Ngày 9 tháng 7 năm 1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Ðây là sự kiện ghi dấu sự ra đời của một ngành kinh tế non trẻ và thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Ðảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau này. Từ đó, ngày 9 tháng 7 hằng năm được coi là ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam. Trong suốt lịch sử 60 năm xây dựng và trưởng thành, Du lịch Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đây là giai đoạn đất nước còn tạm thời bị chia cắt, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Du lịch ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước và một lượng nhỏ khách du lịch vào nước ta theo các Nghị định thư. Thời kỳ này, ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua hai dấu mốc lịch sử quan trọng: Vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước, các đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam và khách du lịch quốc tế vào nước ta theo các Nghị định thư (chủ yếu là Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa), Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/CP ngày 9/7/1960, thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương, mở đầu cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Công ty Du lịch Việt Nam là một tổ chức kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, có nhiệm vụ cụ thể như sau: đặt quan hệ và ký kết hợp đồng với các tổ chức du lịch nước ngoài để cho khách nước ngoài vào du lịch ở nước Việt Nam; tổ chức, quản lý những cơ sở và những phương tiện cần thiết để phục khách du lịch.
Khách sạn Metropole được xem là một trong những khách sạn lâu đời nhất Việt Nam
Trên cơ sở Nghị định 26/CP của Hội đồng Chính phủ, ngày 16/3/1963, Bộ Ngoại thương đã ban hành Quyết định số 164-BNT-TCCB quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Công ty Du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn này, vì có chiến tranh phá hoại nên Công ty Du lịch Việt Nam chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ: phục vụ khách của Đảng và Nhà nước, phục vụ thủy thủ tàu nước ngoài chở hàng đến Việt Nam, phục vụ khách nghỉ đông của Liên Xô (cũ)...
Khi phạm vi kinh doanh của ngành Du lịch được mở rộng, ngày 13/6/1964, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 61/TTg về việc mở rộng công tác du lịch và cung ứng tàu biển. Trong bối cảnh đó, Chỉ thị 61/TTg thực sự đã vạch ra một hướng phát triển mới của ngành Du lịch, tạo ra bước ngoặt trong phương thức kinh doanh, tạo điều kiện cho ngành Du lịch có thể tiếp cận phục vụ nhiều đối tượng khách quốc tế.
Đến ngày 18/8/1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 145/CP về việc chuyển giao Công ty Du lịch Việt Nam từ Bộ Ngoại thương sang Phủ Thủ tướng quản lý, đánh dấu một bước chuyển mới trong tổ chức hoạt động của Du lịch Việt Nam. Nghị định nêu rõ chuyển giao Công ty Du lịch Việt Nam và các tổ chức, các cơ sở thuộc công ty này do Bộ Ngoại thương quản lý sang trực thuộc Phủ Thủ tướng. Đồng thời, chuyển các khách sạn Thống Nhất, Hòa Bình do Cục Phục vụ - Ăn uống Bộ Nội thương quản lý sang Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Phủ Thủ tướng quản lý.
Trong suốt giai đoạn 1960 - 1975, ngành Du lịch Việt Nam hoạt động trong điều kiện rất khó khăn bởi đất nước còn chiến tranh, bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. Xuất phát từ tình hình của đất nước, mặt khác để đảm bảo an toàn cho khách quốc tế và an ninh của đất nước, ngày 12/9/1969 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 94/TTg-NC giao cho Văn phòng kinh tế Phủ Thủ tướng cùng Bộ Công an nghiên cứu phương hướng củng cố và phát triển du lịch. Trên thực tế, ngành Du lịch đã khẳng định được vị trí của mình vừa kinh doanh để phục vụ khách, vừa bảo vệ an ninh tổ quốc để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Ông Hồ Văn Phong, Cục trưởng cục KD6 Bộ Công an, được cử làm giám đốc.
Để tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển thuận lợi, ngày 17/11/1971, Chính phủ đã ra quyết định tách Công ty Du lịch và Cung ứng tàu biển thành 2 công ty: Công ty Du lịch và Công ty cung ứng tàu biển, dưới sự quản lý của Công ty Du lịch Việt Nam; đồng thời tăng cường cơ sở vật chất cho ngành Du lịch, mà cụ thể là chuyển giao một số cơ sở khách sạn từ ngành Giao tế, chuyên gia, nội thương sang cho ngành Du lịch quản lý.
Hoạt động du lịch đã mở rộng thêm ra các thị trường du lịch ngoài khối XHCN như Nhật Bản, Pháp, Australia, Italia... Hãng du lịch thuộc khối TBCN có quan hệ đầu tiên với Du lịch Việt Nam là FUJI (của Đảng Cộng sản Nhật Bản).
Cùng với việc mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, ngành Du lịch cũng nhanh chóng đẩy mạnh công tác đào tạo, mở trường đào tạo nghiệp vụ du lịch để bồi dưỡng kiến thức cơ bản và nâng cao trình độ phục vụ cho các CBCNV chủ yếu ở lĩnh vực khách sạn. Trường Công nhân Khách sạn Du lịch được thành lập ngày 24/7/1972. Ngoài ra, đã cử các đoàn sang các nước XHCN như Bulgaria, Liên Xô... để học tập kinh nghiệm và mời chuyên gia Bulgaria sang giúp ta về kinh nghiệm phát triển du lịch và tham gia các hội nghị du lịch trong khối Xã hội Chủ nghĩa ở Liên Xô, Rumani, Ba Lan, CHDC Đức, Bulgaria, Cuba, cũng như các hiệp định giữa các nước về trao đổi khách.
Giai đoạn này, ngành Du lịch đã nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi thách thức, từng bước mở rộng nhiều cơ sở du lịch như: Hà Nội, Đồ Sơn, Hòn Gai (nay là Hạ Long - Quảng Ninh), Tam Đảo, Sầm Sơn, Cửa Lò... Ngành Du lịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ an toàn, có chất lượng một lượng lớn khách của Đảng và Nhà nước, các đoàn chuyên gia các nước XHCN vào giúp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, các thủy thủ của các tàu nước ngoài chở hàng hóa cho Việt Nam.
Bài viết đăng trong ấn phẩm "60 năm Du lịch Việt Nam 1960 - 2020"