Quảng Nam - Bức tranh đa sắc màu

Là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, điểm đầu của không gian du lịch hành lang Đông - Tây, Quảng Nam hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để liên kết vùng và liên kết quốc tế phát triển du lịch. Ngoài việc sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm, Quảng Nam còn có hơn 125km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp như Thống Nhất, Hà My (Điện Bàn), Cửa Đại, An Bàng (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành)..... cùng hàng trăm di tích văn hóa lịch sử ẩn chứa những giá trị văn hóa đa dạng.

Thành phố Hội An

Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp của toàn thể hệ thống chính trị, người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngành Du lịch Quảng Nam đã có nhiều tiến bộ và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Những chỉ tiêu về khách, thu nhập, tỷ trọng GDP và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch bằng việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch; đôn đốc các chủ đầu tư triển khai nhanh nhiều dự án lớn như khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, các dự án ven biển, nâng cấp sân bay Chu Lai, đầu tư phát triển cảng cá An Hòa thành cảng khai thác phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng không ngừng đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào những điểm có nhiều tiềm năng để pháttriển du lịch, tạo sự liên kết vùng và phát triển cân bằng giữa vùng Đông và vùng Tây, tăng cường lồng ghép trong phát triển du lịch, tạo ra mối liên kết giữa du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.

Danh lam thắng cảnh

Quảng Nam được biết đến trên bản đồ du lịch trong nước cũng như quốc tế bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp trải đều khắp tỉnh, từ vùng đồng bằng duyên hải với những bãi biển đẹp, ruộng đồng bát ngát, sông nước hữu tình hội đủ các yếu tố phát triển du lịch làng quê, du lịch vườn; cho đến vùng trung du với những khu vườn yên ả, thanh bình và nhiều loại trái cây đặc sản; lên đến vùng núi cao là phong cảnh hùng vĩ của núi rừng đại ngàn gắn liền với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và cả một nền văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Nam.

Bãi tắm Cửa Đại

Biển Cửa Đại cách trung tâm Hội An không xa (5km), nằm trong địa phận thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây là điểm gặp nhau giữa 3 con sông Thu Bồn, Trường Giang, Đế Võng. Du khách ấn tượng với biển Cửa Đại bởi những dải cát trắng miên man, xa xa điểm xuyết vài mái ô lợp cọ đặt ven bờ làm nơi nghỉ ngơi, ngắm biển. Biển Cửa Đại Hội An thực sự đã trở thành địa điểm lý tưởng dành cho các cặp đôi đi nghỉ mát, bởi không gian lãng mạn cùng hệ thống resort chất lượng, bài trí phù hợp, gần gũi thiên nhiên.

Bãi tắm Cửa Đại

Bãi biển An Bàng

Bãi biển An Bàng thuộc phường Cẩm An, nằm cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3km về phía Đông; có chiều dài khoảng 4km với cảnh quan tự nhiên trong lành và thảm thực vật khá đa dạng. Bãi biển An Bàng được du khách yêu thích bởi làn nước biển xanh tuyệt đẹp, bờ cát trắng sạch sẽ, người dân thân thiện, hòa đồng. Vì mới được khai thác du lịch trong những năm gần đây nên An Bàng vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ và tĩnh lặng. Đến đây, du khách có thể lắng nghe được tiếng vang vọng của sóng biển rì rào, những cơn gió lao xao lùa qua hàng cây, kẽ lá rồi tan vào không gian. Giữa sự thinh lặng ấy, mọi cảm xúc nặng nề bất chợt biến mất, chỉ còn lại những niềm vui đơn sơ, giản dị khi được hòa mình và cảm nhận thiên nhiên.

Cù lao Chàm

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm là quần đảo gồm 8 đảo nhỏ nối sát nhau: hòn Lao, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Tai, hòn Dài, hòn MMồ, hòn Lá, hòn Ông. Cù lao Chàm có những làng chài, bãi tắm đẹp, có nhiều ghềnh đá, nhiều dãy san hô và hàng nghìn loài hải sản miền nhiệt đới. Trên đảo, hệ động thực vật khá phong phú, đặc biệt có loài chim yến quý hiếm. Đến với Cù lao Chàm, du khách sẽ được hòa mình trong bầu không khí trong lành của biển; tham quan một số địa danh như bãi Hương, bãi Làng, hang Bà, Âu thuyền, chùa Hải Tạng, lặn ngắm san hô... và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương rất nổi tiếng như cua đá,… Với những giá trị đặc sắc, tháng 5/2009, Cù lao Chàm đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm

Bãi biển Hà My

Bãi biển Hà My thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, nằm cách thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) 6km về phía Nam. Biển Hà My gọi mời du khách với bãi cát trắng trải dài quyến rũ, màu nước biển xanh ngọc, trong vắt đặc trưng của những bãi biển miền Trung. Những hàng dương, rặng dừa được trồng ven bờ biển tạo nên một cảm giác yên bình, thoáng đãng cho du khách ghé thăm. Điểm tô thêm cho vẻ đẹp đó là vô vàn hoa muống biển tím ngắt loang dài trên triền cát. Nằm dài dưới những tán ô được lợp bằng lá dừa, lắng nghe tiếng gió rì rào trong rừng dừa, hít từng làn gió biển trong lành và thưởng thức những món hải sản tươi sống, hấp dẫn, du khách sẽ thấy bao mệt mỏi dường như tan biến.

Làng quê Cẩm Thanh

Chỉ cách trung tâm phố cổ Hội An 5km, làng Cẩm Thanh là nơi có những con kênh hiền hòa, những rặng dừa lộng gió mang vẻ yên bình của một làng quê. Ẩn mình trong màu xanh bạt ngàn của rừng dừa Bảy Mẫu, làng dừa Cẩm Thanh một thời từng là mái che che chở cho hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, ngày nay, là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn du khách nội địa cũng như quốc tế. Còn gì kì thú hơn, khi được chèo thuyền để tận hưởng thiên nhiên trong lành, phía dưới là những đàn cá tung tăng bơi lội, bên trên những rặng rừa, chim cò làm tổ. Không ít người lại thích thả bộ theo lối nhỏ để cảm nhận hết không khí trong lành tươi mát hoặc ghé vào làng nghề truyền thống tranh dừa.

Hồ Phú Ninh

Phú Ninh là hồ nhân tạo, cách thành phố Tam Kỳ 7km. Đây là vùng sinh thái đẹp với tổng diện tích trên 23,4 nghìn héc ta. Bao quanh hồ là những núi non, rừng, suối cùng hệ động, thực vật phong phú, nhiều loài quý hiếm… tạo thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Đến với Phú Ninh, du khách có thể thuê thuyền đi thăm cảnh hồ, các đảo nhỏ hay buông cần vừa ngắm cảnh, vừa ngồi câu cá cũng Hồ Phú Ninh thi vị không kém.

Di tích lịch sử - văn hóa

Văn hóa Quảng Nam rất đa dạng nhờ sự giao lưu, tiếp biến từ những thế kỷ trước với các nền văn hóa Chămpa, Trung Quốc, Nhật Bản,... tạo nên những điểm đến thu hút khách du lịch. Đến với Quảng Nam du khách sẽ được đắm mình vào thế giới cổ xưa với các đền, tháp Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Bằng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ; với những công trình rêu phong ở Hội An... được xây dựng trong nhiều thế kỷ, đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc. Nơi đây còn ghi lại nhiều dấu tích trong những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc như: địa đạo Kỳ Anh, đường mòn Hồ Chí Minh, căn cứ Chu Lai, chiến khu Trà My...

Địa đạo Kỳ Anh

Đây là một trong ba địa đạo có quy mô lớn nhất của nước ta, được nhân dân và bộ đội địa phương xây dựng vào năm 1965 và hoàn thành vào năm 1967. Địa đạo với tổng chiều dài 32km, là một mạng lưới đường hầm gồm hầm cứu thương, hầm tác chiến, hầm chỉ huy, hầm chứa lương thực... Địa đạo là thành trì vững chắc của quân và dân vùng đất cát Tam Thăng trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.

Không gian nhà Việt Nam Vinahouse Space

Nằm trên tuyến đường nối liền hai Di sản Văn hóa thế giới phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, Vinahouse Space là một điểm đến hấp dẫn và độc đáo. Vinahouse Space tự hào xác lập được 7 kỷ lục quốc gia và châu Á, đồng thời là khu du lịch duy nhất tại Việt Nam lưu giữ các công trình nhà cổ của cả 3 miền cùng hơn 12.000 hiện vật được xem như những di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Đây cũng chính là điểm nhấn để Vinahouse Space trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn khi du khách đến với Quảng Nam.

Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An

Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hóa với các nước phương Đông và phương Tây. Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn được lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn cùng các làng nghề thủ công truyền thống… Trong nhiều thế kỷ, Hội An đã từng là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Với các giá trị tiêu biểu độc đáo của một đô thị cổ, năm 1999, Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Một số di tích tiêu biểu của phố cổ Hội An bao gồm: chùa Cầu - biểu tượng tiêu biểu của Hội An, nhà cổ Quân Thắng, nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Phùng Hưng, hội quán Phúc Kiến, chùa Ông...

Phố cổ Hội An

Di sản Văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn

Di tich Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm. Nơi đây có hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13). Mỹ Sơn được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua. Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề, nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới. Với những giá trị nổi bật toàn cầu của một khu di sản văn hóa cần phải được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại, ngày 4/12/1999, Khu di tích Mỹ Sơn được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa thế giới.

Huyền bí thánh địa Mỹ Sơn

Quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng

Với diện tích 16,5ha, Quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là công trình văn hóa cấp quốc gia có quy mô lớn nhất cả nước, đã đạt giải vàng tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015. Công trình mang ý nghĩa chính trị hết sức to lớn nhằm tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp cả nước, những người đã cống hiến, hi sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn rất nhiều di tích lịch sử khác như: Bảo tàng Quảng Nam, kinh thành Trà Kiệu, nhà thờ Trà Kiệu, giếng Nhà Nhì, Di tích cách mạng Khu ủy khu V, chùa Phước Lâm, chùa Chúc Thánh, Phật viện Đông Dương... hay các di sản văn hóa ghi dấu ấn Chămpa một thời như tháp Khương Mỹ, tháp Bằng An, tháp Chiên Đàn…

Lễ hội Quảng Nam

Không chỉ nổi tiếng với các cảnh quan di sản văn hóa - thiên nhiên, Quảng Nam còn là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế về tham dự.

Lễ hội đêm Rằm phố cổ Hội An

Vào những đêm 14 âm lịch hàng tháng, khắp phố phường Hội An trở thành một sân khấu lớn, lung linh và huyền ảo trong muôn ngàn ánh đèn lồng. Người dân trong những bộ xiêm y cổ trang trở thành diễn viên chính trong các hoạt cảnh ngâm thơ, đánh cờ... làm sống lại khung cảnh phồn hoa của cảng thị xưa với những thú vui dân dã trong ngày hội.

Lễ hội đêm rằm phố cổ Hội An

Lễ hội bà Thu Bồn

Lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức hằng năm vào ngày 11 và 12/2 âm lịch. Lễ hội thể hiện tín ngưỡng của người dân sống dọc sông Thu Bồn, thể hiện sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa người Việt và Chăm. Phần nghi lễ của lễ hội gồm có Lễ tế Bà, Lễ rước sắc, rước ánh sáng, rước nước thiêng trên sông Thu Bồn… Lễ cúng thành hoàng bản xứ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa... Ngoài phần tế lễ còn có đua thuyền, rước cộ, hát bội. Người từ nhiều nơi khác đến đây tham gia tranh tài và cổ vũ.

Lễ hội Quảng Nam

Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, từ đó được tiếp nối định kỳ 2 năm 1 lần. Đây là một sự kiện văn hóa du lịch của tỉnh được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa đặc trưng và quảng bá sản phẩm du lịch Quảng Nam. Các hoạt động của lễ hội tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch lớn như Hội An, Mỹ Sơn, Cù lao Chàm, hồ Phú Ninh và các làng nghề truyền thống. Đến với lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức những loại hình nghệ thuật truyền thống của Quảng Nam và vùng miền trong cả nước, tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao, giải trí.

Làng nghề truyền thống

Hội An nổi tiếng với những làng nghề truyền thống như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng. Sự ra đời và phát triển của các làng nghề truyền thống đã phục vụ nhu cầu đời sống người dân địa phương bao đời và cũng là một minh chứng cho một thời phồn thịnh, tấp nập nơi cảng thị cổ từ nhiều thế kỷ trước, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kho tàng di sản nơi đây. Trong nhiều năm qua, do biết khai thác những tiềm năng văn hóa đặc trưng của một vùng đất di sản, Quảng Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, các làng nghề truyền thống với chiều sâu văn hóa đặc sắc đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, là lời mời gọi hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế đến với vùng đất này.

Làng nghề đèn lồng Hội An

Đèn lồng xuất hiện tại Hội An khoảng vào cuối thế kỷ 16 khi những người Trung Hoa đầu tiên đến Hội An để trao đổi buôn bán lập nghiệp và định cư lâu dài. Cho đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có 400 năm tuổi. Đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn đối với du khách. Đặc biệt, lồng đèn đã trở thành sản phẩm văn hóa xuất khẩu đem lại thu nhập đáng kể cho đô thị cổ này. Mỗi năm có đến vài chục ngàn chiếc lồng đèn từ Hội An được xuất đi các nước hoặc được du khách quốc tế mua làm kỷ niệm khi đến Hội An.

Làng nghề gốm Thanh Hà

Cách phố cổ Hội An khoảng 2km về phía Tây, làng gốm Thanh Hà nằm ẩn mình ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Vào thế kỷ 16 và 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung. Với bàn tay khéo léo, sản phẩm gốm của người thợ Thanh Hà đã đi vào cuộc sống gia đình với đồ dùng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con vật... mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú khác nhau. Hiện nay, làng gốm Thanh Hà trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong hành trình về với Hội An Di sản Văn hóa thế giới.

Làng nghề mộc Kim Bồng

Làng mộc Kim Bồng nằm ở rẻo đất bên kia sông Hoài về phía Đông của phố cổ Hội An. Sản phẩm mộc Kim Bồng vang danh xứ Đàng trong vào thế kỷ 15 - 16 thông qua thương cảng Hội An sầm uất. Dấu ấn mộc Kim Bồng còn thể hiện rõ nét trên các ngôi nhà cổ, chùa, hội quán, nhà thờ tộc ở Hội An với những đường nét chạm trổ tinh vi, đẹp mắt. Cũng như ngày xưa, mộc Kim Bồng chuyên về xây dựng nhà cửa và đóng tàu. Cùng với sự phát triển du lịch, một bộ phận nghệ nhân mộc Kim Bồng chuyển sang làm mộc mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch. Đến đây, du khách có thể đạp xe quanh khu làng với những nếp nhà ẩn mình bên hàng tre xanh đầy bóng mát, trải nghiệm cuộc sống đời thường của cư dân địa phương; lựa chọn mua những sản phẩm mỹ nghệ, mộc dân dụng về làm quà hoặc trang trí trong gia đình, công sở.

Làng mộc Kim Bồng

Làng dệt chiếu cói Bàn Thạch

Do địa thế nằm trong vùng sông nước Trà Nhiêu có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với những nhánh sông rộng, uốn lượn dưới những bãi dừa rợp bóng mát, làng nghề chiếu cói Bàn Thạch đang trở thành một điểm đến của du khách trong chương trình khám phá các làng nghề truyền thống. Đến đây du khách sẽ bắt gặp những bãi đay, cói xanh tốt nằm dọc hai bên con sông Thu Bồn, tận mắt xem những người người phụ nữ Bàn Thạch khéo léo dệt nên những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi… rực rỡ, mịn màng và bền chắc. Du khách có thể mua những chiếc chiếu và sản phẩm đan lát từ cói tại địa phương để làm quà cho chuyến đi.

Làng dệt lụa Mã Châu

Làng dệt lụa Mã Châu được hình thành từ thế kỷ 15, bên dòng sông Thu Bồn phù sa bù đắp quanh năm. Đây là làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng gắn liền với lịch sử phát triển của huyện Duy Xuyên. Các sản phẩm nơi đây đã từng cung cấp nhiều lụa quý cho hoàng cung. Ngày nay, làng nghề đang được khôi phục và phát triển để trở thành một điểm tham quan hấp dẫn. Du khách đến đây sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng làng quê êm ả, thanh bình với những cánh đồng dâu xanh mượt, thưởng ngoạn một quy trình công nghệ khép kín vừa truyền thống vừa hiện đại từ trồng dâu, nuôi tằm cho đến ươm tơ, dệt lụa và các sản phẩm sản xuất ra từ quy trình này.

Là vùng đất phố thị cổ xưa, vì vậy Quảng Nam còn nhiều làng nghề truyền thống khác đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây, như: làng nghề đúc đồng Phước Kiều, nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu, làng dâu Đông Yên - Thi Lai, làng rau Trà Quế, làng trống Lâm Yên...

Ẩm thực

Quảng Nam là vùng đất sở hữu nền văn hóa ẩm thực phong phú. Mảnh đất này nằm ở trung điểm miền Trung với địa hình phong phú đa dạng, có đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển, từ đó hình thành nên những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, độc đáo. Nơi đây có nhiều món ăn nổi tiếng như: mỳ Quảng, bê thui cầu Mống, cao lầu, bánh bao - bánh vạc, cơm gà, bánh ít lá gai, bánh su sê... Mỳ Quảng và cao lầu được công nhận món ngon đạt kỷ lục châu Á; bê thui cầu Mống được công nhận món ngon kỷ lục Việt Nam, phở sắn Đông Phú, gà tre đèo Le, mực cơm biển ngang là đặc sản Quảng Nam trong top 50 món ngon Việt Nam.

Mỳ Quảng - Đặc trưng ẩm thực Quảng Nam

Có thể thấy, trong hành trình Di sản miền Trung, Quảng Nam là điểm đến thu hút đông đảo khách quốc tế cũng như nội địa. Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, hoạt động du lịch ở Quảng Nam diễn ra quanh năm. Trong thời gian tới, việc phát triển du lịch ở Quảng Nam không chỉ chú trọng ở vấn đề xây dựng sản phẩm điểm đến mà còn là sự đầu tư tổng hợp đa ngành để tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam