Phú Yên - Điểm hến hấp dẫn và thân thiện

Phú Yên thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên khoảng 5.060km2, dân số khoảng 900.000 người (năm 2017); phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, phía Đông giáp biển Đông. Miền đất “hoa vàng trên cỏ xanh” có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi, có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam đi qua; quốc lộ 25 nối với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, quốc lộ 29 nối cảng biển quốc tế Vũng Rô với cửa khẩu Đắc - Ruê (Đắk Lắk).

Phú Yên sở hữu tiềm năng du lịch phong phú, địa hình tự nhiên đa dạng, có cả rừng núi, cao nguyên, đồng bằng châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo… với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, độc đáo. Phú Yên còn là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, với 22 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia và 51 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nét đặc sắc trong văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau của 31 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên những sắc thái văn hóa dân gian phong phú, từ lễ hội gắn với cư dân vùng biển, đến trường ca, các nhạc cụ  dân tộc gắn với đồng bào dân tộc vùng miền núi. Ẩm thực Phú Yên từ lâu đã nổi tiếng với nhiều món ăn như cá ngừ đại dương, mắt cá ngừ đại dương hầm thuốc bắc, sò huyết, hàu đầm Ô Loan, gà nướng sông Cầu, gỏi sứa, bánh tráng Hòa Đa, ghẹ đầm Cù Mông, ốc nhảy sông Cầu, chả giông, bánh hỏi cháo lòng heo, mắm cá thu, tôm hấp nước dừa, các loại nước mắm, rượu Quán Đế, bò một nắng… những đặc sản nổi tiếng này hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên khi đến với xứ Nẫu thân thương. Với tiềm năng du lịch phong phú và con người giàu lòng nhân hậu, mến khách, Phú Yên đang từng bước hình thành thương hiệu và thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách trong cũng như ngoài nước.

Đẹp say lòng Hòn Yến - Phú Yên

Danh lam thắng cảnh

Với bờ biển dài 189km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm, mũi, gành, bãi tắm… Phú Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng và thể thao trên biển, trên cát. Các bãi tắm có sự kết hợp giữa núi non, biển và cát trắng mịn, nước biển trong xanh và soi bóng những rặng phi lao, rừng dừa thẳng tắp. Ngoài ra, nơi đây còn mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ kỳ thú với nhiều đầm, vịnh thơ mộng như: đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài, hòn Yến, đặc biệt là danh thắng ghềnh Đá Đĩa nổi tiếng.

Đẹp say lòng ghềnh Đá Đĩa

Ghềnh Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là món quà độc đáo của thiên nhiên ban tặng cho miền biển yên bình với khí hậu trong lành và cảnh đẹp đến say lòng. Nhìn từ xa, gành Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ rộng khoảng 50m, dài 200m với những khối đá hình lăng trụ xếp liền nhau, ngay ngắn cùng vươn mình ra biển khơi. Không chỉ cuốn hút ngay ánh nhìn đầu tiên bởi những mỏm đá hình thù độc đáo, ghềnh Đá Đĩa còn khiến du khách ấn tượng bởi những gam màu thay đổi liên tục trong ngày theo ánh sáng mặt trời. Khi bình minh lên, những khối đá đĩa đen tuyền được phủ ánh vàng rực rỡ của tia nắng đầu ngày. Khi hoàng hôn buông xuống, ráng đỏ của ánh chiều lại nhuộm hồng các khối đá. Bởi thế, mỗi khoảnh khắc ở ghềnh Đá Đĩa sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận khác nhau. Với vẻ đẹp tuyệt vời và khung cảnh như tranh vẽ, năm 1997 ghềnh Đá Đĩa được xếp hạng Di tích thắng cảnh cấp quốc gia, năm 2014 được Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn vào top 20 điểm đến được du khách yêu thích nhất khi đến Việt Nam.

Ghềnh đá đĩa - Kiệt tác thiên nhiên ban tặng Phú Yên

Danh thắng quốc gia vịnh Xuân Đài

Vịnh Xuân Đài được tạo thành nhờ dãy núi Cổ Ngựa chạy dài ra biển khoảng 15km tạo thành bán đảo Xuân Thịnh. Nơi đây gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến vùng đất Phú Yên cũng như của cả nước. Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài là thương cảng của Phú Yên trong quá khứ, nơi diễn ra sự kiện ngoại giao đầu tiên Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 1832. Vịnh Xuân Đài được ví như một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho miền đất Phú Yên. Nơi đây có khá nhiều vũng biển và bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Sứ… cùng nhiều đảo, bán đảo. Các bãi tắm đều sở hữu làn nước trong vắt và không sâu, du khách có thể bơi ra xa mà không sợ nguy hiểm. Nước biển trong xanh, cát trắng mịn thoai thoải sẽ quyến rũ du khách khi đặt chân đến xứ sở này. Năm 2017, vịnh Xuân Đài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2030.

Bãi Môn - mũi Đại Lãnh - Sơn thủy hữu tình

Danh thắng Bãi Môn - mũi Đại Lãnh thuộc địa phận thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 25km về phía Đông Nam. Có thể nói, sự phối hợp tinh tế giữa thiên nhiên và con người tại mũi Đại Lãnh - Bãi Môn đã tạo nên một quần thể danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp được liệt vào hàng những danh lam thắng cảnh đẹp của Việt Nam và được nhiều tạp chí trong nước và quốc tế biết đến, là tài sản quý giá của tỉnh Phú Yên. Tại mũi Đại Lãnh, năm 1890, người Pháp xây dựng ngọn hải đăng với mục đích định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển ra vào vịnh Vũng Rô. Trải qua chiến tranh, ngọn hải đăng bị đổ nát. Năm 1995, ngọn hải đăng được xây dựng và hoạt động lại. Đây là một trong 8 ngọn hải đăng có trên 100 năm tuổi trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động của Việt Nam; là ngọn hải đăng nằm gần hải phận quốc tế nhất. Ngọn hải đăng Đại Lãnh được xếp hạng là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 2008. Năm 2014, hải đăng Đại Lãnh được Tổ chức kỷ lục việt Nam công nhận là top 5 ngọn hải đăng trên 100 tuổi nổi tiếng nhất. Dưới chân mũi Đại Lãnh là Bãi Môn. Đây là một bãi biển vẫn còn khá hoang sơ, có hình vầng trăng khuyết với đường bờ biển dài khoảng 400m, độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong vắt như pha lê. Điều đặc biệt là tại khu vực Bãi Môn có một con suối nước ngọt, sau khi len lỏi qua nhiều vách đá và khu rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả, con suối này chảy ngang qua bãi tắm rồi đổ ra đại dương mênh mông.

Bãi Môn - mũi Đại Lãnh

Vịnh Vũng Rô và câu chuyện huyền thoại “Tàu Không số”

Vịnh Vũng Rô nằm ở điểm cực Nam tỉnh Phú Yên thuộc huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. Từ đỉnh đèo Cả nhìn về phía Đông, vịnh Vũng Rô làm say lòng du khách với một vùng non xanh nước biếc hòa quyện vào nhau nên thơ, hùng vĩ. Đây là một điểm cảnh quan biển đẹp vào loại bậc nhất ở khu vực miền Trung, được dãy núi Hòn Bà bao bọc với diện tích 1.640ha mặt nước, độ sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 5.000 tấn. Ngoài khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, vịnh Vũng Rô còn là một trong những bến quan trọng gắn liền với huyền thoại những con tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển, tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí do những con tàu không số vận chuyển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vũng Rô được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia ngày 18/6/1997. Năm 2014, Vũng Rô được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xếp hạng là top 10 vùng vịnh đẹp của Việt Nam.

Hòn Yến thơ mộng

Về thăm Phú Yên, du khách đừng quên ghé thăm hòn Yến, một trong những thắng cảnh đẹp của xứ “hoa vàng, cỏ xanh” vừa được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Quần thể hòn Yến thuộc thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, bao gồm hòn Yến, hòn Đụn (hòn Sắt), hòn Choi, Vũng Choi, Bàn Than, gành Yến, trong đó, hòn Yến là điểm nhấn nổi bật của quần thể thắng cảnh này. Hòn Yến nằm cách bờ biển khoảng 400m, có diện tích 1,98ha, độ cao 70m, xung quanh là những vách đá thẳng đứng từ dưới biển lên. Phần biển nối giữa đất liền với hòn Yến và hòn Đụn tương đối nông, khi thủy triều xuống thấp tạo thành một bãi đá lộ thiên nối liền bờ biển với hòn Yến, hòn Đụn. Rạn san hô tại khu vực quần thể hòn Yến có diện tích khá lớn, trải rộng từ gành Yến ra đến hòn Yến với diện tích ước tính khoảng 30,2ha tập trung nhiều loại tôm, cá. Nơi đây, hằng năm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng của ngư dân miền biển như: Lễ hội Cầu ngư tại lăng thờ thần Nam Hải (thờ cá Ông) - một trong những lăng thờ cá Ông tiêu biểu ở Phú Yên.

Thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan

Đầm Ô Loan nằm sát quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 25km về phía Bắc. Đây là đầm nước lợ, có diện tích tự nhiên khoảng 1.570ha. Đầm được bao bọc bởi núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn cát An Hải với một lạch nước thông ra biển vềphía Bắc. Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, đầm Ô Loan giống như con phượng hoàng đang sải cánh. Vẻ đẹp kỳ thú của đầm Ô Loan là sự kết hợp sơn thủy một cách tuyệt diệu. Cảnh vật càng trở nên tuyệt vời trong những buổi chiều về. Hoàng hôn trên đầm Ô Loan tạo nên một bức tranh vẽ hoàn hảo, mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Du khách đến đây sẽ cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên và thưởng thức nhiều loại đặc sản như: sò huyết, cua, tôm, sứa, điệp, hàu, rau câu... Đặc biệt, sò huyết ở đầm Ô Loan ngon nổi tiếng. Đầm Ô Loan đã được xếp hạng là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia ngày 27/9/1996. Phú Yên có diện tích rạn san hô ngầm trên 400ha, đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển loại hình du lịch sinh thái biển trong tương lai. Ngoài ra, các nguồn nước khoáng nóng: Phú Sen, Lạc Sanh, Trà Ô, Triêm Đức với nhiệt độ từ 50 - 700C rất thích hợp phát triển loại hình du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khỏe và nghỉ dưỡng.

Hoàng hôn trên đầm quốc gia Ô Loan

Di tích lịch sử - văn hóa

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, quá trình lịch sử lâu dài, sự hội tụ của nhiều tộc người mang những sắc màu văn hóa đa dạng đã tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa Phú Yên. Vùng đất này vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch.

Núi Nhạn - tháp Nhạn

Hình ảnh núi Nhạn nằm nghiêng mình soi bóng bên dòng sông Đà Rằng thơ mộng là niềm tự hào của bao người con đất Phú Yên, đó là biểu trưng của một miền đất đầy nắng gió nhưng cũng làm say đắm lòng người với nét đẹp thiên nhiên sơn thủy, hữu tình và những con người hồn hậu, chân chất, giàu lòng mến khách. Trên đỉnh núi Nhạn có ngôi tháp Chăm cổ kính, tên gọi là tháp Nhạn, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 11. Đây là một trong những ngôi tháp vào loại lớn của người Chăm. Đứng ở độ cao 64m trên đỉnh núi Nhạn, du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp toàn cảnh Tuy Hòa nằm bên bờ biển Đông và dòng sông Đà Rằng với 4 chiếc cầu đường sắt và đường bộ chạy song song qua sông. Hằng năm, vào dịp lễ, tết, trên núi Nhạn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí. Đặc biệt vào rằm tháng giêng âm lịch, nơi đây diễn ra Hội thơ Nguyên Tiêu thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và du khách gần xa. Ngày nay, lên tháp Nhạn vào mỗi tối thứ 7, du khách sẽ được thưởng thức các điệu múa Chăm, nghe hát bài chòi hay các bài hát ca ngợi con người và cảnh đẹp Phú Yên. Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988.

Tháp Nhạn - Di tích văn hóa quốc gia đặc biệt

Thành An Thổ

Thành An Thổ nằm ở thôn An Thổ, thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, được xây dựng vào năm 1832 và hoàn thành khoảng năm 1836, là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến Phú Yên. Trong thời gian từ năm 1901 - 1906 ông Trần Văn Phổ đến giữ chức Giáo thụ tại Tuy An. Ông đã đưa cả gia đình đến An Thổ sinh sống và đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chào đời tại đây vào ngày 1/5/1904. Thành An Thổ được xếp hạng là Di tích khảo cổ quốc gia ngày 22/8/2005. Hiện nay, tỉnh Phú Yên đã trùng tu, tôn tạo thành An Thổ và xây dựng khu trưng bày lưu niệm về đồng chí Trần Phú. Đây là một điểm đến có ý nghĩa đối với du khách gần xa.

Nhà thờ Mằng Lăng

Nhà thờ Mằng Lăng cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía Bắc, thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là một trong những nhà thờ cổ nhất ở Việt Nam. Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng vào năm 1892, theo lối kiến trúc gothic cổ điển có trang trí nhiều hoa văn. Đây được xem là nhà thờ cổ nhất của tỉnh Phú Yên và là một trong những ngôi nhà thờ lâu đời nhất Việt Nam. Nhà thờ cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma. Với lịch sử gần 130 năm tồn tại, mỗi bức tường, cánh cửa, bàn cầu nguyện… nơi đây đều nhuốm màu thời gian. Cùng sự độc đáo trong hình dáng, đường nét mang đậm dấu ấn kiến trúc thế kỷ 19, nhà thờ Mằng Lăng là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách ghé thăm tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn một số di tích, địa danh gắn liền với tên tuổi của các danh nhân lịch sử như: đá bia gắn với truyền thuyết về hành trình mở cõi về phương Nam của vua Lê Thánh Tông; đền thờ Lương Văn Chánh, vị khai quốc công thần của Phú Yên; đền thờ nhà chí sỹ yêu nước Lê Thành Phương; núi Chóp Chài, nơi quân và dân Phú Yên giải thoát luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ; chùa Từ Quang, chùa Hồ Sơn, chùa Bảo Lâm, chùa Thanh Lương…

Nhà thờ Mằng Lăng

Lễ hội Phú Yên

Cộng đồng cư dân Phú Yên gồm 31 dân tộc sinh sống đan xen tạo nên sự đa dạng, phong phú về phong tục, truyền thống văn hóa và lễ hội. Sắc thái văn hóa dân gian như hát tuồng, hát bài chòi, các làn điệu hò miền biển, các lễ hội như đâm trâu, hội cồng chiêng, nét độc đáo và âm điệu ngân vang của đàn đá Tuy An… gợi nhắc du khách nhớ về truyền thống văn hóa dân tộc.

Lễ hội cầu ngư

Các làng ven biển, ven đầm ở Phú Yên thường tổ chức Lễ hội Cầu ngư vào khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng 6 (âm lịch) hằng năm. Địa điểm tổ chức lễ hội là tại các lăng Ông (nơi thờ cá voi). Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành trang nghiêm với các nghi thức: múa siêu, nghinh thần, rước sắc, đọc văn tế... Phần hội gồm các hình thức diễn xướng trò chơi dân gian như: hát bả trạo, đua thuyền, lắc thúng... Đặc biệt, trong Lễ hội Cầu ngư không thể thiếu loại hình nghệ thuật truyền thống hát bội. Lễ hội cầu ngư là dịp bà con ngư dân cầu mong trời yên biển lặng, lưới nặng cá đầy, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là một lễ hội dân gian truyền thống được bảo tồn, phát huy ở Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng. Năm 2010, Lễ hội Cầu ngư tỉnh Phú Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn

Hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn được hình thành từ năm 1980, ban đầu được tổ chức ở thư viện Hải Phú. Về sau, những người yêu thi phú, đã chọn núi Nhạn là nơi diễn ra hội thơ. Hội thơ Nguyên tiêu ngày càng được mở rộng, kết hợp với một số hoạt động nghệ thuật khác để tăng thêm tính sinh động (tổ chức 2 đêm vào ngày 15 và 16 tháng giêng hằng năm). Con đường uốn lượn gần 300m dẫn lên đỉnh núi trong đêm thơ được trang hoàng lộng lẫy cờ thơ cùng ánh trăng rằm càng thêm kỳ ảo và lãng mạn thu hút đông đảo các nhà thơ, người yêu thơ, giai nhân tài tử, tao nhân mặc khách. Hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn là niềm tự hào của người Phú Yên, là cách tôn vinh, biến thơ trở thành một lễ thức văn hóa đầy tính nghệ thuật và nhân văn. Chính tiếng vang từ Lễ hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn là một trong những lý do quan trọng để Hội Nhà văn Việt Nam quyết định lập Ngày Thơ Việt Nam vào rằm Nguyên tiêu hằng năm (từ năm 2003).

Hội thơ nguyên tiêu núi Nhạn

Nghệ thuật bài Chòi

Nghệ thuật bài chòi là một hình thức diễn xướng dân gian khá độc đáo, xuất hiện ở Phú Yên đã hơn ba thế kỷ và theo dấu chân người Việt xuôi về phương Nam. Bài chòi khu vực Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng là nghệ thuật kết hợp giữa thơ, nói vè, hát, hô, khua trống, mõ, nhạc đệm, diễn trò cũng như vận dụng cả các điệu xuân nữ, xàng xê, hò Quảng... Qua đó, người dân có thể gửi gắm tình cảm, tâm tư nguyện vọng của mình trong từng câu hát. Hàng trăm năm qua, trò chơi đánh bài chòi và hô hát bài chòi vẫn được lưu giữ, là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là trong dịp tết đến xuân về và trong các lễ hội của địa phương. Ngày 19/5/2018, Phú Yên đã tổ chức Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Hội đua ngựa gò Thì Thùng

Hội đua ngựa diễn ra hằng năm vào sáng ngày mùng 9 tháng giêng (âm lịch), tại thôn Xuân Thành, xã An Xuân, huyện Tuy An. Bãi đua là một vùng đất rộng, bằng phẳng trên gò Thì Thùng. Đường đua hình vòng tròn, chu vi khoảng hơn 500m, được rào chắn an toàn. Mở đầu là màn diễu hành của các “kỵ sĩ”. Tiếp đến là phần đua, được chia thành nhiều tốp. Dưới sự điều khiển của các “kỵ sĩ”, những con ngựa to khỏe thả sức phi nước đại trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng nghìn người xem, làm cho không khí hết sức sôi động. Tiếp sau phần đua ngựa là các trò chơi dân gian truyền thống như: đánh bài chòi, kéo co, đẩy gậy... Hội đua ngựa đã có từ lâu đời và là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Phú Yên.

Độc đáo Lễ hội đua ngựa gò Thì Thùng

Âm nhạc và nhạc cụ truyền thống

Phú Yên là nơi hội tụ những loại nhạc cụ, những giai điệu âm nhạc mang nét độc đáo, đặc sắc, là nét duyên thu hút du khách gần xa.

Đàn đá - kèn đá Tuy An

Bộ đàn đá Tuy An được phát hiện năm 1992, được các nhà khoa học đánh giá là có thang âm hoàn chỉnh nhất trong các bộ đàn đá phát hiện ở Việt Nam vào thời điểm công bố; cặp kèn đá, phát hiện vào cuối năm 1995, một nhạc khí độc đáo thời cổ đại, là báu vật vô giá (nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở nước ta). Đàn đá và kèn đá Tuy An đều có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Di vật này có giá trị to lớn về mặt văn hóa và là minh chứng về lịch sử lâu đời cùng những hoạt động giao lưu, giao thương rộng lớn của vùng đất Phú Yên trong tiến trình phát triển. Đàn đá và kèn đá là những bảo vật quốc gia, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên.

Nhạc cụ truyền thống các dân tộc thiểu số

Nét độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc thiểu số ở Phú Yên là bộ cồng ba, chiêng năm và trống đôi. Mỗi bộ độc lập với nhau khi sử dụng song lại thống nhất với nhau về tiết tấu và điệu thức nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Phú Yên còn có nhiều loại nhạc cụ truyền thống thuộc bộ dây, bộ hơi, bộ gõ với nguyên dáng vẻ thô sơ, mộc mạc. Hầu hết các nhạc cụ được làm từ chất liệu của núi rừng: đàn T’rưng, đàn goong, đàn Pi - tắc, đàn K’ní, kèn môi... Phổ biến nhất là cồng chiêng, lục lạc, não bạt... Vào ngày hội buôn làng, đồng bào thường dùng các loại nhạc cụ để tạo nên những giai điệu và âm thanh rộn rã núi rừng.

Làng nghề truyền thống

Phú Yên có rất nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng hình thành từ hàng trăm năm trước. Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề truyền thống ở Phú Yên không chỉ góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người dân địa phương, mà còn chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng, có giá trị cho việc nghiên cứu và tham quan du lịch.

Làng bánh tráng Hòa Đa

Bánh tráng Hòa Đa từ lâu đã nổi tiếng bởi hương vị đặc trưng. Bánh tráng ở đây được ưa chuộng bởi chiếc bánh mịn đều, dẻo thơm nhưng không có vị chua, ít bị dính khi nhúng nước. Chính vì những điểm đặc biệt như vậy nên bánh tráng Hòa Đa được xem là một trong những đặc sản của Phú Yên. Sản phẩm làm ra không chỉ được tiêu thụ tại huyện mà còn mở rộng thị trường cả nước. Ngoài làng Hòa Đa, Phú Yên còn có nhiều làng nghề bánh tráng với chất lượng không thua kém như: làng bánh tráng Đông Bình, Đông Phước, Hòa An, Phú Thuận…

Nghề làm bánh tráng Hòa Đa

Làng đan đát Vinh Ba

Làng Vinh Ba thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa. Nơi đây có nghề đan đát nổi tiếng được truyền qua bao đời. Dạo qua những đường làng, lối xóm ở Vinh Ba nơi nào cũng thấy những sản phẩm đan từ tre như: bồ, thúng, nia, sàng, lẵng hoa, giỏ tre... Những sản phẩm này được khách hàng khắp nơi ưa chuộng.

Làng rau Ngọc Lãng

Làng Ngọc Lãng nằm trên một doi đất lớn hình thoi bao quanh bởi bốn bề sông nước. Đây là một trong những tụ điểm dân cư được hình thành khi những người Việt đầu tiên đến khai khẩn và định cư ở vùng đất Phú Yên cách ngày nay hơn 400 năm. Đất Ngọc Lãng được phù sa sông Đà Rằng hằng năm bồi đắp nên rất màu mỡ, phù hợp để trồng hoa và các loại rau quả, đây cũng là nghề sản xuất có từ lâu đời ở Ngọc Lãng. Chỉ cần một chuyến đò ngang đi qua sông Chùa, du khách có thể đến thăm Ngọc Lãng, để thưởng thức vẻ đẹp của một làng quê ngay giữa lòng thành phố và cũng để hiểu thêm một vùng đất bên núi Nhạn sông Đà. Ngọc Lãng đã được công nhận là làng trồng rau và trồng hoa truyền thống. Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng tại đây.

Làng nghề nước mắm Gành Đỏ

Xóm Gành Đỏ thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu là nơi nổi tiếng với nghề làm nước mắm. Ở làng này nổi tiếng nhất là nước mắm Ông Già được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng. Nước mắm ở Gành Đỏ không chỉ đặc biệt do bí quyết gia truyền mà còn do nguồn nguyên liệu tại đây. Những con cá cơm ở vùng biển Tuy An khi vào mùa có mùi thơm đặc trưng riêng biệt khi ủ mắm. Mùi thơm này không tìm được ở những vùng khác. Ngoài ra, Phú Yên còn có làng nghề nước mắm và chế biến cá cơm Hòa An thuộc thôn Hòa An, Xuân Hòa cũng rất nổi tiếng.

Làng nghề tiểu thủ công mỹ nghệ

Bằng những nguồn nguyên liệu đơn giản như dây chuối, song mây, bàn tay tài hoa của những người thợ vùng Hòa Thắng, Hòa An - Phú Hòa đã tạo nên những sản phẩm vô cùng tinh tế, được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích như ốc mỹ nghệ, vỏ gáo dừa mỹ nghệ, túi xách, tranh gỗ đá, gốm mỹ nghệ…

Làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ

Phú Yên là một tỉnh ven biển, nghề mưu sinh chủ yếu của người dân là nhờ vào biển nên nghề đan thúng chai cũng được hình thành. Thúng chai Phú Mỹ không chỉ được sử dụng bởi các ngư dân trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Tiền Giang. Do giá thành rẻ, chất lượng tốt nên được ưa chuộng. Cũng chính vì vậy mà thúng chai còn được xuất khẩu sang Thái Lan, Thụy Sĩ... Ngoài các làng truyền thống trên, Phú Yên còn có các làng truyền thống khác như: làng nghề bó chổi Mỹ Thành, bún Định Thành, trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây, rượu Quán Đế… tất cả cùng nhau tạo nên nét riêng biệt cho vùng đất Phú Yên.

Ẩm thực 

Là một tỉnh miền Trung với ẩm thực không thể hòa lẫn, Phú Yên đã sớm định hình cho mình những giá trị ẩm thực riêng. Có thể kể đến các món đặc sắc tại Phú Yên như: cá ngừ đại dương - top 10 đặc sản, hải sản ngon nổi tiếng Việt Nam; sò huyết Ô Loan - top 10 đặc sản, hải sản ngon nổi tiếng Việt Nam; mắt cá ngừ đại dương hầm thuốc bắc - top 100 món ăn, ẩm thực đặc sản tiêu biểu của Việt Nam; hàu Ô Loan - top 20 món ăn Việt Nam mới lạ mà du khách nên thưởng thức qua; gà nướng Sông Cầu - top 100 món ăn, ẩm thực đặc sản tiêu biểu của Việt Nam. Nhắc đến ẩm thực Phú Yên, ngoài những món đặc sản chính không thể không kể đến các món bánh đặc trưng gắn liền với cuộc sống hằng ngày của người Phú Yên như: bánh tráng Phú Đa, bánh bèo chén, bánh xèo Phú Yên… Đó là những món ngon mà du khách luôn mong muốn thưởng thức và mua về làm quà.

Hàu nướng Ô Loan

Với những tiềm năng và lợi thế riêng có, cùng sự nỗ lực, đồng tâm nhất trí của toàn thể cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chắc chắn trong tương lai không xa Du lịch Phú Yên sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế quan trọng mang màu sắc độc đáo, một điểm hẹn văn hóa, thể thao, du lịch mới của quốc gia và khu vực, là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.

 

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam