Là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, Thái Bình có một mặt giáp biển và 3 mặt còn lại được bao bọc bởi 3 con sông lớn: sông Hóa, sông Luộc và sông Hồng. Vì vậy, Thái Bình được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những bãi biển đẹp, những cánh đồng thẳng tắp, cây cối xanh mướt một màu. Không chỉ là cái nôi của hát Chèo, Thái Bình còn tự hào là mảnh đất phong phú về hệ thống đền, chùa cùng những món ăn mang đậm chất địa phương vô cùng độc đáo.
Danh lam thắng cảnh
Nổi tiếng một thời là “quê hương năm tấn”, Thái Bình được du khách biết đến như một miền quê thanh bình, trù phú với những biển lúa chín vàng thẳng cánh cò bay; những bãi biển hoang sơ, thơ mộng (bãi biển Đồng Châu, biển Cồn Vành, biển Cồn Đen); những cánh đồng hoa cải trải dài… như mời gọi, thu hút du khách tìm về vùng đất này.
Bãi biển Đồng Châu
Bãi biển Đồng Châu
Biển Đồng Châu thuộc huyện Tiền Hải, cách thành phố Thái Bình 35km theo tỉnh lộ đi Kiến Xương - Tiền Hải. Con đường dẫn xuống bãi biển Đồng Châu nhấp nhô giữa những hàng phi lao, khung cảnh bao la lộng gió reo vi vu mỗi khi có gió thổi qua. Xen lẫn trong tiếng gió là cả tiếng sóng biển xô bờ như lời mời gọi du khách tới đây khám phá. Vào buổi chiều tà, nơi đây đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. Nơi đây còn mang nét quyến rũ rất riêng bởi cánh đồng Vạng (ngao) với vô vàn chòi canh cắm chân dưới cát, trải đều hút tầm mắt tạo nên những nét chấm phá độc đáo cho bãi biển.
Bãi biển Cồn Vành
Bãi biển Cồn Vành thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 25km về phía Đông, cách thủ đô Hà Nội 150km. Là một trong những nhánh của khu vực lưu trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, Cồn Vành được thiên nhiên ưu ái ban tặng hệ sinh thái phong phú và thuần khiết. Cồn Vành gây ấn tượng với du khách bởi những rặng phi lao xanh mượt bao quanh biển, điểm tô thêm vào đó là những thảm hoa muống tím đẹp mơ mộng. Bờ cát nơi đây tương đối mịn màng, sóng hài hòa cùng mực nước biển không sâu, lý tưởng cho hoạt động vui chơi, tắm biển.
Rừng ngập mặn Thụy Trường
Rừng ngập mặn xã Thụy Trường (Thái Thụy) có diện tích trên 1.400ha với nhiều loại động thực vật sinh sống. Đối với người dân nơi đây, rừng giống như “bức tường xanh” trước biển, bảo vệ họ bình an trong mùa mưa bão. Còn với những du khách lần đầu đến đây sẽ có cảm giác vô cùng ngạc nhiên vì giữa một miền quê cò bay thẳng cánh như Thái Bình lại có cánh rừng ngập mặn xanh đến ngút ngàn. Trong cánh rừng ấy, mỗi khi chiều buông, hàng chục loại chim ríu ran bay liệng trên các ngọn cây bần, cây vẹt, tạo ra một không gian thoáng đãng, bình yên.
Di tích lịch sử - Văn hóa
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người dân Thái Bình đã tạo dựng được hàng trăm di sản văn hóa, đó là sự kết tinh sức lao động, tâm hồn và trí tuệ của bao thế hệ kế tiếp nhau trên vùng đất này. Tính đến năm 31/12/2017, toàn tỉnh Thái Bình có tổng số 2.969 di tích, đã và chưa được xếp hạng, trong đó đậm đặc nhất là ở các huyện Hưng Hà (598 di tích), Thái Thụy (434 di tích), Quỳnh Phụ (487 di tích), Vũ Thư (381 di tích)... Những di tích góp phần quan trọng trong công tác giáo dục tư tưởng, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho nhân dân trong tỉnh.
Chùa Keo
Từ thành phố Nam Định qua cầu Tân Đệ, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10km là đến chùa Keo, tỉnh Thái Bình - một trong những ngôi cổ tự đẹp nhất Việt Nam. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn. Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn trên một khu đất khoảng 58.000m². Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc”. Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là gác chuông. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời Hậu Lê. Ngoài ra, khi đến thăm chùa, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng do Không Lộ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hàn hóa. Tháng 9/2012, chùa Keo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Nét độc đáo của chùa Keo, Thái Bình
Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần
Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần thuộc xã Tiến Đức và xã Liên Hiệp huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa, di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Nơi đây không những thu hút các nhà nghiên cứu sử học, các nhà văn hóa mà còn là một điểm du lịch độc đáo, có giá trị đặc biệt, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Khu di tích gồm có di chỉ khảo cổ mộ các vua Trần (xã Tiến Đức); khu lăng mộ thái sư Trần Thủ Độ, đình Khuốc, đình Ngừ thờ thái sư, mộ và đền thờ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung (xã Liên Hiệp); Tam đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như: thủy tổ Trần Kinh, thái tổ Trần Hấp, nguyên tổ Trần Lý, thái thượng hoàng Trần Thừa… Các hoàng đế nhà Trần như Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông cùng các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ có tên Thọ Lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy Đức lăng… Bên cạnh đó, nhà Trần còn xây dựng các cung điện như điện Tịnh Cương, điện Hưng Khánh, điện Thiên An, điện Diên Hiền.
Trong suốt chiều dài lịch sử, di tích luôn đóng vai trò là một trung tâm sinh hoạt văn hóa đặc biệt quan trọng của nhân dân sở tại và vùng phụ cận. Việc bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản văn hóa nơi đây sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, cố kết cộng đồng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụm di tích đền Đồng Xâm
Đền Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trung tâm của cụm di tích của là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với gần 10.000m2 gồm nhiều công trình kiến trúc hùng vĩ như vọng lâu, thuỷ tọa, hoành mã, sân tế, toà tiền tế, phương đình, toà điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ sư nghề chạm bạc... Thuỷ tọa là một ngôi nhà hình lục lăng cao gồm sáu cửa vòm quay ra các hướng, từ đây du khách có thể ngắm được toàn cảnh sân tế và các đường thuyền đua tấp nập trên sông khi có lễ hội. Toà tiền tế của ngôi đền là một tòa đại đình gồm 5 gian rộng, với quy mô đồ sộ có chiều cao tới 13m và kiểu dáng kiến trúc bề thế ít gặp ở các di tích khác. Nối liền toà tiền tế tới hậu cung là toà điện Trung tế được kiến trúc theo kiểu phương đình. Khám gian đặt tại hậu cung là một tác phẩm độc đáo được phong kín bằng những lá đồng chạm thủng với các đề tài khác nhau như tứ linh, tứ quý... Có thể nói, đền Đồng Xâm là một tập đại thành của nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, kim loại, đắp vữa của Việt Nam thời Nguyễn.
Đền Đồng Xâm
Khu di tích A Sào
Khu di tích A Sào là nơi thờ Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương cùng hai tướng Yết Kiêu và Dã Tượng, nằm cạnh sông Hóa thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Tại vùng đất A Sào, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng lực lượng quân sự cùng một trung tâm tích trữ binh lương với nhiều địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến như: làng Mễ Thương, xã An Thái (kho gạo); làng Am Qua (kho gươm); Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ (kho thóc lớn); A Mễ, xã An Thái (nơi để gạo của nhà Trần)... Đặc biệt, tại Khu di tích A Sào hiện nay còn có bến tượng A Sào là nơi voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy trên đường hành quân vượt sông Hóa tiến đánh quân của Ô Mã Nhi. Sau ngày toàn thắng, nhân dân đã lập đền thờ Trần Hưng Đạo gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (đền A Sào). Một ngôi miếu thờ tượng voi tạc bằng đá cũng được dựng lên ven bến sông. Trong khuôn viên của đền có hồ tắm tượng (hồ để voi tắm), có gò Đống Yên (nơi để yên ngựa của quân lính), trại binh (nơi ở của quân lính) và nhiều linh khí khác. Với những giá trị lịch sử -
văn hóa độc đáo đó, năm 2011, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch đã cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cho di tích đình, đền, bến tượng A Sào.
Đền Tiên La
Đền Tiên La thuộc thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đền được xây tại gò Kim Quy (nằm giữa thôn Tiên La) theo đúng nguyên mẫu kiến trúc cổ “tiền nhất, hậu đinh” từ cột, kèo đến đao mái uốn cong với kiểu dáng lưỡng long chầu nguyệt. Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, gần ngã ba đổ ra sông Luộc. Bao quanh đền là những rặng nhãn sum suê, xanh tốt. Đền gồm các công trình chính như: tam quan ngoại, tam quan nội, tiền tế, trung tế và hậu cung. Qua tam quan ngoại, sân đền là đến tam quan nội. Đền là nơi thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Trên nóc hậu cung treo bức đại tự đề bốn chữ: “Vạn Cổ Anh Linh”. Đền Tiên La được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngày 12/11/1986.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (thôn Đồng Phú xã Độc Lập huyện Hưng Hà); Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (xã Diêm Điền, huyện Thái Thụy); Quần thể di tích gắn với Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải)...
Lễ hội Thái Bình
Khi chim én báo hiệu xuân về, cũng là thời điểm Thái Bình khai hội mùa xuân. Du khách về với Thái Bình không chỉ cảm nhận những khởi sắc của vùng đất nông thôn mới mà còn được hòa mình vào những lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân gian của vùng đất địa linh nhân kiệt.
Lễ hội đền Trần
Hằng năm, Lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 - 18 tháng giêng âm lịch thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Lễ hội bao gồm nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước thiêng từ ngã ba sông Hồng về đền Trần, lễ tế mộ, đặc biệt có lễ bái yết được tổ chức nhằm khôi phục lại nghi lễ xa xưa… Bên cạnh đó, phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với những trò chơi mang đậm tính dân gian như: thi cỗ cá, thi nấu cơm cần, thi vật cầu, kéo co, pháo đất, cờ tướng…
Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lễ hội đền Trần đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định số 231/QĐ-BVHTTDL ngày 27/1/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương đối với lễ hội đền Trần trong nhiều năm qua và cũng là niềm tự hào, nguồn động viên, cổ vũ nhân dân Thái Bình tiếp tục lưu giữ và trao truyền hào khí Đông A, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau.
Hào khí Đông A tại Lễ hội đền Trần
Hội chùa Keo
Lễ hội chùa Keo diễn ra một năm 2 lần, đó là Hội xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán và hội chính mùa thu, từ ngày 13 đến ngày 15/9 âm lịch. Hội tháng 9 gắn liền với sự tích của Không Lộ Thiền Sư (13/9 là 100 ngày mất của ngài, còn 14/9 là ngày sinh). Hội là một bản diễn xướng lịch sử về hành trạng của Quốc sư Dương Không Lộ, trong đó những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo. Trong khuôn khổ Lễ hội chùa Keo Thái Bình có nhiều nghi lễ, đáng chú ý là lễ rước kiệu Thánh nhằm biểu thị tấm lòng thành kính và ghi nhớ công lao đối với thánh thần và tổ tiên làng xã. Qua các nghi lễ đó, dân làng cầu mong thánh thần phù hộ độ trì, che chở cho mùa màng bội thu, cuộc sống an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc. Bên cạnh phần lễ là hoạt động vui hội, như: thi bơi chải, rước thuyền, bắt ếch, tung lưới, thổi cơm, bắt vịt, đập niêu… tạo nên không khí sôi nổi, thấm đượm nét văn hóa đồng quê Bắc Bộ. Cuối lễ hội còn có nghi lễ chầu thánh, một nghi lễ đặc biệt chỉ có ở Lễ hội chùa Keo. Điệu múa chầu thánh là điệu múa cổ diễn tả bằng điệu chèo cạn và múa ếch vồ. Những động tác khỏe mạnh, dứt khoát hướng về phía thờ thánh, như muốn thể hiện cho thần thánh biết lòng biết ơn vô bờ bến của dân làng đối với ngài. Với những giá trị nổi bật và riêng có, Lễ hội chùa Keo Thái Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hội xuân Tiên La
Theo định lệ, Hội đền Tiên La được khai hội vào ngày mùng 10, chính hội vào những ngày 17 và 18/3 âm lịch. Du khách từ nhiều nơi trong và ngoài nước đổ về vừa với tâm thức tưởng niệm bà chúa có đức thiêng vừa để thưởng ngoạn một công trình kiến trúc cổ quý hiếm bên dòng sông Tiên Hưng. Đến với Lễ hội Tiên La, du khách sẽ có ấn tượng đẹp với nhiều nghi thức tế lễ và các trò chơi dân gian độc đáo, trong đó có lễ rước nước trên sông là loại hình văn hóa dân gian, biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của nhân dân sống với nền văn minh lúa nước sông Hồng.
Ngoài ra, đến với Thái Bình, du khách có thể tham dự nhiều lễ hội dân gian, với nhiều nghi lễ, trò chơi hấp dẫn, thú vị như: Hội đền A Sào, Lễ hội đền Hét Lễ hội đền Quan làng Bo, Hội đền Côn Giang, Lễ hội đền Đồng Bằng, Lễ hội Sáo Đền, Lễ hội bơi trải truyền thống trên sông Diêm….
Hội đền Tiên La, Thái Bình
Làng nghề truyền thống
Từ nhiều thế kỷ trước, cùng với nền văn minh lúa nước, nhiều nghề thủ công đã ra đời trên địa bàn tỉnh Thái Bình: nghề chạm bạc, chiếu cói, mây tre đan… Trải qua bao thăng trầm lịch sử, các làng nghề ở vùng đất này tưởng như đã đi vào quên lãng giờ đây đang sống dậy từng ngày, góp phần mang “hồn quê” Thái Bình đến với du khách trong và ngoài ngước.
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Cách thành phố Thái Bình chừng 20km về phía Đông, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) nằm nép mình bên hữu ngạn dòng Đồng Giang hiền hòa. Đến gần làng, du khách sẽ nghe văng vẳng đâu đó âm vang chạm khắc trong không gian yên bình của đồng quê. Sau tiếng đục, tiếng hàn là biết bao sản phẩm với hoa văn tinh xảo được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Đồng Xâm. Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy, nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Có thể nói rằng tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân bạc Ðồng Xâm đã và đang có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng.
Nghề chạm bạc Đồng Xâm
Làng nghề dệt đũi Nam Cao
Làng nghề dệt đũi Nam Cao, toạ lạc tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Chẳng biết nghề có từ bao giờ, nhưng nhiều người cho rằng nghề dệt đũi Nam Cao được hình thành từ gần 400 năm trước đây. Sản phẩm đũi Nam Cao được dệt thủ công bằng tơ tằm có những đặc tính riêng, độc đáo, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, mềm mại nhưng bền, dễ tẩy trắng, nhuộm màu, giặt sạch và mau khô... phù hợp với điều kiện tự nhiên và sở thích người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới nên được các bạn hàng trong và ngoài nước
ưa chuộng.
Làng nghề dệt chiếu Hới
Phát huy thế mạnh nguồn nguyên liệu kết hợp với kỹ thuật vê, se sợi đay, sợi cói truyền thống, làng Hới (Hưng Hà) đã tạo ra những sản phẩm đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Chiếu Hới được nhuộm thành nhiều màu sắc khác nhau, tùy theo loại chiếu và yêu cầu của khách hàng. Đặc điểm nhận dạng chiếu Hới là thợ ở đây dệt hình những bông hoa hồng, hoa sen, chân dung hoặc chữ Thọ trên chiếu. Đây là một phương pháp dệt chiếu rất khó đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, sáng tạo.
Ẩm thực
Bánh cáy làng Nguyễn
Bánh cáy là thức bánh được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng). Xưa kia, đây là sản vật của người Thái Bình để tiến vua. Nét độc đáo của bánh cáy làng Nguyễn chính là sự kết hợp các nguyên liệu từ hoa màu trong đời sống, tạo nên một thứ bánh dẻo, thơm và có hương vị đặc trưng.
Cốm Thanh Hương
Làng Thanh Hương, xã Đồng Thanh có loại cốm nổi tiếng khắp xa gần. Khi xưa, người ta làm cốm như kết tinh của công sức lao động con cháu thắp hương tiên tổ. Sau này, cốm Thanh Hương dần nổi tiếng, dân làm để bán cho khách khắp nơi, quảng bá một món đặc sản quê lúa.
Canh cá Quỳnh Côi
Canh cá Quỳnh Côi
Nổi tiếng bởi sự đơn giản, không cần nhiều nguyên liệu chế biến nhưng vẫn tạo hương vị riêng, canh cá Quỳnh Côi được xem là niềm tự hào của người Thái Bình. Gọi canh cá nhưng đây lại là món ăn như bún, phở chứ không phải món kèm cơm.
Gỏi nhệch
Nhệch là tên một loại cá có hình dáng tương tự như lươn. Ở khâu sơ chế, người ta dùng tro để làm sạch nhớt trên mình nó rồi mới làm thành món ăn như kho, nấu canh chua, om… Trong đó, nổi tiếng nhất ở Thái Bình phải kể đến món gỏi nhệch. Gỏi nhệch ăn kèm rau chanh, lá sung, rau húng, tía tô. Cầm lá sung gắp vào miếng gỏi, cho thêm tí da, cuốn lại chặt tay rồi chấm vào chẻo là đủ thấy món ăn hấp dẫn đến độ nào. Vị bùi bùi của lá sung cùng với vị ngọt của thịt cá, vị béo béo của da, mùi thơm lừng từ thính… Tất cả quyện đậm đà với chẻo cay nồng khiến gỏi nhệch ngày càng được ưa chuộng.
Ổi Bo
Nhắc đến Thái Bình, du khách không thể quên một loại trái cây vô cùng hấp dẫn mang tên ổi Bo. Với hương vị ngon, ngọt, giòn, mát, chua dịu nhẹ, loại ổi này luôn được ưa chuộng và làm hài lòng du khách gần xa. Ổi Bo có kích thước khá nhỏ, chỉ chừng cỡ nắm tay nhưng hương vị dường như chứa đựng bao tinh túy của đất trời. Dù giống ổi Bo được trồng ở khá nhiều nơi, nhưng không đâu có hương vị đặc biệt như ở Thái Bình.