Tỉnh Hải Dương nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thời phong kiến, Hải Dương là một miền đất rất rộng lớn, phía Tây đến Bần Yên Nhân (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), phía Đông đến vùng biển (nay thuộc thành phố Hải Phòng), phía Nam từ Lực Điền đến cầu Tràng (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), phía Bắc từ Trạm Điền xuống núi Tam Ban, Yên Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh).
Hải Dương là một trong những vùng đất văn hiến “địa linh nhân kiệt” gắn liền với tên tuổi của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có 141 di tích được xếp hạng quốc gia, có 4 khu di tích quốc gia đặc biệt: khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, di tích lịch sử Văn miếu Mao Điền, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia. Đây là tiềm năng rất lớn và quan trọng để Hải Dương phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Hải Dương còn quyến rũ du khách bởi nhiều danh lam thắng cảnh và những vùng sinh thái, hấp dẫn hứa hẹn mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị khi được thư giãn, hoà mình vào thiên nhiên và cuộc sống của cư dân địa. Với những thuận lợi trên, Hải Dương khẳng định vị thế khá quan trọng trong vùng du lịch Bắc Bộ và cả nước, là điểm đến an toàn, thân thiện thu hút du khách thập phương.
Đền thờ Chu Văn An
Danh lam thắng cảnh
Thiên nhiên ban tặng cho Hải Dương những thắng cảnh, rừng núi, hang động kỳ thú như núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, núi Dương Nham, động Kính Chủ; những làng quê trù phú, những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như sông Hương (Thanh Hà), đảo Cò (Thanh Miện), rừng, hồ Bến Tắm (Chí Linh)… Những cảnh quan thiên nhiên đó là những miền đất hứa để phát triển du lịch sinh thái.
Đảo Cò Chi Lăng Nam
Nằm giữa lòng hồ An Dương thuộc địa bàn xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, đảo Cò có diện tích hơn 3.000m2 là nơi trú ngụ của khoảng 15.000 con cò và hơn 5.000 con vạc, gồm các loại: cò trắng, cò hương, cò ruồi, cò nghênh, cò ngang, cò lửa, diệc. Ngoài ra còn nhiều loài chim quý hiếm khác như: hạc, bồ nông, moòng két, le le… Đảo Cò có mức độ đa dạng sinh học lớn và được bảo tồn gần như nguyên vẹn ở khu vực miền Bắc. Giá trị sinh học của đảo Cò không chỉ nằm ở những sản phẩm khai thác như trứng, cá, thịt, các loại rau… mà còn ở cảnh quan, môi trường phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái. Tới đây, du khách có cơ hội hoà mình cùng thiên nhiên yên bình đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, thả hồn thư giãn theo những cánh cò cánh vạc mỏng manh nhưng vô cùng cần mẫn.
Khu du lịch sinh thái sông Hương - Thanh Hà
Khu du lịch sinh thái sông Hương - Thanh Hà đang trong quy hoạch chung xây dựng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương làm chủ đầu tư. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch nằm dọc hai bên bờ sông Hương theo chiều dài khoảng 10km, thuộc địa phận thị trấn Thanh Hà và các xã Tân Việt,
Cẩm Chế, Liên Mạc, Thanh Xá, Thanh Thủy và Thanh Xuân (huyện Thanh Hà). Đây là khu du lịch sinh thái với nhiều loại hình sản phẩm du lịch, phục vụ hoạt động du lịch ngắn ngày và dài ngày. Chủ đạo là du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch trải nghiệm và tham quan du lịch sông nước kết hợp du lịch di tích lịch sử văn hóa và tâm linh hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn, thú vị đối với du khách bốn phương.
Sân golf Ngôi sao Chí Linh
Sân golf Ngôi sao Chí Linh nằm tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, Hải Dương, cách Hà Nội 48km, được mệnh danh là “Sân golf thách thức nhất Việt Nam” dành cho các tay golf chuyên nghiệp. Sân golf có diện tích 325ha trong lòng thung lũng tuyệt đẹp với hồ nước tự nhiên nép mình bên những dải đồi xanh hùng vĩ bao quanh. Sân golf Ngôi sao Chí Linh hoạt động theo tiêu chuẩn 27 hố golf với mỗi hố được xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Với không khí trong lành, sân golf đẳng cấp, chắc chắn chuyến tham quan sân golf Ngôi sao Chí Linh sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm tuyệt vời.
Sân golf ngôi sao Chí Linh
Di tích lịch sử - Văn hóa
Hải Dương là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hiến, nơi sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt, bao danh nhân lỗi lạc. Nhiều thế kỷ trôi qua, các giá trị tiêu biểu đó được gìn giữ, bảo lưu qua hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc như di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp bộ Đảng, chính quyền nhà nước, sự đóng góp của nhân dân, hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh đang được bảo tồn và phát huy tác dụng, có giá trị giáo dục sâu sắc.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong 62 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Quần thể di tích này thuộc địa bàn thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ 15. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.
Ngày 18/6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 920/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trong dịp Lễ hội mùa thu năm 2012, Khu Di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể bao gồm các di tích: Khu di tích danh thắng Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền Nam Tào - Bắc Đẩu.
Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Văn miếu Mao Điền
Văn miếu Mao Điền tọa lạc giữa không gian rộng rãi, thoáng mát thuộc thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng. Trong khu vực Văn miếu không chỉ thờ Khổng Tử mà còn thờ các vị đại khoa tiêu biểu như nhà giáo Chu Văn An, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trình quốc công - trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhập nội hành khiển Phạm Mạnh, Thần toán - tiến sĩ Vũ Hữu và nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Văn miếu Mao Điền là một trong 5 văn miếu hiện còn như Văn miếu Quốc Tử Giám, Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn miếu Bắc Ninh và Văn miếu Đồng Nai. Văn miếu Mao Điền được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Khu di tích Đền Cao
Chí Linh - Một vùng đất lắng hồn thiêng sông núi. Đến Chí Linh du khách được chiêm bái một quần thể khu di tích lịch sử đền Cao trầm mặc soi mình bên dòng Nguyệt Giang thơ mộng. Dấu ấn lịch sử oanh liệt hào hùng thời Tiền Lê cùng những chiến công hiển hách của 5 vị tướng họ Vương đến nay còn hiện diện qua những ngôi đền cổ tại vùng đất An Lạc làm nên dấu thiêng vùng đất Chí Linh. Di tích đền Cao thờ Vương Đức Minh - người có công trong cuộc kháng chiến chống Tống của vua Lê Đại Hành. Di tích không chỉ có giá trị về lịch sử - văn hóa tâm linh mà còn có giá trị về yếu tố sinh thái, có rừng lim xanh tươi trên trăm tuổi. Di tích bảo lưu được nhiều giá trị về vật thể và phi vật thể như: bia ký, kiệu thờ, voi, ngựa đá, bài vị thờ thần, ngọc phả, 12 đạo sắc phong từ thời tiền Lê để lại, tục đốt hương đen, lễ khâu áo thánh, đập đất...
Khu Di tích đền Cao
Đền Nguyễn Trãi
Đền Nguyễn Trãi có tên chữ là Ức Trai linh từ, được khởi công xây dựng ngày 14/12/2000 và hoàn thành vào ngày 22/9/2002. Đền bao gồm 15 hạng mục công trình như: đền chính, nhà Tả vu, nhà Hữu vu, nghi môn nội, nghi môn ngoại, cầu Thấu Ngọc, miếu Giải oan, hồ Nhân Nghĩa, nhà bia, am hoá vàng, hệ thống sân vườn... Trong đó, đền chính được xây dựng trên diện tích khoảng 200m², theo hình chữ Công, gồm 3 gian tiền tế, trung từ và hậu cung. Tiền tế bài trí ban thờ Công Đồng ở chính giữa, bên trái là ban thờ Sơn Thần, bên phải là ban thờ Thổ Địa. Trung từ có ban thờ tôn vinh đạo học. Trong hậu cung đặt tượng thờ Nguyễn Trãi bằng đồng cao 1,4m, nặng 600kg cùng hai tượng song thân phụ mẫu của ông. Các bức cốn, đầu dư ở đền chính mang phong cách kiến trúc thời hậu Lê, được làm từ những vật liệu quý như gỗ lim, đá xanh Thanh Hóa… Cùng với kiến trúc đặc sắc, đền chính còn lưu giữ những bức hoành phi, câu đối do Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm, tuyển chọn thể hiện tâm hồn, cốt cách cao đẹp, tài năng, công đức lớn lao của Nguyễn Trãi và tấm lòng thành kính, biết ơn của nhân dân đối với ông.
Khu di tích tưởng niệm Đại danh y Tuệ Tĩnh
Khu di tích tưởng niệm Đại danh y Tuệ Tĩnh gồm Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đại danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, người thôn Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng. Ông mồ côi cha mẹ từ khi 6 tuổi, đến chùa Giám xã Cẩm Sơn làm tiểu đồng kiếm sống và được nhà sư ở đây nuôi ăn học. Năm 22 tuổi, ông thi đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa để nghiên cứu y dược học cứu giúp nhân dân trong vùng, ông là người chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu nhà Minh (Trung Quốc) đóng góp nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa, y học tiêu biểu là 2 tác phẩm: Nam dược thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư bằng chữ Hán và chữ Nôm… Ông được tôn vinh là vị Thánh thuốc Nam, được coi là ông tổ của ngành y được dân tộc với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”. Các di tích tiêu biểu thờ ông tại Hải Dương bao gồm đền Xưa, chùa Giám và đền Bia đều là những di tích xếp hạng quốc gia và thuộc huyện Cẩm Giàng.
Chùa Thanh Mai
Chùa Thanh Mai tọa lạc trên núi Phật Tích hay còn gọi là núi Tam Ban thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám (thị xã Chí Linh), nhìn ra núi Bái Vọng, nơi yên nghỉ của Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của người Anh hùng dân tộc - Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Di tích được xây dựng vào thời Trần là một trong những trung tâm của thiền phái Trúc Lâm, nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả (vị tổ thứ 2 của thiền phái Trúc Lâm) - người kế thừa và phát triển thiền phái Trúc Lâm thời Trần lên đỉnh cao. Di tích còn lưu giữ được một số tháp cổ có giá trị như: Viên Thông bảo tháp (năm 1334), Phổ Quang tháp (năm 1702), Linh Quang tháp (năm 1703) và bia Thanh Mai (năm 1364). Đến tham quan di tích chùa Thanh Mai, du khách như được trở về với bản thể chân nguyên của đạo phật, phảng phất đâu đó lời vọng về của Pháp Loa tôn giả. Du khách sẽ có những khoảnh khắc trầm mặc, thư thái cùng thiên nhiên, rừng phong lá đỏ và sự cổ kính nơi đây…
Đền thờ nhà giáo Chu Văn An
Hơn 700 năm trước, vị quan nhà Trần Chu Văn An đã lui về ở ẩn tại vùng núi Phượng Hoàng (nay thuộc phường Văn An, thị xã Chí Linh), nghiên cứu y dược và mở trường dạy học, dựng nên tượng đài “Ngọn Tuệ đăng bất tử” của Đạo học Việt Nam. Sau khi thầy Chu Văn An qua đời, nhân dân đã cho xây dựng đền Phượng Hoàng để tưởng nhớ đến công lao to lớn của Thầy đối với sự nghiệp truyền đạo học của dân tộc. Thế kỉ thứ 18 - 19, đền Phượng Hoàng được trùng tu tôn tạo và trở thành một trong bát cổ của mảnh đất Chí Linh. Năm 2008, di tích được phục dựng, khánh thành lại bao gồm các hạng mục công trình: ngôi đền chính và hai nhà giải vũ, khu sân đền… Toàn bộ di tích được xây dựng trên một thế đất cao, rộng và linh thiêng, phía trước có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng như sải cánh của con chim phượng. Tới đây, du khách dễ dàng cảm nhận thấy khu di tích núi Phượng Hoàng và đền thờ thầy giáo Chu Văn An là một miền không gian linh liêng, trầm mặc.
Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương
Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt nằm tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Các điểm di tích, hang động thuộc diện xếp hạng gồm đền Cao An Phụ (đền Cao, chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo…); khu di tích và hang động xã Phạm Mệnh (động Kính Chủ, chùa dương Nham…); khu di tích và hang động xã Duy Tân (chùa Nhẫm Dương, các hang động núi Nhẫm Dương…). Quần thể các di tích và danh thắng này có giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử và khảo cổ gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nơi đây cũng là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng những nét đẹp kì vĩ của hệ thống núi đá, hang động gắn với những huyền sử độc đáo; hệ thống hơn 40 văn bia được khắc trực tiếp vào vách đá, trải qua thăng trầm lịch sử vẫn lưu lại sẹ độc đáo riêng cho vùng đất này. Với những giá trị hiếm có về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016. Di tích quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là 1 trong 85 Di sản quốc gia đặc biệt được xếp hạng và là Di tích quốc gia đặc biệt thứ 2 của tỉnh Hải Dương, sau Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Động Kính Chủ
Lễ hội Hải Dương
Các lễ hội tại Hải Dương diễn ra xuyên suốt trong năm, tập trung đông nhất vào mùa Xuân - mùa trẩy hội, đặc biệt Hải Dương còn có lễ hội mùa thu lớn nhất cả nước. Ðến với các lễ hội, du khách sẽ được tham dự các đám rước lớn, các trò chơi dân gian đặc sắc: thi nấu bánh chưng, giã bánh giầy, pháo đất, đấu vật… tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn, trò thuỷ chiến tại Lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc; bơi trải tại Lễ hội đền Quát, đánh gậy tại Lễ hội đền Cuối (huyện Gia Lộc), đấu thi nấu cơm trên thuyền tại Lễ hội chùa Hào Xá, đấu cờ người tại lễ hội Văn Miếu Mao Điền… Đến nay, với 797 lễ hội được khôi phục, người xứ Đông Hải Dương luôn tự hào về những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương, sẵn sàng tiếp tục kế thừa và phát duy để có thể giới thiệu tới du khách mọi miền về bề dày truyền thống dân tộc tốt đẹp của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Dưới đây là một sỗ lễ hội nổi tiếng trên địa bàn tỉnh:
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
Địa điểm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)
Thời gian: Từ ngày 15 - 23 tháng giêng âm lịch hằng năm
Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc
Địa điểm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)
Thời gian: Từ ngày 16 - 20/8 âm lịch hằng năm
Lễ hội Văn Miếu Mao Điền
Địa điểm: Thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương
Thời gian: từ ngày 17 - 18/2 âm lịch hằng năm
Lễ hội đền Chu Văn An
Địa điểm: phường Văn An, thị xã Chí Linh
Thời gian: Lễ khai bút đầu năm: tháng giêng (6/1 âm lịch)
Lễ hội Về nguồn: tháng 11 (26/11 âm lịch)
Lễ hội Đền Tranh
Địa điểm: xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang
Thời gian: Kỳ thứ nhất (trọng tâm) từ ngày 10 - 11/2 âm lịch hằng năm Kỳ thứ hai từ ngày 20 - 21/8 âm lịch hằng năm
Lễ hội đền Cao (An Phụ)
Địa điểm: xã An Sinh, huyện Kinh Môn
Thời gian: Ngày 8/ 3 âm lịch hằng năm và ngày 1/4 âm lịch hằng năm
Lễ hội Đền Sượt
Địa điểm: phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương
Thời gian: ngày 10/3 âm lịch hằng năm
Lễ hội Đền Cao (An Lạc)
Địa điểm: xã An Lạc, thị xã Chí Linh
Thời gian: từ ngày 22 - 24 tháng giêng âm lịch hằng năm
Lễ hội Đền Bia
Địa điểm: xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng
Thời gian: ngày 1/4 âm lịch hằng năm
Lễ hội chùa Hào Xá
Địa điểm: xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà
Thời gian: từ ngày 4 - 6 tháng giêng âm lịch hằng năm
Lễ hội đền Quát
Địa điểm: xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc
Thời gian: từ ngày 14 - 15/ 8 âm lịch hằng năm
Lễ hội chùa Nhẫm Dương
Địa điểm: xã Duy Tân, huyện Kinh Môn
Thời gian: từ ngày 5 - 7/3 âm lịch hằng năm
Hội làng Mộ Trạch
Địa điểm: xã Tân Hồng, huyện Bình Giang
Thời gian: ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch hằng năm
Lễ hội đền Cuối
Địa điểm: thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc
Thời gian: từ ngày 26 - 28/8 âm lịch hằng năm
Lễ hội đình Trịnh Xuyên
Địa điểm: thôn Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang
Thời gian: từ ngày 9 - 12/2 âm lịch hằng năm
Lễ hội Chùa Thanh Mai
Địa điểm: xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh
Thời gian: từ ngày 1 - 3/3 âm lịch hằng năm
Lễ hội Chùa Giám
Địa điểm: xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng
Thời gian: từ ngày 14 - 16/2 âm lịch hằng năm
Làng nghề truyền thống
Du lịch làng nghề đang được Hải Dương xác định là sản phẩm cần được chú trọng đầu tư và phát triển. Điểm nhấn nổi bật hơn cả trong làng nghề ở Hải Dương là làng gốm Chu Đậu - một trong những chiếc nôi của nghề gốm Việt Nam. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm và tìm hiểu tại làng nghề vàng bạc Châu Khê, chạm gỗ mỹ nghệ Đông Giao, giày dép da Tam Lâm hay thêu Xuân Nẻo..
Làng thêu ren Xuân Nẻo
Cách thành phố Hải Dương 20km về phía Nam, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ nổi tiếng khắp nơi về nghề thêu. Đây là một nghề cổ truyền từ lâu đời, đến đầu thế kỷ 20 nghề thêu ở Xuân Nẻo được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Sản phẩm là các bức tranh thêu đa dạng chủ đề trong đó chủ yếu là cây, hoa lá, động vật và một số hình ảnh tiêu biểu về thắng cảnh của đất nước Việt Nam, có sức hấp dẫn với nhiều du khách.
Làng giày dép da Tam Lâm
Làng giày dép da Tam Lâm thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc cách thành phố Hải Dương 13km về phía Tây Nam. Nghề đóng giày dép da Tam Lâm ra đời cách đây 5 - 6 thế kỷ. Đầu thế kỷ 20, nghề đóng giày dép tương đối phát triển với sự đa dạng về mẫu mã của các loại giày, dép nam nữ bằng da thuộc hoặc giả da. Hiện nay, giày dép Tam Lâm đã có mặt rộng rãi trên thị trường của cả nước.
Làng gốm Chu Đậu
Làng gốm Chu Đậu thuộc thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách. Đây là dòng gốm cổ cao cấp nhất Việt Nam, được phát triển rực rỡ trong suốt thời kỳ Lý - Trần - Lê - Mạc. Năm 1593, do chiến tranh Trịnh - Mạc xảy ra đã tàn phá vùng Nam Sách, gốm Chu Đậu bị thất truyền từ đó. Sau hơn 500 năm thất truyền, Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu đã và đang phục hưng lại nghề gốm Chu Đậu. Đến đây du khách sẽ được tham quan showroom, tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất và đặc biệt được tận tay tham gia vào quá trình sản xuất như nặn, vẽ, viết… lên sản phẩm và cảm nhận vẻ đẹp mang đậm hồn đất Việt.
Nghệ nhân làm gốm Chu Đậu tại xưởng
Làng mỹ nghệ vàng bạc truyền thống Châu Khê
Làng mỹ nghệ vàng bạc truyền thống Châu Khê (xã Thúc Khánh, huyện Bình Giang) có nguồn gốc từ thời vua Lê Thánh Tông, nơi đây là quê hương của những nghệ nhân kim hoàn nổi tiếng cả nước. Hằng năm, hàng triệu sản phẩm trang sức bằng vàng, bạc với mẫu mã phong phú nhiều kiểu dáng thời trang, bền đẹp được ra đời. Hiện nay, làng nghề có trang website riêng (www.chaukhe.com) để giới thiệu, quảng bá truyền thống, lịch sử, văn hóa và sản phẩm quê hương với bạn bè trong và ngoài nước.
Làng chạm khắc đá Kính Chủ
Làng Kính Chủ thuộc xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có nghề chạm khắc đá lâu đời. Tác phẩm sớm nhất còn lại đến ngày nay là tấm bia bút tích Phạm Sư - Mạnh, khắc năm thứ 144 triều Trần (1369) tại động Kính Chủ. Thợ đá làng Kính Chủ có thể thực hiện hầu hết những công việc về chế tác đá như: bắc cầu, làm quán, đục cối, tạc tượng, khắc bia, làm đá tảng, đá phiến... Trong suốt một nghìn năm theo đuổi nghề nghiệp, thợ đá làng Kính Chủ đã sản xuất biết bao công trình và sản phẩm bằng đá, trong đó có những sản phẩm trở thành di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc, đặc biệt là hàng vạn bia ký - những trang sử bằng đá vô cùng quý báu còn lưu lại đến nay. Nhiều công trình còn ghi rõ do thợ đá Kính Chủ thực hiện, trong đó có Di sản Thành nhà Hồ (ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa); bia chùa Đông Dương, chùa Côn Sơn...
Chạm khắc gỗ Đông Giao
Làng chạm khắc gỗ Đông Giao thuộc xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, cách thành phố Hải Dương 20km về phía Tây. Ra đời từ thế kỷ 17, sau một thời gian bị mai một, đến năm 1983 nghề được phục hồi và phát triển cho đến ngày nay. Các nghệ nhân hiện nay chủ yếu chạm khắc và khảm trai các sản phẩm như cây cảnh, tranh, tượng, con giống, hàng lưu niệm, hàng nội thất gia đình.
Sản phẩm đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Nghề chạm khắc gỗ Đồng Giao
Ẩm thực
Bánh đậu xanh
Trong số những đặc sản của tỉnh Hải Dương thì bánh đậu xanh là món quà được nhiều người ưa thích nhất. Nguyên liệu chế biến nên loại bánh đậu xanh từ đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn và tinh dầu của hoa bưởi. Thưởng thức bánh đậu xanh bên tách trà nóng, du khách sẽ cảm thấy hương vị ngọt ngào của bánh kết hợp cùng vị thơm đượm của trà mới thấy cuộc sống này bình dị biết bao.
Chả rươi
Ở Hải Dương, rươi có ở các vùng ruộng trũng huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ. Cứ vào “tháng chín đôi mươi tháng mười mồng năm” khi nước triều dâng lên ngập các ruộng, rươi từ dưới lòng đất chui lên từng đàn bơi ra sông. Rươi rửa sạch, để ráo nước rồi đổ rươi vào âu dùng đũa đánh nhuyễn trộn cùng các loại trên. Dùng nồi hấp cho rươi chín rồi cho vào chảo mỡ rán. Rươi nóng hổi cuộn lá rau diếp ăn kèm rau thơm cùng bún rồi chấm nước mắm sẽ cảm thấy vị ngậy ngậy.
Vải thiều Thanh Hà
Vải thiều Thanh Hà có nguồn gốc từ Phúc Kiến (Trung Quốc), sau đó được nhân giống sang một số nơi khác trên cả nước, nhưng nhờ những bí quyết canh tác truyền thống của người dân Thanh Hà đã làm nên chất lượng vải nơi đây mà không một vùng vải nào có được. Vào dịp tháng 5 âm lịch hằng năm, du khách đến vùng đất Thanh Hà, ở nơi nào cũng có thể chìm mình trong rừng vải, hít thở không khí trong lành.
Với tiềm năng du lịch phong phú, trong thời gian tới, được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh, Du lịch Hải Dương sẽ phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo ra những đột phá trở thành điểm đến du lịch văn hóa và sinh thái độc đáo, tiêu biểu của khu vực phía Bắc.