Quảng Ngãi - Lợi thế và cơ hội cất cánh

Tỉnh Quảng Ngãi thuộc vùng duyên hải miền Trung, lưng tựa vào dãy Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông, phía Bắc giáp Quảng Nam, phía Nam giáp Bình Định, phía Tây Nam giáp Kon Tum. Quảng Ngãi nằm ở trung tâm hai miền Bắc - Nam của đất nước, trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam và dọc theo hành lang kinh tế Đông - Tây, có đường giao thông thuận tiện, có cửa khẩu quốc tế Bờ Y và truyền thống văn hóa đặc trưng. Nơi đây còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp nên thơ, với những dòng sông, con suối, núi đồi, ghềnh thác... Đây là những điều kiện thuận lợi giúp Quảng Ngãi phát huy tiềm năng phát triển du lịch.

Từ xa xưa, Quảng Ngãi vốn nổi tiếng với bề dày văn hóa - lịch sử, truyền thống yêu nước và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ bên dòng sông Trà thơ mộng. Quảng Ngãi là nơi hội tụ, giao thoa tinh hoa các nền văn hóa lớn của Việt Nam như Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Hiện nay, toàn tỉnh có 31 di tích, danh thắng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với quá trình hình thành của cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống và những sản vật nổi tiếng cả nước làm nên những nét độc đáo, riêng có của Quảng Ngãi. Nhưng có lẽ, điều khiến du khách yêu mến, lưu luyến mảnh đất Quảng Ngãi hơn cả chính là phẩm chất hồn hậu, thủy chung, sâu nặng ân tình của những con người kinh thượng đã đồng cam cộng khổ suốt chiều dài hơn 6 thế kỷ xây dựng và bảo vệ quê hương sông Trà, núi Ấn.

Danh lam thắng cảnh

Cảnh sắc tự nhiên của Quảng Ngãi là sự hòa hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ghềnh thác với nhiều thắng cảnh hấp dẫn: núi Thiên Ấn, thác Trắng Minh Long, biển Sa Huỳnh, biển Mỹ Khê. Đặc biệt, với lợi thế đường bờ biển dài 130km chạy dọc từ vịnh Dung Quất đến cửa biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển đảo. Bờ biển Quảng Ngãi có nhiều đoạn quanh co, khúc khuỷu, cây cối xanh tốt và nhiều mỏm đá choài ra sóng biển, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ngoạn mục, một bên là núi đá, một bên là vực sâu thăm thẳm nhấp nhô sóng lượn.

Đảo Lý Sơn

Đảo Lý Sơn còn gọi là Cù Lao Ré, cách cửa biển Sa Kỳ khoảng 15 hải lý, với diện tích hơn 10km2, có 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình (đảo Bé).Trải qua 11 triệu năm kiến tạo từ những đợt phun trào núi lửa đầu tiên, Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn quần thể thắng cảnh tuyệt tác, địa hình, địa mạo độc đáo trên bờ cũng như hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú. Hiện nay, trên đảo còn tồn tại 5 miệng núi lửa đã tắt, trong đó độc đáo nhất là hai miệng núi lửa Giếng Tiền, Thới Lới và nhiều miệng núi lửa, trầm tích núi lửa, cổng đá và cả “nghĩa địa” tàu cổ đắm dưới nước. Nơi đây cũng là mảnh đất hội tụ, giao thoa tinh hoa của các nền văn hóa lớn như Chămpa, Sa Huỳnh và Đại Việt với hệ thống 4 di tích văn hóa cấp quốc gia, 14 di tích văn hóa cấp tỉnh và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc khác mà có lẽ tiêu biểu và độc đáo nhất là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lý Sơn còn được ví là bảo tàng sống động, nơi lưu giữ những tài liệu, tư liệu, bằng chứng quý giá khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Ngoài ra, huyện đảo còn được mệnh danh là “vương quốc” của hành tỏi ngon nổi tiếng cả nước. Với kho tàng di sản về địa chất núi lửa biển và  những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, riêng có, vương quốc tỏi Lý Sơn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Đảo Lý Sơn

Núi Ấn - sông Trà

Núi Ấn - sông Trà từ lâu đã được xem là biểu tượng thắng cảnh của Quảng Ngãi. Sông Trà phát nguồn từ đỉnh núi Đắc Tơ Rôn tỉnh Kon Tum, cao 2.350m. Sông Trà hợp thành bởi 4 con sông, chảy về hướng Đông, qua ranh giới thành phố Quảng Ngãi rồi đổ ra biển qua cửa Đại Cổ Lũy. Với chiều dài 150km, chảy qua nhiều khu đồi, núi dốc, nhưng đến thành phố Quảng Ngãi dòng sông chảy êm đềm hơn, khiến khung cảnh thành phố bên sông thêm vẻ đẹp yên bình, cuốn hút. Núi Thiên Ấn cao 106m, cách thành phố Quảng Ngãi 3,5km về hướng Đông Bắc. Nhìn từ xa, ngọn núi có hình thang, tựa như chiếc ấn từ trời cao nghiêng xuống dòng sông, vì vậy người xưa gọi thắng cảnh này là “Niêm Ấn Thiên Hà” (tức là quả ấn của trời đóng niêm xuống dòng sông). Trên núi có chùa Thiên Ấn (Thiên Ấn tự) được xây dựng từ năm 1695 (đời chúa Nguyễn Phúc Chu). Trong chùa Thiên Ấn hiện còn quả “chuông thần” rất quý do các nghệ nhân làng đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức) tạo tác vào năm 1845. Trải qua bao thế kỷ, tiếng chuông chùa vẫn vang vọng khắp không gian rộng lớn.

Bãi biển Mỹ Khê

Bãi biển Mỹ Khê nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 12km, cách cảng Sa Kỳ 4km, thuộc địa phận thôn Cổ Luỹ, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Mỹ Khê là bãi tắm lý tưởng của tỉnh Quảng Ngãi với không gian mênh mông, bãi cát trắng mịn, độ dốc thoải, chạy dài 7km, phía sau là rừng dương xanh thẳm, bên cạnh là con sông Kinh mang vị ngọt của thượng nguồn đổ về và vị mặn của biển đem lại nhiều đặc sản biển phong phú. Mỹ Khê đã được quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia và đã được tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch khu du lịch với diện tích 352ha để xây dựng các khu resort, khu vui chơi, giải trí.

Biển Mỹ khê

Bãi biển Sa Huỳnh

Sa Huỳnh là tên gọi một vùng đất ven biển nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc địa phận các xã Phổ Thạnh, Phổ Châu, huyện Đức Phổ, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 60km về hướng Nam. Không giống như các bãi tắm khác của Quảng Ngãi, cát ở Sa Huỳnh không trắng mà lại có màu vàng óng ánh, từng cồn cát lấp lánh ánh vàng dưới ánh nắng mặt trời uốn lượn theo hình cong lưỡi liềm của bãi biển. Đến với Sa Huỳnh, du khách còn được đắm chìm trong bầu không khí trong lành mang theo chút vị biển, ngắm nhìn những hàng dừa xanh mát chạy dài theo bờ cát. Cách xa bãi biển khoảng chừng một hải lý còn có dải đá ngầm cùng những rặng san hô đẹp mắt. Cùng với vẻ đẹp của biển, Sa Huỳnh còn có núi Cấm uốn lượn, những ghềnh đá ở Châu Me hay đảo Khỉ, hòn Bẹp, hòn Dù, hòn Khu Ông, hòn Son nằm phía xa ngoài khơi, cũng là điểm đến yêu thích cho những ai muốn khám phá một cách đầy đủ vẻ đẹp nơi đây.

Gành Yến

Gành Yến thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) là bãi biển đẹp của tỉnh Quảng Ngãi. Vùng biển Gành Yến còn giữ nguyên nét hoang sơ và sự đa dạng sinh thái, đặc biệt là san hô. Sở dĩ có tên gọi là Gành Yến bởi vì trong vịnh đá có nhiều hốc nhỏ là nơi trú ngụ của các loại chim như yến, én, sáo, bồ câu. Bờ biển nơi đây được tạo thành từ đá cuội đen xen lẫn với đá san hô. Nhìn từ xa, từng lớp đá xếp chồng lên nhau, ngay ngắn, vuông vức tựa như có bàn tay thần kỳ sắp đặt. Đến Gành Yến du khách có thể thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon, nhiều món ăn chế biến từ hành tươi, cũng có thể ngắm nhìn những thửa ruộng hành bậc thang đẹp mắt, khám phá vẻ đẹp của những rạng san hô. Đặc biệt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức bích họa vẽ 3D tại thôn Thanh Thủy “độc nhất vô nhị” ở Quảng Ngãi và hiếm hoi trong cả nước.

Thơ mộng Gành Yến

Thác Trắng

Thác Trắng nằm ở xã Thanh An, huyện Minh Long, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 40km về phía Tây Bắc. Đây là một trong những thác nước tự nhiên đẹp nhất miền Tây Quảng Ngãi. Từ độ cao hơn 40m, nước chảy xuống trắng xóa như dát bạc trên sườn núi đá dốc đứng. Dưới chân thác có hồ nước sâu rộng hàng trăm mét vuông, xanh biếc và mát lạnh. Sau khi chảy vòng quanh chân thác, dòng nước thoát ra ngoài theo con suối quanh co uốn lượn, rộng khoảng 20m, lẩn khuất dưới bóng cây xanh, lô nhô đá tảng giữa dòng, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Di tích Lịch sử - Văn hóa

Quảng Ngãi là nơi hội tụ, giao thoa các nền văn hóa lớn của dân tộc như văn hóa Chămpa, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đại Việt, cùng nhiều di tích, kiến trúc cổ. Đến nay, Quảng Ngãi đã có 29 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh, 121 di tích được Ủy ban nhân dân ra quyết định bảo vệ. Với nhiều di tích chiến tranh và phong tục tập quán đa dạng, Quảng Ngãi là nơi thích hợp cho những du khách có đam mê tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam xưa và nay.

Di tích Trường lũy Quảng Ngãi

Trường lũy được xây dựng từ trước thế kỷ 17 - 19, có chiều dài khoảng 130km, kéo dài từ huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Lũy đắp bằng đất và đá. Ở những vị trí dốc lớn, hay núi, lũy được đắp hoàn toàn bằng đá để tránh sạt lở, chiều cao thông thường từ 1 - 3m, có điểm cao 4m; mặt Trường Lũy rộng 2,5m, chân dày tới 4m. Nhiều nơi, Trường Lũy gần như còn nguyên vẹn. Theo đánh giá, Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là công trình trường lũy dài nhất Đông Nam Á và có thể đứng thứ 2 châu Á, sau Vạn Lý Trường Thành. Với giá trị to lớn, ngày 10/3/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích Trường Lũy Quảng Ngãi là Di tích cấp quốc gia.

Di tích khảo cổ học Sa Huỳnh

Di tích khảo cổ học Sa Huỳnh phân bố trên dải cồn cát dọc bờ biển Sa Huỳnh gồm 3 điểm: gò Ma Vương (gò Giò Gà), Phú Khương (xã Phổ Khánh), gò Thạnh Đức (xã Phổ Thạnh) huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Khu di tích văn hóa Sa Huỳnh có nhà trưng bày hiện vật nằm ở xóm Cát, thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh. Từ nhà trưng bày theo con đường mới mở thẳng về hướng Đông là gò Ma Vương. Tại vị trí này vào năm 1909, nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet lần đầu tiên phát hiện được trên 200 mộ chum có niên đại cách đây 2.500 - 3.000 năm. Bên trong chum chứa nhiều đồ tùy táng, bao gồm: các loại lục lạc, vòng tay, dao, rựa cuốc, thuổng… bằng sắt; nhiều đồ gốm như nồi, bát bồng, bình… được trang trí bằng các loại hoa văn và ánh chì. Đến nay, các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước tiến hành 7 lần đào thám sát, khai quật lớn, mà tiêu biểu nhất là cuộc khai quật năm 1978 do Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành, đã thu được 114 hiện vật với các chất liệu như: gốm, đá, xương, sắt… Những hiện vật này đã đem lại một cách nhìn mới, nhận thức mới về giá trị hình thành, phát sinh và phát triển của văn hóa Sa Huỳnh.

Di tích Khảo cổ học Sa Huỳnh

Di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi

Từ huyện lỵ Bình Sơn ngược lên phía Tây gần 30km là di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Ngày 28/8/1959, nhân dân các xã vùng cao Trà Bồng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên khởi nghĩa, phá xiềng xích kìm kẹp của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thắng lợi này đã tạo ra vùng giải phóng rộng lớn miền Tây Quảng Ngãi và đánh dấu giai đoạn lịch sử cách mạng quan trọng từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang ở chiến trường. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng trở thành bài học kinh nghiệm được nhân rộng, là mốc son chói lọi trong giai đoạn đồng khởi ở miền Nam. Di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi gồm các điểm: Eo Chim, Đá Liếp, Trà Xuân, Gò Rô, Làng Ngãi... thuộc huyện Trà Bồng và Tây Trà, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi khoảng 60 - 80 km về phía Tây Bắc. Hiện nay Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (toạ lạc ở trung tâm huyện lỵ Trà Bồng) còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến cuộc khởi nghĩa này, cũng như nhiều hiện vật dân tộc học về người Cor.

Di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ

Di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ gồm 9 điểm, phân bố trên địa bàn các xã Ba Vinh, Ba Động và thị trấn Ba Tơ, nằm cách thành phố Quảng Ngãi 60km về phía Tây Nam. Trong đó, có 6 điểm di tích thuộc thị trấn Ba Tơ gồm: Nha kiểm lý, sân vận động, hang Én, đoạn sông Liêng, dốc Ông Tài, đồn Ba Tơ. Năm 1985, Bảo tàng Ba Tơ được Nhà nước đầu tư xây dựng khá quy mô và trang trọng tại địa điểm đồn Ba Tơ và quảng trường, trưng bày nhiều hiện vật quý và hình ảnh về cuộc khởi nghĩa này.

Khu chứng tích Sơn Mỹ

Khu chứng tích Sơn Mỹ nằm cạnh quốc lộ 24B, thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi chừng 12km về phía Đông Bắc. Đây vừa là nơi gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, vừa là nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt đài tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ hay còn gọi là vụ thảm sát Mỹ Lai. Sau nhiều lần trùng tu, hiện nay khu chứng tích có diện tích 2,4ha, bao gồm 2 khu vực chính là khu chứng tích thực địa (phía Tây) đã được bảo tồn, tôn tạo và khu nhà trưng bày bổ sung, tượng đài tưởng niệm, nhà đón khách (phía Đông). Khu chứng tích Sơn Mỹ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Quyết định số 54 VHTT-QN ngày 29/4/1979.

Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm

Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm thuộc xã Phổ Hòa, Phổ Cường, huyện Đức Phổ và xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, cách thành phố Quảng Ngãi 45km về hướng Nam - Tây Nam. Tại đây còn lưu nhiều di tích, tài liệu, hình ảnh gắn với thời gian nữ anh hùng - liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm sống, chiến đấu tại Quảng Ngãi (từ năm 1967 - 1970). Trong đó, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm là tài sản vô giá trị để lại cho quê hương, đất nước, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được hàng triệu độc giả trong và ngoài nước đón đọc, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.

Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tọa lạc tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 20km về phía Nam. Khu lưu niệm rộng hơn 2ha gồm các khu: nhà đón khách, phòng chiếu phim tư liệu về cuộc đời cố thủ tướng, nhà trưng bày tranh ảnh, hiện vật lưu niệm; khu nhà thờ họ Phạm, nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm việc trong những năm 1936 - 1937; khu mộ thân sinh của cố Thủ tướng cùng hệ thống sân vườn cây cảnh đường nội bộ. Khu lưu niệm đã được Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Thư viện quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia trao tặng hơn 450 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Chùa Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng

Chùa Thiên Ấn xây dựng từ năm 1695 với quần thể tháp mộ các thiền sư cao tăng, được xây dựng qua nhiều thế kỷ. Lúc đầu, chùa Thiên Ấn chỉ có một thảo am do thiền sư Pháp Hóa, pháp danh Phật Bảo, tục danh Lê Duyệt vốn là người Phúc Kiến khai sơn tạo lập. Hiện nay, chùa còn giữ được chiếc đại hồng chung đúc do làng Chú Tượng (Mộ Đức) đúc năm 1845, tiếng rất thanh, ngân xa và được huyền thoại là chuông thần. Trong chùa còn có giếng Phật, hạt lúa thiêng… nhuốm đầy màu sắc huyền thoại. Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng trang nghiêm ở phía Tây Nam của núi Thiên Ấn. Mộ cụ Huỳnh được trùng tu nhiều lần và thường xuyên được khách đến dâng hương tưởng niệm, tri ân.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất, thuộc địa bàn các xã Bình Thuận, Bình Trị (huyện Bình Sơn), cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi 30km về phía Đông Bắc. Nhà máy có tổng diện tích 956ha trong đó có 485ha mặt đất và 471ha mặt biển. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có tổng vốn đầu tư giai đoạn một trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và hiện đang tiếp tục đầu tư giai đoạn hai, đưa công suất chế biến lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm với tổng vốn đầu tư là 1,82 tỷ USD. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đóng vai trò quan trọng đối với chiếc lược đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn những di tích lịch sử, văn hóa khác, hàng năm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan như: chùa Ông Rau, đình An Định, trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Trung Bộ, nhà lưu niệm Nguyễn Nghiêm, Di tích Đài tiếng nói Nam Bộ, Di tích thảm sát Diên Niên - Phước Bình, Di tích vụ thảm sát Bình Hòa, Di tích Khánh Giang - Trường Lệ, địa đạo Đám Toái - Bình Châu, Di tích và đền thờ Bùi Tá Hán, đền thờ Trương Định, Bảo tàng tổng hợp tỉnh, chùa Diệu Giác, chùa Hang, chùa Đục…

Lễ hội Quảng Ngãi

Với nhiều phong tục, tín ngưỡng lâu đời, hằng năm Quảng Ngãi có rất nhiều lễ hội như: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh, Lễ hội cúng cá Ông... Bên cạnh việc thưởng ngoạn các giá trị văn hóa đặc sắc, đến với lễ hội, du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống tại đây với những người dân địa phương thân thiện và hiếu khách.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Hằng năm, vào những ngày tháng 2, tháng 3 âm lịch người Lý Sơn làm Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hay Khao lề tế lính Hoàng Sa. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ thức tri ân những người lính Hoàng Sa, Trường Sa thuở xa xưa từng làm nhiệm vụ trên đảo. Hầu hết các tộc họ trên đất đảo có người đăng lính Hoàng Sa, Trường Sa đều thực thi lễ thức này. Ðây là lễ (hay lệ) nhằm khao quân, tế sống và cả làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ triều đình giao phó đồng thời để tế lễ và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất. Khi buổi Lễ tế thế lính Hoàng Sa kết thúc, người lính coi như “đã có một lần chết”, và “hùng binh” ấy có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa dù sẽ trải qua muôn ngàn bất trắc trên biển khơi ròng rã 6 tháng liền. Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013.

Điện Trường Bà

Điện Trường Bà thuộc thuộc thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng cách thành phố Quảng Ngãi 50km về phía Tây. Điện Trường Bà là nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y-A-Na hay còn gọi là Bà Chúa Ngọc, vốn là thần Mẹ xứ sở của người Chăm. Điện xây dựng theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Ngoài sân có hai bạch tượng đứng hai bên và đôi hạc chầu bên vạc. Tuy qua nhiều lần trùng tu, nhưng đến nay điện Trường Bà vẫn còn giữ được ít nhiều kiến trúc cổ xưa, có sự giao thoa kiến trúc Hoa - Việt. Ngoài việc thờ phụng thần chủ là Thánh mẫu Thiên Y-A-Na (thiên thần), còn thờ đức Quan Thánh cùng hai vị nhân thần xác thực trong lịch sử là Bùi Tá Hán và Mai Đình Dõng, người đã có công khai khẩn, trấn thủ, giữ gìn bình yên cho vùng Thừa Tuyên Quảng Nam xưa.

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn

Vào các dịp lễ tết, nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi thường tổ chức hội đua thuyền, như ở Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành… Ở Lý Sơn hội đua thuyền diễn ra ở vùng biển phía Tây Nam đảo Lý Sơn. Đây là một trong những lễ hội đua thuyền tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 8 tháng giêng hằng năm. Lễ hội không chỉ là một trò diễn vui chơi giải trí mà còn để tưởng nhớ các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh ra đảo và cầu mong cho quốc thái dân an, người an vật thịnh.

Lễ hội cúng cá Ông

Lễ hội tế cá Ông (cá Voi) được ngư dân Quảng Ngãi tổ chức 2 lần vào mùa xuân và mùa thu hàng năm, gọi là “xuân thu nhị kỳ”. Kỳ xuân vào tháng giêng hoặc tháng 2, kỳ thu vào tháng 7 hoặc tháng 8 âm lịch. Thông thường vào dịp tế thu, ngư dân làm lễ tế lớn hơn kỳ xuân, vì đây là dịp họ đền ơn Đức Ngư Ông đã phù hộ cho họ sau một mùa lênh đênh trên biển, có đông đảo các thành viên trong làng, vạn và các vạn chài lân cận cùng tham gia. Trình thức một Lễ hội cúng cá Ông thông thường ở ven biển Quảng Ngãi gồm các nghi lễ: Lễ túc yết, Lễ nghinh Ông, chánh lễ và các trò diễn. Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh hằng năm còn tổ chức lễ hội cúng cá Ông, nhưng tiêu biểu nhất là lễ hội cúng cá Ông của các vạn chài: Cù Lao - Mỹ Tân, Đông Yên (Bình Sơn), Thạch Bi (Sa Huỳnh, Đức Phổ), lăng Chánh, lăng Thứ, lăng Tân... (Lý Sơn), lăng Cổ Luỹ Nam (Nghĩa Phú, Tư Nghĩa).

Lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh (Lễ hội ra quân nghề cá)

Lễ hội ra quân nghề cá đã trở thành nét văn hóa truyền thống của ngư dân địa phương ven biển, hải đảo trong tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, đặc biệt nhất là Lễ hội ra quân nghề cá tại Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ). Vào Tết Nguyên đán hằng năm, hàng trăm tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh nô nức ra quân nghề cá trong tiếng reo hò, cổ vũ của hàng nghìn ngư dân làng biển xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi). Tại đây, họ hòa mình giữa không gian lễ hội có ý nghĩa đặc biệt để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, gia đình ấm no, hạnh phúc. Trong lễ hội, còn diễn ra nhiều trò chơi hấp dẫn mang đậm nét văn hóa vùng biển đảo miền Trung trong ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh

Làng nghề truyền thống

Quảng Ngãi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng với truyền thống cần cù, bàn tay khéo léo đầy sáng tạo của người dân lao động, từ xa xưa đã hình thành nhiều làng nghề. Dẫu một số nghề mai một theo thời gian, nhưng nét đẹp văn hóa vẫn còn đó với những giá trị riêng biệt, có ý nghĩa sâu sắc như: dệt thổ cẩm Hre ở làng Teng (xã Ba Thành, Ba Tơ), dệt chiếu cói ở Cổ Luỹ (Nghĩa Phú, Tư Nghĩa), chằm nón lá ở Chợ Đình (Tịnh Bình, Sơn Tịnh), chế biến mắm ở Kỳ Tân, An Chuẩn (Đức Lợi, Mộ Đức), làm đồ gốm ở Mỹ Thiện (Châu Ổ, Bình Sơn)…

Làng gốm Mỹ Thiện

Làng gốm Mỹ Thiện nằm ven quốc lộ 1A, thuộc địa phận thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn. Vào thế kỷ 19, nơi đây đã áp dụng kỹ thuật chế tạo men vào sản xuất đồ gốm. Gốm Mỹ Thiện hoàn toàn được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay, nguyên liệu là đất sét được lọc kỹ tạp chất. Bằng sự khéo léo, sáng tạo, kế thừa truyền thống, các nghệ nhân làng gốm Mỹ Thiện đã tạo ra những sản phẩm đẹp về kiểu dáng, có giá trị thẩm mỹ cao, tinh xảo như: nồi, chum, chậu kiểng, bình hoa, ấm trà…

Làng dệt thổ cẩm

Làng Teng thuộc xã Ba Thành cách huyện lỵ Ba Tơ 4km về phía Đông là làng duy nhất còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc H’rê ở Quảng Ngãi. Thổ cẩm của người H’rê có nhiều hoa văn họa tiết rất đẹp. Sản phẩm đủ các loại, từ váy (kà tu), khố (kapen), tấm địu con (Katăk), khăn đội đầu (mul), dây đeo (sipăh), khăn gói trầu cau, lễ vật (tagóh), mền đắp (veixan). Những dịp cúng mừng năm mới, hội làng, lễ cưới không thể thiếu tiếng cồng chiêng, rượu cần và trang phục truyền thống của người H’rê.

Nghề làm mắm ở Kỳ Tân, An Chuẩn

Kỳ Tân, An Chuẩn là 2 làng chài nằm ở vùng đất cát cuối hạ lưu sông Vệ, bên cửa Lở, thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức. Nơi đây hiện có hơn 300 gia đình chuyên sản xuất nước mắm nguyên chất từ các loại cá cơm, cá nục. Nước mắm Kỳ Tân, An Chuẩn ngon, thơm nổi tiếng, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi không bị pha chế hóa chất và được làm bằng cá tươi theo đúng phương pháp chế biến cổ truyền. Ở Quảng Ngãi còn có các làng nghề làm mắm khác như: Thạch Bi (Đức Phổ), Nghĩa An (Tư Nghĩa), Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh)…

Ẩm thực

Từ lâu, ẩm thực Quảng Ngãi nổi tiếng với các món ăn hải sản tươi ngon, cùng món “tỏi” Lý Sơn được coi là đặc sản riêng biệt của vùng đất này mà không nơi nào có được. Năm 2014, Quảng Ngãi có 4 đặc sản được xác lập kỷ lục Việt Nam là cá bống sông Trà, kẹo gương, don và quế Trà Bồng.

Cá bống sông Trà

Cá bống sông Trà là một món ăn quen thuộc của người dân Quảng Ngãi. Dù trong bữa cơm dân dã hay trong những bàn tiệc sang trọng thì món ăn này vẫn luôn có một vị trí đặc biệt trên bàn ăn của người dân nơi đây. Trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi, hình ảnh dòng sông Trà là biểu trưng cho con sông quê hương - điểm tựa tâm hồn cho người dân nơi đây. Có lẽ chính vì thế mà món ăn bắt nguồn từ con sông này cũng kết tinh cái mặn mòi của đất, của nước, lắng đọng vị ngọt của phù sa nên mới được người dân nơi đây ưu ái dành tặng cho những thực khách phương xa khi đến Quảng Ngãi.

Quế Trà Bồng

Cây quế Trà Bồng có lượng tinh dầu cao và mùi hương đặc biệt. Các tài liệu khoa học đã chứng minh giá trị y học rất cao của quế Trà Bồng khi sử dụng làm gia vị, hương liệu hoặc chiết xuất để lấy tinh dầu. Đặc biệt, có thể sử dụng cả vỏ quế, gỗ quế và lá quế làm nên các sản phẩm độc đáo, được thị trường ưu chuộng như đồ mỹ nghệ, bình, chén, hộp đựng trà, hộp đựng tăm, nhang quế… Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang chú trọng duy trì và phát triển giống quế Trà Bồng, góp phần tạo điều kiện đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ quế. Đây cũng là một cách để khẳng định thương hiệu quế Trà Bồng.

Quế Trà Bồng

Tỏi Lý Sơn

Khí hậu và thổ nhưỡng ở đảo Lý Sơn tạo cho nơi đây loại hành, tỏi đặc biệt thơm với hàm lượng tinh chất rất cao, đặc biệt là tỏi mồ côi (tỏi cô đơn). Tỏi Lý Sơn không lớn nhưng chỉ cần dùng một lượng nhỏ khi nấu cũng tạo hương thơm hấp dẫn. Nếu đã từng dùng hành tỏi Lý Sơn để chế biến các món ăn, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt. Hàm lượng tinh chất quý mà tỏi Lý Sơn đem lại mà ít có vùng nào sánh kịp. Chính vì thế, biệt danh “vương quốc tỏi” đã được người dân nơi đây ưu ái dành tặng cho mảnh đất Lý Sơn.

Kẹo gương

Ở phố cổ Thu Xà, nơi một thời là phố cảng sầm uất, sự giao thoa văn hóa đã đem đến cho vùng đất này thứ kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc, đó là kẹo gương hay còn gọi là kia cứng. Nguyên liệu làm kẹo gương là đường, mè rang và đậu phụng. Kỹ thuật nấu kẹo gương tinh tế, khéo léo thể hiện ở khâu nấu đường sao cho tới độ, mè rang sao cho vừa chín trắng, đậu phụng rang sao cho vừa chín thơm và khâu kết hợp lại tất cả những nguyên liệu nói trên. Từ khoảng 15 - 20 phút, người thợ tạo thành một tấm kẹo gương rộng và dài như mảnh kính trong mang vị ngon thanh khiết.

Món don

Don vốn là một loài cùng họ với con hến nhưng bề ngoài trông khác biệt, vỏ don cong, mỏng, dài hơnvà đặc biệt là vị của nó khi nấu lên rất khác so với con hến. Vào những ngày nắng ráo của hai mùa xuân -  hạ, từ sáng tinh sương, khi mực nước chè vừa tầm, ở một số vùng miền Đông, người dân rủ nhau đi cào don. Don mang về được ngâm, rửa qua nước lạnh cho sạch, sau đó cho vào nước đã đun sẵn hâm hẩm kèm chút muối. Khi nước sôi bùng lên thì khuấy đều và mạnh để don há miệng nhả ra chất ngọt. Luộc don ngỡ đơn giản nhưng cũng phải khéo để nước có vị ngọt thanh và thơm.

Với tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, cùng với sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch ở Quảng Ngãi, hy vọng trong thời gian tới Quảng Ngãi sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam