Yên Bái - Những trải nghiệm khó quên

“Sông Hồng sóng cuộn phù sa/ Chảy xuôi Yên Bái chia ra hai bờ/ Mường Lò đẹp đến sững sờ/ Khiến hồn lữ khách thẫn thờ miên man”

Cảnh đẹp thẫn thờ cánh đồng Mường Lò - Yên Bái

Nằm ở cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, Yên Bái là tỉnh miền núi, có vị trí phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Địa hình có độ dốc lớn, cao dần từ đông sang tây, từ Nam lên Bắc, độ cao trung bình 600m so với mặt biển đã mang đến cảnh quan đặc sắc cho Yên Bái. Cùng với thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, Yên Bái còn được biết đến là vùng đất có nền văn hóa đặc sắc của 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Đây là những tiềm năng quan trọng để Yên Bái phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

Danh lam thắng cảnh

Yên Bái được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh. Điển hình là danh thắng hồ Thác Bà nằm ở phía Đông Nam - được ví như Hạ Long trên núi; phía Tây Bắc có vùng lòng chảo Mường Lò với suối nước nóng bản Cò Cọi, bản Hốc và những điệu xòe làm say đắm lòng người; lên cao hơn nữa là Mù Cang Chải với núi non hùng vĩ và những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại bám theo sườn núi.

Thiên đường ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Mù Cang Chải là huyện vùng cao nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, giáp thị xã Nghĩa Lộ, Mường La và Than Uyên của Lai Châu. Mù Cang Chải rất nổi tiếng với  “đặc sản” ruộng bậc thang. Ruộng xếp tầng xếp lớp, trải dài theo đường quốc lộ, ruộng len lỏi bên những cánh rừng thông, ruộng vàng rực rỡ mùa lúa chín, xanh mướt mùa lúa non từ chân lên đến đỉnh. Với hơn 700ha ruộng trong đó 50% tập trung ở 3 xã là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Su Phình trải dài suốt đoạn đường từ đèo Khau Phạ về đến trung tâm thị trấn, ruộng bậc thang Mù Cang Chải khiến du khách say mê bởi màu vàng óng của những dãy núi trồng toàn lúa. Ruộng bậc thang là một di sản văn hóa hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa - xã hội, kinh tế, du lịch của người vùng cao Yên Bái. Chính vì vậy, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những danh thắng độc đáo bậc nhất của đất nước Việt Nam và cấp bằng xếp hạng Di tích quốc gia vào ngày 18/10/2007. 

Mênh mông hồ Thác Bà, Yên Bái

Hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà thuộc 2 huyện Lục Yên và Yên Bình. Đây là một trong 3 hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam, được hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà. Hồ Thác Bà với vẻ đẹp nguyên sơ, phong cảnh hữu tình quyến rũ luôn là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc của mỗi du khách. Hồ có diện tích 23.400ha, trong đó diện tích mặt nước là 19.050ha và chiều dài 80km, chiều rộng lớn nhất 30km với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Nước hồ trong xanh, in bóng những vạt rừng quanh hồ. Khám phá Thác Bà, du khách còn được chiêm ngưỡng hệ thống các hang động nằm sâu trong dãy núi đá vôi quanh hồ như: động Thuỷ Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, thác Bà, thác Ông... Nổi bật nhất là động Thủy Tiên, nằm sâu trong lòng núi khoảng 100m với những nhũ đá muôn hình vạn trạng trong đó có hình chín nàng tiên mỗi người một vẻ gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ hấp dẫn. Leo lên đỉnh động, du khách có thể ngắm dòng sông Chảy lượn lờ như dải lụa mềm, uốn quanh triền núi. Xa xa là những bản làng trù phú với nương ruộng tốt tươi, những nếp nhà sàn của cư dân vùng thượng. Cuối chiều, phóng tầm mắt ra xa du khách bắt gặp những cánh cò trắng nhẹ nhàng chao lượn trước cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên mặt hồ lóng lánh sóng nước. Du khách hãy dành một đêm nghỉ lại Thác Bà, để cùng trải nghiệm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc ven hồ và say lòng cùng những làn điệu dân ca, những điệu múa uyển chuyển.

Suối Giàng

Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái trên độ cao 1.371m so với mặt biển, nằm sâu trên dãy núi Fansipan hùng vĩ. Suối Giàng được ví như “Sa Pa của Yên Bái” với khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ. Đây là quê hương của loại chè Shan cổ thụ với hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đến đây, du khách có thể lên những cây chè cổ thụ trên trăm tuổi, hái những búp chè xanh non cùng thiếu nữ Mông mến khách, hay đi dạo dưới rừng Pơmu hoặc phiêu du cùng thác Tập Lang rì rầm nước chảy. Sẽ đặc biệt hơn nếu lên với Suối Giàng vào mùa xuân, bạn sẽ được tham gia vào các lễ hội đặc biệt của người Mông cùng tham gia thổi khèn hòa mình vào lễ cúng cây chè tổ, sao chè...

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu thuộc huyện Văn Yên được biết đến là nơi lưu giữ hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng. Đây cũng được coi là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên, ưa thích sự mạo hiểm và muốn tìm hiểu, khám phá nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở xã Nà Hẩu. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình, Nà Hẩu còn là nơi hội tụ sắc màu văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông. Đến Nà Hẩu, du khách sẽ được hòa mình trong Lễ hội Tết rừng, múa khèn, múa gậy tiền của đồng bào Mông; được thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc được chế biến bởi bàn tay khéo léo của những người Mông bình dị và mến khách.

Di tích lịch sử - Văn hóa

Là mảnh đất quần tụ, sinh sống của 30 dân tộc anh em, Yên Bái có nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân. Hiện nay, Yên Bái có 86 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 746 di sản phi vật thể và 574 di sản vật thể. Những di tích tiêu biểu có giá trị phát triển du lịch bao gồm: Khu di tích lịch sử lăng mộ Nguyễn Thái Học, quần thể di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại, Khu di tích Căng - đồn Nghĩa Lộ, đền Đông Cuông…

Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ

Khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ là nơi đánh dấu trận đánh oanh liệt (năm 1952 giải phóng Nghĩa Lộ). Hiện nay, khi đến với Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ du khách sẽ thấy được một khung cảnh trang nghiêm với bức tượng đài của các anh hùng trong thế hiên ngang, với ngôi mộ tập thể chôn cất các chiến sĩ bị thực dân pháp sát hại, bia đá ghi danh các anh hùng đã tham gia vào cuộc chiến giành lại sự tự do và bình yên cho người dân Nghĩa Lộ… Mặc dù dấu tích để lại không còn nhiều nhưng du khách vẫn có thể cảm nhận được những hy sinh mất mát, những con người quả cảm đã ngã xuống vì một đất nước độc lập tự do, vì một mảnh đất giàu bản sắc văn hóa.

Di tích căng và đồn Nghĩa Lộ Yên Bái

Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học

Đây là nơi an nghỉ của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Khu di tích mang đậm màu sắc lịch sử - văn hóa với tổng diện tích 10.391m bao gồm các khu: nhà đón khách, khuôn viên cây cảnh, khu tượng đài, bia tưởng niệm và khu lăng mộ. Khu di tích đã từng vinh dự đón nhiều vị lãnh đạo đến tham quan và trồng cây lưu niệm.

Đền Đông Cuông

Đền Đông Cuông nằm ở huyện Văn Yên, cách thành phố Yên Bái khoảng 50km. Đền còn có tên gọi là đền thờ thần Vệ quốc vì bên cạnh việc thờ Mẫu Thượng Ngàn, đền còn thờ các vị có công với nước chống giặc Nguyên - Mông (thế kỷ 13). Sau nhiều năm tôn tạo, tu bổ, đền Đông Cuông tọa lạc khang trang trên nền cũ. Mặt đền quay về hướng Nam, địa thế tựa vào hình sông thế núi với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Con đường dốc độc đạo chạy từ phía Đông lên đền uốn mình quanh co mềm như dải lụa vắt ngang lưng chừng núi khiến khung cảnh càng thêm thâm nghiêm, tĩnh mịch. Với tín ngưỡng thờ mẫu và các anh hùng có công với đất nước, đền Đông Cuông mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa sâu sắc. Đây là di tích lịch sử văn hóa lâu đời, điểm du lịch văn hóa, sinh thái lý tưởng dành cho du khách trong chuyến hành hương về nguồn.

Lễ hội Yên Bái

Yên Bái là miền đất giàu truyền thống văn hóa, được coi là xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hóa khá riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội nào cũng chứa đựng một ý nghĩa riêng, đặc biệt là tôn vinh các vị thần linh, những người có công với bản, với quê hương, đất nước, với tổ tiên, góp phần bồi đắp và phát triển ý thức cộng đồng của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Độc đáo lễ hội xòe Mường Lò, Yên Bái

Lễ hội Hạn Khuống của người Thái

Hạn Khuống là một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò. Lễ hội đã có từ lâu đời và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo tiếng Thái, “Hạn” có nghĩa là tre, nứa và “Khuống” là sân, đất trong bản. Hạn Khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời. “Hạn Khuống” còn gọi là sàn hoa, là sân chơi dành riêng cho nam thanh, nữ tú chưa lập gia đình.  Tham dự Lễ hội Hạn Khuống, du khách sẽ được giới thiệu  những trò chơi dân gian đặc sắc của người Thái đen ở vùng đất Nghĩa Lộ - Mường Lò như: ném còn, đánh quay, tó mắc lẹ... hay những điệu xòe mê đắm lòng người.

Nghi lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ

Lễ Cấp sắc tên gọi theo tiếng dao là “Lập tịch” là một nghi lễ mang tính chất truyền thống của cộng đồng người Dao. Trải qua bao thế kỷ và những thăng trầm của lịch sử, Lễ cấp sắc vẫn tồn tại trong cộng đồng người Dao như một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào. Bất kỳ người đàn ông Dao nào từ khi sinh ra đều mong muốn được làm Lễ cấp sắc, được cấp sắc và cấp sắc bậc cao. Bởi vì sau khi được cấp sắc mới có đủ điều kiện làm lễ cúng bái và giao tiếp với thần linh.

Lễ hội Gầu Tào

Gầu Tào là lễ hội quan trọng của người Mông. Lễ hội mở ra nhằm mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh. Một gia chủ nào đó không có con, thưa con hoặc sinh con một bề, sẽ làm lễ nhờ thày cúng bói xin cho mở hội Gầu Tào nhằm cầu mong có con - đó là hội cầu phúc. Một gia chủ khác bị ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm chí có con bị chết, mùa màng, vật nuôi lụi dần, cũng nhờ thầy cúng bói xin mở hội Gầu Tào - đó là hội cầu mệnh. Thời gian mở hội thường trong khoảng từ ngày mồng một đến ngày 15 tháng giêng. Sau phần cúng khai hội của thầy cúng, mọi người cùng tham gia các cuộc thi như: bắn thi cung nỏ, chọi quay, múa khèn, hát gầu plềnh… thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Làng nghề truyền thống

Làng nghề dệt thổ cẩm Nghĩa Lộ

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, các làng nghề dệt truyền thống ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) lại rộn ràng trong tiếng thoi đưa, tiếng khung cửi dệt vải. Những cô gái Thái trổ tài thêu dệt, thể hiện sự khéo léo dệt nên những tấm thổ cẩm với sắc màu, hoa văn tinh tế. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có hơn 1.000 hộ dệt thổ cẩm và đã hình thành các làng nghề dệt truyền thống thu hút khách du lịch. Các hộ đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm từ đường dệt đến tạo hình các hoa văn trên khuôn vải như hình quả trám, hình hoa ban, hoa chanh... là những hình ảnh tượng trưng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái ở Nghĩa Lộ

Làng nghề sản xuất miến đao Giới Phiên

Làng nghề sản xuất miến đao Ngòi Đong, thôn 6, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) có từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Tháng 9/2012, làng Ngòi Đong được đón bằng công nhận làng nghề sản xuất miến đao cấp tỉnh là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển và trưởng thành của nghề sản xuất miến đao Ngòi Đong nói riêng và xã Giới Phiên nói chung, mở ra một hướng đi phát triển mới phù hợp với tình hình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

Làng nghề tranh đá quý Lục Yên

Những năm 1989 - 1990 của thế kỷ trước, vùng đất ngọc Lục Yên (Yên Bái) từng là thủ phủ của dân tứ xứ về khai thác đá quý. Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, kết hợp với trí tưởng tượng phong phú, họ đã biến những viên đá vô tri vô giác trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Hiện nay, Lục Yên có gần 50 cơ sở sản xuất tranh đá, tập trung chủ yếu ở thị trấn Yên Thế. Nguyên liệu làm tranh đá phần lớn là đá ruby “mắt tôm” tự nhiên, có màu sắc đẹp, được nhiều khách hàng ưa thích.

Ẩm thực

Trải qua thời gian sinh sống, lao động, đồng bào các dân tộc vùng cao Yên Bái đã hình thành tập quán, phong tục ăn uống mang bản sắc riêng. Từ đôi bàn tay khéo léo cùng với cách chế biến giàu kinh nghiệm, phù hợp với khẩu vị, những nguyên liệu quen thuộc đã trở thành những món ăn mang hương vị núi rừng, hấp dẫn và ấn tượng đối với thực khách: xôi ngũ sắc, măng rừng, thịt trâu sấy…

Cốm Tú Lệ

Tú Lệ vào ngày mùa, cả thung lũng ngập tràn hương thơm của lúa, của đất. Cốm nơi đây được chọn nhặt từ lúa nếp không non quá mà cũng không già quá, qua quá trình gặt, tuốt, sàng sẩy, giã… cho ra từng hạt cốm nõn nà. Cốm Tú Lệ đã được nhiều thực khách xa gần ưa chuộng, trở thành món quà quê để mọi người gửi biếu bạn bè, người thân.

Xôi ngũ sắc - Món ăn tinh thần không thể thiếu của người Thái trong những dịp lễ hội

Xôi ngũ sắc

Vào mỗi dịp lễ tết, hội hè, đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc thường làm mâm xôi ngũ sắc, vừa để cúng tổ tiên, vừa để đãi khách. Xôi được làm từ gạo nếp
Tú Lệ, gạo ngâm với nước lá các loại cây có màu sắc từ tự nhiên: màu xanh của lá dứa, màu đỏ, màu tím từ lá cơm đỏ cơm tím, màu vàng từ nghệ. Những ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo quánh, béo ngậy do chính tay người Thái làm chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này.

Thịt trâu sấy gác bếp

Đây là món ăn nổi tiếng của người Thái Đen được làm từ thịt trâu tươi. Người ta chọn những bắp thịt ngon nhất đem ướp với sả, gừng, tỏi, ớt, hạt sẻn giã nhỏ (loại hạt chỉ có ở vùng Tây Bắc), trộn đều sau đó sấy trên than củi cho thịt chín từ từ, chín đều. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ được mùi vị đặc trưng và có thể dự trữ được trong thời gian dài. Người Thái Đen nói riêng và người Yên Bái nói chung thường đem món ăn đặc sản này ra mời khách. Mọi người cùng ngồi quây bên mâm cơm, nhâm nhi chén rượu và lai rai vài miếng thịt trâu đó là một trải nghiệm thú vị.

Thịt trâu sấy gác bếp của người Thái ở Yên Bái

Với những tiềm năng thiên nhiên, vốn văn hóa tộc người đặc sắc, chắc chắn trong một thời gian không xa, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, Yên Bái sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam