Cách thủ đô Hà Nội 93km về phía Nam, Ninh Bình là vùng địa linh nhân kiệt, điểm đến của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An, nơi du khách đến để trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, kỳ thú cùng bản sắc văn hóa độc đáo vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đến Ninh Bình, du khách có cơ hội hiểu thêm về cố đô Hoa Lư cùng lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam thế kỷ 10; chiêm ngưỡng những công trình Phật giáo đồ sộ tại khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính hay khám phá những kiến trúc độc đáo của nhà thờ đá Phát Diệm, đền Trần, đền Thái Vi… Về với đất cố đô cũng là dịp để du khách khám phá những hang động Kỳ thú ở Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, động Thiên Hà; tìm hiểu hệ động, thực vật phong phú và cảm nhận thiên nhiên thuần khiết trong rừng nguyên sinh Cúc Phương, Khu sinh thái Thung Nham, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long… và hòa mình vào những lễ hội truyền thống đặc sắc của cư dân đồng bằng Bắc Bộ; thưởng thức nét tinh túy ẩm thực đất cố đô với thịt dê, cơm cháy, rượu Kim Sơn, nem Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn…
Di sản Văn hóa
Ninh Bình là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch văn hóa vì đây từng là kinh đô của Việt Nam ở thế kỷ 10, nơi phát tích ba triều đại Đinh - Lê - Lý mà bằng chứng để lại là các đền chùa, đình, di tích lịch sử… Hệ thống di tích này vừa có giá trị về lịch sử văn hóa, vừa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư - di tích quốc gia đặc biệt, từng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Cồ Việt, kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam. Với diện tích khoảng 300ha, thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, kinh đô Hoa Lư tồn tại trong 42 năm qua ba vương triều tiếp nối: Đinh - Tiền Lê - Lý (968 - 1010). Trải qua dòng chảy thời gian và những thăng trầm lịch sử, kinh đô Hoa Lư vẫn còn lưu giữ những chứng tích lịch sử hào hùng: đó là những bức tường thành do thiên nhiên và con người tạo dựng; ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành cổ kính, uy nghiêm... Đây sẽ mãi là những biểu tượng cho sự tôn kính, lòng biết ơn của nhân dân cả nước đối với hai vị vua đã có công lớn trong lịch sử dân tộc ta.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (còn gọi là đền Thượng) thuộc địa phận thôn Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Đền được xây dựng trên nền cung điện Hoa Lư xưa, trong khuôn viên rộng khoảng 5 mẫu, quay hướng Đông, lấy núi Mã Yên làm án. Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng kiến trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc” (Hán tự), thờ vua Đinh Tiên Hoàng và các hoàng tử: Đinh Liễn, Đinh Đế Toàn, Đinh Hạng Lang. Ngôi đền là công trình kiến trúc đặc sắc, kết tinh đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc trên gỗ và đá thế kỷ thứ 17. Trên sân rồng, ngay trước gian giữa của bái Đường, có long sàng bằng đá xanh nguyên khối độc đáo. Đây là long sàng đá đẹp và có giá trị nhất ở nước ta bởi tài nghệ chạm khắc đá điêu luyện.
Đền thờ vua Lê Đại Hành
Đền thờ vua Lê Đại Hành (còn gọi là đền Hạ) thuộc địa phận thôn Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Đền được xây dựng trên nền cung điện Hoa Lư xưa, quay hướng Đông, lấy núi Đèn làm án, cách đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 300m về phía Bắc. Đền thờ vua Lê Đại Hành được xây dựng vào thế kỷ thứ 17, kiến trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc” (Hán tự), thờ vua Lê Đại Hành, hoàng hậu Dương Vân Nga và Lê Long Đĩnh là con trai thứ năm của vua Lê Đại Hành và là đời vua thứ ba của triều Tiền Lê. Nét độc đáo của ngôi đền là nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc gỗ thời Hậu Lê, thế kỷ thứ 17 được lưu giữ gần như nguyên vẹn, đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo.
Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính là tên gọi chung cho khu chùa tọa lạc trên khuôn viên rộng khoảng 1000ha bao gồm: Bái Đính cổ tự và Bái Đính tân tự, thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Chùa Bái Đính có sự tổng hòa giữa nét trầm mặc, linh thiêng của Bái Đính cổ tự cùng sự nguy nga, hoành tráng của Bái Đính tân tự - công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam đã được xác lập như: tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang 500 vị La Hán dài nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Việt Nam, đại hồng chung lớn nhất Việt Nam… Chùa Bái Đính là nơi hội tụ của linh khí núi sông, của tâm linh dân tộc, của nhân kiệt xuất chúng, là một trong số ít ngôi chùa tại Việt Nam được lưu giữ ngọc xá lợi, bảo vật của Phật.
Đền Thái Vi
Thuộc địa phận thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, đền Thái Vi được xây dựng để tưởng nhớ bốn đời vua Trần và hoàng hậu Thuận Thiên trên nền cung điện hành cung Vũ Lâm của các vua Trần vào thế kỷ 13. Kiến trúc đền được xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc” (Hán tự), trước đền có giếng ngọc, phía trong sân đền có gác chuông hai tầng tám mái làm bằng gỗ lim, tại đây có treo một quả chuông đúc từ năm Chính Hoà thứ 19 (1698). Điểm độc đáo ở đền Thái Vi là tất cả các cột đều làm bằng đá xanh nguyên khối, được chạm khắc công phu, tỉ mỉ, đạt tới đỉnh cao nghệ thuật với những đường nét rất uyển chuyển và tao nhã như chạm khắc trên gỗ, song có phần sắc sảo và tinh tế hơn.
Chùa Bích Động
Cách bến thuyền Tam Cốc 3km về phía Tây Nam, tọa lạc trên sườn núi Bích Động, chùa Bích Động là một di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một trong những danh thắng đẹp, nổi tiếng của Ninh Bình, được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì trời Nam). Chùa Bích Động là công trình kiến trúc cổ, xây dựng theo kiểu chữ “Tam” (Hán tự), ba tòa không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa riêng biệt: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Nét độc đáo của chùa Bích Động là sự kết hợp hài hòa giữa núi, động và chùa ẩn hiện dưới những vòm cây đại thụ xanh biếc tạo nên một bức tranh phong cảnh mang nhiều sắc thái của chốn tâm linh huyền bí.
Danh lam thắng cảnh
Với địa thế hội đủ cả rừng, biển miền núi, trung du, đồng bằng, Ninh Bình là nơi chứa những vật báu của trời, nơi nổi tiếng có nhiều thắng cảnh. Các di tích danh lam thắng cảnh kỳ thú ở Ninh Bình đã được ghi dấu trong các áng thiên cổ hùng văn của dân tộc và được du khách trong nước, quốc tế đặc biệt yêu thích. Những danh lam thắng cảnh đã và đang được Ninh Bình bảo vệ, khai thác để phát triển du lịch, phục vụ du khách trong nước cũng như du khách quốc tế.
Quần thể danh thắng Tràng An
Với tổng diện tích hơn 12.000ha, trải rộng trên địa bàn 20 xã, phường của tỉnh Ninh Bình, Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động và một phần khu rừng đặc dụng Hoa Lư. Đáp ứng những giá trị đặc sắc nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ, địa chất, địa mạo và truyền thống cư trú của người tiền sử, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào tháng 6/2014. Đây là Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Khu du lịch sinh thái Tràng An
Khu du lịch sinh thái Tràng An là nơi du khách thưởng ngoạn sự hùng vĩ của núi non, chiêm ngưỡng và khám phá những tuyệt tác của tạo hóa. Với sự hòa quyện liên hoàn của các dãy núi đá vôi, hang động và thung nước, Tràng An xứng tầm là một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia với vị thế của một Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Động Hoa Lư
Động Hoa Lư (còn gọi là thung Lau) thuộc địa phận xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn. Đây là căn cứ đầu tiên trong sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn thế kỷ thứ 10 của vua Đinh Tiên Hoàng. Tuy gọi là động, nhưng đây là một thung lũng rộng, nằm lộ thiên được bao bọc bởi các ngọn núi vòng cung, bốn bề động Hoa Lư được núi đá bao quanh vô cùng kiên cố, chỉ có một lối vào duy nhất dẫn vào ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và thánh Nguyễn Minh Không. Động Hoa Lư là Di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi du khách được trở về với cội nguồn dân tộc.
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là một quần thể di tích - danh thắng đẹp, nổi tiếng của Ninh Bình, nằm trên địa phận huyện Hoa Lư. Nơi đây vẫn giữ được những nét nguyên sơ thiên tạo với nhiều hang động đẹp và các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Tam Cốc, đền Thái Vi, chùa Bích Động, thung Nắng, động Tiên, hang Bụt, động Thiên Hà…
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long
Là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ với những dãy núi sừng sững tạo thành bức tường thành thiên nhiên hùng vĩ bao quanh những đầm nước mênh mông, phẳng lặng. Vân Long có hệ động, thực vật phong phú với 457 loài thực vật bậc cao, 39 loài động vật, trong đó nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Trong lòng những dãy núi đá còn có khoảng 32 hang động đẹp có giá trị phát triển du lịch. Vân Long là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, là hiện trường nghiên cứu, học tập cho các nhà khoa học, sinh viên, học sinh và du khách say mê khoa học, yêu thích thiên nhiên. Vân Long hiện đang sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam đó là: nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất và nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất.
Vườn quốc gia Cúc Phương
Cách thành phố Ninh Bình 45km về phía Tây Bắc, Vườn quốc gia Cúc Phương có diện tích 22.408ha, đây là vườn quốc gia đầu tiên và cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. Đến với Cúc Phương, du khách không chỉ có cơ hội được chiêm ngưỡng bảo tàng thiên nhiên rộng lớn với các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, cùng sự đa dạng sinh học mà còn được thăm các công trình nghiên cứu, các thành quả của dự án bảo tồn đã và đang thực hiện ở vườn như: Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng, vườn thực vật… Cúc Phương - điểm hẹn của tình yêu thiên nhiên và những giá trị văn hóa, lịch sử đang chào đón du khách cùng khám phá, cùng trải nghiệm!
Lễ hội Ninh Bình
Ninh Bình thường được ví von là hình ảnh một đất nước Việt Nam thu nhỏ bởi vị trí địa lý, địa hình đặc biệt của vùng đất này. Nơi đây vừa là gạch nối, vừa là ngã ba của ba nền văn hóa lớn sông Hồng - sông Mã - Hoà Bình. Vì vậy, văn hóa truyền thống Ninh Bình vừa có nét riêng bản địa, vừa mang sắc thái vùng miền do yếu tố hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn minh, văn hóa tích hợp. Đến với Ninh Bình, ngoài việc được chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng, du khách còn được tham gia những lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, Ninh Bình còn lưu giữ được 74 lễ hội dân gian. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Du khách hãy một lần đến với Ninh Bình để cảm nhận hết sự tinh tuý, nét độc đáo riêng có được ẩn hiện trong không khí hư hư thực thực của các lễ hội truyền thống vùng đất giàu tiềm năng du lịch này.
Lễ hội Hoa Lư
Địa điểm tổ chức: xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Thời gian: từ ngày 8 - 10/3 âm lịch hằng năm.
Lễ hội Tràng An
Địa điểm tổ chức: Khu du lịch sinh thái Tràng An, huyện Hoa Lư.
Thời gian: Ngày 18/3 âm lịch hằng năm.
Lễ hội đền Thái Vi
Địa điểm tổ chức: thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Thời gian: Ngày 14, 15/3 âm lịch hằng năm.
Lễ hội chùa Bái Đính
Địa điểm tổ chức: xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Thời gian: Từ ngày 6 tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch hằng năm.
Làng nghề truyền thống
Chạm khắc đá Ninh Vân
Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, là làng nghề đã có từ rất lâu đời. Sản phẩm chạm khắc đá Ninh Vân rất đa dạng, từ những sản phẩm thông dụng như: chậu cảnh, cối đá, bộ ấm trà,... đến những sản phẩm nghệ thuật cao cấp như: tượng thờ, tượng đài, tượng nghệ thuật, tứ linh, hương án... Tất cả đều được chạm khắc tinh tế, sống động, đường nét uyển chuyển, mềm mại, dường như có phép lạ ở đôi bàn tay và khối óc của các nghệ nhân.
Mỹ nghệ cói Kim Sơn
Làng nghề chiếu cói Kim Sơn thuộc huyện Kim Sơn. Qua hàng trăm năm quai đê lấn biển, Kim Sơn có những bãi sa bồi mênh mông, là xứ sở của cây cói, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào để nghề chế tác sản phẩm cói không ngừng phát triển. Sản phẩm mỹ nghệ cói Kim Sơn nổi tiếng nhất là chiếu cói. Ngoài chiếu cói, nhiều sản phẩm thủ công khác cũng đều được làm từ cây cói như: thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, túi xách... Đây là những món quà thú vị và ý nghĩa mà du khách có thể dành tặng cho bạn bè, người thân sau mỗi chuyến du lịch về với vùng đất mở Kim Sơn.
Thêu ren Văn Lâm
Làng nghề thêu ren Văn Lâm thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Tương truyền, Trần Thị Dung là vợ Thái sư Trần Thủ Độ theo triều đình nhà Trần về đây đã truyền dạy cho nhân dân thôn Văn Lâm nghề thêu ren, từ đó nghề được lưu truyền và ngày càng phát triển. Sản phẩm thêu ren Văn Lâm rất đa dạng như: tranh phong cảnh, ga trải giường, gối, rèm cửa, khăn trải bàn... Đây là những món quà lưu niệm ấn tượng dành cho du khách mỗi khi có dịp về Ninh Bình.
Ẩm thực
Dê núi Trường Yên
Dê núi Trường Yên từ lâu đã trở thành nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu trong sinh hoạt thường nhật, trong những ngày lễ tết, hội hè, đình đám ở Ninh Bình, với các món ăn chế biến từ thịt dê như: dê tái, dê áp chảo, dê xào xả ớt, dê hầm thuốc bắc, nem dê… Dê núi Trường Yên (Ninh Bình) đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong 50 món ăn đặc sắc nổi tiếng Việt Nam.
Cơm cháy
Đến với Ninh Bình, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món đặc sản cơm cháy để tận hưởng hương vị, độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Ninh Bình. Cơm cháy chính là "xém" lấy từ đáy nồi cơm do để già lửa. Để có cơm cháy chất lượng, người ta sử dụng gạo nếp hoặc tẻ thơm dẻo, đem nấu trong nồi gang dày. Nước sốt ăn kèm thường được làm từ thịt dê, có vị cay, thơm, đủ độ sánh để ngấm vào miếng cháy, tạo nên vị đậm đà khó quên của món ăn thập cẩm nóng sốt. Cơm cháy Ninh Bình đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là một trong 12 món ăn đặc sản Việt Nam theo bộ tiêu chí "Giá trị ẩm thực châu Á" vào tháng 8/2012.
Nem Yên Mạc
Xã Yên Mạc, huyện Yên Mô từ lâu được biết đến với nghề làm nem chua nổi tiếng. Nem Yên Mạc được tinh chế khá công phu, sợi nem nhỏ, đỏ hồng, rời, tươi, ướp với gia vị để được hàng tuần. Trong những dịp lễ tết, không chỉ người dân ở Ninh Bình mà còn rất nhiều người từ các tỉnh lân cận tìm về mua nem để đãi khách quý. Nem Yên Mạc đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong 10 đặc sản nem chả nổi tiếng của Việt Nam.
Rượu Kim Sơn
Kim Sơn là huyện miền biển ở phía Nam tỉnh Ninh Bình nổi tiếng với loại rượu được chưng cất từ gạo nếp - đặc sản trồng trên chính mảnh đất này. Để có rượu ngon, người ta thường dùng men thuốc bắc, nguồn nước giếng khơi tự nhiên và sản xuất theo bí quyết của các làng nghề tại Kim Sơn. Rượu cho vào chai trong vắt, lăn tăn một lớp tăm rượu, trông xuyên suốt cả thành chai. Rượu càng để lâu càng "vào hơi" uống càng ngon, càng chắc. Rượu Kim Sơn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong 10 đặc sản rượu nổi tiếng Việt Nam.
Mắm tép Gia Viễn
Gia Viễn là huyện đồng chiêm trũng nên người dân nơi đây từ lâu đã có nghề riu tép và làm mắm tép ngon. Thứ mắm mặn mòi, dân dã nhưng đậm đà tình nghĩa đã trở thành đặc sản độc đáo, nổi tiếng của người dân Ninh Bình. Để làm được mắm tép ngon, người ta chọn loại tép riu già, thân tròn, nhỏ con, màu xanh lam và điều quan trọng là tép phải tươi; sau đó đem tép rửa sạch, để khô; lấy thính gạo rang vàng, giã nhỏ, cùng với muối trộn đều, bỏ vào hũ rồi bịt kín; Bát mắm tép được múc ra màu đỏ tươi, có mùi thơm ngọt, rất hấp dẫn. Ăn mắm tép Gia Viễn không cần cho thêm bột ngọt vẫn có vị ngon ngọt, đậm đà.
Miến lươn
Cùng với cơm cháy, tái dê, miến lươn cũng là món đặc sản nổi tiếng ở Ninh Bình. Để có được miến lươn ngon điều khó nhất là làm sao lựa chọn được những mớ lươn có chất lượng cao. Người ta thường chọn lươn cốm (con nhỏ), béo khỏe, còn tươi, có lưng màu hồng nâu, bụng vàng rộm. Hoa chuối cũng phải chọn được những cái còn tươi nguyên. Ngoài ra, miến cũng cần chọn loại được chế biến từ dong đao nguyên chất, không pha tạp, có sợi nhỏ đều, trong suốt. Các loại gia vị khác như riềng, mẻ, nước mắm, mắm tôm, chanh quả, lá lốt, hạt tiêu, ớt đều cần tươi ngon. Hương thơm của món miến lươn lan tỏa ngọt ngào ra khắp không gian như mời chào khiến du khách khó có thể bỏ qua mỗi khi có dịp tới Ninh Bình.