Lạng Sơn - Biến tiềm năng thành lợi thế du lịch

Lạng Sơn - vùng biên cương nơi địa đầu của Tổ quốc, là dải đất vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt. Vùng đất này là cửa ngõ trọng yếu phía Bắc, giáp với tỉnh Cao Bằng ở phía Bắc, giáp với Trung Quốc ở phía Đông Bắc, giáp Quảng Ninh ở phía Đông Nam, giáp Bắc Giang ở phía Nam và Bắc Kạn ở phía Tây. Xứ Lạng không chỉ nổi danh với nhiều cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, nhiều di tích lịch sử giá trị mà còn ẩn chứa những sắc màu văn hóa độc đáo hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để có thể khai thác phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Danh lam thắng cảnh

Lạng Sơn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình với những di tích, danh thắng đã đi vào thi ca và lòng người như: động Tam Thanh, núi Tô Thị, núi Mẫu Sơn, phố Kỳ Lừa…

Mẫu Sơn

Vùng núi Mẫu Sơn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, thuộc địa phận 2 xã: Công Sơn (huyện Cao Lộc) và Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình). Độ cao đỉnh Mẫu Sơn trung bình từ 800 - 1.000m so với mặt biển, gồm quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ. Đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541m), còn gọi là núi Cha; kế đến là đỉnh Phia Mê (1.520m), còn gọi là núi Mẹ. Ngoài ra, hệ thống sông suối ở đây phân bố khá dày, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái phát triển. Đường lên đỉnh Mẫu Sơn vượt đèo quanh co, vắt qua triền núi như dải lụa mềm với nhiều cảnh quan đẹp mắt. Càng lên cao, không khí mát lạnh, sương giăng bảng lảng như đưa bước du khách lên với tầng mây. Đứng từ trên đỉnh Mẫu Sơn, du khách sẽ thu trọn tầm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của núi đồi nhấp nhô, mây trắng bồng bềnh, thấp thoáng những nếp nhà giữa vạt rừng xanh; trông xuống là con đường uốn lượn ngoằn ngoèo như nét chấm phá độc đáo. Đến với Mẫu Sơn, du khách có thể tham gia chuyến trekking theo lối mòn lên núi Phặt Chỉ, ngang qua vạt rừng nguyên sinh, rừng trúc, rừng dong... để có thể ngắm toàn cảnh khu du lịch với những ngôi biệt thự mái đỏ ẩn hiện trong sương. Du khách cũng có thể đi xa hơn để đến tham quan Khu linh địa cổ - đền Mẫu Sơn, với đầy đủ ý nghĩa của di tích tín ngưỡng, tôn giáo, vừa là nơi thờ tự thần núi Mẫu Sơn vừa là nơi có di tích mộ đá lớn. Nơi đây còn là biểu tượng của chiều sâu văn hóa truyền thống, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Tày cổ. Sau một ngày tham quan, dã ngoại, buối tối du khách hãy thư giãn ngâm mình trong bồn tắm lá thuốc của người Dao và thưởng thức hương vị chè tuyết hảo hạng - một loại chè cổ thụ, chỉ sinh trưởng trên vùng núi cao.

Với cảnh quan núi non hùng vĩ, không khí trong lành và những nét văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc sinh sống, Khu du lịch Mẫu Sơn là địa điểm lý tưởng cho chuyến nghỉ dưỡng, khám phá và dã ngoại của du khách.

Thung lũng Bắc Sơn

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 160km, Bắc Sơn không chỉ là địa danh lịch sử nổi tiếng với khởi nghĩa Bắc Sơn mà còn được biết đến với những thửa ruộng chín vàng làm xiêu lòng du khách. Nếu du khách đến đúng thời điểm lúa chín sẽ được chiêm ngưỡng một bức thảm khổng lồ được dệt bởi lúa vàng và sắc nắng. Trong hành trình “săn” mùa lúa chín ở Bắc Sơn, du khách hãy dành thời gian tham quan, khám phá những điểm đến hấp dẫn ở vùng rẻo cao Đông Bắc này. Đối với các nhiếp ảnh gia hay những “tay máy” không chuyên, đỉnh Nà Lay trở thành điểm đến quen thuộc không thể thiếu nếu muốn có được những bức ảnh toàn cảnh về Bắc Sơn. Tô điểm cho bức tranh thiên nhiên là dòng sông nhỏ uốn lượn qua từng thửa ruộng, là những nếp nhà sàn bình yên nằm e ấp dưới chân núi; là thị trấn Bắc Sơn - một thị trấn nhỏ xinh, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh... Điểm nhấn ấn tượng trong cung đường khám phá Bắc Sơn phải kể đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn). Đến với Làng văn hóa Quỳnh Sơn, du khách sẽ có dịp dạo bước trên con đường làng thơ mộng, tận hưởng không khí thanh bình, tự tay chế biến các món ăn dân tộc và hòa mình vào nếp sống giản dị của người dân địa phương để khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc. Ngoài ra, Bắc Sơn còn có những điểm du lịch thú vị như hồ Tam Hoa, đồn Mỏ Nhài, đèo Tam Canh, đình Nông Lục - Di tích lịch sử quốc gia, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn - nơi bảo quản và trưng bày nhiều hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn lịch sử... Với nhiều di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, ham quan Bắc Sơn hứa hẹn sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn và thú vị.

Danh thắng Đồng Lâm

Danh thắng Đồng Lâm cách trụ sở UBND xã Hữu Liên về phía Bắc khoảng 3km. Nơi đây có diện tích hàng trăm héc ta, với cánh đồng cỏ rộng lớn, thảm thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng. Phần lớn khách du lịch khi đến Hữu Liên ngoài việc tìm hiểu bản sắc văn hóa - đời sống xã hội của địa phương, khám phá các khu rừng nguyên sinh... vẫn thường kết hợp dựng trại nghỉ để thưởng ngoạn phong cảnh.

Ngoài danh thắng Đồng Lâm, xã Hữu Liên còn có các danh lam thắng cảnh khác như: hang Soong Boong, hang Hổng - núi Khuôn Dầy, hang Ông Căm, động hang Dơi, núi Nản 28, cầu Nhội, hang Mỏ Giao Hoành…

Làng văn hóa du lịch sinh thái cộng đồng xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng)

Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn, xã Hữu Liên cách quốc lộ 1A khoảng 30km theo đường tỉnh lộ 243. Nơi đây có nhiều tiềm năng về văn hóa lịch sử truyền thống, hệ sinh thái đặc thù, danh lam thắng cảnh độc đáo, hấp dẫn.

Hữu Liên được núi đá vôi bao bọc xung quanh, ở giữa là rừng núi đất thấp và những thung lũng đồng ruộng. Nơi đây có nhiều loại gỗ, muôn thú quý hiếm, có nhiều loại cây trồng như: lúa, ngô, đậu, lạc… và các loại cây ăn quả khác. Vùng núi đá vôi không chỉ là nơi trú ngụ và nuôi dưỡng nhiều loại động thực vật sinh tồn, mà còn tạo nhiều phong cảnh đẹp kỳ vĩ như: hang Dơi, hang Hổng, hang Soong Boong… Hữu Liên là một trong những địa điểm có nhiều hang động vừa là di tích lịch sử vừa là thắng cảnh của quê hương.

Di tích lịch sử - Văn hóa

Lạng Sơn sở hữu một hệ thống di tích khá phong phú và đa dạng, có giá trị rất lớn về văn hóa, dân tộc, tôn giáo, quân sự… từ thời tiền sơ sử đến cận hiện đại. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có gần 600 di tích, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 27 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 98 điểm di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh và hàng trăm các điểm di tích khác đang tiếp tục được nghiên cứu bảo tồn.

Ải Chi Lăng

Ải Chi Lăng thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, nằm trên quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110km và thành phố Lạng Sơn khoảng 50km. Ải Chi Lăng là một thung lũng hẹp hình bầu dục, xung quanh bốn bề núi cao, có sông Thương chảy qua. Chiều dài của ải gần 20km, nơi rộng nhất khoảng 3km, là yết hầu của đường thông thương từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ải Chi Lăng là nơi diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt của quân dân ta với quân xâm lược phương Bắc. Chi Lăng là một trong những địa danh oai hùng của Việt Nam, địa danh bất diệt trong niềm kiêu hãnh của cả dân tộc về truyền thống đánh giặc giữ nước. Đến thăm Ải Chi Lăng, du khách không những được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, địa thế hiểm trở với chiến lũy hình thang độc đáo mà còn cảm nhận được trí tuệ và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Thành Nhà Mạc

Thành nhà Mạc thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, là di tích lịch sử kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam suốt từ cuối thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 17. Thành là căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía Nam do Mạc Kính Cung xây dựng nhằm chống lại Lê - Trịnh. Dựa vào thế của 3 ngọn núi cao hàng chục mét, trong đó có núi Tô Thị, Lô Cốt, Mạc Kính Cung khi xưa đã cho xây dựng những đoạn tường thành, bao quanh một bãi đất trống bằng phẳng rộng hàng chục nghìn mét vuông. Dấu tích hiện nay của thành gồm 2 đoạn tường khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi. Thành nhà Mạc dựa vào núi nàng Tô Thị, nằm trong quần thể di tích được đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Năm 1962, thành được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia; năm 2010 được đầu tư, tôn tạo đưa vào phục vụ du khách du lịch tham quan. Từ đỉnh núi trên thành nhà Mạc có thể phóng tầm mắt bao quát cả thành phố Lạng Sơn.

An toàn khu Bắc Sơn

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân châu Bắc Sơn đã viết nên trang sử chói lọi trong phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp, với cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn hào hùng vào ngày 27/9/1940. Từ cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn đã tiến tới thành lập Đội Du kích Bắc Sơn và Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (hay còn gọi là Cứu quốc quân I), là đội quân vũ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo, đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã có công lao lớn trong việc nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ trong thời gian hoạt động tại Bắc Sơn. Đồng thời, Bắc Sơn là nơi đặt trạm liên lạc thông suốt giữa Trung ương với Xứ ủy Bắc Kỳ và các địa bàn khác, là nơi cung cấp tài liệu cho công tác huấn luyện cán bộ cách mạng của Đảng.

Ngày 23/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 174/QĐ-TTg về việc công nhận 8 xã An toàn khu (ATK) thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, bao gồm các xã: Vũ  Lễ, Tân Hương, Tân Lập, Vũ Lăng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Hữu Vĩnh, Hưng Vũ. Đến với ATK Bắc Sơn, ngoài việc tham quan tìm hiểu các di tích, giá trị lịch sử truyền thống cách mạng, du khách còn có cơ hội tìm hiểu đời sống của người dân địa phương, khám phá nét văn hóa đặc trưng và chứng kiến cảnh sắc đổi thay trên mảnh đất giàu truyền thống.

Động Tam Thanh - chùa Tam Thanh

Động Tam Thanh

Nằm trong lòng thành phố Lạng Sơn, động Tam Thanh thuộc quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh - núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc, cách ngã 6 Pò Soài khoảng 600m, đi theo đường Tam Thanh. Hang động Tam Thanh nằm trong lòng dãy núi mang hình dáng đàn voi phủ phục trên thảm cỏ xanh. Cửa động ở trên lưng chừng núi nhìn về hướng Đông, cao chừng 8m, có lối lên là 30 bậc đá men theo sườn núi, xung quanh là nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng, tăng thêm vẻ kỳ bí cho nơi này. Bên phải vách động có khắc bài thơ của Ngô Thì Sĩ (vào năm Kỷ Hợi 1777 khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn) ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây. Du lịch động Tam Thanh, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của muôn vàn nhũ đá thiên tạo với đủ dạng hình thù, gợi trí tưởng tượng phong phú cho người xem. Đi sâu vào lòng động còn bắt gặp lối Thông Thiên với ánh sáng hắt qua huyền ảo, hay hồ Cảnh (hồ Âm Ty) có nước trong vắt quanh năm không cạn... Từ động Tam Thanh, có đường dẫn lên lầu Vọng Thị để du khách có thể ngắm nhìn tượng đá nàng Tô Thị bồng con chờ chồng, sau đó tham quan ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày ở Lạng Sơn.

Chùa Tam Thanh

Chùa Tam Thanh xưa kia là nơi thờ tự của Đạo giáo, thờ Tam Thanh (Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh) nên có tên gọi là chùa Tam Thanh. Sau này do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, Đạo giáo mờ nhạt trong tâm thức địa phương, người ta đưa các yếu tố thờ tự của Phật giáo, thờ Thánh vào trong di tích. Hiện nay, chùa trở thành nơi thờ tự của nhiều loại hình tín ngưỡng - tôn giáo với các cung thờ như: cung Tam Bảo, cung Thánh Mẫu, cung Sơn Trang… với một hệ thống tượng thờ khá phong phú. Giá trị nhất về mặt niên đại và mỹ thuật là bức phù điêu A Di Đà có niên đại vào thế kỷ 17 được tạc vào vách đá theo thế đứng trong hình lá bồ đề, nằm phía trên cung Tam Bảo. Qua các tài liệu thư tịch cổ, các nhà nghiên cứu cho rằng chùa Tam Thanh có từ thời Lê. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, hiện nay trong chùa Tam Thanh vẫn lưu giữ được hệ thống văn bia khá phong phú, có giá trị về mặt sử liệu và văn học nghệ thuật do các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở chùa hiện nay là bia “Trùng tu Thanh Thiền động”, được chế tác vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (năm 1677) do Binh sứ Bắc quân đô phủ, Đô đốc Thiêm sự, Vũ quận công Vi Đức Thắng tạo dựng. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ tấm bia bằng chữ Nôm duy nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Tuần phủ Thái Bình là Đào Trọng Vận viết năm 1924.

Bên cạnh giá trị đặc sắc về tín ngưỡng tôn giáo, văn học nghệ thuật, nguồn sử liệu… đến với di tích động Tam Thanh - chùa Tam Thanh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và hòa mình vào không khí Lễ hội chùa Tam Thanh được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng hằng năm với nhiều nghi lễ, tập tục truyền thống đặc sắc của nhân dân xứ Lạng.

Chùa Thành

Chùa Thành là một ngôi chùa cổ, tọa lạc tại đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Chùa được thiết kế theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Không chỉ nổi tiếng về tâm linh, chùa Thành còn được các du khách, phật tử biết đến với hệ thống di tích, nội thất uy nghiêm. Trong chùa có hệ thống tượng pháp rất phong phú, đa dạng, tập trung chủ yếu ở tòa Thượng điện. Toàn bộ hệ thống tượng thờ (gồm 53 pho tượng lớn, nhỏ) của chùa Thành được đúc bằng đồng nguyên khối. Năm 2007, hệ thống tượng thờ này đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam”. Bên cạnh đó, các hoành phi, câu đối trong chùa cũng được chạm khắc tinh xảo. Nhiều bộ được sơn son thếp vàng có tuổi hàng trăm năm. Đặc biệt, trong chùa hiện còn lưu giữ quả chuông nặng 600kg được đúc từ năm Cảnh Trị thứ 9 (1671) dưới triều vua Lê Huyền Tông và tấm bia Diên Khánh tự bia ký (Bài ký bia chùa Diên Khánh) dựng năm 1796 dưới triều vua Cảnh Thịnh. Đây là một ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng ở Lạng Sơn trong suốt nhiều thế kỷ qua. Năm 1993, chùa được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Không chỉ đẹp ở kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, chùa còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động gắn kết giữa đạo với đời.

Đền Bắc Lệ

Đền Bắc Lệ nằm ở thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 80km về phía Nam. Đền Bắc Lệ cổ kính, ẩn trong tán lá của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16 -17, trải qua năm tháng ngôi đền nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét đẹp của kiến trúc và những di vật cổ có giá trị như: 19 bức tượng lớn nhỏ làm từ gỗ mít, những bức hoành phi, câu đối được chạm trổ tinh tế. Đền Bắc Lệ thờ Bà chúa Thượng Ngàn - một trong ba vị thuộc Tam tòa Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam và Chầu Bé, một nhân vật từng sống trong vùng, có thể thay mặt Đức Thánh Mẫu thực hiện và đáp ứng những lời nguyện cầu của người dân. Đền Bắc Lệ là một trong hai ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng linh thiêng ở miền Bắc Việt Nam, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, hành lễ. Lễ hội của đền được tổ chức hằng năm vào ngày 20/9 âm lịch với các hoạt động mang đậm nét văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam.

Đền Kỳ Cùng

Đền Kỳ Cùng (còn có tên là đền Quan Lớn Tuần Tranh) nằm bên tả ngạn sông Kỳ Cùng, thuộc địa phận phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Đền có một vị thế rất đẹp, nằm ở trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố Lạng Sơn. Mặt trước đền quay ra phía bờ sông Kỳ Cùng. Kiến trúc của đền theo kiểu chứ Đinh, mặt tiền quay về hướng Nam. Hiện trong đền còn lưu giữ được một số hiện vật quý gồm: bia trùng tu đền, ghi lại quá trình xây dựng và lịch sử di tích, được tạo dựng vào tháng 2/1931; các hoành phi đại tự có niên đại thời Lê (1783), thời Nguyễn (vua Khải Định - Bảo Đại); nhiều đồ thờ tự như: chuông, đỉnh đồng, tượng thờ… có giá trị về mỹ thuật và niên đại. Với những giá trị văn hóa và tâm linh đặc sắc, đền Kỳ Cùng có một vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Lạng và trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, hấp dẫn du khách thập phương.

Đền Mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng, thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị 4km. Đây là ngôi đền lớn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử, là nơi nhân dân các dân tộc trong tỉnh, du khách trong nước và quốc tế đến để thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tâm linh, nguyện cầu sự che chở của các đấng linh thiêng cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đền Mẫu Đồng Đăng gồm có 5 gian thờ: phía trong cùng là Tam Bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm; gian kế tiếp phía ngoài là Tam tòa Thánh mẫu, nơi thờ Mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải phủ; tiếp theo là gian thờ Sơn Trang gồm Chúa Thượng Ngàn ở giữa, 2 bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín; gian giữa chính điện ngoài cùng thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục; gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai, ngoài ra còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu…

Đến đền Mẫu Đồng Đăng, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ kính và linh thiêng, mà còn được tận hưởng những giây phút thư thái trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ nơi đây.

Lễ hội Lạng Sơn

Tết đến xuân về, cũng là lúc xứ Lạng bắt đầu mùa lễ hội. Các di tích nổi tiếng cùng những lễ hội với nhiều trò chơi, trò diễn, nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ở vùng đất này vẫn được duy trì, gìn giữ và phát huy, khiến xứ Lạng trở thành điểm đến ý nghĩa của du khách.

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

Lễ hội đền Kỳ Cùng là một trong những ngày hội văn hóa đặc sắc của xứ Lạng. Theo truyền thuyết, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) thờ quan Tuần Tranh thuộc nhà Trần, do oan khuất nên ông nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Sau này, Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài được nhà Lê cử lên Lạng Sơn đã minh oan cho cái chết của ông Tuần Tranh. Sau khi ông mất người dân lập đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) để thờ cúng. Cảm kích trước công ơn của ông Thân Công Tài, ngày 22 tháng giêng hằng năm, vào đúng giờ Ngọ người dân địa phương mở hội rước bát hương ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ tạ nghĩa. Hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ đã trở thành điểm hẹn của nhân dân các dân tộc xứ Lạng. Nhân dân nơi đây quan niệm rằng, đầu xuân mới được Thánh ban lộc thì cả năm đó sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và trong công việc làm ăn buôn bán.

Lễ hội chùa Tam Thanh

Lễ hội chùa Tam Thanh diễn ra vào dịp rằm tháng giêng hằng năm, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và khách thập phương, đồng thời duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh công lao to lớn của danh nhân Ngô Thì Sĩ đối với xứ Lạng. Người dân đi hội chùa Tam Thanh đầu năm để vãn cảnh, cầu may mắn, mọi người mạnh khỏe, cầu cho quốc thái dân an…

Mùa xuân về với xứ Lạng, về với Lễ hội chùa Tam Thanh, du khách được hòa mình vào không gian danh thắng, được tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng đầu năm. Trong mùi hương thơm lan tỏa, tiếng chuông chùa thanh tịnh, mỗi du khách như thấy tĩnh lòng hơn và cảm thấy chuyến du xuân trẩy hội thêm ý nghĩa, lại càng thêm yêu mảnh đất biên cương này.

Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng

Hằng năm, vào ngày mùng 10 tháng giêng, tại đền Mẫu diễn ra lễ hội đầu xuân của các dân tộc xứ Lạng. Lễ hội Đồng Đăng trước đây được gọi là hội Lồng tồng (xuống đồng). Trong lễ hội có các trò chơi như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao. Đến với nơi đây, du khách còn được đắm mình trong không gian văn hóa tâm linh, thắp hương cầu mong sức khỏe, cầu tài, cầu một năm phát lộc, cầu cho quốc thái dân an. Lễ hội còn là nơi thắt chặt tình hữu nghị của nhân dân Việt - Trung. Đền Mẫu Đồng Đăng thu hút đông đảo du khách từ cửa khẩu hai nước, du lịch Lạng Sơn bởi vậy cũng phát triển đáng kể.

Làng nghề truyền thống

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có nhiều làng nghề truyền thống. Không chỉ lưu giữ những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc, các làng nghề còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Nghề làm cao khô Vạn Linh

Cao khô Vạn Linh được người dân sản xuất từ nhiều loại gạo ngon, trong đó chủ yếu là gạo bao thai do người dân sở tại làm ra. Sản xuất cao khô là nghề truyền thống của người dân ở đây. Phải mất 2 ngày và nhiều công đoạn mới có thể cho ra những sợi cao khô trắng, dai, thơm và vị ngọt bùi của gạo. Cao khô có thể chế biến thành nhiều món ăn và nhiều cách làm khác nhau. Hiện xã Vạn Linh có hơn 100 hộ sản xuất cao khô, tập trung chủ yếu ở thôn Phố Cũ và Phố Mới. Với sản lượng hơn 1.000 tấn/năm, sản phẩm này được cung cấp đến nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.

Làng nghề rượu Mẫu Sơn

Rượu Mẫu Sơn thơm ngon, trong vắt như nước suối, uống rất dịu, vị đậm đà, không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, mang hương vị đặc trưng, thơm dịu của lá và rễ cây thuốc miền núi xứ Lạng, mà hễ ai đã từng một lần uống thì mãi không thể quên. Thương hiệu rượu Mẫu Sơn đã đoạt giải thưởng “Sao vàng đất Việt” từ năm 2002. Chỉ có nguồn nước Mẫu Sơn, cách chưng cất thủ công hàng nghìn năm và loại men của người dân bản địa nơi đây mới làm nên hương vị thơm nồng, êm dịu của rượu Mẫu Sơn. Trong rượu Mẫu Sơn, không chỉ có tấm lòng, công sức người dân nơi đây, mà còn có độ cao hùng vĩ núi non Mẫu Sơn, có sự tinh khiết của suối, sự ngạt ngào của hương rừng Mẫu Sơn.

Ẩm thực

Lạng Sơn được biết đến không chỉ bởi những địa danh đã đi vào thơ ca như “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa - Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...” mà mảnh đất phía Đông Bắc tổ quốc còn hấp dẫn du khách bởi nhiều món ăn độc đáo, mang hương vị đặc trưng của núi rừng.

Vịt quay Lạng Sơn

Ai đã một lần đến xứ Lạng chắc hẳn không bỏ qua cơ hội thưởng thức hương vị đậm đà của món vịt quay lá mắc mật. Không giống với món vịt quay Thượng Hải, vịt quay Bắc Kinh, vịt quay lá mắc mật Lạng Sơn có hương vị khác biệt nhờ cách thức và nguyên liệu chế biến chỉ người Lạng Sơn mới có thể làm nên.

Lợn quay

Lợn quay mác mật là đặc sản nổi tiếng xứ Lạng. Đây cũng được coi là món ăn truyền thống và mang nhiều nét đặc trưng của Lạng Sơn. Để có món lợn quay thơm ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn lợn. Lợn phải chọn những con có lông mượt, dày, dài và có trọng lượng từ 25 - 40kg. Sau đó là công đoạn chế biến và tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu tẩm ướp chính gồm lá mắc mật tươi, quả mắc mật, đậu phụ và tàu choong. Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con, có màu vàng rộm. Khi ăn sẽ cảm thấy được vị ngọt của thịt, giòn của da lợn, đặc biệt là mùi thơm không thể lẫn vào đâu được của quả và lá mác mật. 

Phở chua

Phở chua là lựa chọn của nhiều du khách khi đến Lạng Sơn vào những ngày hè nắng nóng. Khi ăn, thực khách sẽ tự chan hoặc trộn nước dùng vào tô phở chua để cảm nhận rõ vị ngậy của mỡ vịt và mùi thơm của những gia vị đặc trưng. Không chỉ là một phần ký ức để những người con xa quê nhớ về những đặc sản như vịt quay, phở chua còn được xem như món quà đãi khách của người dân xứ Lạng khiến du khách thưởng thức một lần đều vương vấn mãi không quên. Hãy đến Lạng Sơn để cùng trải nghiệm những hương vị độc đáo của ẩm thực Việt.

Với những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Lạng Sơn mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh bạn; thu hút nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để biến những tiềm năng thành kết quả thực tế. Tin tưởng rằng, Du lịch Lạng Sơn sẽ tạo được sự bứt phá trong những năm tới, góp phần tích cực xây dựng hình ảnh Du lịch Việt Nam hấp dẫn trong con mắt của bạn bè quốc tế.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam