Tuyên Quang - thành phố bên sông Lô lịch sử nằm ở vùng Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội 140km về phía Bắc, với 22 tộc người cùng chung sống trên diện tích rộng 5.870km2. Thành Tuyên còn là nơi khởi phát, hội tụ những lễ hội đặc sắc, những làn điệu dân ca thắm đượm tình người của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc; nơi được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh đẹp nên thơ. Hội tụ đầy đủ tiềm năng du lịch nhân văn và tự nhiên, Tuyên Quang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Danh lam thắng cảnh
Tuyên Quang không chỉ nổi tiếng với các khu di tích đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như Tân Trào, Kim Bình mà còn có nhiều danh lam, thắng cảnh làm say lòng người như: Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, thác Bản Ba thơ mộng hùng vỹ, Khu du lịch sinh thái Na Hang hoang sơ - “vịnh Hạ Long giữa đại ngàn” và nhiều thắng tích nổi tiếng khác níu chân du khách đến thưởng ngoạn, khám phá.
Thác Mơ
Thác Mơ thuộc thị trấn Nà Hang, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 100km. Đến với thác Mơ, du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, với những tầng thác nối tiếp nhau tung bọt trắng xóa giữa màu xanh bát ngát của núi rừng Đông Bắc.
Khu du lịch sinh thái Na Hang
Trong nhiều năm gần đây, vẻ đẹp kỳ ảo của hồ Na Hang đã dần được đánh thức và trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc. Hồ Na Hang còn được ví như một “Hạ Long giữa đại ngàn”. Nơi đây có 99 ngọn núi quần tụ lại với nhau ở khu vực Thượng Lâm. Mỗi ngọn núi có một hình dáng khác nhau, tất cả in hình lên nền trời xanh, hòa lẫn với làn nước xanh thăm thẳm, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự kỳ diệu của tạo hóa.
Thác Bản Ba
Thác Bản Ba nằm trên triền núi Phiêng Khàng, xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa, cách thành phố Tuyên Quang 70km. Thác có chiều dài khoảng 3km, được tạo bởi 3 tầng thác chính. Nhìn từ xa, thác Bản Ba trông giống như một dải lụa trắng mềm mại nổi bật giữa không gian của núi rừng đại ngàn hoang sơ hùng vĩ. Hai bên dòng thác Bản Ba là những cánh rừng xanh nguyên sinh trải dài như vô tận, với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những thân dây leo cùng một thảm thực vật phong phú. Tất cả tạo cho Bản Ba một vẻ đẹp nguyên sơ đầy thơ mộng. Dưới chân thác là cánh đồng Bản Ba phì nhiêu màu mỡ, nơi có những nếp nhà sàn xinh xắn của đồng bào người Tày nằm ẩn mình dưới tán cọ. Đó là sự kết hợp đồng điệu giữa cảnh sắc thiên nhiên với nhịp sống bình dị, mến khách của con người miền sơn cước.
Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm
Suối khoáng Mỹ Lâm thuộc huyện Yên Sơn, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 13km về phía Tây Nam. Du khách có dịp đến Tuyên Quang đều mong muốn được một lần đến suối khoáng Mỹ Lâm để đắm mình trong làn nước trong veo, ấm áp mà thiên nhiên ban tặng. Suối khoáng Mỹ Lâm có nguồn nước khoáng sunfua ngầm trong lòng đất, được phát hiện từ thập niên 60. Du khách trong và ngoài nước đến suối khoáng Mỹ Lâm không những cảm thấy sảng khoái, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng mà còn thích thú với phong cảnh thiên nhiên yên ả và những con người hiền hậu, mến khách nơi đây.
Di tích lịch sử - văn hóa
Tuyên Quang là vùng đất cổ, nơi hội tụ và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc, nơi nguồn cội của cách mạng Việt Nam với 656 di tích lịch sử, văn hóa. Bởi thế, Tuyên Quang còn được ví như bảo tàng cách mạng của cả nước.
Khu di tích lịch sử Tân Trào
Hội tụ đầy đủ các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, từ tháng 5 đến tháng 8/1945, Tân Trào vinh dự được lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh chọn làm căn cứ địa để chuẩn bị lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tháng 6/1945, Khu giải phóng bao gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang được thành lập, Tân Trào (Tuyên Quang) được chọn là “Thủ đô lâm thời Khu giải phóng”. Khi cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954), Tân Trào lại được chọn làm “Trung tâm thủ đô kháng chiến”, nơi đặt trụ sở làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhiều bộ, ban, ngành Trung ương. Nơi đây ghi dấu những năm tháng Bác Hồ ở và làm việc cũng như những ân tình sâu nặng, son sắt của đồng bào các dân tộc tại Tân Trào đối với Bác.
Tọa lạc trên địa bàn 11 xã thuộc 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) với tổng diện tích 531km2, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào bao gồm 183 di tích lớn, nhỏ, trong đó có 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu. Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 10/5/2012, khu di tích lịch sử Tân Trào đã được công nhận là Khu di tích quốc gia đặc biệt. Ngày nay, Tân Trào đã đi vào lịch sử với những trang vàng chói lọi, trở thành niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung.
Thành nhà Mạc
Thành nhà Mạc nằm trên địa phận tổ 7, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Thành được xây dựng từ năm 1592 dưới thời nhà Mạc và được sửa chữa vào thời đầu nhà Nguyễn (thế kỷ 19). Thành nhà Mạc có vị trí quân sự quan trọng, nằm án ngữ trên bờ sông Lô và nằm trên trục giao thông thủy bộ thuận lợi, từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng quê cách mạng Tuyên Quang. Tuy không còn nguyên vẹn, nhưng thành Tuyên Quang còn giữ lại được những phần cơ bản của một tòa thành quân sự, hành chính của chế độ phong kiến Việt Nam. Đó là dấu tích vô cùng ý nghĩa đối với vùng đất được gọi là “phên dậu của kinh thành Thăng Long”, là “bức thành thép của quốc gia”.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình, tỉnh Tuyên Quang là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, gồm 35 di tích, cụm di tích nằm trên địa bàn 4 xã: Kim Bình, Kiên Đài, Linh Phú, Vinh Quang của huyện Chiêm Hóa. Tại đây, từ ngày 11 đến 19/2/1951, đã diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng - Đại hội đầu tiên của Đảng ta được tổ chức trong nước.
Thời gian Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã ở, làm việc tại Kim Bình dù không dài, song những gì đã diễn ra tại Kim Bình từ 66 năm về trước luôn nhắc nhở nhân dân các dân tộc nơi đây cần gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay sự trân trọng giá trị lịch sử và niềm tự hào về mảnh đất quê hương Kim Bình. Đó là niềm tin tưởng, sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ tiếp nối cha anh để dựng xây quê hương, đất nước.
Khu di tích lịch sử cách mạng Lào
Khu di tích nằm cách thành phố Tuyên Quang 26km theo đường quốc lộ 37, hướng Tuyên Quang đi Yên Bái. Đây là 2 thôn thuộc xã Mỹ Bằng huyện Yên Sơn với nhiều đồng bào dân tộc định cư như: Kinh, Cao Lan, Sán Chỉ, Dao, nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăm bón sản xuất chè. Tại đây, từ năm 1950 - 1951 là nơi ở, làm việc các lãnh tụ của Đảng cách mạng, Chính phủ kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào như: Hoàng thân Xuphanuvông, Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cayxỏn Phômvihản, cũng như nơi diễn ra Đại hội mặt trận Lào yêu nước, hợp nhất và đổi tên Đảng tại thôn Làng Ngòi, thôn Đá Bàn - xã Mỹ Bằng - Yên Sơn - Tuyên Quang. Khu di tích lịch sử cách mạng Lào đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia vào tháng 6/1991.
Lễ hội Tuyên Quang
Lễ hội Thành Tuyên
Lễ hội Thành Tuyên là sự kiện văn hóa đặc sắc và duy nhất trên cả nước, được tổ chức hằng năm vào dịp trung thu trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Đến với Lễ hội Thành Tuyên, du khách sẽ được trở về tuổi thơ cùng các cháu thiếu nhi hòa mình trong không gian trung thu mênh mang, lung linh muôn sắc màu của những xe mô hình đèn trung thu khổng lồ, độc đáo được chế tác bởi chính những người dân nơi đây. Vượt lên ý nghĩa của một lễ hội văn hóa đặc sắc, Lễ hội Thành Tuyên là dịp để giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về mảnh đất, con người của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng.
Lễ hội đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La
Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ lâu, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tại 3 ngôi đền này. Truyền thuyết về vị Mẫu thần được thờ tại đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La được sách “Đại Nam nhất thống chí” chép rằng: “Đền thần Ỷ La: Tương truyền đời trước có công chúa Ngọc Lân và công chúa Phương Dung theo vua xa giá đi xem xét địa phương và đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ”. Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La là lễ hội truyền thống không chỉ riêng của người dân thành phố Tuyên Quang mà còn là ngày hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh, được bảo tồn và phát triển liên tục trong chiều dài lịch sử. Lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là Lễ xuống đồng đầu xuân là một lễ hội đặc sắc mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực của đồng bào Tày ở Tuyên Quang. Lễ hội được tổ chức từ ngày 4 - 25 tháng giêng, tùy theo phong tục của từng địa phương và thường kéo dài trong 3 ngày với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn. Năm 2012, Lễ hội Lồng Tồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng nghề truyền thống
Làng nghề thổ cẩm Lăng Can
Xã Lăng Can, huyện Lâm Bình được thiên nhiên thiên phú cho một phong cảnh đẹp mơ màng. Lăng Can còn hấp dẫn du khách hơn nữa bởi nơi đây vẫn giữ được nghề truyền thống trồng bông dệt vải. Thổ cẩm Lăng Can đã đi vào thơ, vào nhạc của bao thi sĩ. Câu chuyện trồng bông dệt vải của vùng đất này đã được khắc họa trong biết bao truyền thuyết ca ngợi sức sáng tạo và đức tính cần cù của bà con bản địa… Thổ cẩm Lăng Can mặc vừa mềm, vừa ấm nhưng rất thoáng, khác hẳn với một số thổ cẩm của các dân tộc khác.
Làng nghề chè Vĩnh Tân
Thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương là làng nghề đầu tiên của Tuyên Quang được công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2014. Từ đó đến nay, chè Vĩnh Tân không những tìm được chỗ đứng trên thị trường mà còn trở thành một trong những sản phẩm chè có tiếng, được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong làng có 111 hộ dân thì 105 hộ làm nghề trồng chè và chế biến chè. Với trên 100ha chè, đến Vĩnh Tân, du khách sẽ được thăm những đồi chè xanh mướt, bao trọn lấy làng nghề. Ngay từ đầu làng, du khách đã cảm nhận được vị đậm, chát, mùi thơm lan tỏa khắp không gian trong từng hộ gia đình Vĩnh Tân.
Ẩm thực
Một điều đặc biệt là những món ăn tinh tế, đậm đà của xứ Thành Tuyên đều gắn với rừng. Người dân nơi đây đã khéo léo kết hợp trong các món ăn những nguồn gia vị thực phẩm sẵn có của núi rừng để tạo ra những sản phẩm tinh tế như: cơm lam, xôi ngũ sắc, măng nhồi thịt, canh cá chua, thịt chua, rau đắng.... Những món trên được nhấm nháp với thứ rượu ngô men lá Nà Hang hay rượu chuối Kim Bình nổi tiếng thì thật là tuyệt vời. Đến với xứ Tuyên, du khách cũng nên thưởng thức và mang theo nhiều món đặc sản là quà cho người thân, bạn bè như rau đắng Chiêm Hóa, măng khô Nà Hang, cam sành Hàm Yên, mật ong Tân Trào... Tất cả góp phần làm phong phú thêm vốn hiểu biết về nghệ thuật ẩm thực của du khách trong cuộc hành trình khám phá một vùng đất đẹp, giàu tiềm năng.
Có thể nói, với định hướng tập trung khai thác thế mạnh về các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử gắn với những chủ trương, định hướng hợp lý, những năm gần đây ngành Du lịch Tuyên Quang đã có những bước phát triển mạnh mẽ, dần trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.