Hà Giang - Điểm hẹn nơi cực Bắc

Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang phía Bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hà Giang có tổng diện tích tự nhiên là 7.929,4834km2, dân số tính đến năm 2015 là 806.702 người. Hà Giang nổi danh với những danh thắng mới nghe tên đã đủ sức hấp dẫn, gọi mời như: Công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Đồng Văn kỳ vĩ; cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc thiêng liêng; Khu di tích nhà Vương một thời vàng son; phố cổ Đồng Văn với kiến trúc nghệ thuật độc đáo; “Đệ nhất hùng quan” Mã Pì Lèng; ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ngút ngàn tầm mắt hay không gian văn hóa đa sắc màu của chợ phiên cùng nhiều di tích lịch sử, cách mạng Căng Bắc Mê, Tiểu khu Trọng Con… Bên cạnh đó, là những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất đa dân tộc gắn với các làng văn hóa du lịch cộng đồng: Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ cấp sắc của người Dao; Tết của người La Chí; chợ tình Khau Vai… thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Thưởng thức những hương vị ẩm thực độc đáo của miền núi cao như món cháo “độc dược” ấu tẩu sẽ khiến du khách nhớ mãi không quên.

Cột cờ Lũng Cú Hà Giang

Danh lam thắng cảnh

Thác Tiên - đèo Gió

Danh thắng thác Tiên - đèo Gió thuộc địa phận thôn Ngam Lâm, xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, cách huyện lỵ Xín Mần khoảng 18km về hướng Đông Nam, cách quốc lộ 178 khoảng 120m. Thác Tiên - đèo Gió nằm trong khu vực rừng nguyên sinh với tổng diện tích tự nhiên 3.497ha. Nơi đây có hệ động thực vật phong phú và đa dạng, về thành phần chủng loài cũng như về số lượng cá thể, có giá trị rất lớn trong công tác nghiên cứu, tìm hiểu của các ngành sinh vật học, địa chất học, khí tượng học. Với những tiềm năng sẵn có mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng, thác Tiên - đèo Gió đã, đang và sẽ là điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Năm 2009, thác Tiên - đèo Gió được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh thắng quốc gia.

Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn

Nằm ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mặt biển, cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích 2.356km2, trải dài qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn là nơi lưu giữ những giá trị địa chất độc đáo, tiêu biểu, ghi lại lịch sử phát triển của địa chất qua hàng triệu năm phát triển. Ngày 3/10/2010, Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn mạng lưới công viên địa chất toàn cầu công nhận là thành viên chính thức của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu (GGN). Với giá trị tiềm ẩn về du lịch cũng như ý nghĩa khoa học, cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang thu hút du khách trong nước và quốc tế, xứng đáng là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam.

Thị trấn Đồng Văn 

Đèo Mã Pì Lèng

Mã Pì Lèng là con đèo ở phía Bắc huyện Mèo Vạc. Tên gọi này xuất phát từ tiếng địa phương, nghĩa là “sống mũi ngựa”. Đèo nằm trên quốc lộ 4C nối hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, có độ dài hơn 7km, độ cao khoảng 1.200m so với mặt biển. Không chỉ được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, Mã Pì Lèng còn là một di tích lịch sử, một danh thắng quốc gia gắn liền với lịch sử mở đường hào hùng của con đường Hạnh Phúc (quốc lộ 4C). Với những giá trị về di sản địa chất, di sản văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử, năm 2009, Mã Pì Lèng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Núi đôi Quản Bạ

Núi đôi Quản Bạ gắn với những truyền thuyết được đồng bào các dân tộc nơi đây lưu truyền về chuyện tình của chàng khổng lồ và nàng tiên. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ sự kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên, mà còn được khám phá truyền thống văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc. Núi đôi Quản Bạ là một trong những điểm nhấn của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, là sự kết tinh nét đẹp của thiên nhiên và kiến tạo địa chất. Với giá trị đó, năm 2009, núi đôi Quản Bạ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có hầu hết ở 25 xã, thị trấn của huyện Hoàng Su Phì, nhưng tập trung chủ yếu ở 6 xã: Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên và Nậm Ty với tổng diện tích gần 760ha. Ruộng bậc thang mang giá trị lịch sử, văn hóa, là kết quả công sức lao động cần cù và sáng tạo kỹ năng canh tác sản xuất nông nghiệp của biết bao thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số, trở thành một kiệt tác do con người tạo nên. Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh, định cư, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ gia đình nơi đây. Bên cạnh những giá trị về vật chất, lịch sử, văn hóa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì còn mang giá trị thẩm mỹ cao và giàu tính nghệ thuật. Năm 2011, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh thắng quốc gia.

Nét đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Di tích lịch sử - Văn hóa

Cột cờ Lũng Cú

Trên bản đồ Việt Nam, Lũng Cú là chóp nón đầy kiêu hãnh, là vùng đất mà bất cứ người Việt nào cũng mong muốn được một lần đặt chân đến. Nơi đây đã trở thành biểu tượng thiêng liêng chủ quyền cực Bắc của Tổ quốc. Cột cờ quốc gia Lũng Cú, thuộc địa phận xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nằm ở độ cao 1468m so với mặt biển, được xây dựng lần đầu tiên vào thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ được làm bằng cây sa mộc. Ngày 8/3/2010, tỉnh Hà Giang tiến hành nâng cấp cải tạo cột cờ to hơn, đẹp hơn, bề thế hơn ngay tại vị trí cột cờ cũ. Ngày 2/9/2010, cột cờ được hoàn thành. Cột cờ quốc gia Lũng Cú có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đồng thời là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Cột cờ được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, phần cột cờ có tổng chiều cao 33,15m, thân cột được thiết kế theo hình bát giác, gắn 8 hình trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh, minh họa các giai đoạn lịch sử của đất nước cũng như con người và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m và lá quốc kỳ Việt Nam với tổng diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em luôn đoàn kết chung sống, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Năm 2009, cột cờ Lũng Cú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và danh thắng quốc gia. Đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay nơi địa đầu tổ quốc, du khách sẽ có những cảm xúc thiêng liêng khó tả. Đây sẽ là một trải nghiệm đặc biệt đối với du khách khi đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc này.

Toàn cảnh khu kiến trúc nghệ thuật nhà Vương

Khu kiến trúc nghệ thuật nhà Vương

Khu kiến trúc nghệ thuật nhà Vương nằm ngay cạnh quốc lộ 4C, thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, cách thành phố Hà Giang 125km và huyện lỵ Đồng Văn 16km, có độ cao 1.400m so với mặt biển. Đây là một dinh thự kiêm pháo đài của dòng họ nhà Vương ở Đồng Văn, có diện tích 1.120m2. Công trình được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20 mô phỏng theo kiến trúc cổ Trung Hoa đời Mãn Thanh, được chạm khắc tinh xảo theo phong cách Hoa Nam. Nhà Vương được xây dựng với mục đích vừa là dinh thự, vừa là pháo đài và là nơi ở, làm việc, tiếp khách của dòng họ nhà Vương. Năm 1993, khu nhà Vương được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Với kiến trúc còn được giữ nguyên vẹn, nhà Vương đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi khám phá vùng đất địa đầu của Tổ quốc.

Phố cổ Đồng Văn

Khu phố cổ Đồng Văn được hình thành và xây dựng từ đầu thế kỷ 20, nằm ở trung tâm huyện lỵ Đồng Văn. Xưa kia Đồng Văn thuộc tổng Đông Quan, châu Bình Nguyên, phủ Tương Yên, sau đó thuộc châu Bảo Lạc do một quan đạo người Tày, họ Nông ở Bảo Lạc cai quản. Khi thực dân Pháp chiếm đóng, chúng tách Đồng Văn ra khỏi Bảo Lạc. Hòa bình lập lại, năm 1962 Đồng Văn tách ra làm 3 huyện: Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc. Năm 2009, phố cổ Đồng Văn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Phố cổ Đồng Văn hiện nay còn 40 nóc nhà cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, nằm cạnh nhau lặng lẽ trong lòng núi. Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy hai dãy phố chạy sâu vào chân núi, còn hai bên là ba dãy chợ xếp hình chữ U, mái lợp ngói âm dương. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức “đêm phố cổ” vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch mỗi tháng. Theo đó, các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ và tổ chức một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống. Đến với phố cổ Đồng Văn, du khách sẽ được tìm hiểu lịch sử, cũng như khám phá những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc sinh sống nơi đây.

Nét cổ kính, ban sơ của phố cổ Đồng Văn, Hà Giang

Lễ hội Hà Giang

Lễ hội hoa tam giác mạch

Lễ hội hoa tam giác mạch được tổ chức vào khoảng thời gian tháng 10 - 11 hằng năm, tại 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú như trưng bày, giới thiệu và thưởng thức các đặc sản từ tam giác mạch. Đồng thời, kết hợp với giao lưu văn hóa, văn nghệ, trưng bày hoa; các cuộc thi, triển lãm ảnh hoa tam giác mạch,… Dù mới nhưng đây sẽ là hoạt động thường niên, gắn với mỗi mùa hoa tam giác mạch trên xứ đá vốn đã được đông đảo du khách biết đến. Tam giác mạch là cây thuộc họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch. Cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác giữ ở giữa là một hạt mạch quý. Hoa tam giác mạch mỏng manh nhưng lại sở hữu vẻ đẹp miên man hoang dại, là nguồn cảm hứng bất tận của giới nhiếp ảnh.

Tam giác mạch - Loài hoa trên cao nguyên đá

Chợ tình Khau Vai

Chợ tình Khau Vai còn gọi là “chợ Phong Lưu”, được họp trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc. Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 (âm lịch). Đây là nơi để người ta tìm thấy nhau sau một năm, cũng có thể là nhiều năm xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không đến được với nhau. Chợ bắt nguồn từ một câu chuyện tình lãng mạn mang đầy tính nhân văn của chàng trai người Nùng và cô gái người Giáy. Họ yêu nhau nhưng vì những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, những tập tục lạc hậu nên không lấy được nhau. Thương cha mẹ, họ hàng, không muốn thù hận giữa hai gia đình, dòng tộc... nên hai người đã gạt nước mắt, chia tay nhau. Họ hẹn nhau kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hằng năm cứ đúng ngày chia tay sẽ tìm về gặp lại nhau tại núi Khau Vai... Ngày họ chia tay là ngày 27/3 (âm lịch). Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng chợ tình Khau Vai vẫn duy trì và tồn tại với đủ đầy sức hấp dẫn và trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc Tổ quốc.

Ẩm thực

Chè shan tuyết

Ở Hà Giang, chè shan tuyết phân bố hầu khắp các huyện trong đó các vùng chè cổ thụ đều có độ cao từ 300 - 1.000m. Cho đến nay, một số vùng trong tỉnh có tính đặc trưng cao cho các tiểu vùng khí hậu, có chè shan như: Lũng Phìn - Đồng Văn đại diện cho vùng cao núi đá vôi; Phìn Hồ - Hoàng Su Phì đại diện cho vùng cao núi đất; Tham Vè, Bó Đướt - Vị Xuyên đại diện cho vùng chè cổ nhất Việt Nam. Đây cũng chính là những địa phương có sản phẩm chè shan tuyết thơm ngon nổi tiếng giúp giải nhiệt, tiêu hóa, giảm mỡ trong máu phòng, chống ung thư và loại bỏ được một số chất độc nhẹ, giúp kéo dài tuổi thọ…

Cam sành

Từ lâu cam sành đã trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi đến đất Hà Giang, tiếp đến mới là chè. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng núi cao, cam Hà Giang mang hương vị riêng biệt. Đây cũng là loại cam tiến vua ngày xưa. Cam sành Hà Giang thường cho hoa từ tháng 1, 2 âm lịch và thu hoạch từ tháng 11, 12 âm lịch đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Cam sành Hà Giang nổi tiếng khắp vùng và hiện đã có thương hiệu, đây là món quà được nhiều du khách tìm mua khi đến với cao nguyên đá.

Cam sành - đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hà Giang

Thắng cố

Thắng cố là đặc sản, là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở các huyện vùng cao Hà Giang và nhiều vùng ở miền núi phía Bắc. Đây là món ăn mang tính chất cộng đồng rõ rệt của đồng bào vùng cao. Trước đây, dân tộc Mông chỉ chế biến món thắng cố từ thịt ngựa và chỉ bằng thịt ngựa mới ngon. Ngày nay, thắng cố còn được chế biến bằng thịt của các con vật như trâu, bò, dê. Thắng cố không chỉ là món ăn ngon, thể hiện sự khéo léo và sành ăn, mà còn là nét đẹp văn hóa của đồng bào. Nếu người miền xuôi tự hào vì có phở thì người miền miền núi cũng tự hào vì có thắng cố. Thời tiết càng lạnh thì ăn thắng cố càng ngon.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam