Đây là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa mang nét đặc trưng của TP HCM đang được triển khai.
TP HCM đang triển khai thí điểm dự án đưa du khách đến tham quan và thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại nhà các nghệ sĩ ở TP HCM.
Lợi thế đặc trưng
Số lượng du khách quốc tế đến TP HCM và tìm xem các chương trình nghệ thuật như: "À ố show", "Múa rối nước Rồng Vàng", biểu diễn âm nhạc dân tộc tại khách sạn Rex… đã tăng cao trong quý I/2019. Trước thực tế này, việc phát triển mô hình "ngôi nhà nghệ sĩ", đưa vào tuyến tham quan xem đờn ca tài tử Nam Bộ và viếng thăm gia đình nghệ nhân, nghệ sĩ có bề dày gắn bó với nghệ thuật đã khiến nghệ sĩ phấn khởi.
Sinh ra trong gia đình gắn bó lâu đời với âm nhạc truyền thống và bản thân cũng là những người làm nghệ thuật được đào tạo bài bản, vợ chồng NSƯT Đinh Linh và Tuyết Mai đã thực hiện được tâm nguyện khi xây dựng mô hình hòa nhạc dân tộc tại gia "Trúc Mai Home Concert" (số 104 Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh). Từ năm 2004 đến nay, "Trúc Mai Home Concert" đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với du khách. Đây là điểm được dân trong nghề gọi là "Nhà bảo tàng nhạc cụ dân tộc tư nhân đầu tiên".
Tương tự, "Trung tâm Phương Bảo Music" (11 bis Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) cũng thu hút đông du khách đến tham quan và cùng các nghệ sĩ tập các loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam.
NSƯT Minh Vương đã sửa sang lại không gian trưng bày 200 hình ảnh về chặng đường gắn bó với nghệ thuật của ông tại tư gia, sẵn sàng chuẩn bị chào đón du khách. Từ đầu năm nay, nhiều đối tác đã mời ông đưa khu triển lãm tại nhà đến với công chúng sau đợt triển lãm mừng sinh nhật của ông cách đây 2 năm nhưng ông từ chối. "Tôi biết có dự án "ngôi nhà nghệ sĩ" nên muốn được dành không gian này để quảng bá cho nghệ thuật cải lương thông qua hoạt động du lịch" - NSƯT Minh Vương bày tỏ.
"Ngôi nhà nghệ sĩ" của Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng ở huyện Hóc Môn cũng đã được đưa vào lịch trình tham quan của du khách với lớp học đờn ca tài tử Nam Bộ tiêu biểu. "Ngôi nhà nghệ sĩ" của gia đình NSND Đinh Bằng Phi với thư viện cá nhân của ông ở quận Tân Bình cũng đã được chuẩn bị để tiếp đón du khách.
Điểm đến hấp dẫn
NSƯT Trường Sơn cho biết gia đình ông sẵn sàng đón du khách đến đình Thái Hưng - nơi ông và các thế hệ nghệ sĩ sân khấu cải lương tuồng cổ đã trưởng thành, để hiểu hơn về quá trình hình thành của bộ môn nghệ thuật này.
Trong không gian của những ngôi nhà nghệ sĩ, giữa người biểu diễn và khán giả không hề có khoảng cách. Tại "Trúc Mai Home Concert", du khách không chỉ được thưởng thức tài nghệ trình diễn của NSƯT Đinh Linh, NSƯT Tuyết Mai và các con qua nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo mà còn được giới thiệu cụ thể về nguồn gốc, cách sử dụng và cả những câu chuyện thú vị trong mỗi loại nhạc cụ có ở đây.
Với NSND Phương Bảo, bà có nhiều cơ hội đi khắp thế giới biểu diễn nên rất tâm lý trong việc quảng bá, giới thiệu "ngôi nhà nghệ sĩ" của mình cho từng đối tượng du khách đến đây. "Ví dụ với du khách đến từ Nhật, học trò tôi vận dụng các loại nhạc cụ để hòa tấu tặng họ những giai điệu của đất nước phù tang; đến từ Nga thì nhất định phải chơi được "Kachiusa"… Làm sao để họ không chỉ thưởng thức âm nhạc dân tộc mà còn tìm hiểu, giao lưu và nhận biết những tinh túy của kho tàng âm nhạc dân tộc Việt Nam thông qua giai điệu của đất nước họ" - NSND Phương Bảo cho biết.
Soạn giả Hoàng Song Việt nói mô hình này ông từng hiến kế từ năm 2007 lúc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang xây dựng các chương trình biểu diễn phục vụ du khách. "Vừa qua, khi Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, chúng tôi đã mở cửa chào đón du khách đến tham quan hậu trường nhà hát, xem các nghệ sĩ hóa trang, đạo cụ, các kỹ xảo biểu diễn như đu bay trên không đấu kiếm, những thủ thuật độc đáo ở hậu trường sân khấu. Tôi cho rằng mô hình này sẽ thu hút du khách. Việc quảng bá không gian sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ là nét độc đáo của TP HCM" - soạn giả Hoàng Song Việt khẳng định.
Theo NSND Phương Bảo: "Đừng nghĩ đến việc thu lợi nhuận ngay, phải tính đến chiến lược lâu dài. Mô hình này hứa hẹn mở thêm thị phần biểu diễn cho nghệ sĩ".
Trên thực tế, mô hình "ngôi nhà nghệ sĩ" còn đào tạo và truyền niềm đam mê nghệ thuật dân tộc đến với đông đảo bạn trẻ, đặc biệt là học sinh - sinh viên. Bằng chứng, "Trúc Mai Home Concert" là không gian biểu diễn nhạc dân tộc bởi 3 thế hệ.
Chọn tinh túy nhất Dự án "ngôi nhà nghệ sĩ" do Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch TP HCM phối hợp tổ chức nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những chương trình gắn kết văn hóa nghệ thuật với du lịch. Không hẹn mà gặp, hiện các gia đình nghệ nhân, nghệ sĩ các nhà hát nghệ thuật hát bội, cải lương... đang hào hứng khi cùng với TP HCM tạo hướng đi mới để thu hút không chỉ khán giả Việt Nam mà còn khán giả quốc tế. "Cần sớm xây dựng các chương trình giao lưu với nghệ sĩ của nhiều lĩnh vực, kèm theo đó là nghệ thuật biểu diễn đặc thù của họ" - NSƯT Minh Vương đề nghị. NSND Đinh Bằng Phi đề xuất: "Để du khách quốc tế dễ cảm thụ nghệ thuật, các chương trình giới thiệu đờn ca tài tử Nam Bộ, giao lưu tại "ngôi nhà nghệ sĩ" không nên "ôm đồm", biến cải lương, hát bội, hài thành văn nghệ tạp kỹ, hãy chọn cái gì tinh túy nhất để giới thiệu cho khán giả. Điều quan trọng hơn hết là chú trọng phần lời khi phiên dịch. Ngôn ngữ, ý tứ của Việt Nam vốn rất đa dạng, phong phú... cần sự chuẩn mực để du khách các nước hiểu". |