Cao Bằng - Xứ sở thần tiên

Non nước Cao Bằng như một bức tranh thủy mặc khổng lồ được ví như xứ sở thần tiên mà họa sĩ thiên nhiên đã vẽ lên với nét khoáng đạt của núi cao, suối sâu, thác lạ, luôn được xem như một dấu ấn đặc biệt trong hành trình khám phá vùng Đông Bắc. Đến với mảnh đất biên cương nơi cực Bắc này, du khách không chỉ được khám phá những kiệt tác của thiên nhiên như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, mà như được sống lại trong không khí hào hùng của cách mạng với những địa danh đã đi vào lịch sử như: hang Pác Bó, suối Lê Nin, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, di tích chiến thắng Đông Khê…

Danh lam thắng cảnh

Cao Bằng là miền đất sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp với những thác nước ẩn mình trong cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, những hang động huyền ảo, kỳ bí, những con đèo Phia Oắc - Phia Đen “bước ra gặp dốc, nhìn lên thấy rừng” như mời gọi, giục giã du khách yêu thiên nhiên, yêu trải nghiệm về với vùng đất này.

Hồ Thang Hen

Hồ Thang Hen thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km theo tỉnh lộ 205. Đến với Thang Hen là đến với quần thể hồ - sông - hang ngầm, với nhiều phong cảnh thơ mộng, hữu tình, kỳ bí thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Quần thể hồ Thang Hen gồm 36 hồ tự nhiên liên thông với nhau. Mỗi hồ cách nhau vài chục đến vài trăm mét, tất cả đều nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn tiếp giáp giữa xã
Quốc Toản (Trà Lĩnh) và xã Ngũ Lão (Hòa An). Đến đây, ngoài việc ngắm cảnh sông nước, núi rừng hùng vĩ, thơ mộng, chèo thuyền từ hồ này sang hồ khác, du khách còn được thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, nếm hương vị rượu thơm ngon nồng ấm chưng cất từ ngô và men lá theo phương pháp cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng là một trong 13 công viên địa chất toàn cầu mới được UNESCO công nhận, trải dài trên 6 huyện: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo và có ý nghĩa giá trị quốc tế. Đến đây, du khách không chỉ có dịp khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú cùng những di tích văn hóa lịch sử đặc sắc mà còn có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương.

Động Ngườm Ngao

Động Ngườm Ngao nằm ở bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Theo tài liệu khảo sát của Hội khảo sát Hoàng gia Anh vào năm 1995 thì động Ngao có chiều dài 2.144m. Động gồm 3 cửa chính là: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm (tức cửa gió, quanh năm mát lạnh) và cửa Bản Thuôn phía sau núi Bản Thuôn. Động Ngườm Ngao được chia thành 3 khu chính: khu Tứ trụ thiên đình, khu trung tâm và khu kho báu. Ngườm Ngao có một vẻ đẹp vô cùng kỳ thú được tạo nên bởi những lớp thạch nhũ lộng lẫy, vàng rực. Những dải nhũ đá muôn màu sắc mọc từ dưới lên, từ trên các vòm đá cao rủ xuống với nhiều hình dáng đẹp phản chiếu ánh sáng lung linh.

Du khách tham quan động sẽ choáng ngợp trong một không gian rộng lớn với những dải thạch nhũ kỳ diệu lung linh sắc màu, những tượng đá quyến rũ, những dải san hô khổng lồ hay những hình ảnh kì thú giống như cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con cóc thần, cây đàn đá... Nét độc đáo làm nên “tên tuổi” danh thắng Ngườm Ngao là những thửa ruộng bậc thang do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa hàng triệu năm tạo thành, đặc biệt là hình ảnh bông sen vàng úp ngược. Đây thực sự là một kiệt tác của tạo hóa, những cánh hoa như được gọt giũa công phu tỉ mỉ đạt đến độ hoàn mỹ...

Phia Oắc - Phia Đén

Vùng Phia Oắc - Phia Đén nằm trên địa phận các xã: Thành Công, Phan Thanh, Quang Thành và thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình), tỉnh Cao Bằng. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này một môi trường khí hậu mát mẻ trong lành. Với độ cao từ 1.500m - 2.500m so với mặt biển, nhiệt độ trung bình từ 18 - 250C, thảm thực vật phong phú lại có nhiều sản vật quý hiếm đã tạo tiền đề quan trọng cho phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Nơi đây vẫn còn lưu giữ một số địa danh nghỉ mát của người Pháp được nhiều người biết đến như: khu nhà nghỉ mát cuối tuần (Tài Soỏng), khu nhà đỏ (Tatsloom). Đến với Phia Oắc - Phia Đén, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến nét hùng vỹ, thưởng thức và thăm thú phong cảnh thiên nhiên hoang sơ của vùng núi tươi đẹp này.

Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Cao Bằng thuộc huyện Trùng Khánh, cách trung tâm thành phố hơn 80km. Đây là thác nước lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia. Thác Bản Giốc nằm sát biên giới Việt - Trung, dòng sông Quây Sơn hiền hòa, uốn lượn, rồi bất ngờ tạo thành thác Bản Giốc rộng khoảng 300m, cao khoảng 35m, gồm 3 tầng. Thác gồm có thác phụ và thác chính. Thác phụ nằm trong địa phận Việt Nam, dài 150m gồm 1 tầng cao khoảng 30m. Thác chính nằm giữa biên giới Việt - Trung dài khoảng 50m. Đến thác Bản Giốc, từ xa du khách đã nghe thấy tiếng nước chảy ầm ào vang động cả một vùng rộng lớn. Những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi, tạo thành những màn bụi nước trắng xóa, mờ ảo như cảnh thần tiên, say đắm lòng người. Vẻ đẹp của thác vào những mùa khác nhau sẽ có những đặc trưng riêng biệt. Mùa mưa, thác có màu hồng của phù sa, với lượng nước rất lớn trông giống con rồng cuồn cuộn, bọt nước bắn xa cả trăm mét. Mùa lúa chín, nước trong veo mềm mại như tóc tiên. Vào thu, hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh vàng tương phản. Thu đến, màu nước Bản Giốc xanh như ngọc.

Thác Bản Giốc đã đi vào nghệ thuật với những tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh đặc sắc. Cùng với núi, sông và các hang động kỳ thú xung quanh, thác Bản Giốc không chỉ là một điểm du lịch hấp dẫn mà còn là một nguồn thủy điện lớn trong tương lai.

Di tích lịch sử - Văn hóa

Cao Bằng là vùng đất có truyền thống cách mạng lâu đời, là nơi cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Trong số 224 di tích lịch sử và danh thắng hiện có trên toàn tỉnh, 23 di tích đã được xếp hạng quốc gia và 6 di tích được địa phương xếp hạng. Nơi đây còn lưu dấu nhiều chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Mỗi địa danh, mỗi khu rừng, nẻo đường nơi đây dường như đều gắn liền với chặng đường phát triển lịch sử cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu kháng chiến.

Di tích Pác Bó

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Ðảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang".

Bốn câu trong bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến ta nhớ đến cuộc sống cách mạng của Người và vẻ đẹp đơn sơ, hoang dã nơi vùng cao Tây Bắc. Khu di tích Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nằm sát biên giới Việt - Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 50km. Đây là đầu nguồn của cách mạng Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở và làm việc khi mới trở về tổ quốc. Khu di tích Pác Bó có hơn 50 điểm, trong đó có nhiều di tích quan trọng gắn bó với Bác trong thời gian hoạt động cách mạng như: suối Lê Nin, núi Các Mác, hang Cốc Bó, nền nhà ông Lý Quốc Súng, bàn ghế đá Bác ngồi làm việc, lán Khuổi Nặm... Với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, Pác Bó xứng đáng là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam khi đến tham quan, học tập, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo

Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo là nơi ghi dấu sự ra đời và hoạt động của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (ngày 22/12/1944) - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp -  Người “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Di tích được phân bố trên địa bàn 2 xã Tam Kim và Hoa Thám, gồm 5 điểm: rừng Trần Hưng Đạo, hang Thẳm Khẩu, đồn Phai Khắt, di tích Vạ Phá, xã Tam Kim và di tích Đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám. Với ý nghĩa và tầm quan trọng, ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử cách mạng, tinh thần yêu nước.

Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc

Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc tọa lạc trên một sườn núi thuộc xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên mảnh đất biên cương phía Bắc của tổ quốc, là điểm tham quan kỳ thú đối với du khách trong và ngoài nước khi tới
Cao Bằng.

Ngôi chùa được thiết kế mang đậm nét văn hóa Việt trên tổng diện tích 3ha, gồm các hạng mục: cổng tam quan, lầu chuông, lầu tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, bia đá, tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, vườn địa đàng, vườn tượng La Hán, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ. Bước vào chùa, điểm nhấn đầu tiên là lầu Đại hồng chung Thiên Bảo được xây dựng hoàn toàn bằng đồng với trọng lượng lên tới 1,5 tấn. Trên đường lên Tam Bảo, bạn gặp một vòm hang lớn trông như miệng rồng ngậm một viên ngọc quay ra hướng thác Bản Giốc. Đây chính là cửa động đặt ngay trong Phia Nhằm. Sau đó, du khách sẽ tới lầu tượng thờ Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát tọa lạc uy nghiêm ngay trước nhà Tam bảo.

Sự hiện diện của ngôi chùa tại thác Bản Giốc góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc và sự bình yên, hữu nghị tại khu vực biên giới.

Di tích lịch sử Đông Khê

Cách trung tâm thành phố Cao Bằng 45km về hướng Nam, Khu di tích lịch sử Đông Khê nằm trên quốc lộ 4A, thuộc địa phận thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An. Khu di tích gắn liền với Chiến thắng Đông Khê - trận đánh mở đầu cho Chiến dịch Biên giới năm 1950 toàn thắng, tạo tiền đề vững chắc cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Di tích gồm các hạng mục chính: khu nghĩa trang và nhà bia tưởng niệm; di tích đồn Đông Khê; di tích nằm trong hệ thống bố phòng của địch bảo vệ cứ điểm Đông Khê. Trong đó, di tích đồn Đông Khê là cụm di tích chính được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia từ năm 1975. Ngày nay, Khu di tích Lịch sử Đông Khê là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc huyện Thạch An nói riêng và nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói chung, nhắc nhở thế hệ trẻ về một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc để từ đó phát huy truyền thống cách mạng, thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Lễ hội Cao Bằng

Cao Bằng có nhiều dân tộc sinh sống nên hệ thống lễ hội đa dạng, phong phú bao gồm lễ hội lịch sử, lễ hội đền, chùa. Cùng với phong cảnh núi non hùng vĩ, hệ thống lễ hội và những sinh hoạt văn hóa đậm bản sắc dân tộc độc đáo khiến Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.

Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên

Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân huyện Quảng Uyên, gắn với các yếu tố về lịch sử, tâm linh của miếu Bách Linh.
Lễ hội được mở đầu bằng nghi lễ khai quang mở mắt rồng, được tổ chức vào chiều 30 tháng giêng tại mó nước Bó Cốc Chủ. Nghi lễ do cụ già cao niên, có uy tín làm chủ lễ và một đội rồng gồm 15 người (với 3 người đánh trống, một người cầm quả cầu và 11 người múa rồng) làm lễ tại mó nước. Người chủ lễ thắp hương vái thiên địa, cầu xin thần linh phù hộ cho người dân địa phương một năm làm ăn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc và xin được mở mắt cho rồng. Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ như: múa rồng, múa lân, tung còn, hát lượn, tranh đầu pháo... Trò chơi tiêu biểu của lễ hội là trò cướp đầu pháo. Đầu pháo làm từ chiếc vòng sắt trang trí tua ngũ sắc sặc sỡ, được đặt trên một đài cao. Sau khi đốt pháo, chờ cho đầu pháo rơi xuống, các đội bắt đầu tranh đầu pháo. Đội nào lấy được đầu pháo mang đến trước kiệu thần là đội thắng cuộc. Theo quan niệm của người dân địa phương, người nào bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc và đem lại vinh dự lớn cho xã mình.

Lễ hội Thanh Minh Nùng An

Khi những làn mưa phùn giăng bụi khắp đất trời và những chồi non vươn đón mùa xuân là bà con dân tộc Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Uyên) lại nô nức tổ chức Lễ hội Thanh Minh. Hội là một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nói đến Lễ hội Thanh Minh của người
Nùng An không thể không nhắc đến các hoạt động vui chơi văn hóa mang đậm nét truyền thống như: thi rèn dao, thi lày cỏ, kéo co, thi ẩm thực và màn văn nghệ đặc sắc… Lễ hội Thanh Minh trở thành nét đẹp văn hóa không chỉ của riêng người Nùng An ở xã Phúc Sen mà còn là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của Cao Bằng, đang được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn nhiều lễ hội đặc sắc khác như: Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội đền vua Lê, Lễ hội đền Kỳ Sâm, Lễ hội Nàng Hai, Lễ hội chùa Sùng Phúc… Mỗi một lễ hội đều gắn với phong tục tập quán riêng có của một vùng, địa phương hay của một dân tộc nhất định nhưng đa số các lễ hội đều mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, cầu mong một năm tốt lành.

Làng nghề truyền thống

Không chỉ có những phong cảnh núi non hùng vĩ, Cao Bằng còn lôi cuốn du khách bốn phương với hệ thống lễ hội và những sinh hoạt văn hóa đậm bản sắc dân tộc.

Làng rèn Phúc Sen

Nghề rèn của người Nùng ở Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) có truyền thống hằng trăm năm qua. Nét độc đáo của nghề rèn nơi đây là kỹ thuật lựa chọn phôi thép, cách tôi (luyện) thép và bí quyết riêng của từng hộ gia đình tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt. Nếu đến thăm làng rèn Phúc Sen vào những tháng cuối năm, du khách sẽ có dịp quan sát bầu không khí tất bật khi những lò rèn vào mùa với các đơn hàng của người dân quanh vùng và nhiều tỉnh thành khác như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Nội, Nghệ An... Việc gìn giữ phong tục lối sống và nghề truyền thống xa xưa đã khiến làng rèn Phúc Sen trở thành điểm đến ấn tượng với du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm nét đẹp cho vùng đất Cao Bằng.

Làng hương Phia Thắp

Hằng năm, cứ dịp cận Tết Nguyên đán, bà con người Nùng ở xóm Phia Thắp dọn sạch gốc rạ, phơi hương ra ruộng chuẩn bị cho vụ hương lớn nhất trong năm. Với chất lượng tốt, hương Phia Thắp được đem đi bán tại tất cả các chợ phiên Tết trong tỉnh cũng như các tỉnh phía Bắc. Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương về nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống của làng. Trải nghiệm làm hương là một trong những chương trình hấp dẫn du khách.

Nghề dệt thổ cẩm

Thổ cẩm của người Tày Cao Bằng nổi tiếng với những hoa văn đẹp mắt, sặc sỡ, mang đậm bản sắc dân tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Trên tấm thổ cẩm của người dân nơi đây thường có 6 màu chủ đạo: xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Cách bố cục họa tiết trên thổ cẩm rất đa dạng tạo nên những tấm thổ cẩm có hình dạng vô cùng đặc sắc. Đây là nét riêng của thổ cẩm người Tày Cao Bằng, không thể lẫn được với thổ cẩm của người Tày ở những địa phương khác.

Ẩm thực

Ngoài các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Cao Bằng còn có một nền văn hóa ẩm thực độc đáo với nhiều món ăn tinh tế, hấp dẫn như bánh cuốn, hạt dẻ Trùng Khánh, bánh khảo, lạp sườn…

Có thể nói, tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho Cao Bằng nhiều tiềm năng du lịch để tổ chức các loại hình du lịch như: tham quan, nghiên cứu; sinh thái; nghỉ dưỡng; quá cảnh (qua Trung Quốc); thể thao; vui chơi giải trí... Tất cả tiềm năng đó đang mở rộng, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Cao Bằng, góp sức đưa du lịch nơi đây phát triển xứng tầm với vị thế của mảnh đất cội nguồn cách mạng.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam