Bà Rịa - Vũng Tàu - Điểm đến du lịch lý thú

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở khu vực miền Đông Nam Bộ, phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Nam giáp Biển Đông, với 305km chiều dài bờ biển. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 198.098km2; dân số 1.101.641 người (2017). 

Từ thành phố Hồ Chí Minh, du khách có thể tới thành phố Vũng Tàu qua cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hoặc quốc lộ 55, chỉ mất 1h30p. Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ôn hòa với nhiệt độ trung bình hằng năm 250 - 270C. Đây là điều kiện thuận lợi để Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa - lễ hội và MICE.

Biển Hồ Cốc, Vũng Tàu

Danh lam thắng cảnh

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng tiềm năng giàu có của biển, của rừng, những ngọn núi mọc lên từ biển khơi, những bãi cát trắng mịn viền quanh chói lòa ánh nắng, từ lâu Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là một trong những điểm du lịch trọng tâm của Việt Nam. Tới vùng đất này, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội thăm thú những danh lam thắng cảnh.

Bãi Sau (Bãi Thùy Vân)

Bãi Sau nằm ở phía Đông Nam thành phố Vũng Tàu, kéo dài khoảng 8km từ chân núi Nhỏ đến Cửa Lấp. Bãi Sau mang vẻ đẹp hài hòa màu sắc với màu trắng của những đồi cát trải dài nối tiếp, màu xanh của rừng phi lao cổ thụ, rừng dương ngút ngàn, hàng dừa rợp bóng, cùng với màu xanh trong vắt mát lành của biển. Thấp thoáng dưới rừng dương là dãy nhà nghỉ bằng gỗ được thiết kế theo kiểu nhà rông Tây Nguyên đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng tao nhã, thanh lịch, hòa hợp cùng cảnh đẹp xung quanh. Với không khí trong lành, cảnh đẹp hữu tình cùng nhiều dịch vụ thể thao, giải trí trên biển, bãi Sau sẽ mang đến cảm giác thoải mái cho du khách sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Bãi sau Vũng Tàu

Bãi Dứa (bãi Lãng Du)

Bãi Dứa nằm ở giữa bãi Trước và bãi Sau, sườn phía Tây núi Nhỏ, gần mũi Nghinh Phong. Đây là một trong những bãi biển đẹp và thu hút nhiều du khách đến Vũng Tàu. Bãi Dứa có diện tích khá nhỏ, nhưng là nơi rất thích hợp cho du khách muốn tìm không gian yên bình, êm đềm, thoáng đãng. Nơi đây, được che một phần bởi mũi Nghinh Phong, biển len sâu vào bờ tạo nên những ghềnh đá dài, những cuộn sóng nhẹ nhàng, kín đáo, tạo nên một nét duyên mang đến cho bãi biển, đôi khi lại quyến rũ bước chân du khách bởi mùi thơm của dứa nên vì thế mà có tên gọi là Lãng Du.

Bãi biển Long Hải

Bãi tắm Long Hải thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, cách thành phố Vũng Tàu 30km về hướng Đông Bắc. Bãi tắm chạy dài, uốn lượn phía Nam chân núi Kỳ Vân (núi Minh Đạm), với bãi biển sạch đẹp, nước xanh trong và được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất miền Nam sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ. Đến với Long Hải, du khách sẽ có được những giây phút thật sự thư giãn khi được bơi lội trong làn nước trong xanh, ấm áp, thả hồn theo tiếng sóng rì rào, hay nhâm nhi những ly cocktail mát lạnh, nằm trong những resort ngắm biển, thưởng thức những món hải sản nướng thơm ngon ngay trên bãi biển.

Bãi Trước (bãi Tầm Dương)

Bãi Trước nằm giữa núi Lớn và núi Nhỏ, là một vịnh nhỏ lặng sóng. Bãi Trước nằm ở phía Tây Nam của thành phố nên rất thích hợp để ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn trên biển. Dọc theo bờ biển là những hàng dừa mà trước đây thường được gọi là vịnh Hàng Dừa, phía bên dưới là khu công viên đầy hoa cũng là địa điểm đi dạo nghe tiếng sóng vỗ rì rào không kém thú vị. Đặc biệt khi về đêm, bãi Trước là nơi tập trung các hoạt động vui chơi giải trí của du khách, hầu như các con đường chính của Vũng Tàu đều đổ ra đây. Các quán xá rực rỡ đèn màu, đường phố nhộn nhịp đèn từ chập tối cho đến nửa đêm. Du khách sẽ có được những trải nghiệm thú vị khi được hòa mình vào cuộc sống, văn hóa của người dân miền biển Vũng Tàu.

Bãi Đầm Trầu

Bãi Đầm Trầu là một trong những bãi biển đẹp nhất thuộc huyện Côn Đảo, nằm cách thị trấn Côn Đảo khoảng 14km. Đến với bãi Đầm Trầu, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi khung cảnh nơi đây như chốn thiên đường với làn nước trong xanh, sóng biển nhẹ nhàng vỗ vào bờ, xa hơn là cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, dưới chân là những rạn san hô đầy màu sắc, trên cao từng đàn chim bay lượn. Bãi tắm Đầm Trầu còn rất hoang sơ, chắc chắn sẽ là điểm đến thú vị cho du khách khám phá và tham quan khi đến Côn Đảo.

Mũi Nghing Phong

Mũi Nghinh Phong là mũi đất vươn dài nhất ở phía Nam của bán đảo thành phố Vũng Tàu, nơi đây đón gió suốt bốn mùa. Mũi Nghinh Phong nổi bật bởi phong cảnh sơn thủy hữu tình độc đáo cùng không gian yên tĩnh. Mũi đất vươn dài ra biển tạo thành 2 vịnh lớn cùng 2 bãi tắm nổi tiếng là bãi Sau và bãi Dứa, nước biển ở đây rất sạch và trong, biển sâu hơn các bãi khác. Chẳng ồn ào như bãi Trước, chẳng dữ dội như bãi Sau, bãi tắm ở đây vẫn đủ để đi vào trái tim của du khách bởi sự nên thơ, kỳ bí.

Mũi Nghinh Phong nhìn từ trên cao

Vườn quốc gia Côn Đảo

Vườn quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha vùng nước. Vườn được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là một trong 2.203 khu đất ngập nước quan trọng quốc tế và là khu ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới. Đến đây, du khách được lặn ngắm san hô, tham quan các tuyến du lịch sinh thái của Trung tâm Vườn quốc gia Côn Đảo, tìm hiểu công tác bảo tồn đa dạng sinh học rừng, xem rùa đẻ trứng trong mùa sinh sản, tắm biển và khám phá các loại sinh vật biển.

Bãi biển Hồ Tràm

Hồ Tràm không ồn ào, náo nhiệt, đông đúc như các bãi biển khác. Bãi biển ở đây dài và đẹp, nước biển trong xanh, cát trắng và đặc biệt hải sản khá rẻ. Khoảng cách từ thành phố biển Vũng Tàu đến Hồ Tràm khoảng 30km. Đến với Hồ Tràm, du khách có thể thong dong đi lại dọc bãi biển dài và thưởng thức những đặc sản biển tươi ngon ở đây như: mực tươi nướng, cá đục nướng hay lẩu cá bớp. Bạn có thể lựa chọn Hồ Tràm là địa điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho những chuyến du lịch cuối tuần cùng gia đình.

Suối khoáng nóng Bình Châu

Suối khoáng nóng Bình Châu nằm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 140km và cách tỉnh Bình Thuận 80km. Đây là điểm du lịch được thiên nhiên vô cùng ưu ái khi nằm giữa rừng nguyên sinh xanh bạt ngàn, không gian thoáng mát và dòng nước nóng trào dâng từ lòng đất, có hơn 70 điểm phun nước lộ thiên có hàm lượng khoáng cao, nhiệt độ từ 370 đến 820 C tùy khu vực, ngâm mình trong hồ nước ấm tự nhiên giúp du khách thư giãn cơ thể, cân bằng tinh thần. Du khách còn được trải nghiệm dịch vụ tắm bùn khoáng tự nhiên với độ sệt vừa phải giúp dưỡng da, thải độc tố, thanh lọc cơ thể và tuần hoàn máu tốt nhất. Tại khu du lịch có cung cấp thêm các dịch vụ xông hơi, xoa bóp, tắm thuốc bắc, luộc trứng gà dưới giếng trời với nhiệt độ nước khoảng 820C, câu cá nước ngọt và các khu vui chơi cho trẻ em... Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) bình chọn suối khoáng nóng Bình Châu là một trong 65 khu du lịch sinh thái bền vững của 47 quốc gia trên toàn cầu.

Khu du lịch Hồ Mây - Cáp treo Vũng Tàu

Khu du lịch Hồ Mây nằm trên đỉnh núi Lớn của thành phố Vũng Tàu, tự hào là khu du lịch hiếm hoi trong cả nước khai thác được cả hai loại hình du lịch núi và du lịch biển. Nằm trên độ cao 250m, KDL Hồ Mây được mệnh danh là “Đà Lạt giữa Vũng Tàu”, với khuôn viên rộng 50ha, không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 220C - 250C, được điều hòa bởi 400ha rừng tự nhiên. Với những đặc điểm riêng biệt và độc đáo đó, Khu du lịch Hồ Mây được ví như một viên ngọc lấp lánh trên đỉnh núi, mang ý nghĩa phong thủy là biểu trưng cho sự an lành thịnh vượng.

Di tích Lịch sử - Văn hóa

Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ sở hữu những bãi biển đẹp mà còn có một nền văn hóa đặc sắc với những di tích lịch sử hào hùng, những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, những làng nghề truyền thống bình dị... Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 44 khu di tích lịch sử được công nhận và xếp hạng. Trong đó, có 30 di tích cấp quốc gia và 14 di tích cấp tỉnh là minh chứng lịch sử về cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc. Ngày nay, những địa danh ấy đang trở thành những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt là khách quốc tế.

Hệ thống nhà tù Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất và lâu đời nhất ở Việt Nam. Nơi đây còn được biết đến là “Địa ngục trần gian” với một hệ thống nhà tù kiên cố như: chuồng cọp, chuồng bò, trại Phú Hải, cầu Ma Thiên Lãnh, sở Lò Vôi, sở Muối. Trong suốt 113 năm tồn tại (1862 - 1975), hệ thống nhà tù Côn Đảo đã giam cầm, đày đọa hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam. Nhà tù Côn Đảo cũng được ví như “trường đại học” lớn nhất của những người cộng sản đào tạo về ý chí ngoan cường, sức chịu đựng bền bỉ và tinh thần đoàn kết. Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng vượt trên mọi thời đại, là điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà cả nhiều du khách nước ngoài. Du khách đến đây để tìm về cội nguồn, nhớ về truyền thống cách mạng, mãi mãi biết ơn những hy sinh xương máu của thế hệ cha anh trong thời kỳ dân tộc bị xiềng xích.

Nghĩa trang Hàng Dương

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, du khách đến được Côn Đảo ai cũng muốn một lần đến viếng nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng nghìn chiến sĩ yêu nước đã ngã xuống trên mảnh đất này để thắp một nén tâm hương tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc. Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2, theo số liệu ước định có hơn 2 vạn tù nhân yêu nước yên nghỉ tại đây. Nghĩa trang Hàng Dương có 4 khu mộ: Khu A có mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh; Khu B có mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Võ Thị Sáu, Lê Chí Hiếu; Khu C có mộ Anh hùng liệt sỹ Lê Văn Việt; Khu D là nơi quy tập các phần mộ từ Nghĩa trang Hàng Keo, Hòn Cau…. Ngày nay, nhằm tưởng nhớ các thế hệ cha anh đã ngã xuống tại nhà tù Côn Đảo, một một hệ thống các công trình mỹ thuật có tính khái quát cao đã được xây dựng như: khu hành lễ với tượng đài chính và phù điêu lịch sử Côn Đảo, khu vườn đá với phù điêu Bất khuất, tượng Thủy Chung và tượng Hy vọng.

Nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng nghìn chiến sỹ yêu nước

Công viên tượng đài, nhà lưu niệm anh hùng Võ Thị Sáu

Công viên tượng đài, nhà lưu niệm anh hùng Võ Thị Sáu tọa lạc tại trung tâm huyện Đất Đỏ, nằm giữa trục đường quan trọng quốc lộ 55 và tỉnh lộ 51, nối hai huyện Long Điền và Xuyên Mộc, được khởi công từ năm 1982 đến năm 1985 mới chính thức hoàn thành. Trước năm 1975 nơi đây là chi khu cảnh sát của chế độ cũ do chính quyền lập nên là địa điểm làm việc cũng như là nơi để bắt bớ và tra tấn các lực lượng cách mạng. Sau năm 1975, Huyện uỷ, UBND huyện Long Đất đã chọn nơi đây làm nơi làm việc của Phòng C ông an huyện Long Đất. Đến năm 1985 để tưởng nhớ công ơn người con gái anh hùng của quê hương Đất Đỏ cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, quân và dân huyện Đất Đỏ đã cải tạo thành công viên và đặt tượng đài anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu vào trung tâm khu vực công viên (lúc này tượng đài được làm bằng thạch cao) và được đặt tên là Công viên tượng đài anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu. Đến năm 1986, quân và dân của huyện mới cho dựng tượng đài bằng đồng thay thế cho tượng thạch cao do nhà điêu khắc Trần Thanh Thanh và các thợ đúc có tiếng ở Bình Dương thực hiện. Tượng đài cao 6m đặt trên bệ bê tông cao 2m nằm tại trung tâm khu công viên Võ Thị Sáu. Công viên tượng đài, nhà lưu niệm anh hùng Võ Thị Sáu được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 17/3/1995.

Hòn Bà

Hòn Bà là một đảo nhỏ còn có tên là hòn Ba Viên Đạn hay hòn Archinard. Theo đường Hạ Long vòng núi Nhỏ, từ bãi Trước, qua bãi Dứa đến mũi Nghinh Phong nhìn ra biển, du khách thấy đảo Hòn Bà nằm lẻ loi giữa biển, dưới chân đảo sóng vỗ bọt trắng xóa rất thơ mộng. Vào những ngày thủy triều xuống sẽ để lộ ra một con đường bằng đá ghồ ghề, du khách có thể ra thăm miếu bằng con đường này. Từ chân đảo lên đến miếu có một con đường quanh co, uốn lượn, được xây bậc tam cấp chắc chắn. Cả hòn đảo được bao phủ bởi màu xanh của cây dừa, cây dương, cau và hoa sứ...

Căn cứ Minh Đạm

Minh Đạm là khu căn cứ quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Long Khánh thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là nơi dừng chân của các lực lượng cách mạng, nơi cơ quan thường vụ huyện Long Đất hoạt động để lãnh đạo phong trào kháng chiến của nhân dân địa phương trong suốt các thời kỳ cách mạng. Căn cứ Minh Ðạm hôm nay đã trở thành điểm du lịch khá lý tưởng với nhiều loại hình du lịch: leo núi, dã ngoại sinh thái và đặc biệt là nơi tìm hiểu lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên... Năm 1993, nơi đây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu căn cứ cách mạng Minh Đạm

Trận địa pháo cổ

Được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1993, trận địa pháo cổ do người Pháp khởi công năm 1885 và kéo dài trong vòng 15 năm mới hoàn thành, nhằm tạo hành lang an toàn tuyệt đối cho cửa ngõ vùng Đông Nam Bộ. Trận địa pháo núi Nhỏ có chức năng là chốt tiền tiêu và được bố trí thành ba cụm theo thế vòng cung bao quát cả vùng Biển Đông và Nam Vũng Tàu. Trận địa pháo cổ Vũng Tàu là bộ sưu tập vũ khí cổ lớn nhất Đông Dương là một chứng tích lịch sử về sức mạnh phi thường của nhân dân ta.

Căn cứ cách mạng Núi Dinh

Núi Dinh nằm kề quốc lộ 51 thuộc địa phận thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ. Núi Dinh chạy hình vòng cánh cung theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, đỉnh cao nhất là núi Ông Trịnh (504m), phần còn lại thoải dần về hai phía. Nơi đây là cơ sở cách mạng an toàn che chở cho các đơn vị trực thuộc chiến trường Đông Nam Bộ. Căn cứ núi Dinh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 16/12/1993. Trong hai cuộc kháng chiến, núi Dinh là cơ sở an toàn che chở cho các đơn vị thuộc chiến trường Đông Nam Bộ với những địa danh: hang Dây Bí, hang Tổ, hang Mai, chùa Diệu Linh, bưng Lùng, hang Dơi… mỗi lần nhắc đến đều làm nhiều thế hệ bồi hồi xúc động.

Dinh Cô

Dinh Cô tọa lạc tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền. Ban đầu, dinh Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ, được lập ra vào cuối thế kỷ 18 để thờ một cô gái trẻ tên là Lê Thị Hồng (tục là Thị Cách). Tương truyền, Cô là người ở Tam Quan (Bình Định) trên đường đi ra biển thì bị lâm nạn và xác trôi dạt vào hòn Hang (gần khu di tích dinh Cô bây giờ). Lúc ấy, Cô chỉ vừa sang tuổi 16. Thương tiếc cho cô gái trẻ người dân địa phương lúc bấy giờ đã đem xác Cô vào chôn cất trên đồi Cô Sơn (nơi này ngày nay là mộ Cô, cách Dinh Cô khoảng 1km). Từ đó, Cô luôn hiển linh mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh, độ trì bá tánh, phù trợ ngư dân… nên dân trong vùng tôn xưng Cô là “Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần”. Đây là một di tích in đậm bản sắc dân tộc Việt. Dinh Cô được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 65/QĐ-BT ngày 16/1/1995.

Hải Đăng Vũng Tàu

Nằm ở độ cao 170m so với mặt biển, hải đăng Vũng Tàu là ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Ngọn hải đăng này được xem như biểu tượng của thành phố, có ngọn tháp tròn, được sơn trắng tinh tế nổi bật trên nền trời xanh, giữa những tán cây bao quanh. Lên đến đỉnh tháp, bạn có thể thu vào tầm mắt cả thành phố Vũng Tàu ẩn hiện trong sương. Ở ngay phía dưới, cả rừng hoa sứ rực sáng làm nổi bật bật nét kiên cố, vững chãi của toàn bộ cụm tháp.

Bên cạnh đó, Vũng Tàu còn nhiều di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh khác gắn liền với cuộc sống cộng đồng của cư dân cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng như: An Sơn miếu, chùa cổ Long Bàn, dinh Bà Cố, chùa Thiên Bửu Tháp, Thích ca Phật đài, Niết bàn tịnh xá, Linh Sơn cổ tự, tổ đình Thiên Thai, địa đạo Kim Long, Cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh, bảo tàng vũ khí cổ, Di tích lịch sử - văn hóa Bàu Thành, khu căn cứ cách mạng núi Dinh, tượng đài chiến thắng Bình Giã…

Độc đáo ngọn hải đăng Vũng Tàu

Lễ hội Bà Rịa - Vũng Tàu

Không chỉ có bãi biển dài và nhiều thắng cảnh thiên nhiên, với bề dày lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, Bà Rịa - Vũng Tàu còn lưu giữ nhiều lễ hội đặc sắc thu hút rất đông du khách về tham quan, chiêm bái hàng năm. Lễ hội truyền thống ở Bà Rịa - Vũng Tàu là sự giao thoa màu sắc văn hóa truyền thống của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng nơi đây.

Lễ hội Nghinh Ông và Lễ hội Miếu Bà Ngũ hành: ngày 16 - 18/8 (âm lịch) tại Đình Thần Thắng Tam, 79 Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu.

Lễ hội Trùng Cửu: ngày 8 - 9/9 (âm lịch) tại Nhà Lớn, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.

Lễ hội Dinh Cô: ngày 10 - 12/2 (âm lịch) tại Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo: ngày 20/8 (âm lịch) tại đền Đức Thánh Trần, 68 Hạ Long, phường 1, thành phố Vũng Tàu

Lễ giỗ ông Trần: Ngày 20/2 (âm lịch) tại đền Ông Trần, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lễ giỗ Bà Phi Yến: ngày 18/10 (âm lịch) tại khu Di tích An Sơn Miếu, đường Hoàng Phi Yến, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Độc đáo lễ hội Dinh Cô, Vũng Tàu

Làng nghề truyền thống

Không chỉ được biết đến với thành phố Vũng Tàu sôi động, sầm uất với nhiều khu vui chơi, giải trí, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có một diện mạo khác dung dị, truyền thống và trầm mặc. Đó là những ngôi làng nghề xưa vẫn còn được duy trì và phát triển đến ngày nay.

Làng bánh tráng An Ngãi

Làng nghề làm bánh tráng An Ngãi thuộc xã An Ngãi, huyện Long Điền. Đây là làng nghề làm bánh tráng truyền thống lâu đời với hơn 100 năm tuổi và được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013 tại đây, các hộ được tập trung lại thành một làng nghề để sản xuất có hiệu quả hơn và để du khách đến tham quan dễ dàng hơn.

Làng nấu rượu Hòa Long

Nghề nấu rượu tại xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa có từ những năm 60 của thế kỷ trước, ban đầu chỉ vài hộ, lâu dần được phát triển, lưu giữ qua nhiều thế hệ với những bí quyết rất riêng và trở thành nghề đặc trưng của xã. Theo những người dân sống lâu năm tại mảnh đất này, rượu Hòa Long thơm ngon vì ngoài nguyên liệu tốt, người dân Hòa Long còn có bí quyết chọn nguyên liệu, làm men, ủ cơm, chưng cất, hệ thống lọc tạp chất… Chính các bí quyết đó không những làm cho rượu Hòa Long thơm ngon mà còn có chất lượng ổn định. Đến thăm làng nấu rượu Hòa Long chắc chắn là một trải nghiệm tuyệt vời với những vị khách yêu thích tìm hiểu những giá trị truyền thống.

Làng bún Long Kiên

Làng bún Long Kiên thuộc P. Long Tâm, TP. Bà Rịa. Xuất xứ của bún Long Kiên lại có nguồn gốc từ miền Bắc, được người dân thành phố Hải Phòng khi di cư vào miền trong mang đến làng. Theo những người có tuổi trong làng kể lại thì những ngày đầu chỉ có 5 hộ gia đình làm bún tại làng Long Kiên, nhưng đến nay nghề làm bún đã trở thành một trong những ngành nghề chính mang lại thu nhập ổn định, là nét văn hóa được bảo tồn tại làng và là một địa điểm du lịch hấp dẫn tại Vũng Tàu. Bí quyết chính để làm ra bún ngon tại làng Long Kiên là phải dùng gạo nàng sậu, gạo sơ ri do dân làng tự tay trồng cấy trong 6 tháng, gạo có màu trắng xanh hạt nhỏ nhắn, dài hơn các loại gạo khác và đặc biệt là khi nấu rất nhanh chín. Ngoài ra, ưu thế về nguồn nước trong, sạch mát tại làng cũng là một phần khá quan trọng để làm nên sự thơm ngon, dẻo của sợi bún.

Ẩm thực

Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút du khách không chỉ bởi cảnh quan hấp dẫn mà còn bởi nét văn hóa ẩm thực đặc sắc. Các món ăn của vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu không sang trọng, chẳng cầu kỳ nhưng lại hấp dẫn du khách nhờ hương vị quê hương rất riêng và để lại trong lòng mỗi du khách những ấn tượng khó phai.

Lẩu súng (canh chua tương me)

Đây là món ăn dân dã nấu theo cách riêng đặc trưng của vùng biển, có vị đậm đà và rất độc đáo với mùi thơm đặc trưng. Lẩu được ăn kèm với bún tươi và các loại rau như: kèo nèo, rau đắng, cần nước, bắp chuối, rau muống…. Nồi lẩu nóng hổi mùi thơm của sả và tương quyện với vị ngọt đậm của cá biển đã làm xiêu lòng bao thực khách.

Bánh khọt

Đây là món ăn dân dã nhưng lại khá nổi tiếng mang một hương vị rất riêng của xứ biển Vũng Tàu. Bánh khọt Vũng Tàu đã đạt kỷ lục “Giá trị ẩm thực châu Á”. Chiếc bánh thơm lừng nóng hổi, lớp vỏ bánh ngoài là bột gạo giòn, nhân tôm tươi, trên mặt bánh là lớp tôm khô chà nhuyễn tạo nên nét đặc sắc riêng có nước chấm là nước mắm pha chua ngọt được ăn kèm với đu đủ, cà rốt, ngó sen xắt sợi ngâm chua cùng với xà lách, cải xanh và các loại rau thơm... làm cho món ăn thêm đậm đà hương vị.

Bánh xèo

Đây là món ăn quen thuộc đã đi vào tiềm thức của người dân vùng Nam Bộ và trở thành món đặc sản không thể thiếu trong các chuyến du lịch của du khách. Bánh xèo Vũng Tàu mang một hương vị đặc trưng đậm đà của biển mà không thể nhầm lẫn với nơi nào khác. Bánh được làm từ bột gạo, vàng ươm bởi có trứng và bột nghệ, thơm lừng và giòn tan cùng với nhân tôm thịt ngọt vị tươi mới, đặc biệt không thể bỏ qua nước chấm tạo nên hương vị đậm đà khó cưỡng của món ăn này.

Bánh xèo Vũng Tàu

Gỏi cá mai

Đây là món ăn rất ngon đã có từ lâu của người dân vùng biển, được chế biến từ cá mai tươi đánh bắt ở vùng biển Vũng Tàu. Cá được rút xương ướp giấm, chanh, tỏi, ớt để làm chín, trộn với thính (gạo rang xay nhuyễn) cho thơm. Yếu tố quyết định vị ngon của món gỏi cá mai là nước chấm “không đụng hàng”. Gỏi cá mai ăn kèm với rau thơm, khế chua, chuối chát, cuốn bánh tráng.

Bánh hỏi An Nhứt

Bánh hỏi An Nhứt là món đặc sản, truyền thống nổi tiếng của vùng đất Long Điền. Từ hạt gạo qua bàn tay khéo léo của người dân địa phương trải qua nhiều công đoạn rất cầu kỳ mới tạo nên những miếng bánh hỏi trắng, thơm, dẻo. Người ta cho lên mặt bánh lớp mỡ hành thơm phức, dùng bánh tráng cuốn với thịt nướng, chả giò và các loại rau thơm, dưa leo cùng nhiều loại đồ chua. Nét đặc biệt của món ăn là nước chấm pha chua ngọt có dầm xíu mại.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam