"Đánh thức" tiềm năng du lịch Tây Nguyên

Với bề dày lịch sử; tài nguyên thiên nhiên, cảnh sắc phong phú; văn hóa bản địa đặc sắc… Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

Tây Nguyên - vùng đất gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và khu vực.

Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế.

Tây Nguyên có nền địa hình khá đa dạng, từ vùng núi cao đến các cao nguyên rộng lớn và các thung lũng với những cánh đồng trù phú... đã tạo cho nơi đây khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới. Thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, núi, cao nguyên, suối, thác nước… và hệ động thực vật hết sức phong phú. Bên cạnh đó, Tây Nguyên cũng gắn liền với văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc như Ê đê, Xơ đăng, Giarai… và mỗi dân tộc đều có những nét riêng vô cùng đặc sắc trong văn hóa.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, vùng Tây Nguyên được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng chưa được "đánh thức". Tây Nguyên là địa bàn giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa tộc người… Tuy nhiên, các loại hình du lịch này hiện chưa phát triển tương xứng.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết, với nền địa hình khá đa dạng, khí hậu mát mẻ, nhiều danh lam thắng cảnh và nổi tiếng, cùng với những giá trị văn hóa đặc sắc, là tiềm năng rất lớn để hình thành và phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái-văn hóa, nghỉ dưỡng...

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á

Đây còn là vùng lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc. Điểm danh một số địa điểm nổi tiếng như: Ngục Kon Tum, Di tích lịch sử danh thắng Măng Đen, Tây Sơn Thượng Đạo, làng kháng chiến Stor, Chiến thắng đường 7 sông Bờ, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Cụm di tích lịch sử N’Trang Lơng, Dinh I, Dinh II, Dinh III…

Do đó, phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết luôn được Chính phủ, các cấp chính quyền các tỉnh vùng Tây Nguyên quan tâm. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mới đây là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giúp cho Tây Nguyên có thêm nhiều cơ hội để phát huy những tiềm năng vốn có, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử...

Nhiều năm qua, mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng nhìn chung ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng giàu có.

Theo đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm phát triển, nhưng một điều khá rõ là các tỉnh trong khu vực chưa thật sự làm tốt khâu liên kết; vẫn làm du lịch theo kiểu manh mún, cục bộ.

Để khắc phục tình trạng này, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết, điều cần thiết là làm sao có thể giữ vững được bản sắc của mỗi tỉnh trong vùng, nhưng vẫn tạo ra được những tour tuyến gắn kết các thế mạnh hay điều độc đáo hấp dẫn riêng của các địa phương.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, Tây Nguyên cần xây dựng những sản phẩm đặc thù, độc đáo của Tây Nguyên như du lịch cộng đồng và sinh thái, phát huy được thế mạnh của các địa phương vùng Tây Nguyên.

Trong năm 2022, các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức các hội nghị liên kết vùng; lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên, TPHCM và các doanh nghiệp du lịch đã cùng ngồi với nhau bàn giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa các địa phương và các tỉnh Tây Nguyên.

Được biết, trong kế hoạch sắp tới, hàng loạt dự án giao thông kết nối sẽ được tập trung đầu tư, xây dựng, hoàn thành trước năm 2030. Đó là các tuyến đường Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương. Cùng với đó là mở rộng, nâng cấp sân bay Liên Khương lên cấp 4E, mở rộng và nâng cấp sân bay Pleiku lên cấp 4C, mở rộng sân bay Buôn Ma Thuột…

Không chỉ là phát triển hạ tầng giao thông, liên kết xúc tiến đầu tư nội vùng, liên vùng cũng là giải pháp vô cùng quan trọng.

Ông Phạm Hải Quỳnh cho biết, Hội du lịch cộng đồng Việt Nam đang cố gắng xây dựng sản phẩm du lịch có tính liên kết, với sự tham gia của người dân Tây Nguyên, như là nhân vật chính của câu chuyện và cũng là người kể chuyện. Người dân phải vào tham gia phát triển du lịch, tạo được sinh kế bền vững cho cộng đồng đang tham gia du lịch và cộng đồng chưa tham gia du lịch.

Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh trên, để phát triển bền vững Tây Nguyên cần có sự nghiên cứu cụ thể về văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt cư dân địa phương, nhằm định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng người dân Tây Nguyên, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

Nghiêm Ngọc

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam