Du lịch mua sắm là một khái niệm mới hình thành trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, những đóng góp của loại hình du lịch này đối với kinh tế - xã hội cho thấy một tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Mua sắm từ lâu đã là một yếu tố mang tính bổ sung và đóng góp trải nghiệm cho du khách trong chuyến du lịch. Nhưng trong vài năm gần đây, mua sắm đã trở thành một trong những yếu tố có sức ảnh hưởng nhiều hơn đến lựa chọn du lịch của du khách và thậm chí trở thành động lực chính để họ quyết định các chuyến đi. Điều này đã góp phần dần hình thành nên khái niệm “du lịch mua sắm” (shopping tourism) được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây.
Theo WTO, du lịch mua sắm định nghĩa một loại hình du lịch hiện đại mà yếu tố mua sắm ở điểm đến du lịch trở thành động lực chính trong chuyến đi của du khách.
Những đóng góp của du lịch mua sắm
Gia tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của điểm đến
Sự nổi lên của xu hướng du lịch mua sắm tạo ra cơ hội mới cho các điểm đến có thể mở rộng và đa dạng hóa nhiều trải nghiệm mới cho du khách. Ngoài những trải nghiệm liên quan đến cảnh quan hay văn hóa mang tính đặc trưng của điểm đến, những trải nghiệm mua sắm sản phẩm địa phương, hàng hóa xa xỉ có thể trở thành một điểm hấp dẫn để thu hút du khách lựa chọn điểm đến.
Một số điểm đến trên thế giới như Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Dubai còn phát triển trải nghiệm mua sắm trở thành một điểm mạnh trong định vị thương hiệu du lịch của mình. Trong Hội nghị lần thứ 2 về Du lịch mua sắm do UNWTO tổ chức vào năm 2016, du lịch mua sắm được xem là “một trong những công cụ được sử dụng nhiều nhất để quảng bá điểm đến.”
Tăng trưởng nguồn doanh thu du lịch của điểm đến
Các hình thức chi tiêu của du khách là một trong những nguồn đóng góp quan trọng vào doanh thu du lịch của các điểm đến. Đối với du lịch mua sắm, chi tiêu của du khách còn quan trọng hơn nữa bởi đây là động lực chính của họ khi thực hiện chuyến đi. Do đó, việc đa dạng hóa trải nghiệm mua sắm nhằm khuyến khích du khách chi tiêu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự tăng trưởng trong doanh thu của điểm đến.
Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương
Du lịch mua sắm có sự kết nối mật thiết với nhiều ngành kinh tế khác tại điểm đến, đặc biệt là bán lẻ. Sự phát triển du lịch mua sắm tại một điểm đến thúc đẩy trực tiếp đến sự tăng trưởng doanh thu hoạt động bán lẻ tại địa phương đó, bao gồm cả bán lẻ hàng miễn thuế và bán lẻ hàng hóa thông thường. Những lễ hội mua sắm ở nhiều quốc gia như Korea Grand Sale, Dubai Shopping Festival mỗi năm thu hút một lượng lớn các nhà bán lẻ địa phương và nước ngoài cũng như du khách đến để buôn bán và mua sắm.
Ngoài ra, nhu cầu mua sắm của du khách tăng cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành sản xuất, thương mại, và nhiều ngành dịch vụ liên quan tại địa phương phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất có thêm một nguồn khách hàng sẵn sàng chi tiêu cho những sản phẩm chất lượng và mang đặc trưng của điểm đến. Đồng thời, ngành sản xuất phát triển cũng thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu trở nên sôi động hơn. Du khách dành nhiều thời gian để mua sắm và trải nghiệm cũng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các dịch vụ lưu trú, ăn uống của điểm đến.
Ngoài ra, về khía cạnh xã hội, du lịch mua sắm phát triển cũng thúc đẩy mở rộng việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương.
Tiềm năng của du lịch mua sắm
Với những tác động tích cực của du lịch mua sắm đối với kinh tế địa phương, nhiều điểm đến trên thế giới đã bắt đầu đưa loại hình du lịch này vào chiến lược phát triển du lịch bền vững của mình.
Trong ấn phẩm thứ 8 của Báo cáo Toàn cầu về Du lịch mua sắm do UNWTO phát hành, ông Miguel Mirones, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Liên kết UNWTO đánh giá: “Với sức ảnh hưởng của loại hình du lịch này đối với nền kinh tế địa phương và những đóng góp của nó cho sự phát triển vững chắc của điểm đến và tạo ra việc làm cho cộng đồng, trong ngắn hạn và trung hạn, du lịch mua sắm sẽ được củng cố như một phân khúc chủ đạo trong ngành du lịch.”
Nguồn: Destination Review