Sự kiện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa công nhận chợ Bến Thành và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là 2 điểm du lịch mới của Thành phố, khiến nhiều người thêm phấn khởi. Đặc biệt, chợ Bến Thành lâu nay được người dân và du khách xem như biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chợ có hơn 100 tuổi còn là chứng nhân lịch sử thăng trầm của Thành phố năng động nhất cả nước.
Chưa đến chợ Bến Thành, chưa biết Sài Gòn
Chợ Bến Thành nằm ngay ở trung tâm thành phố và cũng là ngôi chợ lâu đời, sang trọng bậc nhất ở Thành phố hiện nay. Chợ được xây dựng vào năm 1912, đến tháng 3/1914 mới khánh thành và đi vào hoạt động. Năm 1985, chợ Bến Thành sửa chữa lớn để phát triển kinh doanh nhưng vẫn giữ dáng vẻ bên ngoài như lúc mới xây dựng. Nơi đây không chỉ có vai trò kinh doanh buôn bán thông thường mà còn có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, xã hội.
Ông Nguyễn Anh Dũng, tiểu thương gắn bó lâu năm ở chợ cho biết, hiếm có ngôi chợ nào giống chợ Bến Thành, trải qua một thế kỷ làm “chứng nhân” lịch sử, chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay của thành phố thương mại lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay. Bởi vậy, bất cứ du khách nào đến Sài Gòn điều nhất định phải ghé qua. Những năm gần đây, chợ Bến Thành còn là địa điểm tham quan không thể thiếu của bất cứ tour nào đến thành phố Hồ Chí Minh. Tất nhiên, du khách đến đây không chỉ đơn thuần để tìm mua những hàng hóa hay quà lưu niệm mà còn tìm ở đó chút hình ảnh riêng, một đặc trưng riêng thể hiện trong những sinh hoạt đời thường của một thành phố mà chợ chính là nơi bộc lộ rõ nhất.
Chợ Bến Thành có diện tích hơn 13.000m2, trung bình mỗi ngày đón khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan, mua bán. Chợ có 4 cửa chính và 12 cửa phụ nhìn ra 4 hướng. Cửa Nam - cửa chính nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang với biểu tượng ngôi tháp đồng hồ 3 mặt, bên trong nhà lồng bày bán các mặt hàng vải, thực phẩm khô. Cửa Bắc phía đường Lê Thánh Tôn, với những gian hàng hoa tươi và trái cây mời gọi người đi qua. Cửa Đông nhìn ra đường Phan Bội Châu, thu hút du khách bởi các loại mỹ phẩm, bánh kẹo đầy màu sắc. Cửa Tây phía đường Phan Chu Trinh, thu hút phái đẹp vì sự đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ của giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm…
Cho đến thời điểm này, chợ Bến Thành được xem là chợ bán lẻ quy mô nhất theo nghĩa có thể tìm thấy tại đây đủ thứ mặt hàng, từ bình dân đến cao cấp. Đặc biệt hàng thực phẩm thuộc loại chọn lọc nhất ở đây không thiếu một thứ gì từ củ hành, củ tỏi, trái ớt đến bào ngư, vi cá, hải sâm cùng với đủ loại hoa quả mùa nào thức ấy cho tới bánh kẹo, quần áo, vải vóc, giày dép, túi xách… Có thể nói hàng hóa ở đây đa dạng hơn rất nhiều nơi khác, vừa đạt chuẩn chất lượng, vừa tươi vừa ngon.
Phía bên ngoài chợ, dọc theo các hành lang bao quanh là những gian hàng bày bán đủ các loại mặt hàng tiêu dùng phục vụ khách du lịch như quần áo may sẵn, lụa tơ tằm, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ… Nói đến chợ Bến Thành thì không thể bỏ qua khu ẩm thực với sự góp mặt đầy đủ các món ăn truyền thống khắp mọi miền đất nước. Nơi đây từng được tạp chí ẩm thực nổi tiếng Food and Wine chọn là một trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh.
ở 4 cửa chính của chợ, mỗi cửa có 3 phù điều làm bằng gốm sứ Biên Hòa, thực hiện vào năm 1952, nhằm giới thiệu các sản phẩm có bán trong chợ. Đến nay các bức phù điêu vẫn còn nguyên vẹn
Khách vào chợ coi như người nhà
Khách đến chợ Bến Thành chia thành 2 dạng, khách vãng lai và khách hàng thân thiết. Khách vãng lai phần lớn là du khách, trong đó đa phần người nước ngoài. Khách hàng thân thiết gồm dân cư sống ở các con phố xung quanh, xa hơn là những cư dân lâu năm của Sài Gòn. Điểm độc đáo nhất, đó là du khách không thể tìm thấy ở ngôi chợ nào có các cô bán hàng xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang và thành thạo ngoại ngữ như ở chợ Bến Thành. Bước chân vào chợ và len lỏi giữa dòng du khách nước ngoài, tai nghe những lời chào bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Thái… xôn xao. Còn khách bản địa, khi vào chợ thì được coi như người nhà. Khách còn trẻ thì được gọi là cưng, con gái hoặc chị hai, cô ba. Quãng một thời gian sau nếu những người khách ấy quay lại sẽ được gọi là má, mẹ hoặc dì và đôi khi được người bán cung kính gọi là… ngoại!
Theo Tiến sĩ văn hóa dân gian Hồ Văn Tường, mặc dù xu hướng mua sắm của một đô thị hiện đại là vào siêu thị hoặc các trung tâm thương mại, nhưng đôi khi trong nhịp sống chung nhanh đó người ta cũng cần sống chậm đi một chút như một cách để lấy lại thăng bằng cho tâm hồn. Đó là một trong những lý do để chợ Bến Thành nói riêng và các chợ truyền thống nói chung sẽ vẫn tồn tại. Và, cái phần hồn của chợ Bến Thành nằm ngay trong nhà lồng, nơi đời sống đô thị diễn ra sinh động nhất qua những giao tiếp thân tình giữa con người với con người.