Trong xu thế phát triển chung, tỉnh ta cũng đã, đang đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các sản phẩm, quà tặng lưu niệm dành cho du khách mua sắm vẫn còn khá ít và đơn điệu. Theo báo cáo của Sở VHTTDL: Việc lựa chọn sự đầu tư chưa đồng bộ, nhiều địa phương dàn trải trong phát triển du lịch (DL) cộng đồng, không có sự phối hợp với ngành chức năng trong lựa chọn xây dựng, đánh giá tiềm năng dẫn đến không phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, việc bê tông hóa, xây dựng nhà kiên cố phá vỡ cảnh quan còn diễn ra dẫn đến giảm tính hấp dẫn trong thu hút DL; các mặt hàng lưu niệm khác như tranh ảnh, vật phẩm, biểu tượng, quà tặng từ đá còn rất ít… Và thành phố Hà Giang cũng đã, đang chung trong thực trạng này, thiếu điểm nhấn về DL từ chỗ vui chơi, giải trí cho tới mua sắm quà lưu niệm... để du khách lưu trú lâu hơn trên địa bàn.
Anh Lâm Đình Luân đang quản lý Homestay “Golden Jungle House” trên địa bàn phường Nguyễn Trãi (T.p Hà Giang) thường xuyên đón những đoàn khách DL quốc tế đến Hà Giang vẫn tỏ ra lúng túng khi giới thiệu cho du khách về các điểm nhấn DL trên địa bàn thành phố Hà Giang. Theo anh Luân cho biết: “Chúng tôi, những người làm DL, ngoài hướng du khách lên tham quan các Làng văn hóa DL cộng đồng quanh thành phố rồi nghỉ ngơi thì không biết dẫn khách đi chơi ở đâu, mua sắm đồ gì làm quà lưu niệm ngoài hướng lên Cao nguyên đá. Chúng tôi, những người sống với nghề DL thật tiếc cho thành phố Hà Giang hiện đang rất thiếu điểm nhấn về DL …”.
Cũng từ thực tế và qua báo cáo của ngành Văn hóa cho thấy: Hiện, các thiết chế văn hóa cấp tỉnh đã được đầu tư xây dựng từ lâu, như: Bảo tàng, Thư viện tỉnh được xây dựng từ năm 2000; Nhà văn hóa tỉnh xây dựng năm 1998 nên các công trình đã xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cùng với đó, các cơ sở vui chơi giải trí với quy mô lớn trên địa bàn hiện nay còn thiếu nên không đáp ứng được nhu cầu của người dân đặc biệt là khu vực thành phố Hà Giang. Kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách sự nghiệp cấp hàng năm nên chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới chất lượng, nâng cao nội dung hoạt động văn hóa... Theo đó, dù hoạt động DL đã phát triển song chưa tương xứng với tiềm năng DL địa phương. Hoạt động DL còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu những điểm vui chơi giải trí, thiếu quỹ đất sạch đế thu hút các dự án đầu tư. Sản phẩm phục vụ khách chưa đa dạng, phong phú; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; việc liên kết phát triển DL và chính sách đầu tư cho lĩnh vực văn hoá chưa đồng bộ và còn hạn chế, nhất là công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Thiếu các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực đầu tư xây dựng các dự án DL lớn, tạo chuyển biến lớn cho phát triển DL...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang, Nguyễn Danh Hùng cho biết: “Trong những năm qua, thành phố Hà Giang đã, đang chú trọng phát triển DL, phấn đấu đến năm 2020 khách DL đến thành phố đạt trên 1 triệu lượt người; quy hoạch các tuyến phố kinh doanh ẩm thực; phát triển và duy trì tốt các Làng văn hoá DL cộng đồng, sinh thái; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ gắn với DL... Nhưng, do nguồn lực hạn chế cùng các chính sách thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực DL vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt nên hiện cơ bản trên địa bàn mới đảm bảo được về vấn đề ăn, nghỉ, các điểm vui chơi, mua sắm chưa thực sự có điểm nhấn và đây cũng là vấn đề được địa phương quan tâm, đẩy mạnh trong thời gian tiếp theo…”.
Thiết nghĩ, để Hà Giang và nhất là thành phố Hà Giang - điểm đầu đón khách lên Cao nguyên đá Đồng Văn - trở thành điểm đến DL hấp dẫn du khách, thì cần tiếp tục có các giải pháp để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ gồm: Khu mua sắm, vui chơi giải trí. Đồng thời, đào tạo đội ngũ làm công tác DL chuyên nghiệp, thân thiện. Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên DL văn hóa. Đây chính là những vấn đề cần phải giải quyết để tiến đến mục tiêu năm 2020, DL Hà Giang cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế chung, đồng thời là một trong những địa bàn DL trọng điểm của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.