Đà Nẵng - Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á

Thành phố Đà Nẵng nằm ở miền Trung với khoảng cách gần như chia đều giữa thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông. Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển kết nối với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các vùng Đông Bắc Á thông qua hành lang kinh tế Đông Tây với điểm kết thúc là cảng biển Tiên Sa.

Đà Nẵng không chỉ thu hút du khách với bãi biển dài hơn 60km, được Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, mà còn có rất nhiều cảnh quan ấn tượng như bán đảo Sơn Trà, Khu du lịch Bà Nà Hills, danh thắng Ngũ Hành Sơn… Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng còn được bao bọc bởi 3 Di sản Văn hóa thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Vì vậy, Đà Nẵng được xem là thành phố của du lịch, thành phố của những di tích và danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là một thành phố xanh, sạch đẹp, văn minh, thân thiện và đáng sống; một thành phố trẻ năng động, sáng tạo, tạo dựng được nhiều lợi thế so sánh mà các địa phương khác không có. Đây là những điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững về du lịch.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Du lịch Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến nổi tiếng trong và ngoài nước. Thương hiệu Du lịch Đà Nẵng được khẳng định qua sự bình chọn và đánh giá cao của du khách, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, các tạp chí, trang mạng chuyên về du lịch trên thế giới. Đặc biệt, sự kiện thành phố Đà Nẵng được trao giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2016 đã góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định vị trí thương hiệu du lịch thành phố Đà Nẵng mang tầm quốc tế.

Cầu Rồng - Biểu tượng của thành phố Đà Nẵng

Cầu Rồng - Biểu tượng của thành phố Đà Nẵng

Danh lam thắng cảnh

Do nằm trong một địa hình đặc biệt, có núi rừng, trung du, đồng bằng, biển cả…, Đà Nẵng mang trong mình một vẻ đẹp đa dạng: Có dáng vẽ hùng vĩ, phóng khoáng của núi cao và sự mênh mông, trữ tình của biển cả; có nét mềm mại, khỏe khoắn của sông ngòi, cũng có những góc khuất, những đường vòng của đèo cao; có sự mơ mộng, dịu dàng của bờ cát, của bến sông và cả sự tráng lệ, mạnh mẽ của phố xá, của những tượng đài, cao ốc… Đến Đà Nẵng du khách có thể thưởng thức những giây phút tuyệt vời trên đỉnh núi, trong rừng sâu hay bên bờ sông, bãi biển; có thể tận hưởng những dịch vụ lưu trú với chất lượng quốc tế tại các khu du lịch đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao hay những khu du lịch sinh t hái trong lành…

Biển Đà Nẵng

Biển Đà Nẵng dài gần 60km với nhiều bãi tắm liên hoàn tuyệt đẹp kéo dài từ chân đèo Hải Vân đến Non Nước. Nơi đây được du khách thập phương biết đến là một trong những điểm nghỉ ngơi, thư giãn, tắm biển lý tưởng nhất khu vực châu Á.

Biển Mỹ Khê

Những bờ cát trắng mịn trải dài tít tắp, dòng nước xanh trong mát rượi hiền hòa và những hàng dừa reo vui trong gió… là những hình ảnh ấn tượng khi nói về Mỹ Khê. Vẻ trong xanh và quyến rũ của biển Mỹ Khê đã “đốn tim” không biết bao nhiêu du khách. Tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ Forbes đã bình chọn bãi biển Mỹ Khê là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Bãi biển Mỹ Khê đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bình chọn cơ bản của Forbes như: thuận tiện về giao thông, mở miễn phí cho tất cả du khách, có bờ cát dài và phẳng, ánh nắng và mức sóng phù hợp cho việc chơi các môn thể thao, có khả năng đảm bảo an toàn cho du khách, có các khu nghỉ dưỡng hạng sang, các biệt thự đạt tiêu chuẩn quốc tế... tờ Sunday Herald Sun của Australia cũng nhận xét bãi Biển Mỹ Khê là một trong 10 bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất thế giới.

Bầu trời biển Mỹ Khê - Một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới

Bãi biển Non Nước

Bãi biển Non Nước thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, nhìn từ xa trông giống như một vòng cung nằm ôm ấp lấy chân núi Ngũ Hành. Bãi biển Non Nước thu hút du khách bởi vẻ đẹp thơ mộng với bãi cát trắng mịn trải dài 5km, ánh nắng chan hòa, làn nước trong xanh mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Đến với bãi biển Non Nước, ngoài việc nghỉ ngơi, tắm biển, khách du lịch còn có thể kết hợp tham quan thắng tích Ngũ Hành Sơn, nơi có những ngôi chùa cổ, các hang động, thâm nghiêm, hoành tráng; dạo quanh làng đá mỹ nghệ ngay dưới chân núi hoặc làm một cuộc du thuyền trên sông Cổ Cò để thả hồn cùng non nước Ngũ Hành Sơn...

Bán đảo Sơn Trà

Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông Bắc. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Bán đảo Sơn Trà từ lâu đã hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp sinh thái hoang sơ và cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục. Với dáng hình vươn ra biển lớn, Sơn Trà như một bức bình phong khổng lồ che chắn bão giông cho thành phố. Cảnh sắc nơi đây có núi và biển xen kẽ nhau tạo ra một vẻ đẹp khác biệt với những bãi biển khác. Trên núi là dòng suối Tiên và suối Đá róc rách chảy, dưới biển là một loạt các bãi tắm như: bãi Tiên Sa, bãi Xếp, Đá đen, bãi Bụt, bãi Rạng, bãi Nồm, bãi Nam… rì rào sóng vỗ. Biển Sơn Trà có những dải san hô tuyệt đẹp nằm cạnh ngay bờ, đây cũng là thiên đường dành cho thú ngụp, lặn đã hấp dẫn bao du khách ưa thích chiêm ngưỡng khám phá thế giới sinh vật trong lòng đại dương. Bán đảo Sơn Trà còn là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, nổi tiếng với những thảm thực vật đặc sắc, nhiều loại thú rừng qúy hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, voọc chà vá, gà mặt đỏ... Ngoài ra, đến với bán đảo Sơn Trà du khách sẽ có cơ hội tham quan và chiêm bái ngôi chùa Linh Ứng linh thiêng, nổi tiếng với tượng Phật Bà Quan Thế Âm cao 67m.

Đèo Hải Vân

Không chỉ sở hữu những bãi biển đẹp, Đà Nẵng còn mang nét hấp dẫn riêng biệt bởi vị thế tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ, lại có bán đảo Sơn Trà vươn ra biển. Nhờ vậy, Đà Nẵng có con đèo Hải Vân được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” với cảnh quan nhìn ra biển vô cùng ngoạn mục và những khúc lượn hiểm trở. Đỉnh đèo Hải Vân là ranh giới thiên nhiên giữa hai vùng đất Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Suốt chiều dài 21km, đèo Hải Vân khi thì vắt ngang qua những ngọn núi, lúc lại nhoài mình ra sát biển, đúng như tên tiền nhân đã gọi Hải Vân - biển và mây, sóng biển vỗ chân đèo và mây mù quanh năm la đà trên đỉnh. Từ hơn 700 năm qua, Hải Vân vẫn nổi tiếng là con đèo nên thơ, hùng vĩ, đẹp nhất và cũng hiểm trở nhất Việt Nam trên hành trình vào Nam ra Bắc. Cửa ải xưa qua mấy lần trùng tu nay vẫn còn trên đỉnh đèo và được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây được xem như một thành lũy thiên nhiên trong việc trấn giữ kinh thành Huế ngày trước, đồng thời cũng là bức bình phong phân định khí hậu giữa hai vùng đất Huế - Quảng và là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách ngày nay.

Bà Nà Hills

Đà Nẵng nổi tiếng với thương hiệu Du lịch Bà Nà Hills. Tọa lạc trên đỉnh núi Chúa của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, Bà Nà Hills là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, vui chơi mỗi năm. Nằm ở độ cao 1.487m so với mặt biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình vào mùa hè khoảng 180C, Bà Nà Hills là khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng lý tưởng ở miền Trung. Đến đây du khách được chiêm ngưỡng cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới và tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên mây khói. Vào những ngày trời quang, có thể thu gọn trong tầm mắt cả một vùng không gian rộng lớn như thành phố Đà Nẵng, vịnh Đà Nẵng với đường viền hình vòng cung từ chân đèo Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, non nước Ngũ Hành Sơn, sông Thu Bồn uốn quanh những cánh đồng trù phú, Cù lao Chàm giữa nhấp nhô sóng biếc... Đến với Bà Nà Hills, du khách không nên bỏ qua những địa điểm vui chơi thú vị như Fantasy Park - khu trò chơi trong nhà lớn nhất châu Á; Vườn hoa Le Jardin d’Amour; chùa Linh Ứng; ngôi làng Pháp - hình ảnh thu nhỏ của nước Pháp lãng mạn, cổ kính; tháp Nghing Phong Tự; tháp Tóc Tiên; hầm rượu Debay; bảo tàng Sáp - khu trưng bày tượng sáp lớn nhất Việt Nam.

Khu du lịch Bà Nà Hill - Điểm đến yêu thích của giới trẻ

Ngũ Hành Sơn

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8km về phía Đông Nam, Ngũ Hành Sơn là nơi hội tụ của một vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh đặc sắc. Với các tên gọi được đặt theo thuyết ngũ hành gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn, mỗi ngọn núi ở đây mang trong mình những truyền thuyết cùng vẻ đẹp huyền bí khác nhau. Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn có nhiều điểm tham quan hấp dẫn như: địa đạo núi đá chồng, hang Bà Tho, động Âm Phủ, động Huyền Không, chùa Linh Ứng, Vọng Giang Đài… đặc biệt là Khu căn cứ cách mạng K20 - vùng đất thép, điểm đến không thể thiếu khi du lịch Ngũ Hành Sơn. Dưới chân núi là làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước hơn 300 tuổi, nơi du khách được tận mắt thưởng lãm tài nghệ điêu khắc đá của các nghệ nhân tài hoa và có thể chọn cho mình những sản phẩm ưng ý nhất làm quà lưu niệm.

Cầu Vàng

Nằm ở lưng chừng núi Bà Nà, cầu Vàng được thiết kế mềm mại, toàn bộ được phủ một màu vàng lộng lẫy. Trông từ xa, cây cầu giống như một dải lụa bồng bềnh trong mây trắng. Điều tạo nên sự đặc biệt hơn nữa cho cây cầu chính là đôi bàn tay khổng lồ nâng đỡ. Thả bộ dọc theo cầu, du khách sẽ có cảm giác như đang dạo bước trên mây hay như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh.

Độc đáo cầu Vàng Đà Nẵng

Cầu sông Hàn

Sông Hàn chảy ngang giữa lòng thành phố, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển du lịch địa phương. Sông Hàn đã trở thành địa chỉ khá hấp dẫn của hầu hết tour tham quan thành phố. Cầu sông Hàn - chiếc cầu quay dây văng đầu tiên của Việt Nam nối hai bờ Đông - Tây, là một trong những chiếc cầu hiện đại và đẹp nhất Việt Nam. Cầu Sông Hàn tạo ấn tượng với du khách bởi có thể quay 900 quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông Hàn để mở đường cho tàu lớn đi qua. Cây cầu độc nhất này như một biểu tượng của Đà Nẵng, trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách. Hiện nay, Đà Nẵng đã phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí gắn với dòng sông thơ mộng này, trọng tâm là phát triển các tàu du lịch phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách.

Cầu Rồng

Nổi tiếng nhất hiện nay có lẽ là cầu Rồng. Đây là cây cầu được khánh thành vào năm 2013. Cây cầu hiện đại này bắc qua sông Hàn tại bùng binh Lê Đình Dương/Bạch Đằng. Nét đặc trưng của cầu Rồng là nằm ngay trung tâm thành phố và cứ đến tối thứ 7 tối chủ nhật thì ở đầu rồng có phun lửa, phun nước phục vụ du khách tham quan.

Di tích lịch sử - văn hóa

Đà Nẵng là một thành phố trẻ, năng động nhưng giàu truyền thống văn hóa. Cùng với sự phát triển của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, Đà Nẵng luôn kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị di tích, lịch sử - văn hóa và lễ hội. Là một vùng đất cổ, Đà Nẵng gắn liền với văn hóa Sa Huỳnh thời kỳ đồ sắt cách đây 3.000 năm. Những cư dân ban đầu chính là tổ tiên của người Chăm đã dựng lên vương quốc Chămpa một thời phát triển rực rỡ. Biết bao cung điện, đền đài, thành quách uy nghi, tráng lệ từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 13 nay vẫn còn dấu tích và nhiều hiện vật được trưng bày tại bảo tàng.

Nét độc đáo của Bảo tàng Điêu khắc Chămpa

Được xây dựng từ năm 1915, cho đến nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật tiêu biểu nhất của nền nghệ thuật điêu khắc Chăm qua gần 10 thế kỷ (thế kỷ 5 - 15). Các bộ sưu tập chủ yếu bao gồm đài thờ, tượng và phù điêu các vị thần, các con vật linh, các vật trang trí phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Chămpa xưa. Tọa lạc tại vị trí thơ mộng bên bờ sông Hàn, ngay tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, bảo tàng nổi bật với các đồ án trang trí mô phỏng kiến trúc các đền tháp Chăm. Các tác phẩm điêu khắc được trưng bày ở đây đều thể hiện rõ nét đời sống tâm linh, văn hóa và tín ngưỡng của người Chăm xưa cũng như quan niệm, tư duy tạo hình trong kiến trúc, điêu khắc. Bên cạnh đó, trong bảo tàng có phần lớn các tác phẩm miêu tả những vị thần trong Ấn Độ giáo và một số tác phẩm khác với nội dung gần gũi.

Căn cứ K20

K20 là mật danh của khu căn cứ cách mạng do Quận ủy quận III Đà Nẵng chỉ đạo chính thức xây dựng từ mùa đông năm 1964, tồn tại trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng năm 1975. Khu căn cứ được xây dựng ở vùng địch hậu, gọi là căn cứ lõm với tính chất độc đáo, đặc biệt ở thành phố Đà Nẵng, trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay, các hầm bí mật ở nhà ông Huỳnh Trưng, nhà bà Nguyễn Thị Hải, nhà thờ Bà Nhiêu, nhà thờ tộc Nguyễn… vẫn được bảo tồn; đặc biệt chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng được Nhà truyền thống trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị tiêu biểu, là những trang sách lịch sử sống động phản ánh rõ nét truyền thống cách mạng anh hùng của nhân dân K20.

Chùa Tam Thai

Chùa Tam Thai được xây dựng vào năm 1630. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất còn lại ở thành phố Đà Nẵng. Tổng thể chùa được xây dựng theo hình chữ “Vương”, với nhiều đường nét mang tính mỹ thuật cao, là những di sản quý báu đặc trưng cho kiến trúc đình, chùa thời Nguyễn. Phía Bắc sân chùa trước kia là hành cung có tên Đông Thiên Phước - nơi vua ngồi nghỉ mỗi khi viếng cảnh chùa. Cạnh chùa còn có tháp Phổ Đồng, chùa Từ Tâm, Vọng Giang Đài (đài ngắm sông). Đứng trên Vọng Giang Đài du khách có thể nhìn rõ con sông Cẩm Lệ lượn quanh cánh đồng trù phú của huyện Hòa Vang.

Tam Thai - Ngôi chùa cổ nhất ở Đà Nẵng

Chùa Linh Ứng

Cách bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng chừng 10km, chùa Linh Ứng tọa lạc trên một ngọn đồi, lưng tựa vào cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn của bán đảo Sơn Trà. Chùa Linh Ứng là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Đà Nẵng cả về quy mô (rộng khoảng 20ha) lẫn kiến trúc nghệ thuật. Ngôi chùa mang một phong cách hiện đại kết hợp với tính truyền thống vốn có của chùa chiền Việt Nam với mái ngói uốn cong hình rồng, những trụ cột vững chắc được bao quanh bởi những con rồng uốn lượn rất tinh xảo. Đặc biệt, tại chùa Linh Ứng có tượng Phật Quan Thế Âm được xem là cao nhất Việt Nam (cao 67m, đường kính tòa sen 35m). Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa.

Ngoài những di tích nổi bật trên, Đà Nẵng còn rất nhiều di tích lịch sử khác như: Nghĩa trũng Khuê Trung, bia chùa Long Thủ, chùa Phổ Đà, đình Nại Nam, đình Hải Châu, đình Bồ Bản, mộ Ông Ích Khiêm, thành Điện Hải, chùa Quán Thế Âm…

Lễ hội Đà Nẵng

Không chỉ nổi tiếng các danh lam thắng cảnh, các chùa chiền cổ kính, Đà Nẵng còn thu hút du khách bởi những lễ hội truyền thống địa phương được truyền từ đời này sang đời khác, mang ý nghĩa nguồn cội dân tộc.

Lễ hội Carnival - Bà Nà Hills

Lễ hội Carnival được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, mang âm hưởng của lễ hội đường phố với nhiều màu sắc, nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ sỹ đến từ châu Âu. Lễ hội Carnival được tổ chức kéo dài và quy mô lớn với trên 250 người nghệ sỹ cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như âm nhạc đường phố, nghệ thuật nhân tượng (body painting), khiêu vũ, xiếc tung hứng, ảo thuật…

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn

Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hằng năm tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 18/2 đến 20/2 âm lịch với quy mô hoành tráng và trang nghiêm. Chính hội là ngày 19/2 âm lịch. Lễ hội mang màu sắc nghi lễ Phật giáo với Lễ rước ánh sáng, Lễ rước kiệu, dâng hoa, Lễ cầu nguyện, Lễ thuyết giảng về Bồ Tát Quán Thế Âm và đại nguyện của Ngài. Lễ hội mang ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi trong mỗi con người, hướng thiện và hòa hợp giữa Phật pháp với tình yêu quê hương đất nước. Nếu du khách du lịch Đà Nẵng vào giai đoạn này sẽ được tham gia vào các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như hát dân ca, thi cờ, điêu khắc, thả đèn trên sông…

Lễ hội Quán Thế Âm, Đà Nẵng

Lễ hội Cầu ngư

Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ hội Cá Ông) là lễ hội lớn nhất của ngư dân thành phố Đà Nẵng. Đây là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt, một nét đẹp văn hóa của ngư dân làng chài ven biển. Lễ hội là dịp để ngư dân - những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả, thể hiện khát vọng được bình yên trong lao động và cuộc sống. Lễ hội thường được tổ chức ở những vùng ven biển như: Thái Quang, Xuân Hà, Hòa Hiệp… vào thời gian sau khi ăn tết xong. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng vinh dự được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ rước Mục Đồng

Lễ rước Mục Đồng là lễ hội dành cho những đứa trẻ chăn trâu được tổ chức ở làng Phong Lệ, Hòa Châu, Hòa Vang. Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần và diễn ra trong hai ngày cuối tháng 3 âm lịch với ý nghĩa cầu mong một vụ mùa bội thu. Lễ rước Mục Đồng có rất nhiều hoạt động diễn ra trong suốt hai ngày với những màu sắc rực rỡ và tình người ấm áp. Xuyên suốt lễ hội là những trò chơi dân gian hấp dẫn, các màn trình diễn độc đáo của những đứa trẻ chăn trâu, để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách khi đến Đà Nẵng.

Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng

Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng hay thường được gọi là “Festival pháo hoa Đà Nẵng”. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp 30/4 - 1/5. Lễ hội pháo hoa quốc tế với những màn trình diễn kết hợp giữa ánh sáng và âm thanh đỉnh cao đã trở thành sản phẩm thương hiệu độc quyền của Đà Nẵng. Vào những ngày lễ hội pháo hoa, Đà Nẵng sáng rực cả một bầu trời cả thành phố trở nên năng động, nhộn nhịp và cuồng nhiệt hơn. Hòa theo không khí rộn ràng của các đêm pháo hoa là nhiều sự kiện, lễ hội diễn ra như Lễ hội văn hóa Chăm, Lễ hội đường phố, không gian ẩm thực độc đáo cùng những chương trình khuyến mãi hấp dẫn…

Đà Nẵng còn có nhiều lễ hội truyền thống khác như: Lễ hội làng cổ Túy Loan, Lễ hội làng Hòa Mỹ, Lễ hội làng An Hải… Tham dự các lễ hội truyền thống chính là dịp để du khách gần xa hiểu thêm về một vùng đất Đà Nẵng với những phong tục độc đáo và những con người chân chất đang gìn giữ truyền thống đáng quý của cha ông.

Làng nghề truyền thống

Đà Nẵng không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những công trình kiến trúc hiện đại, mà còn thu hút du khách với chiều sâu văn hóa của một vùng đất trong đó có những làng nghề truyền thống. Nổi tiếng nhất trong các làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng phải kể đến làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, làng chiếu Cẩm Nê, làng nước mắm Nam Ô…

Làng đá mỹ nghệ Non Nước

Làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất Đà Nẵng. Tọa lạc tại phường Hải Hòa, ngay chân núi danh thắng Ngũ Hành Sơn, làng Non Nước là điểm dừng chân lý thú trong hành trình tham quan thành phố Đà Nẵng. Sản phẩm của làng nghề hết sức đa dạng và phong phú. Đến đây du khách không chỉ tận mắt chứng kiến nghệ thuật điêu khắc đá của các nghệ nhân mà chọn lựa cho mình những

món quà xinh xắn làm từ đá như: chiếc vòng, chiếc nhẫn, chuỗi hạt, những con cóc chặn giấy, những con đại bàng sải rộng cánh, những cặp cá thần tiên bằng đá cẩm thạch hồng… Với chất lượng và sự tinh xảo, các sản phẩm của làng Non Nước còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác như Mỹ, Australia, Nhật Bản...

Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước

Làng nghề nước mắm Nam Ô

Nam Ô là làng đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Từ lâu nước mắm Nam Ô đã có tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Nước mắm Nam Ô được chế biến từ cá cơm than, đánh bắt vào tháng ba âm lịch (vì có độ đạm rất cao), là những con cá vừa phải, không được rửa bằng nước ngọt sẽ mất ngon, để lâu sẽ bị thối. Chum muối cá phải bằng gỗ mít, dưới đáy chum chèn sạn, chổi đót và phải lọc nước mắm bằng chuộc mới đảm bảo nước mắm tinh chất, thơm đậm.

Nghề bánh tráng Túy Loan

Túy Loan là một làng cổ nằm cạnh bờ sông Túy chảy ra sông Hàn, thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 15km về hướng Tây. Theo phong tục của người dân Túy Loan cứ mỗi dịp lễ tết, nhất là những ngày giỗ kỵ, bánh tráng là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên. Ngày nay, bánh tráng Túy Loan không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà còn theo chân du khách đến với nhiều vùng miền. Ẩn chứa bên trong những bí quyết riêng truyền thống, chiếc bánh luôn mang hương vị đậm đà và độc đáo.

Ẩm thực

Không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, con người thân thiện, tốt bụng, Đà Nẵng còn sở hữu kho tàng ẩm thực phong phú, chứa đựng những tinh hoa văn hóa miền Trung giàu sức hút đối với du khách. Đến với thành phố bên sông Hàn, du khách sẽ không khỏi ấn tượng với nền ẩm thực nơi đây. Các món ăn như: mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh xèo hay bún chả cá luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến với Đà Nẵng.

Bánh Xèo - Món ăn phải thử khi đến Đà Nẵng

Không chỉ dừng lại ở những món ăn truyền thống, đất Đà thành còn là thiên đường của các món ăn vặt làm say lòng thực khách gần xa. Các món ăn vặt của Đà Nẵng trước tiên phải kể đến là các món ốc hút, hến xào, chè, ram cuốn cải, bánh lọc, bánh nậm, bánh bèo, bánh canh, bánh đập, bánh khọt, bánh tráng kẹp,… cũng khá hấp dẫn và ngon miệng. Dù là ai, dù là nơi đâu, ẩm thực Đà Nẵng luôn đi đầu về sắc - hương - vị làm bất kỳ thực khách nào đến đây nếm thử một lần đều phải xuýt xoa khen ngợi. Đó không chỉ đơn giản là những món ăn mà bên trong nó còn là sự hòa quyện của tình đất, tình người nơi mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió này.

Thực hiện quy hoạch, định hướng về du lịch của Trung ương trong những năm vừa qua, ngành Du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển vững chắc. Bên cạnh việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh đã nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để đáp ứng mục tiêu thu hút khách và phát triển bền vững trong tương lai.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam