Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Đông giáp Đồng Nai, phía Tây giáp Tây Ninh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước. Bình Dương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Du lịch. Với vị trí địa lý thuận lợi chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km, trên địa bàn tỉnh có các trục quốc lộ giao thông huyết mạch như quốc lộ 1, quốc lộ 13 có thể dễ dàng liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước. Đến Bình Dương, du khách có cơ hội khám phá những công trình kiến trúc, di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên độc đáo của người dân vùng đất trù phú này.
Thành phố Bình Dương đang từng ngày khởi sắc
Danh lam thắng cảnh
Bình Dương là địa phương có tiềm năng du lịch tương đối đa dạng với hệ thống miệt vườn Lái Thiêu đã có thương hiệu từ nhiều năm qua; có hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn với những cù lao nổi trên sông; có núi Châu Thới, núi Cậu mang đậm tính huyền thoại… Đây là những điều kiện thuận lợi để Bình Dương phát triển những loại hình du lịch đầy hấp dẫn, đặc biệt là du lịch sinh thái.
Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng - suối Trúc
Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng - suối Trúc tọa lạc tại ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Đây là cụm di tích danh thắng đẹp của tỉnh Bình Dương được kết hợp bởi sông - nước - núi - đồi tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, một địa thế tiền thủy hậu sơn, đang là điểm đến lý thú và hấp dẫn du khách trong hành trình du ngoạn về nguồn, về với thiên nhiên hoang sơ tĩnh lặng.
Quần thể núi Cậu với tổng diện tích hơn 1.600ha, gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ có dạng hình chữ U. Ngọn núi cao nhất là núi Cửa Ông cao 295m, núi Ông cao 285m, núi Tha La cao 198m và núi thấp nhất là núi Chúa cao 63m. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài nằm chếch về hướng Bắc - Đông Bắc và Nam - Tây Nam. Núi Cậu mang vẻ đẹp thiên nhiên trù phú với nhiều loại gỗ quý như: gõ, căm xe, giáng hương, bằng lăng… là nơi sinh sống của nhiều loài động vật như: nai, mễn, heo rừng…
Hồ Dầu Tiếng là một công trình thủy lợi lớn với diện tích rộng trên 27.000ha chứa 1,5 tỷ mét khối nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là một hồ nước trong xanh, mặt hồ phẳng lặng, xung quanh hồ là những thảm cỏ xanh mượt, điểm xuyết những đóa hoa khoe sắc tỏa hương. Từ trên núi Cậu nhìn xuống quang cảnh hồ đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc, sơn thủy hữu tình. Khu vực núi Cậu còn có suối Trúc uốn lượn theo những triền đá, dòng nước trong xanh chảy róc rách hòa với tiếng chim hót líu lo, tiếng lá rừng xào xạc, tạo thành một âm thanh du dương, ngân nga giữa núi rừng làm cho tâm hồn du khách trở nên thư thái, bình an đến lạ thường.
Bình yên hồ Dầu Tiếng
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu từ xưa đến nay nổi tiếng là vùng sinh thái nông nghiệp đặc sắc của Bình Dương và của cả vùng Đông Nam Bộ, đã từng được xem là “thánh địa” của các loại cây lành trái ngọt. Hằng năm, bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 5 âm lịch (Tết Đoan ngọ), đông đảo du khách về Lái Thiêu để trải nghiệm, tận hưởng bầu không khí trong lành tại những vườn cây xanh mát, đầy quả ngọt trĩu cành. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu trải rộng 1.200ha trên địa bàn 6 xã, phường ven sông Sài Gòn như Vĩnh phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn. Đây là vùng trồng cây ăn trái lâu đời với nhiều chủng loại trái cây đặc sản nổi tiếng và được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam Bộ như: sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, đặc biệt là măng cụt.
Trung tâm bảo tồn sinh thái Phú An
Trung tâm bảo tồn sinh thái Phú An (Làng tre Phú An) được hình thành từ năm 1999 trên ý tưởng khoa học của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh với sự hợp tác giữa 4 đơn vị: vùng Rhône Alpes (Pháp), Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh. Làng tre gồm có 2 khu vực: Khu bảo tàng trồng 200 mẫu tre được thu thập từ nhiều vùng khác nhau từ Bắc đến Nam và khu nghiên cứu. Du khách đến đây có thể thấy được sự đa dạng và phong phú của các giống tre, tìm hiểu cách thức trồng tre, xem và mua các sản phẩm được làm từ tre. Đây còn là khu vực dành cho sinh viên và các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tre, cách thức nuôi trồng, gây giống tre; chiêm ngưỡng các sản phẩm thú vị làm từ tre thông qua hình ảnh và phim tài liệu.
Trung tâm bảo tồn sinh thái Phú An
Khu du lịch văn hóa, thể thao Đại Nam
Khu du lịch văn hóa thể thao Đại Nam tọa lạc tại phường Hiệp An thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Với tổng diện tích giai đoạn 1 là 261ha, giai đoạn 2 là 450ha, Đại Nam có đủ cả biển, hồ, sông, núi và tường thành, với dụng ý làm toát lên vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là đền thờ Đại Nam Quốc tự và dãy núi Bảo Sơn. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều hạng mục quan trọng khác rộng 30ha thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên cũng như phản ánh những thành tựu nổi bật của 63 tỉnh, thành trong cả nước và những hình ảnh giới thiệu về 54 dân tộc Việt Nam. Có thể kể đến một số kỳ quan tiêu biểu của khu du lịch như: cổng Thanh Vân, kim điện, khu trò chơi, vườn thú Đại Nam, dãy núi Bảo Sơn và biển Đại Nam. Hằng năm, khu du lịch đón trên 2 triệu lượt khách đến tham quan, chiếm 50% tổng lượt khách đến Bình Dương. Trường đua Đại Nam là công trình trọng điểm của Khu du lịch văn hóa, thể thao Đại Nam với tổng diện tích 60ha. Đây được coi là công trình thể thao tốc độ phức hợp đầu tiên tại Việt Nam với sự kết hợp của 5 loại hình đua: ngựa, chó, mô tô, go - kart, jet - ski và biểu diễn fly - board. Bao quanh khu vực đường đua là khán đài lắp ghép có sức chứa hơn 18.000 chỗ ngồi cùng 2 màn hình LED hiện đại, giàn đèn công suất cao đảm bảo phục vụ khán giả các ngày cuối tuần. Bên cạnh đó, hệ thống camera tiêu chuẩn 4K sẽ phục vụ công tác truyền hình trực tiếp đến đông đảo quần chúng nhân dân. Bên cạnh các địa điểm du lịch tiêu biểu Bình Dương còn có một số điểm du lịch văn hóa, thể thao phục vụ nghỉ dưỡng cuối tuần và vui chơi giải trí như: Phương Nam Resort, Du lịch xanh Dìn ký, Công viên văn hóa nghỉ dưỡng Mắt Xanh, Du lịch sinh thái Hồ Nam, Du lịch Thủy Châu, Du lịch Đọt Chăm Pa; An Lâm Sài Gòn River; Sài Gòn Park Resort; khu vui chơi thể thao cao cấp (sân golf Sông Bé, sân golf Phú Mỹ, sân golf Mê Kông, Câu lạc bộ sân golf và Khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp).
Khu Du lịch Đại Nam
Di tích lịch sử - văn hóa
Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa của Bình Dương khá đa dạng bao gồm các di tích khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng, di tích kiến trúc tôn giáo, các công trình kiến trúc nhà cổ. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 56 di tích được công nhận, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh. Đây là một lợi thế không nhỏ để tỉnh phát triển các tour văn hóa - về nguồn.
Nhà cổ ông Trần Văn Hổ
Đi dọc ven bờ sông Sài Gòn thơ mộng gần khu vực chợ Thủ Dầu Một, du khách sẽ gặp một công trình kiến trúc nhà cổ trang nghiêm theo lối chữ Đinh mang đậm chất Nam Bộ, đó là nhà cổ ông Trần Văn Hổ, đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 7/1/1993. Ông Trần Văn Hổ (Tự Đẩu) nguyên là Đốc Phủ sứ thời Pháp thuộc. Nhà của ông được xây dựng vào năm Canh Dần (năm 1890), trên diện tích 1.296m2. Điểm nổi bật của ngôi nhà là chất liệu bên trong làm hoàn toàn bằng gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, gõ, sến, mật… được bố trí tương xứng trên từng chi tiết, tạo nên sự bề thế trang nghiêm, thể hiện phong cách vương quyền.
Nhà cổ ông Trần Văn Hổ
Di tích cấp quốc gia Nhà tù Phú Lợi
Di tích nhà tù Phú Lợi tọa lạc tại phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tổng diện tích hiện nay là 77.082m2, đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia ngày 10/7/1980. Nhà tù Phú Lợi là một trong những nhà tù lớn của Mỹ - Diệm ở miền Nam được dựng lên năm 1957 để giam cầm và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ. Nhà tù Phú Lợi trở thành một bằng chứng về tội ác của Mỹ - Ngụy tại miền Nam Việt Nam. Đồng thời đây cũng là nơi biểu tượng cho lòng dũng cảm của cán bộ đảng viên, các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong nhà tù vì độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc cho quê hương đất nước. Hằng năm, di tích tiếp đón hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Chùa Hội Khánh
Được xây dựng vào năm 1741 ở vị trí dưới chân đồi thơ mộng rợp bóng mát của hàng dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi, chùa Hội Khánh được xem là ngôi chùa cổ có giá trị văn hóa, kiến trúc vào bậc nhất của vùng đất Nam Bộ. Đây là một công trình kiến trúc gỗ lớn nhất tỉnh, nơi lưu giữ nhiều cổ vật hàng mấy trăm năm có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, mỹ thuật. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ bộ tượng gỗ mít sơn son thếp vàng Thập Bát La Hán, Thập Điện Minh Vương, hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị Bồ Tát với nhiều dáng vẻ khác nhau, tạo nên một công trình kiến trúc tuyệt mỹ.
Hiện nay, đối diện chùa Hội Khánh, Thượng tọa Thích Huệ Thông đã tổ chức xây dựng một công trình Phật học, thư viện với quy mô lớn trên khu đất rộng 13.82m2 vừa làm nơi chiêm bái cho đồng bào, phật tử, vừa là trường Phật học, nơi đào tạo thế hệ kế thừa Phật pháp. Đồng thời, đây cũng là trung tâm văn hóa Phật giáo của tỉnh. Đặc biệt, chùa còn có đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 22m, dài 52m (thể hiện cho Ngũ thập nhị vị, ngũ thập nhị chúng, ngũ thập nhị chúng cúng vật). Tháng 5/2013, Tổ chức kỷ lục châu Á đã chính thức xác lập tượng Phật nằm tại chùa Hội Khánh là: “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á”. Công trình Phật tượng này sẽ góp phần vào nền kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng tâm linh cho dân tộc Việt Nam trong giai đoạn phát triển Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Bình Dương nói riêng
Chùa Hội Khánh - Ngôi chùa cổ nhất vùng Đông Nam Bộ
Chùa núi Châu Thới
Tọa lạc tại phường Bình An, thị xã Dĩ An, chùa núi Châu Thới là Di tích danh thắng cấp quốc gia được công nhận ngày 21/4/1989. Di tích danh thắng núi Châu Thới cao 82m, rộng 25ha nằm trong vùng đồng bằng gần khu dân cư của các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, vị trí thuận tiện cho việc tham quan du lịch vì gần các thắng cảnh, khu vui chơi giải trí như chùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ, núi Bửu Long. Chùa được xây dựng với nét kiến trúc tinh xảo và hoành tráng bao gồm: chánh điện, nhà tổ, điện Thiên thủ Thiên nhãn, miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu và Ngũ Hành Nương Nương… Điểm nổi bật trong lối kiến trúc của chùa là sử dụng các mảnh gốm sứ để trang trí, tạo hình rồng phượng, đắp các bức tranh mô tả sự tích của nhà Phật rất công phu và đẹp lộng lẫy… Không chỉ sở hữu nét kiến trúc tinh xảo, chùa núi Châu Thới còn là nơi có phong cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình, xung quanh được bao bọc bởi rừng cây cổ thụ và dòng nước trong xanh nên rất tĩnh lặng. Đến tham quan chùa, bước đi trên 220 bậc thềm phủ rêu phong du khách sẽ cảm nhận được sự bình yên, thanh thoát, tịnh không của cõi Phật trong một không gian bao la, thoáng đãng và thơ mộng như chốn bồng lai tiên cảnh. Ngày nay, đến với Bình Dương, ngoài tham quan các khu vui chơi, giải trí hiện đại, du khách còn dành thời gian để thưởng lãm những công trình kiến trúc cổ mang giá trị kiến trúc lịch sử văn hóa đặc biệt trên vùng đất này.
Làng nghề truyền thống
Bình Dương còn được biết đến như cái nôi của làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nam Bộ với 9 làng nghề truyền thống như: gốm sứ, sơn mài, chạm trổ điêu khắc, làm heo đất, sản xuất tăm nhang, mây tre đan, làm bánh tráng, mộc gia dụng, sản xuất guốc - cối - chày - thớt. Trong đó, nghề sơn mài đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp
Xuôi theo quốc lộ 13 về hướng Bắc, qua trạm thu phí Suối Giữa rẽ trái vào đường Hồ Văn Cống, du khách sẽ đến với làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Càng đi sâu vào trong làng, du khách sẽ gặp nhiều cửa hàng bày bán đủ mặt hàng được làm từ sơn mài. Từ những sản phẩm lớn như tủ, giường, bàn ghế, đến những sản phẩm nhỏ hơn như tranh ảnh, bình hoa, hộp đựng đồ trang sức… Qua bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, các sản phẩm ấy trở nên giá trị với những đường nét tinh xảo, nhẹ nhàng. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp nhiều thế kỷ nay vẫn là niềm tự hào của người dân địa phương, được xem là chiếc nôi của nghề sơn mài trên đất Bình Dương và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là “Làng nghề truyền thống”. Đến thăm làng sản xuất sản phẩm sơn mài, du khách được tận mắt nhìn thấy và tìm hiểu từng công đoạn của nghề truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam, tìm mua cho mình những sản phẩm ưng ý làm quà cho gia đình, bạn bè sau mỗi chuyến đi xa.
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp
Làng nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ Thủ Dầu Một
Đây là một nghề có truyền thống lâu đời, với hơn 200 năm tồn tại và được các thế hệ nghệ nhân truyền cho con cháu đến ngày nay. Đất Thủ Dầu Một từng được coi là cái nôi của nghề mộc gia dụng Nam Bộ do nơi đây có nhiều rừng và nhiều gỗ quý. Đây cũng là miền đất sản sinh ra những nghệ nhân, thợ chạm khắc gỗ tài hoa. Hiện nay, tại phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một vẫn còn tồn tại làng điêu khắc gỗ Phú Thọ và làng guốc Phú Văn. Đồ gỗ gia dụng của vùng đất Thủ từ lâu đã nổi tiếng gần xa do kiểu dáng đẹp, chất liệu tốt. Thợ chạm trổ Bình Dương biết chạm trổ, khắc họa các hoa văn, mô típ trang trí thanh cao như: tùng, bách, trúc, mai, các loại hoa cúc, mẫu đơn... Với đôi bàn tay khéo léo tài hoa cùng với óc sáng tạo và kinh nghiệm về kỹ thuật chạm, khảm xà cừ trên các tủ thờ, ghế dựa, trường kỷ, hương án... cũng như các loại hoành phi, câu đối, các nghệ nhân nghề điêu khắc gỗ ở Bình Dương đã tạo nên các sản phẩm phù hợp thị hiếu thẩm mỹ của cư dân trong vùng rồi lan tỏa ra toàn quốc, hình thành một bộ môn nghệ thuật độc đáo của vùng đất Bình Dương.
Làng nghề gốm Lái Thiêu
Không chỉ nổi tiếng với những vườn trái cây, Lái Thiêu còn được biết đến với sản phẩm gốm Lái Thiêu đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục, nội dung trang trí vừa đậm chất hội họa vừa mang tính dân gian. Vừa đẹp lại vừa mang tính ứng dụng, gốm Lái Thiêu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong suốt hàng chục năm. Không chỉ được ưa chuộng trong nước, gốm Lái Thiêu được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khá nhiều. Ngày nay khi đến thăm Bình Dương, làng gốm Lái Thiêu là một địa điểm thú vị không thể bỏ qua.
Độc đáo làng nghề gốm Lái Thiêu
Lễ hội Bình Dương
Tuy không nhiều lễ hội như những nơi khác, nhưng Bình Dương có nét văn hóa lễ hội rất đặc trưng như: Lễ hội chùa ông Bổn, Lễ hội Kỳ Yên tại các đình thần, Lễ hội đua thuyền truyền thống... tiêu biểu nhất là Lễ hội chùa Bà hằng năm vào ngày rằm tháng giêng âm lịch tại miếu bà Thiên Hậu.
Lễ hội chùa bà Thiên Hậu
Chùa Bà hiện nay tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du và tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một (khu thành phố mới Bình Dương). Chùa do 4 ban người Hoa tạo lập để thờ vị nữ thần hiệu là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Hằng năm, chùa bà Thiên Hậu tổ chức L ễ hội rước kiệu Bà vào ngày rằm tháng giêng âm lịch, đây được xem là lễ hội lớn nhất ở Bình Dương, thu hút hàng triệu lượt khách trong tỉnh và từ các tỉnh, thành lân cận đến hành hương. Ngôi chùa được trang hoàng cờ và đèn lồng từ cửa tam quan vào đến điện thờ. Mười hai chiếc lồng đèn lớn trang trí đẹp mắt tượng trưng cho 12 tháng trong năm treo thành một hàng dài trước sân chùa, tạo quan cảnh ngày hội thêm lộng lẫy. Ngày 15, lễ rước kiệu Bà được tổ chức theo lối cổ truyền: kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một cùng đội múa lân, mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới.
Lễ hội chùa bà Thiên Hậu
Lễ hội Kỳ Yên
Bình Dương có nhiều ngôi đình cổ, có kiến trúc độc đáo như đình Phú Long, Tân Thới, Bình Nhâm, Bình Hòa, Dĩ An; đặc biệt, đình Tân An được chọn làm bối cảnh để quay phim, chụp ảnh bởi mang nét cổ xưa độc đáo. Đình thần là nơi thờ phụng các vị có công với nước được triều đình sắc phong. Lễ cầu an tại các đình ở Bình Dương thường bắt đầu vào ngày 16/10 âm lịch, kéo dài đến qua Tết Nguyên đán, 3 năm đại lễ Kỳ Yên lại diễn ra một lần. Sắc thần được thỉnh đi quanh xóm làng, phố chợ với ý nghĩa cầu thần ban phước lành cho dân làng được bình an trong cuộc sống. Lễ hội cũng là dịp người dân địa phương gặp gỡ trò chuyện, thắt chặt tình đoàn kết xóm làng… Đại lễ Kỳ Yên là lễ hội văn hóa riêng biệt, độc đáo của người dân đất Thủ Dầu Một xưa và Bình Dương ngày nay.
Lễ hội đua thuyền trên sông Sài Gòn
Hằng năm, vào các ngày lễ lớn như 30/4, 1/5 và ngày Quốc khánh 2/9, trên sông Sài Gòn đoạn chảy qua thành phố Thủ Dầu Một, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức giải đua thuyền truyền thống thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ. Không khí thi đua sôi nổi cùng các trò chơi dân gian hấp dẫn từ các đội thuyền... đã tạo nên một lễ hội sôi nổi với nhiều sắc màu văn hóa truyền thống.
Ẩm thực
Một điểm độc đáo của ẩm thực Bình Dương là sự kết hợp các hương vị vùng miền do người dân các vùng khác mang tới, tạo nên sự hấp dẫn rất riêng biệt cho món ngon vùng đất này.
Gỏi măng cụt
So với các món gỏi truyền thống của Việt Nam thì gỏi măng cụt ở Bình Dương có những đặc trưng riêng. Gỏi măng cụt với cơm măng giòn, ngọt kết hợp với vị béo của tôm, thịt, vị cay thanh của rau răm, vị cay nồng của nước mắm tỏi ớt sẽ thấm vào đầu lưỡi và âm thanh giòn tan của đậu phộng, bánh tráng sẽ tạo cho người dùng một cảm giác ngon khó tả.
Thơm ngon Gỏi Măng Cụt Bình Dương
Bánh bèo bì Mỹ Liên
Bánh bèo bì Bình Dương có nét độc đáo riêng, rất khác với các món bánh bèo ở miền Trung hay Tây Nam Bộ. Ngoài bánh bèo, yếu tố quan trọng làm nên vị ngon đặc trưng của bánh bèo bì Bình Dương là bì và nước mắm. Bánh bèo bì thường có phần bì trộn từ hỗn hợp thính, da heo và thịt đùi heo thái sợi nhuyễn cùng một ít tỏi. Nước mắm ăn cùng bánh bèo bì có vị mặn đậm đà, hơi chua và ngọt. Người bán thường để một lớp bánh bèo trên đĩa, sau đó thoa nhân đậu xanh lên từng mặt bánh, tiếp đến cho bì cùng một ít rau sống, dưa leo thái nhuyễn. Khi ăn món này, người dùng chỉ cần chan thêm nước mắm vừa đủ.
Nem Lái Thiêu
Về với Lái Thiêu để được thưởng thức món nem là món ăn đặc sản lâu đời, một thương hiệu không thể không nhắc đến trong làng ẩm thực của Thủ Dầu Một trước đây và của Bình Dương hôm nay.
Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, với tiềm năng du lịch phong phú, con người giàu lòng nhân hậu, nghĩa tình, Bình Dương đang từng bước xây dựng hình ảnh Bình Dương - điểm đến thân thiện và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách trong nước, cũng như quốc tế.