Sau khi sáp nhập Hải Dương và Hải Phòng, thành phố mới sẽ có loạt đặc sản nổi tiếng như vải thiều Thanh Hà, bánh gai Ninh Giang, bánh lòng Kinh Môn...
Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, Hải Phòng và Hải Dương sẽ sáp nhập. Địa phương mới lấy tên là TP Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt ở Hải Phòng.
Hải Phòng và Hải Dương đều là 2 địa phương có tiềm năng về văn hóa, du lịch và ẩm thực. Vì vậy, khi 2 địa danh này được sáp nhập, TP Hải Phòng mới sẽ có thêm tiềm năng để phát triển du lịch ẩm thực.
Bánh gai
Bánh gai Ninh Giang là đặc sản nổi tiếng. Bánh được làm từ những nguyên liệu truyền thống như bột gạo nếp cái hoa vàng, lá gai, mật mía, đỗ xanh, mỡ lợn, hạt sen, dừa sợi mỏng và mứt bí.
Với hương vị ngọt thanh, dẻo mềm và hình thức bắt mắt, bánh gai Ninh Giang là món quà ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè.
Bánh gai Ninh Giang có vị ngọt của đỗ xanh, ngậy béo của mỡ heo cắt nhỏ. Ảnh: Giang Lam
Bánh lòng Kinh môn
Bánh lòng Kinh Môn là món truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên của người dân thị xã Kinh Môn mỗi dịp Tết đến xuân về. Nguyên liệu chính của bánh gồm gạo nếp cái hoa vàng, đường trắng, lạc rang, vừng, mứt dừa, gừng... Bánh đạt chuẩn phải mềm, dẻo, không bị vón cục, có vị ngọt thanh, cay nhẹ của gừng, và mùi thơm đặc trưng của nếp cái.
Bánh lòng ngon nhất khi được thưởng thức cùng trà nóng. Vị cay nhẹ của gừng, vị ngọt thanh của đường, và mùi thơm của gạo nếp hòa quyện tạo nên hương vị đặc trưng khó quên.
Do được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và không sử dụng chất bảo quản, bánh lòng chỉ để được khoảng 10 ngày. Vì vậy, bánh thường được làm theo đơn đặt hàng và không bày bán rộng rãi trên thị trường.
Bánh lòng Kinh Môn thường được thưởng thức cùng trà nóng. Ảnh: Lê Tuyến
Rươi Tứ Kỳ
Rươi Tứ Kỳ là đặc sản nổi tiếng của huyện Tứ Kỳ, được mệnh danh là “lộc trời” bởi sự quý hiếm và giá trị dinh dưỡng cao. Mỗi năm, rươi chỉ xuất hiện vào khoảng tháng 9, tháng 10 Âm lịch.
Rươi có thể chế biến thành nhiều món ăn độc đáo, da dạng, nhưng phổ biến và được yêu thích vẫn là làm chả. Những con rươi tươi đem trộn với thịt lợn xay, trứng gà, thì là, vỏ quýt và các loại gia vị khác, sau đó chiên vàng giòn.
Chả rươi có mùi thơm hấp dẫn, lớp vỏ ngoài giòn rụm kết hợp với phần nhân mềm béo bên trong, tạo nên một món ăn đậm đà và giàu dinh dưỡng.
Rươi là món ăn không thể bỏ qua. Ảnh: Nguyễn Thu
Bún cá rô đồng
Bún cá rô đồng là món ăn quen thuộc với người dân thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có cách chế biến khác nhau.
Bún cá rô đồng gồm có cá rán, cá rim, sườn, móng giò và mọc. Khi thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt thanh của nước dùng, vị béo bùi của cá rô và hương thơm của các loại rau gia vị.
Món ăn này hợp với khẩu vị của đa số thực khách vì dễ ăn, hương vị hài hòa. Nếu đến Hải Phòng du lịch, đây sẽ là đặc sản không nên bỏ qua.
Bún cá rô đồng có topping đa dạng, dễ ăn. Ảnh: Vũ Sơn
Vải thiều Thanh Hà
Vải thiều Thanh Hà là một trong những đặc sản nông sản nổi bật, được ví như “vàng đỏ” của vùng đất Thanh Hà. Với hương vị ngọt thơm đặc trưng, loại quả này không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn xuất khẩu quốc tế.
Vải Thanh Hà có vỏ mỏng, màu hồng đỏ tươi, cùi dày, giòn, ngọt thanh, ít nước, hạt nhỏ hoặc lép, đặc biệt là loại vải thiều “u trứng”. Vải thường được ăn tươi để cảm nhận rõ vị ngọt thơm đặc trưng, ngoài ra cũng có thể được đem làm chè, sinh tố, kem, mứt hoặc sấy dẻo.
Vải thiều Thanh Hà có giá từ 60.000 - 100.000 đồng/kg.
Vải thiều Thanh Hà nổi tiếng vì hương vị ngọt thanh đặc trưng. Ảnh: Nguyễn Thúy
Theo Báo Lao động