Du lịch Hà Nam - Tăng cường liên kết, phát triển

Hà Nam thuộc đồng bằng sông Hồng, phía Bắc giáp với Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình, Đông Nam giáp tỉnh Nam Định và phía Tây giáp tỉnh Hoà Bình, diện tích khoảng 851,5km2, dân số 785.057 người. Hà Nam nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt nên có lợi thế để thu hút mạnh mẽ thị trường khách du lịch từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, cũng như trên tuyến Bắc - Nam. Đây là một trong những điều kiện tốt để Du lịch Hà Nam phát triển. Với những lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, Hà Nam đang tập trung đầu tư phát triển một số khu, điểm du lịch với các loại hình chính là du lịch sinh thái - tâm linh, du lịch văn hóa - lễ hội,  du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh.

 

Hà Nam - Vùng đất yên bình bên sông Châu, núi Đọi

Danh lam thắng cảnh

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Hà Nam khá phong phú và đặc thù. Địa hình nhiều núi đá vôi kết hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều đã mang lại cho Hà Nam nhiều cảnh quan đặc sắc dạng karst với những thắng cảnh nổi tiếng như: hồ Tam Chúc, hồ Ba Hang, Ngũ Động Sơn, Núi Ngọc... Bên cạnh đó, hệ thống sông hồ dày đặc với vẻ đẹp thơ mộng của sông Hồng, sông Đáy, sông Châu… cùng hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng điển hình là những nét độc đáo, có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, hấp dẫn.

Khu du lịch sinh thái Tam Chúc

Khu du lịch Tam Chúc nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội gần 70km, có khả năng kết nối các khu, điểm du lịch nổi tiếng chùa Hương (Hà Nội), Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Bái Đính, Cúc Phương (Ninh Bình), khu du lịch chùa Tiên (Hòa Bình) ở khoảng cách địa lý rất gần. Khu du lịch là một trong 47 địa điểm phát triển thành Khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khu du lịch Tam Chúc được định hướng tập trung phát triển 06 khu chức năng du lịch chính bao gồm: Khu trung tâm đón tiếp, Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc, khu bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc, Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, Khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang, Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch. Trong đó, chùa Tam Chúc với những công trình được xây dựng và tôn tạo trở thành điểm nhấn cho khu văn hóa tâm linh với những kiến trúc độc đáo do nhiều thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo tổ chức thi công cùng những cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ hứa hẹn sẽ trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong lộ trình Du lịch Việt Nam.

Đền Trúc - Ngũ Động Sơn

Cách thành phố Phủ Lý 8km về phía Tây nằm trên tuyến quốc lộ 21A, điểm di tích lịch sử, thắng cảnh đền Trúc - Ngũ Động Sơn là nơi thu hút đông đảo khách du lịch. Ngôi đền Trúc nằm ngay dưới chân núi Cấm. Nơi đây thờ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Núi Cấm còn có hệ thống hang động độc đáo: 5 hang nối liền nhau, tạo thành động liên hoàn, gọi là Ngũ Động sơn. Trong động có nhiều thạch nhũ, màu sắc tạo hình phong phú sinh động. Phong cảnh nên thơ, đặc sắc của núi Cấm đã từng làm nao lòng bao mặc khách tao nhân khiến họ làm nên những bài thơ hay để lại cho đời. 

Di tích lịch sử - Văn hóa

Hà Nam là một tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa, gồm đủ các loại hình phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, gắn liền với nền văn hóa đồng bằng sông Hồng nhưng vẫn mang bản sắc riêng. Trong đó, một số di tích có kiến trúc quy mô, nghệ thuật chạm khắc độc đáo, tiêu biểu như: đền Trần Thương - Dấu tích kho lương thời Trần, chùa Đọi Sơn - có niên đại từ thời Lý.

Đền Trần Thương - Di tích quốc gia đặc biệt

Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đền là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật, tâm linh, được nhiều người biết tiếng. Đền thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13. Đền Trần Thương được xây dựng trên một khu đất có thế hình nhân bái tướng; ở giữa là gò nổi tựa mai rùa, hai bên tạo tay ngai, xung quanh là những hồ nước trồng sen tạo những điểm nhấn lớn mang đại cát cho công trình và hưng thịnh cho muôn đời sau.

Di tích lịch sử quốc gia đền Trần Thương

Chùa Đọi Sơn - Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Đọi Sơn hay còn gọi là chùa Long Đọi Sơn có tên chữ Diên Linh tự, được xây dựng trên núi Đọi thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Chùa Đọi nằm trên một quả núi, nổi giữa đồng bằng, địa thế và phong cảnh nơi đây rất đẹp. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, trông xa tựa như bức tranh thủy mặc. Chùa Đọi Sơn vốn là một am nhỏ tồn tại từ thế kỷ 10 - 11. Đến thế kỷ XII, vua Lý Nhân Tông trên đường kinh lý qua đây thấy cảnh sắc còn đó mà chùa đã bị đổ nát nên đã cho xây dựng lại chùa và dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh. Công trình bắt đầu xây dựng năm 1118 đến năm 1121 hoàn thành là một trong những trung tâm Phật giáo của miền Bắc Việt Nam. Núi Đọi là vùng đất thiêng trấn giữ kinh thành Thăng Long xưa. Đến thăm chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các di vật của thời Lý như: Bia Sùng Thiện Diên Linh (Bảo vật quốc gia), cùng với 6 pho tượng Kim Cương, tượng chim thần Kinari…

Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh hay còn gọi “Bảo Sơn Tự”, tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chùa được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung. Đây là một ngôi chùa có kiến trúc quy mô, độc đáo và nhiều di vật quý. Đến thăm chùa du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm, cảnh quan sơn thủy hữu tình.

Chùa Bầu

Chùa Bầu tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hai Bà Trưng - thành phố Phủ Lý, là nơi địa linh danh thắng. Qua nhiều thế kỉ, ngôi chùa vẫn giữ được vẻ uy nghiêm, cổ kính với nét kiến trúc hài hòa mềm mại mang dáng dấp một bông sen soi xuống lòng hồ. Ngôi chùa thờ Phật theo phái Đại Thừa ở miền Bắc và tín ngưỡng thờ Tứ pháp của người Việt. Chùa Bầu là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của các thế hệ người dân thành phố Phủ Lý, du khách thập phương và các tăng ni về học Phật các khóa tu, hạ.

Đông đúc lễ hội chùa Bầu

Đền Lảnh Giang và nghi thức thờ mẫu

Đền Lảnh Giang thuộc thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên. Nhân vật được thờ chính của đền là 3 vị tướng thời Hùng Vương con vua cha Bát Hải Động Đình và nàng Quý. Các tướng lĩnh này được giáng trần để giúp đời và trở thành Thánh Hoàng trong tứ phủ Quan Hoàng. Điểm nổi bật của đền Lảnh Giang là việc thực hành tín ngưỡng thờ Quan Lớn Đệ Tam trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và phối thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung của tín ngưỡng Tứ bất tử. Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, du khách.

Ngoài ra, vùng đất này còn nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng khác như: Bảo tàng Hà Nam, Khu lưu niệm Cát Tường - nơi ghi dấu Bác Hồ về thăm; từ đường Nguyễn Khuyễn; Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao; Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam và đền thờ 10 nữ anh hùng liệt sỹ dân quân Lam Hạ; đền Lăng; đình, chùa Châu - Động Phúc Long; đình Vị Hạ; đình An Hòa; đền Bà Vũ; đình Quyển Sơn; đình Văn Xá; đền bà Lê Chân; chùa Tiên; chùa Địa Tạng...

Lễ hội  Hà Nam

Lễ hội truyền thống trong các làng quê của Hà Nam cũng vô cùng phong phú, được tổ chức thường niên, nhiều lễ hội truyền thống đã được khôi phục đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người dân trong và ngoài tỉnh. Trong các lễ hội còn giữ được nhiều trò chơi phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước… Đây là những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể có ý nghĩa quan trọng, phản ánh sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Hà Nam.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 5 - 7 tháng giêng hằng năm tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Lễ hội tổ chức nhằm tưởng nhớ sự kiện vua Lê Đại Hành về Đọi Sơn cày ruộng khuyến khích nông nghiệp từ thế kỷ 10. Hằng năm, Lễ hội Tịch điền đón các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về cày cùng lãnh đạo địa phương thể hiện tình đoàn kết thân dân, cùng quan tâm nông nghiệp, nông thôn trong không gian linh thiêng nhưng cũng rất đỗi đời thường của người dân xứ đồng chiêm. Với những giá trị lịch sử sâu sắc, Lễ hội tịch điền Đọi Sơn đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Lễ hội chùa Long Đọi Sơn

Lễ hội được tổ chức từ ngày 19 - 21/3 âm lịch hàng năm tại chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, để tưởng nhớ công ơn của vua Lý Nhân Tông và Nguyên phi Ỷ Lan, người có công mở mang xây dựng chùa. Vào những ngày lễ hội, ngoài những nghi lễ chính, hội có nhiều tṛò chơi dân gian như thi nấu cơm, thi dệt vải, bơi thuyền, hát chèo, hát đối, hát giao duyên, hội chọi gà, tổ tôm điếm, múa tứ linh, đấu vật, đánh cờ người…

Lễ hội vật võ Liễu Đôi

Lễ hội diễn ra từ ngày 5 - 10 tháng giêng hàng năm tại Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm. Lễ hội thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết, nêu cao truyền thống chống giặc ngoại xâm. Lễ hội vật võ Liễu Đôi được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2017.

Lễ Phát lương Đức Thánh Trần

Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần ở đền Trần Thương diễn ra vào giờ tý ngày 14 tháng giêng âm lịch hằng năm có ý nghĩa lịch sử và tín ngưỡng tâm linh sâu sắc; tái hiện việc ban lương thực của quân đội nhà Trần xưa. Phần lễ uy nghiêm gồm các  nghi thức tế lễ, thỉnh cầu Đức Thánh Trần. Phần xin lộc Đức Thánh Trần của du khách và nhân dân cũng rất được quan tâm, lộc là những túi lương bao gồm thóc nếp, đỗ, ấn, hạt sen… Xin lộc Thánh đầu năm là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt, với mong ước có một năm bình an, may mắn, no đủ.

Lễ hội đền Trần Thương

Lễ hội diễn ra từ ngày 18 - 20/8 âm lịch hằng năm tại đền Trần Thương, thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân. Lễ hội được tổ chức nhằm kỷ niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đây là lễ hội lớn của vùng, ngoài phần lễ còn có phần hội trong đó có trò bơi chải, đi cầu kiều, đặc biệt là đánh cờ tướng nhằm tưởng nhớ tài thao lược quân sự của Hưng Đạo Đại Vương.  Lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016.

Lễ hội đền Lảnh Giang

Lễ hội diễn ra vào hai kỳ, kỳ đầu diễn ra từ ngày 18 - 25/6 âm lịch, kỳ hai vào ngày 20/8 âm lịch hằng năm tại đền Lảnh Giang, thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ Quan lớn Đệ Tam thoải phủ trong tín ngưỡng thờ mẫu. Ngoài các phần nghi lễ, tế lễ, phần hội rất phong phú như múa rồng, lân, chiếu chèo sân đền, hát chầu văn... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu mang đậm văn hóa đồng bằng Bắc Bộ như: Lễ hội đền Trúc Ngũ Động Thi Sơn, Lễ hội chùa Bà Đanh, Lễ hội đền Bà Vũ, Lễ hội thả diều, Lễ hội đền bà Lê Chân…

Làng nghề truyền thống

Làng nghề trống Đọi Tam

Làng nghề trống Đọi Tam thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Đây là làng nghề truyền thống nổi tiếng có lịch sử trên 1.000 năm tuổi. Với bàn tay khéo léo và đôi tai thẩm âm điêu luyện, những nghệ nhân Đọi Tam đã tạo ra nhiều loại trống to, nhỏ với nhiều loại âm thanh khác nhau. Cùng với các sản phẩm đó họ còn sáng tạo ra những sản phẩm gần gũi với cuộc sống thường ngày như thùng rượu, bồn tắm, chậu ngâm… Sản phẩm trống Đọi Tam được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đảm bảo được quyền lợi cho người sản xuất và tiêu dùng, giúp quảng bá, giới thiệu, lưu thông sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai

Làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai thuộc xã An Lão, huyện Bình Lục có lịch sử lâu đời. Từ nguyên liệu sừng trâu, bò, các nghệ nhân, thợ giỏi của làng đã nghiên cứu làm ra hàng trăm loại sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân và xuất khẩu ra nước ngoài như doi ngựa, lược chải đầu, cặp tóc... Sản phẩm của làng nghề không chỉ tinh xảo mà còn có nét độc đáo riêng, mang tính sáng tạo và nghệ thuật.

Làng nghề gốm Quyết thành

Làng nghề gốm Quyết Thành có từ thế kỷ 16, nguyên liệu chính tạo nên các sản phẩm gốm là đất sét. Những sản phẩm làm từ đất trước khi nung được phủ một lớp son đỏ này mà không phải dùng đến hóa chất, loại nguyên liệu chỉ ở làng Quyết Thành mới có. Dưới bàn tay của các nghệ nhân nguyên liệu đất sét trở thành những vật dụng đẹp mắt phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nước ngoài.

Làng nghề dệt lụa Nha Xá

Làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên nổi tiếng nhiều đời. Ông tổ nghề là tướng quân Trần Khánh Dư vị tướng lỗi lạc nhà Trần, là người đã có công hướng dẫn người dân Nha Xá trồng dâu nuôi tằm dệt lụa. Hiện nay, làng nghề dệt lụa Nha Xá vẫn duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước.

Làng nghề dệt lụa Nha Xá

Làng nghề mây tre đan Ngọc Động

Đây là ngôi làng nổi tiếng từ lâu với sản phẩm mây giang đan các loại vừa dùng làm đồ trang trí nội thất vừa làm đồ mỹ nghệ. Từ nguyên liệu mây tre, người dân làng nghề đã sản xuất ra các sản phẩm nổi tiếng xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ.

Văn hóa truyền thống

Là một tỉnh có nền văn minh lúa nước lâu đời, Hà Nam có nền văn hóa dân gian khá đặc sắc phong phú, được thể hiện qua nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống như: hát chèo, hát dậm hay thực hành nghi lễ thờ Mẫu.

Thực hành nghi lễ chầu văn của người Việt ở Hà Nam

Ở Hà Nam nghi lễ Chầu Văn tại các đền, điện diễn ra nhiều dịp trong một năm, cụ thể như: hầu xông đền, lễ hầu Thượng Nguyên, hầu Nhập Hạ, hầu Tán hạ, hầu Tất niên... Hát chầu văn trong các đền, phủ, miếu kết hợp với hầu bóng với nhiều làn điệu hát văn cơ bản như: Bỉ, Miễu, Thổng, điệu Phú, điệu Kiều Dương, điệu dọc, điệu cờn... Trong số các ngôi đền, điện thờ Mẫu ở Hà Nam thì đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên) được coi là Trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam tòa, Tứ phủ.

Chèo Châu Giang

Chèo Châu Giang, huyện Duy Tiên có lịch sử lâu đời đã đi sâu vào đời sống của người dân vùng đồng bằng chiêm trũng. Hiện trên vùng đất này còn bảo lưu một số làn điệu chèo chủ yếu như hát sắp, hề, lới lơ, hát đúm, hát xuôi ngược…

Mua hát Lải Lèn

Đây là lối hát múa thờ thần đình làng Yên Trạch, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam, tái hiện cảnh mừng đón quân vương của nghi thức cung đình, diễn tích đánh trận của Triệu Quang Phục và nghĩa quân chống quân Lương thế kỷ 6. Múa hát Lải Lèn thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lứa đôi, tinh thần chống giặc ngoại xâm.

Hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng

Xưa kia, người dân làng Móng, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên làm nghề chở đò qua sông Châu và thường hát cho khách đò nghe. Do nhu cầu đi lại giao lưu nhiều nên khách qua đò cũng hát với người chở đò, cứ thế nam nữ hát giao duyên lênh đênh trên chiếc thuyền nan. Các làn điệu mang nét đặc trưng của vùng Ngã ba sông Móng như hát thầm, hát chào, hát ngược.

Hát dậm Quyển Sơn

Đây là một loại hình ca múa nhạc dân gian rất độc đáo dành cho lễ hội ở làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hát dậm Quyển Sơn đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân cũng như trong các lễ hội và được nghệ nhân lưu diễn 16 quốc gia trên thế giới.

Ẩm thực

Đến với Hà Nam, du khách còn được thưởng thức ẩm thực dân dã, mang đậm hồn cốt của vùng quê chiêm trũng như: gạo tám, bánh đúc, cá kho, canh cua, trai, hến, bánh đa cá rô đồng, bánh cuốn chả, dưa cà, ốc đồng, chuối tiến vua… đặc biệt là món cá kho nổi tiếng của làng Đại Hoàng (hay còn gọi là cá kho Nhân Hậu). Các món đậm đà, tinh tế, khiến du khách đến Hà Nam dù chỉ thưởng thức một lần cũng thật khó quên.

Cá kho tộ - Món ăn dân dã truyền thống của người dân Hà Nam

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam