc, trắng, đen đi trên nền đỏ, người thợ có thể tạo ra các loại sản phẩm như túi xách, ví, khăn, dây thắt lưng… thích hợp với nhu cầu và thị hiếu du khách.

Làng gốm Bắc Bình

Trong hành trình du lịch đến Bình Thuận, du khách không thể bỏ qua làng nghề gốm Gọ truyền thống tại thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình của đồng bào dân tộc Chăm. Đến đây du khách sẽ được tìm hiểu nghệ thuật làm gốm theo phương pháp cổ truyền đã có từ hàng trăm năm trước. Cách nung gốm ở đây cũng rất khác biệt với các nơi khác. Lò nung chỉ là một khoảng sân rộng, chất đốt là củi cành, rơm rạ, lá dừa khô… Người thợ chất những sản phẩm cần nung lên mặt sân, chất rơm rạ, lá dừa khô lên trên rồi nổi lửa đốt, khi lửa tàn thì sản phẩm cũng vừa chín. Để trang trí thêm cho sản phẩm, lúc gốm vừa dỡ ra khỏi lò đang còn nóng người thợ dùng nước màu chế từ trái thị vẩy lên sản phẩm, khi khô sẽ tạo thành những đốm sao tròn màu nâu đen trông rất lạ mắt.

Nước mắm Phan Thiết

Nếu ai đã một lần đến Bình Thuận, không thể không nhớ hương vị mặn nồng của nước mắm Phan Thiết. Sử dụng nguyên liệu để làm nước mắm là những con cá cơm, cá nục nhỏ nhắn, tươi nguyên, những người làm nước mắm đã ủ mắm trong lu khạp và đem phơi ngoài trời. Có lẽ nhờ cái nắng gió của xứ này mà nước mắm Phan Thiết có được hương vị thơm ngon đậm đà nổi danh cả trăm năm nay. Tại Phan Thiết hiện nay có những khu vực sản xuất nước mắm nổi tiếng như: Thanh Hải, Hàm Tiến, Mũi Né. Ngoài nước mắm, các loại mắm nêm, mắm tôm, mắm ruốc cũng không kém phần thơm ngon, mặn mà, giúp du khách có thêm lựa chọn khi đến Phan Thiết - Bình Thuận.

Ẩm thực 

Bình Thuận không chỉ nổi tiếng với “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” mà còn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi nét văn hóa ẩm thực phong phú. Ẩm thực nơi đây mang hương vị đậm đà đặc trưng mà chính những loài hải đặc sản kỳ lạ của xứ biển đã tạo nên những món ăn độc đáo... Vì vậy, không ít du khách sau khi đến nơi đây đều mong một ngày được trở lại để đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, yên bình, để thưởng thức những món ăn hấp dẫn. Nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Bình Thuận đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận như: mực một nắng và nước mắm Phan Thiết được công nhận vào top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất năm 2013; bánh canh chả cá Phan Thiết và bánh căn Phan Thiết được công nhận vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam lần thứ nhất năm 2013; thanh long Bình Thuận được công nhận là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam; lẩu thả Bình Thuận được công nhận là 1 trong 50 món ăn nổi tiếng nhất của Việt Nam.

Sò điệp nướng Bình Thuận

Sau 23 năm phát triển (24/10/1995 - 24/10/2018), thương hiệu Du lịch Bình Thuận đang ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Với những bước tiến dài và bền vững, Du lịch Bình Thuận đang trở thành ngành chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, là điểm sáng nổi bật trên bản đồ Du lịch Việt Nam.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam